Làng vào đám từ hôm mùng bốn. Hai lá cờ hội bằng cả vuông vải lớn màu xanh, vàng, đỏ, trắng đề chữ Thiên treo ở trước cửa đình bay rập rình, lúa xanh mượt ngoài cánh đồng. Mùng bảy Tết hạ cây nêu, khắp vùng không đâu còn trồng cây nêu, nhưng cứ đến ngày này, làng mở chiếu chèo, mời gánh ông Trùm Phúc làng Đoài sang diễn vài đêm, khăn áo với đàn địch đóng gọn trong mấy cái hòm gỗ được gánh trên vai hai anh hề.
Đã mấy cái Tết rồi, tôi để ý thấy vẫn chỉ chừng đó thứ, tan mùa hội thì đào kép ai về nhà nấy, áo khăn chắc sẽ gửi cả lại nhà ông Trùm, chờ đến mùa Xuân năm sau…
Gánh ông Trùm đến làng nào, ở đó mới thực sự vào hội. Đêm Xuân, trời lất phất mưa phùn, cái rét châm vào môi má lạnh ngắt, mùi hương trầm nhà ai phảng phất thơm cùng tiếng trống chèo háo hức và ấm áp rộn lên ngoài sân đình. Trống chầu đã điểm ba tiếng, một rời hai díp, ý hỏi đào kép đã sẵn sàng chưa. Trống cái rung lên một hồi dài trả lời, ý nhị như thể ông Bá cầm chầu và ông già vừa gióng trống kia là bạn tri âm tri kỷ, nghe tiếng trống hiểu lòng nhau. Mẹ đội khăn sợi nâu, đuôi khăn trùm lên vai áo rồi vội vã đi, tôi với cái Hiền cũng cắm đầu chạy ra sân đình, chen lấn với đám trẻ con đứng sát tấm màn phông nhuộm vỏ đã bạc màu. Đứng ở đấy vừa xem rõ vừa nhìn được cả đào kép ngồi đợi tới lượt. Cứ mỗi lần đứng chen chân bên cánh màn phông, trong ánh đèn chờm ngợp, nhìn thấy cô đào chèo áo tứ thân óng ả và nghe tiếng trống đế khi trong khi đục, khi giòn giã hoạt bát, khi thong thả nhịp nhàng, tôi lại mơ hồ cảm thấy một mùa Xuân đang náo nức trôi đi cùng tiếng trống chèo đêm Xuân.
Lớp hát giáo đầu vừa dứt. A, đêm nay diễn Kim Nham, giọng kép hát vang ấm, tròn trịa. Ai chẳng biết cô Súy Vân giả điên để thoát khỏi nhà chồng, đến với tình yêu của mình, một tình yêu mong manh và lầm lỡ: “Nếu thác thời gieo xuống dòng sông. Hình hài ấy để sóng cồn vùi dập…”. Nhiều phường chèo ngày xưa kết thúc bằng cảnh Súy Vân thoát khỏi nhà Kim Nham, tránh kết cục bi thảm kia. Đấy cũng là tấm lòng của các nghệ nhân dành cho người con gái đáng thương. Năm ngoái làng cũng diễn lớp Súy Vân giả dại, cô đào áo trắng-tượng trưng cho tấm lòng trong trắng vô tội-xõa tóc, ngắt lá thả xuôi dòng nước, hát rằng: “Chắp tay tôi lạy bạn đừng cười. Lòng không giăng gió gặp người gió giăng…’’ tôi đã thấy mẹ khóc, kéo tay áo lau đôi mắt ướt, mới sực nhớ ra đã ba năm nay bố không về qua nhà, nén hương mẹ thắp đêm cuối năm thơm một mình…
Trời lại mưa lất phất, mưa Xuân, không lạnh buốt mà rơi trên má ấm áp, chưa đủ ướt khăn che đầu của người làng. Đã lại đến lớp chèo cô Súy Vân ngồi xe chỉ, luồn kim, cả sân đình im phăng phắc, như đã phải lòng tiếng trống chèo, phải lòng nỗi đau của một người con gái khát khao hạnh phúc thực sự. Đêm nay, nghe câu hát chèo, mẹ có còn khóc không? Dàn nhạc ngồi hai bên sân khấu, giọng hát, vòng múa của cô đào với nhạc khi đối đáp khi hòa quyện. Tôi thắt lòng lại nhìn mẹ đứng phía góc sân, chỉ thấy cái khăn đầu che khuôn mặt buồn và đôi mắt long lanh. Và thốt nhiên hiểu vì sao mẹ chịu đựng đến thế, và trên chiếu chèo không phải vở kịch mà là cuộc sống bao đời nay vẫn luôn giằng xé, lựa chọn, lầm lẫn như thế.
Buổi diễn tan, đêm đã khuya lắm. Tiếng cười nói lan trên các lối đi về các xóm. Mẹ dắt tay tôi về, đi men theo bờ ao làng, phía có nhiều ánh đèn. Trong mưa và đêm tối vẫn nhìn thấy hai lá cờ đại ngoài sân đình, mùi hương trầm thơm phảng phất. Và mùa Xuân đang bình yên trôi qua, những đêm xem hát chèo đọng lại trong ký ức vừa ngọt ngào vừa ấm áp, rực rỡ.