Vĩnh Nghiêm Tự (còn có tên gọi chùa Đức La) cách Hà Nội khoảng 60 km về hướng Đông Bắc, theo quốc lộ 1A. Chùa tọa lạc trên nền diện tích hơn 6000m2, ẩn sâu trong vùng non thiêng, hiền hòa, vị trí giao nhau của dòng sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn có tên ngã ba Phượng Nhãn.
Chùa nhìn ra ngã ba sông và nhìn về phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc (Chí Linh-Hải Dương, nơi thờ Trần Hưng Đạo). Phía sau chùa là thôn Quốc Khánh, xa hơn nữa thuộc vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi rừng Yên Tử. Bao quanh chùa có một số núi lớn tiêu biểu như: Cô Tiên, Nham Biền. Ra vào chùa có thể đi theo sông Thương, sông Lục Nam và quốc lộ 31 đi Trí Yên (Yên Dũng).
Bộ ván in kinh Phật được khắc trên gỗ Thị, một loại cây mọc phổ biến ở vùng rừng núi của tỉnh Bắc Giang. Trải qua 7 thế kỷ, cho đến nay bộ kinh vẫn còn khá nguyên vẹn về số lượng và hình hài.
Một điều đặc biệt là những chiếc ván được làm bằng gỗ Thị dùng để khắc kinh Phật đều rất bền, đẹp chịu được mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mối, mọt cũng không thể phá hoại được và cũng chẳng phải dùng một loại thuốc bảo quản nào. Không những bền mà nó còn rất nhẹ thuận lợi để khắc kinh và vận chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Bộ ván in kinh bằng gỗ hiện nay còn lưu giữ lại ở chùa Vĩnh Nghiêm được xếp trên 8 chiếc giá. Mỗi giá có 4 tập sách Kinh gồm 320 tấm ván gỗ hợp thành, toàn bộ số ván khắc Kinh trên 8 giá đã lên tới trên 2.000 tấm.
Mỗi tấm ván dùng để khắc có chiều dài trung bình là 50 cm, rộng 25 cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 300m2 để trải các tấm ván kinh ra.
Ngày nay bộ kinh khắc gỗ cổ này không còn được dùng vào việc truyền giảng đạo phật nữa. Nhưng nó vẫn là một pho kinh rất quí hiếm với việc lưu giữ những tinh hoa của Phật giáo Á Đông nói chung, và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Theo nhà sư Thích Thành Vịnh, trụ trì ngôi chùa cho biết: “Kinh khắc gỗ ở chùa Vĩnh Nghiêm mang tính chính thống của nền Phật giáo ấn Độ và Trung Hoa. Nó cũng là bộ kinh có niên đại lâu đời nhất trong số những bộ kinh được truyền tụng vào nước ta”.
Tại một nơi non quê thanh bình này, được chiêm ngưỡng bộ ván in kinh cổí, được nghe tiếng chuông chùa ngân vang, được các vị hòa thượng giảng giải kinh… tôi thực sự cảm nhận thấy như đang được lạc vào một cõi thiền thanh tịnh.