Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, trong bầu không khí trang nghiêm và tắhm tình đạo vị, trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, tất cả tấm lòng và trái tim của người con Phật trong và ngoài nước cùng hướng về Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) đang được diễn ra trang nghiêm và trọng thể.
Trước hết và trên hết, thay mặt cho toàn thể Tăng Ni trẻ tỉnh Lâm Đồng, chúng con xin thành tâm chào mừng và xin cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho Đại hội thành công tốt đẹp.
Kính thưa Đại hội,
Là những Tăng Ni trẻ được sinh ra và lớn lên trong một nền giáo dục Phật giáo vốn đã thậm thâm vi diệu, lại còn được tiếp cận với thời đại khoa học tiên tiến đang phát triển vượt bậc, thế giới đang xích lại gần nhau. Chúng con vô cùng hạnh phúc nhưng cũng đồng thời vô cùng ưu tư, thao thức trước những gì đang xảy ra trước mắt chúng con.
Con đường tu học của thế hệ Tăng Ni trẻ chúng con ngày nay có thể nói là thuận tiện hơn rất nhiều so với nhiều thế hệ của cha ông, khi mà bản thân mình được tiếp xúc với một thời đại mà Phật giáo phát triển trên nhiều phương diện, đã trở thành một lối sống của một phần đông nhân loại.
Gần đây, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về Phật giáo đã được tổ chức, diễn ra mang nhiều tầm vóc khác nhau từ quốc gia cho đến quốc tế, như: “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại”, “Phật giáo thời đại mới cơ hội và thách thức” v.v… không ngoài mục đích tìm ra cho Phật giáo một hướng đi mới, một cách thể nhập hài hòa vào cuộc sống hiện nay mà vẫn không đánh mất bản chất của mình đúng như tinh thần bất biến để tùy duyên mà Phật giáo từng thể hiện.
Tăng Ni trẻ hiện nay được đào tạo bài bản trong các trường lớp, từ thấp đến cao, từ Sơ cấp, Trung cấp lên đến Đại hội. Số lượng Tăng Ni đã đạt được các bằng cấp, học vị Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học khá đông. Bên cạnh đó, sự đòi hỏi cập nhật thế học cũng là điều vô cùng quan trọng và mật thiết. Bởi vì, muốn đưa Phật giáo lên ngang tầm với thời đại như tự thân Phật giáo vốn có để xiển dương chân lý, truyền bá Chánh pháp, lợi lạc nhân thiên thì ngoài việc tích lũy, đào sâu và phải thâm nhập nền tảng Phật giáo, thế hệ Tăng Ni trẻ cũng cần phải học thêm văn hóa ngoài đời, để luôn luôn đi sát với thực tế xã hội. Nhất là trong một thời đại mà khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay. Có như vậy mới đủ trình độ kiến thức, để dễ dàng đem đạo vào đời, hòa nhập với thế gian trong tinh thần “Tùy duyên nhi bất biến”.
Nhưng, điều mà Tăng Ni trẻ cần lưu tâm là phải tinh thông, củng cố một nền tảng Phật học cho thâm hậu trước đã. Vì một tu sĩ chỉ chăm học Phật mà không hiểu Tứ Nhiếp pháp và Ngũ minh, cụ thể là hiểu biết các nền tư tưởng, văn hóa, triết học, xã hội học và công nghệ thông tin thời đại, thì chỉ là kẻ nô lệ mà thôi. Còn như hiểu biết quá nhiều về thế học mà không tập trung phần Phật học, không ứng dụng Phật học vào cuộc sống hàng ngày của thế nhân, vì thiếu áp dụng Phật pháp vào tự thân thì khác nào cây không gốc rễ, thiếu nhựa sống, dễ dàng làm kẻ vong thân nô lệ, chỉ biết cúi lòn, làm tay sai cho vô minh, dục vọng và khát ái mà thôi. Vì trong đạo Phật, nói học tức là tu, nói tu tức là học, chứ không phải học xong mới tu. Bởi thật ra, bằng cấp hay học vị của người tu chỉ là phương tiện thiện xảo chứ không phải là mục đích cứu cánh.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa Quý Liệt vị,
Như ai nấy điều biết rằng, một con chim cần có đôi cánh để bay, nếu nó chỉ có một cánh, nó phải ở rmãi trên mặt đất và chẳng bao giờ có thể hưởng được niềm vui bay bổng lên cao. Cũng thế, người tu sĩ trẻ cũng cần có đôi cánh giáo dục: Một cánh là Phật học và chiếc cánh còn lại là thế học. Nếu thiếu một trong hai chiếc cánh này, chúng ta không thể nào làm tròn sứ mạng của một người tu sĩ trẻ trong thời đại mới.
Học phong và đạo phong là một thực thể thống nhất không bao giờ rời nhau. Tăng Ni là những người đã tự nguyện từ bỏ đời sống thế tục để xuất gia học đạo giải thoát. Ra khỏi nhà thế tục là phải khác tục, khác từ cách ăn mặc, từ cách nói năng cho đến đi đứng nằm ngồi. Bởi vì có khác tục thì mới phát túc siêu phương.
Phật giáo ra đời là để cứu khổ độ sanh. Từ trong hiện thực khổ đau, từ cái học tùy thuận thế gian để dẫn dắt thế gian ra khỏi nhà lửa. Điều siêu việt là từ cái học gắn bó mật thiết với thế gian này trong tinh thần Tứ Nhiếp pháp, Đức Phật đã chỉ ra con đường cứu cánh, vượt thoát khổ đau, vượt lên trên mọi nền giáo dục từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Đó chính là nền tảng giáo dục Tam Vô lậu học: Giới học, Định học và Tuệ học. Cái học siêu phàm vượt thành, học để làm Phật.
Thế hệ Tăng Ni trẻ được đào tạo để trở thành những con người mẫu mực, những vị Bồ tát hành bồ tát đạo, để luôn sẵn sàng giúp người và cứu đời, chứ không nhằm mục đích đào tạo ra những Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Bởi nếu không như vậy là đi ngược lại với quá trình hảo tâm xuất gia, chạy theo bằng cấp lợi dưỡng, bỏ cứu cánh mà quay về với phương tiện.
Hiện nay có thể nói trong hàng ngũ Tăng Ni trẻ tuổi, bằng cấp học vị Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ rất nhiều, nhưng song song với những bằng cấp ấy, những tha hóa, những tệ nạn của xã hội đã bắt đầu thâm nhập và có ảnh hưởng trong giới Tăng Ni trẻ không phải là ít. Khoa học, vật chất không làm cho cuộc sống đạo hạnh tăng trưởng mà ngược lại đã sản sinh ra một tầng lớp không nhỏ những người chỉ biết hưởng thụ, tìm cầu những nhu yếu tầm thường, xa rời bản hoài, chí nguyện sơ tâm xuất gia ban đầu. Hạt giống Bồ đề không được nuôi dưỡng và tưới tẩm, để rồi những hạt giống ấy không những không lớn mạnh mà ngày càng bị thui chột, chết đi hoặc phát triển dị dạng, sai lệch hoàn toàn với bản chất sơ tâm tốt đẹp ban đầu.
Đứng trước thực trang báo động ấy, lời nhận xét của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Đệ nhất Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật GHPGVN trước đây là càng đáng suy gẫm: “Lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam có lúc rất bi thảm, đó là khi bản thể của Tăng Ni bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hóa và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện”. Thì ra, Phật giáo suy thoái không phải do ma quân đánh phá, vì ma quân nào đánh phá cho nổi, mà do chính những ung nhọt nội tại phá hủy, làm suy yếu sức mạnh tinh thần của Phật giáo. Đó là một nỗi đau mà Tăng Ni trẻ cần suy gẫm một cách sâu sắc.
Kính thưa Quý Liệt vị,
Là những Tăng Ni trẻ trong thời hiện đại, chúng con vô cùng ưu tư và thao thức trước tiền đồ Phật giáo, chúng con tự hỏi mình phải sống như thế nào, làm như thế nào để xứng đáng là những người Trưởng tử Như Lai, hầu có thể sau này đứng ra gánh vác sứ mạng “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” mà chư Phật, chư Tổ và chư Tôn đức đã dày công tạo dựng, đang tin tưởng và sẽ trao vào tay chúng con sau này.
Thế hệ Tăng Ni trẻ cần phải tự vấn lương tâm, xem chúng ta có giới hạnh hay không, có hiểu đúng đạo pháp hay không, có phân hóa hay không, và chúng ta cần phải làm gì để góp phần xây dựng, củng cố Phật giáo, hoằng dương chánh pháp, phục vụ dân tộc và nhân loại theo đúng tinh thần Phật giáo.
Hơn lúc nào hết, lời dạy của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN lại càng thâm thiết và trở thành kim chỉ nam cho thế hệ Tăng Ni trẻ trong mọi luc mọi thời: “Làm ông thầy tu phải hội đủ ba yếu tố, đó lành Chánh kiến, Tịnh giới và Oai nghi. Chánh kiến nghĩa là đối với Tam bảo thì phải có một niềm tin vững chắc, một sự hiểu biết sâu rộng, vững chắc không có gì lay chuyển nổi, tuyệt đối tin vào luật Nhân quả. Làm tu sĩ mà thiếu Chánh kiến thì chỉ có hình thức chứ không có nội dung; Tịnh giới tất nhiên phải giữ tùy vào cấp độ giới pháp đã thọ nhận mà giữ cho thanh tịnh. Có Chánh kiến và Tịnh giới nhưng không có Oai nghi, oai nghi không nghiêm túc thì không ra người thầy tu. Có đủ những yếu tố đó thì mọi hành động đều tự lợi lợi tha. Còn không thì chỉ hại mình, hại người mà thôi. Các con nên nhớ rằng, người học toàn thì làn toán, người học văn thì làm văn. Vậy chúng ta là tu sĩ, chúng ta phải học Phật để được làm Phật”. Lời dạy này thế hệ Tăng Ni trẻ chúng con xin luôn hằng tâm niệm và khắc cốt ghi tâm.
Thế hệ Tăng Ni trẻ cần phải xác định vị trí mà thế hệ chúng ta đang sống là tùy thuộc vào những phát triển về mặt khoa học, kỹ thuật hiện tại. Trong thời đại này, khoa học kỹ thuật phát triển một cách nhanh chóng, kèm theo nó là vô số thông tin mà nếu chúng ta không có tuệ giác, tri kiến thì không thể nào chọn lọc và hấp thu tốt được. Chúng ta cần phải trang bị cho mình một Tuệ giác, Chánh kiến vững chãi để xử lý và sàn lọc những thông tin, phù hợp với cuộc sống. Thiền môn trong thời hiện đại phù hợp với tinh thần Phật giáo cũng như đạo lý dân tộc.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa Quý Liệt vị,
Đã hơn hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã hòa nhịp cùng với dân tộc, chia ngọt xẻ bùi những hạnh phúc cũng như đau khổ cùng với dân tộc.
“Trang sử Việt. Đồng thời là trang sự Phật
Trải mấy độ hưng suy. Có nguy mà chẳng mất”
Trong xu thế tất yếu, Phật giáo Việt Nam, đất nước và dân tộc Việt Nam giao lưu và hòa nhập với cộng đồng thế giới, những người Tăng Ni trẻ chúng con luôn ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của mình, cố gắng làm tròn bổn phận của một người con Phật là phục hưng Phật giáo qua con đường tu học, thực hành đúng tinh thần Phật giáo, đem sinh lực và cốt tủy của Phật giáo hoằng truyền sâu rộng, đó cũng chính là phục vụ Đạo pháp và Dân tộc một cách hiệu quả nhất, là sứ mạng chính yếu và trọng đại của mọi người con Phật Việt Nam.
Dù trong những hoàn cảnh và trường hợp có khó khăn như thế nào đi chăng nữa, thì tinh thần “Tuỳ duyên bất biến”, “Hoằng pháo vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” vẫn là phương châm của thế hệ Tăng Ni trẻ để phụng sự Đạo pháp và Dân tộc theo đúng tinh thần lời dạy của Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ – Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN: “Những gì mà người Phật tử làm cho Dân tộc cũng là làm cho Đạo pháp. Và những gì người Phật tử làm cho Đạo pháp cũng là làm cho Dân tộc”. Đó cũng là mục đích mà Phật giáo ngày nay đang hướng đến là: “Đạo pháp – Dân tộc và thời đại”.
Giờ đây, Tăng Ni trẻ chúng con xin thành kính tri ân Giáo hội, chư Tôn Thiền đức đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ chúng con. Chúng con xin nguyên sẽ tu học tinh tấn, nỗ lực hết mình để không phụ với niềm tin tưởng và sự kỳ vọng của chư Liệt vị.
Sau cùng, thay mặt cho Tăng Ni trẻ tỉnh Lâm Đồng, chúng con xin thành kính đê đầu đảnh lễ tri ân và kính chúc chư Tôn Thiền đức Tăng Ni cát tường như ý, tuệ đăng thường chiếu để mãi là bóng cây che mát và hướng dẫn chúng con trên bước đường tu thân học đạo.
Kính chúc Đại hội thành công viên mãn.
Xin trân trọng kính chào và cảm ơn toàn thể Quý Liệt vị.
Nam Mô Hoan Hỷ tạng Bồ tát Ma ha tát.
(*) Tham luận của Tăng Ni trẻ tỉnh Lâm Đồng tại Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI