Trang chủ Thời đại Xã hội Chia sẻ khó khăn, vượt qua đại dịch

Chia sẻ khó khăn, vượt qua đại dịch

80

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào đợt giãn cách thứ 2 theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tầng lớp nhân dân, các cấp, ngành của thành phố đã đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ để tất cả cùng vượt qua đại dịch.


Tương thân, tương ái

Trong những ngày qua, các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp đã duy trì các hoạt động từ thiện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Điển hình như mô hình “Bếp nhỏ hội em” của các hội viên phụ nữ ngày nào cũng trao 200 suất ăn đến lực lượng làm nhiệm vụ trực chốt cách ly y tế tại các phường 3, 5, 9, 10, 14, 15 quận Gò Vấp. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 3 cho biết, các thành viên của Hội đã không quản ngày đêm duy trì hoạt động tiếp sức cho lực lượng phòng, chống dịch và hỗ trợ bà con vùng phong tỏa.

Mô hình “Bếp nhỏ hội em” của Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp duy trì việc cung cấp các suất ăn cho lực lượng phòng dịch và người dân khu vực phong tỏa.

Trong khi đó, tại quận 8, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 8 tiếp tục hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn số tiền 1 triệu đồng/hộ. Chị Diệp Thị Kim (phường 6, quận 8) bày tỏ: “Với người đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19 như gia đình chúng tôi, những sự hỗ trợ này giúp ích được rất nhiều”. Còn Hội đồng mục vụ Giáo xứ Bình An đã trao tặng hơn 500 phần quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực cách ly y tế tạm thời quận 8, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Mô hình ATM gạo từ thiện được triển khai tại nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh.

Tại huyện Cần Giờ, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Khánh tiếp tục duy trì việc nấu 120 suất ăn/ngày gửi đến những người già neo đơn trên địa bàn xã. Nhóm thiện nguyện của chị Lệ Nga ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) vận động các nhà tài trợ tặng quà cho người bán vé số, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…

Nhiều quận, huyện khác của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai mô hình cây ATM gạo. Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Công ty PHGLock (quận Tân Phú), tác giả của cây ATM gạo nổi tiếng từ năm 2020 đến nay, chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ mô hình và hỗ trợ kỹ thuật để các địa phương, đoàn thể lắp đặt và vận hành các cây ATM gạo”.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch về chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 này. Theo đó, người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng hoặc đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, lao động mắc bệnh hiểm nghèo, lao động chính phải nuôi con, chăm sóc cha mẹ không có thu nhập… trong diện được hỗ trợ.

 Tổ chức Công đoàn quận Bình Thạnh đến thăm, hỗ trợ đoàn viên, người lao động đang thực hiện cách ly y tế tại địa phương.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Các lao động phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, phong tỏa, cách ly hoặc bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên cũng được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/người tùy trường hợp. Các trường hợp người lao động là F0 phải điều trị sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/trường hợp”.

Trên quy mô toàn thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vừa đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh gói hỗ trợ trị giá 1.075 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, người kinh doanh, người làm nghề tự do bị nghỉ việc, mất việc do dịch Covid-19. Theo đó, 42.567 người lao động ở 1.365 đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Lao động nữ đang mang thai và lao động nữ đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Các thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố Hồ Chí Minh cũng được đề xuất hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng, chi trả một lần cho 3 tháng liên tục…

Dự kiến người bán hàng rong, vé số tại thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Gói hỗ trợ còn bao gồm các khoản vay ưu đãi cho người sử dụng lao động vay trả lương công nhân. Những người không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng, như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe ôm, bán vé số… được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người… Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong đợt dịch này”.


TUỆ AN/HÀ NỘI MỚI