Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chiêm bái "Đệ nhất cổ tự trời Nam"

Chiêm bái "Đệ nhất cổ tự trời Nam"

564

Tọa lạc ở xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh) cách Hà Nội khoảng 30km, chùa Dâu còn nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, Cổ Châu tự. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm Thái Thú.

 

Chùa Dâu – Đệ nhất cổ tự trời Nam. Đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống.

Chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu đã trở thành trung tâm của Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi – Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam (580 – 1112).

 

Tượng Pháp Vũ phía trước, tượng Pháp Vân phía sau. Hai bên tượng Pháp Vân là hai pho tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ gợi nhớ tới những cô thôn nữ của miền quê quan họ nơi này.

Chính giữa sân chùa trước bái đường là tháp Hòa Phong cao chín tầng, nay chỉ còn ba. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ.

 Tháp Hòa Phong xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Từ "Hòa Phong" có nghĩa là ngọn gió mát mẻ, tốt lành.

 

Tháp Hòa Phong hiện nay vẫn uy nghi và vững chãi thế đứng ngàn năm

Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương – 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời, cao 1,6 m ở bốn góc.

 

Chuông và khánh đồng được treo trong tháp Hòa Phong

Phần Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương. Gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Thái tử Tam châu , Mạc Đĩnh Chi…

 

Thập Điện Diêm Vương
Tượng Mạc Đĩnh Chi
Tượng đức Tam Châu cảm ứng – Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên

 

 

Bàn thờ Đức Thánh Hiền (Tôn Giả A Nan)
Bàn thờ Tam Bảo hậu – Tam Bảo thứ 2
Hai bên hành lang phía sau của chùa là Thập Bát La Hán