Như đã trình bày với quý độc giả trong một dịp trả lời phỏng vấn gần đây, tôi xin cố gắng phản hồi những ý kiến mà quý bạn đọc gửi đến trong khả năng có thể, dưới những hình thức thích hợp, như một cách viết bài chính yếu của tôi.
Với bài viết này, chúng ta trở lại với việc cải đạo tín đồ Phật giáo sang tôn giáo khác. Điều mà rất nhiều độc giả tỏ ra rất quan tâm, không những ở số lượng ý kiến bàn luận quanh các bài viết, mà còn là ở nhiều khía cạnh khác: các ý kiến thường rất dài, nhiều câu chuyện kể lại, nhiều trường hợp tỏ ra bức xúc, nhiều câu hỏi được nêu ra…
Độc giả “thu hien” trong ý kiến đối với bài Truyền thông: “phương tiện mềm” thế mạnh Phật giáo đã hỏi “cháu muốn biết đạo Tin Lành và đạo Thiên Chúa khác nhau như thế nào? Có phải họ cùng tôn kính ông Giesu không? Họ có chung giáo hội không?”.
Xin trả lời vắn tắt, vì quan điểm tác giả khi viết về đề tài cải đạo trên Phattuvietnam.net là không nói về chuyện của tôn giáo khác, chỉ nói về chuyện đạo Phật và chỉ phải nhắc đến tôn giáo khác khi họ có hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo, tức là khi họ đã có tác động đến đạo Phật.
Câu hỏi trên buộc phải đi sâu vào việc nội bộ 2 tôn giáo khác nhau, 2 giáo hội khác nhau, nên xin phép không trả lời cụ thể.
Trong những ý kiến của một số bạn đọc khác có nêu tên các trang web, mà ở đó “thu hien” có thể tìm hiểu về các đạo này. Cháu vào đó chắc sẽ có đầy đủ tài liệu liên quan đến câu hỏi của cháu.
Về ý kiến gởi đến riêng cho tôi (độc giả V.L, NK…) có liên quan đến việc bổ sung thông tin cho bài Bàn thêm về cận điểm cải đạo, thì sau khi tìm hiểu ở nhiều trang web khác nhau, tôi thấy đúng là phải đính chính, đúng ra phải bổ sung thông tin đối với bài viết của tôi, về những buổi truyền giảng tổ chức trong dịp Noel.
Năm nay, tại TPHCM cũng vẫn có một buổi truyền giảng tập trung đám đông, như năm 2009, nhưng năm nay được tổ chức sau lễ Noel, cụ thể và vào tối 26 tháng 12 năm 2010, tại một bãi đất trống ở khu dân cư An Sương, phường Tân Thuận, Q12, cũng sử dụng cụm từ “Thánh nhạc Noel”.
Nhiều trang web khác nhau đã đưa tin. Theo trang Việt báo Online thì “có 22.000 người tham dự”.
Số người được cải đạo trong hoạt động trên (có lên sân khấu) là 2000 người và số người đứng dưới đưa tay là khoảng 1000 người.
Bản tin đăng trên “nguonhivong.org” khẳng định đây là buổi cải đạo dự kiến thành công lớn, với nguyên văn: “Trong danh chúa Giê – xu, các con cái Chúa cũng công bố đây sẽ là một đêm đầy kết quả và gặt hái thật nhiều linh hồn cho Đức Chúa trời”.
Buổi “thánh nhạc” chỉ có 6 giờ để chuẩn bị, từ lúc nhận giấy phép đến khi khai mạc với trang bị âm thanh, ánh sáng như một buổi ca nhạc ngoài trời, sân khấu đặt trên xe tải.
Ngoài trình diễn ca nhạc có hát múa tập thể và những kỹ thuật khai thác tâm lý đám đông mà chúng tôi đã trình bày. Những hình ảnh cho thấy cuộc ca nhạc diễn biến như một cuộc mít tinh quần chúng, khai thác lợi thế đám đông phục vụ mục tiêu cải đạo. Giơ tay là một hình thức được chú trọng khai thác.
Bên cạnh đó, còn có những nội dung như “ao ước dân tộc Việt Nam sẽ thuộc về Chúa” hay Ai nấy đều hướng về Chúa. Họ khóc cho dân tộc “xin cơn phấn hưng đến với đất nước chúng con chúa ơi”…
Công thức tổ chức cải đạo tập thể do hiệu ứng đám đông là một công thức mẫu, đã có tính “cổ điển”, nên ở đám đông lớn hay nhỏ gì thì cũng làm như vậy, và tập trung vào kết quả số lượng người cải đạo.
Tuy nhiên, ở đám đông lớn, họ mới đạt được điều, mà từ được dùng trong bài liên hệ trên trang hoithanh.com, là “rực lửa”.
Các kỹ thuật truyền thông được tận dụng để, như đoạn có ngoặc kép trong bản tin “trở về nhà mình và đồn danh Chúa ra khắp nơi”.
Nhà thờ đương nhiên là nơi lý tưởng để hành lễ tôn giáo, nhưng tại sao họ rất cần những đám đông ngoài trời như thế. Câu trả lời chúng tôi đã phân tích rõ ở bày Bàn thêm về cận điểm cải đạo.
Chỉ xin nhắc lại lưu ý đối với các phụ huynh Phật tử, là hãy chú ý tới việc đi xem “ca nhạc” của con em mình trong dịp Noel (mà sự việc đã cho thấy là cả trước và sau ngày 25/12).
Xin chân thành cám ơn các bạn đọc đã mail cho tôi thông tin để bổ sung kịp thời vào bài viết của tôi, góp phần minh họa cho bài viết, cung cấp thêm những thí dụ cụ thể để người Phật tử có thể phòng tránh được việc cải đạo đối với con em mình.
MT