Mang tâm thế của một người hướng nội, Chinh Lê đắm chìm vào sự chiêm nghiệm những triết lý của đạo Phật và dần dà, cô cảm nhận được nguồn năng lượng huyền bí ẩn chứa qua những buổi thiền. Sự thu nhận từ cõi tâm linh ấy tạo nên nguồn xúc cảm và được Chinh Lê trân trọng, biến giải qua những ngôn ngữ nghệ thuật khác.
Trong “Xúc cảm” (đang diễn ra tại Art Vietnam Gallery – 7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội, đến ngày 5.12), dễ thấy Chinh Lê đã cố gắng chắt chiu những cảm nhận của mình trong hành trình tìm hiểu về Phật giáo, tìm đến với thiền luận, với thơ thiền, để rồi “trong khu vườn nghệ thuật ấy, thế giới tinh thần trong tôi rộng mở. Những ngày không vẽ được, tôi viết; không nói được, tôi vẽ…”, Chinh Lê đến với thiền hoạ.
“Xúc cảm” chan hoà ý thơ, quyện với hình tượng tạo hình. Trong một chủ đề bao trùm về thiền, dĩ nhiên các nhân vật chính đều là thiền sư. Chinh Lê đã nắm bắt và thể hiện được cái thần thái của các vị thiền sư ở nhiều tâm trạng khác nhau, qua 2 mảng chất liệu: Tượng đồng, tranh lụa. Chinh Lê tâm sự: “38 ngày liên tục – cứ thế mỗi ngày một vị thiền sư – hiện ra – thật bất ngờ. Tôi lại đưa họ lên lụa trong những khoảng trống hư vô… trò chuyện với họ…”.
Nhưng thoạt tiên, Chinh Lê đã nặn các bức tượng thạch cao làm mẫu hình tượng, sau đó mới đúc thành tượng đồng và chuyển hoá hình tượng đó lên mặt tranh lụa. Sự đồng hành của các ngôn ngữ nghệ thuật mang những vẻ tương phản – giữa sự mịn mát của thạch cao; thô nhám và mạnh mẽ của đồng và mềm mại của lụa – đã tạo nên nét phong phú, độc đáo khi ta ngắm các tác phẩm đặt bên nhau.
Có thể thấy, Chinh Lê đã thừa hưởng được tài hoa từ người cha – một nhà điêu khắc tài năng của mỹ thuật VN – sáng tạo nên những tác phẩm rất nên thơ, nhuần nhị tính đời và ý tưởng Phật giáo và gây không ít bất ngờ với người thưởng ngoạn cái đẹp.