Trang chủ Diễn đàn “Chỉ tin một người”: Sự phân hóa Phật giáo?

“Chỉ tin một người”: Sự phân hóa Phật giáo?

64

Dưới đây là một số ý kiến bình luận của tôi về vấn đề mà bài viết “Chỉ tin một người” của tác giả Diệu Kim đăng trên trang Phattuvietnam.net.

Tôi cũng định viết về đề tài này đã lâu, nhưng còn ngần ngại, vì e lại vô tình làm cái việc “vạch áo cho người xem lưng”. Viết về một vấn đề hạn chế của Phật giáo, tất nhiên là phải cân nhắc thận trọng, suy nghĩ.

Nhưng nay, tác giả Diệu Kim đã nêu vấn đề và được Phattuvietnam.net đăng tải, thì thiết tưởng tôi đã có thể cùng lên tiếng, tham gia bàn luận.

Tuy nhiên, mong bạn đọc chỉ xem đây là những ý kiến có tính chất tham khảo, bàn bạc, có thể chia sẻ, có thể không chia sẻ, cũng có thể sai, cần được đóng góp để hiệu chính. Nếu được như thế thì tôi rất mừng, và đỡ phần nào trách nhiệm, nếu có sơ suất trong ý kiến.

Vấn đề “chỉ tin một người” trong Phật giáo theo tôi, đã có nguồn gốc từ xa xưa, không phải gần đây mới có, và có tính chất toàn thế giới Phật giáo, không riêng gì Phật giáo Việt Nam.

Và cũng không riêng gì Phật giáo Bắc Tông hay Nam tông.

Trước hết, tôi nghĩ rằng “chỉ tin một người” là đã chệch hướng lời Phật dạy.

Thời Đức Phật còn tại thế, tăng đoàn là một cơ cấu thống nhất tuyệt đối, và Đức Phật là vị đạo sư tối thượng.

Đến khi Đức Phật nhập diệt, Ngài có di huấn lấy giáo pháp và giới luật làm thầy, tức là không có vị thầy truyền thừa và kế nghiệp trong cương vị đạo sư tối thượng.

Tôi hiểu, di huấn của Đức Phật vừa có ý nhấn mạnh vai trò giáo pháp và giới luật, một mặt vừa thận trọng với vai trò của những vị làm công việc trung gian chuyển tải giáo pháp.

Đức Phật không dạy một vị tăng đại đệ tử nào đó sẽ là thầy hay đức Phật.

Hiện nay, giáo pháp còn nguyên vẹn, thì tất nhiên những lời dạy của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị.

Khái niệm “tổ sư” chắc chắn chỉ có sau khi đức Phật nhập diệt. Nó gắn liền với sự phân hóa đạo Phật ở thời kỳ sau Phật. Một nhóm đệ tử “chỉ tin một người”, một vị tăng, và cuối cùng người được tin thành tổ sư.

Do đó, theo suy nghĩ riêng của chúng tôi, từ “tổ sư” vừa có ý nghĩa tích cực, tôn vinh những vị tỳ kheo có những đóng góp lớn cho việc truyền thừa phát triển đạo Phật.

Nhưng từ “tổ sư” cũng phần nào có ý nghĩa tiêu cực, vì nó bộc lộ sự phân hóa của đạo Phật, xuất hiện một cấp “bổn sư trung gian”.

Theo cách nói ngày nay, thì có Phật, có tổ. Trong một số trường hợp, cá biệt, ý tổ được chú trọng nhiều hơn. Sách tổ trước tác cũng gọi là “Kinh”, nhưng có hệ phái công nhận, có hệ phái không công nhận, cho nên, nói mặt tiêu cực của sự phân hóa của đạo Phật thể hiện ở từ tổ sư, dù trong sự thận trọng, cũng vẫn là điều cần chú ý.

Một số tôn giáo trên thế giới có “thánh”. Nhưng “thánh” về bản chất khác với tổ sư. Một vị tổ sư, có thể do đệ tử suy tôn, cũng có thể tự xưng, cũng có thể do truyền thừa. Tổ sư, cá biệt cũng có thể đang sinh thời, do khai sinh một hệ phái, tông môn nào đó (cũng có thể chưa gọi là tổ sư nhưng việc đối xử của chúng đệ tử đối với thầy tổ đã là tổ sư).

Còn thánh thì phần lớn không có đệ tử riêng, không lập hệ phái riêng, và điều quan trọng là chỉ được phong sau khi từ trần, với những thủ tục chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Do vậy, có thể nói hình thái tổ sư ở đạo Phật rất đặc biệt.

Không phải chức, danh hiệu, mà đó là phẩm vị, tôn xưng, không dễ những cũng không khó để đạt tới, nhất là khi lãnh đạo thực hiện được một tiến trình cục bộ hóa thành công.

Mặt tích cực của khái niệm tổ sư trong nhà Phật có lẽ, không phải bàn thêm, vì đã quá rõ, với công trạng của liệt vị tổ sư.

Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến mặt tiêu cực, “chỉ tin một người”, như tác giả bài viết dẫn trên đề cập.

Chức vụ trong giáo hội có giá trị đối với hầu hết tăng ni Phật tử (trong bối cảnh Việt Nam có thể có trường hợp đặc biệt). Nhưng chỉ giới hạn trong nhiệm kỳ được suy cử.

Còn tổ sư lại là ngôi vị vĩnh viễn, không có thời hạn, và chỉ có tác động lên một bộ phận tăng ni Phật tử.

Vì vậy, hướng về ngôi tổ sư, điều không tránh khỏi là phải cục bộ hóa Phật giáo, tạo thành dòng riêng, đạo tràng riêng. Để làm được điều đó, vô hình trung, đã tạo ra tình huống, mà tác giả Diệu Kim đã dùng cụm từ rất hay để biểu đạt, là “chỉ tin một người”.

“Chỉ tin một người” trong bối cảnh thời kỳ sau Phật không thể là toàn thể tăng ni Phật tử, hay là một số đông, mà chỉ có thể là một thiểu số tin mà thôi.

Công thức sau đây xuất hiện: Thiểu số + Chỉ tin một người = cục bộ hóa Phật giáo.

Trách nhiệm của việc “chỉ tin một người”, theo chúng tôi, thuộc về cả tăng ni và Phật tử.

Nhưng vì tăng ni là thầy, là người dẫn đường, nên đương nhiên, phải có trách nhiệm nhiều hơn.

Cách làm cục bộ hóa Phật giáo, “chỉ tin một người”, trái với tinh thần kinh điển ra sao, tác giả Diệu Kim đã đề cập.

Chúng tôi chỉ có bổ sung nhỏ, là nó trái với tinh thần cơ bản của đạo Phật là vô ngã.

Vô ngã không những là khái niệm hàng đầu, mà trong Phật giáo, vô ngã còn là một trong tứ chứng pháp, tức là một trong bốn tiêu chuẩn dùng để xác định một nhận định hay hành động có phù hợp với tinh thần chính pháp hay không, cũng như để xác định đâu thật là lời của Phật, và đâu không phải là lời của Phật.

Xác định vị trí của một “ngã” nào đó, tách biệt một người, một tự ngã hoặc một nhóm tự ngã nào đó với cộng đồng chung, hướng đến việc “chỉ tin một người” thì rõ rằng trái với tinh thần đạo Phật, xa rời Chính pháp.

Nếu chỉ một cá nhân, một trường hợp nào đó thì tác hại có thể giới hạn. Nhưng hiện tượng “chỉ tin một người” là hiện tượng tập thể.

Chỉ tin một người, người duy nhất được tin khởi đầu là “sư phụ”, “bổn sư”, rồi cuối cùng tổ sư, tôn sư đứng đầu một hệ phái, một tông phong, một tổ đình.

“Chỉ tin một người” là bước đầu của quá trình trên. “Một người” đó, để tạo ra tình huống “chỉ tin một”, phải làm khác biệt hóa.

Nhẹ nhất có thể là tên gọi đạo tràng, hình thức trang phục (đổi màu, đổi kiểu trang phục chung tạo những hình thức bổ sung để tạo nét trang phục như băng vải, huy hiệu, khăn choàng…).

Sự khác biệt để khẳng định một người nhằm “chỉ tin một người”, còn là những giới cấm mới do người đó đặt ra, các giáo lý mới, các phương thức tu tập mới, các nghi lễ mới…

Sự khác biệt càng lớn, yếu tố “chỉ một” càng cao.

Song song với việc tạo khác biệt, còn là việc loại trừ ảnh hưởng của những giá trị khác với “chỉ một người”, như cấm sách vở Phật giáo không phải do “một mình” sư phụ viết, băng đĩa hạn chế không được nghe nếu không phải của sư phụ thuyết… Tất cả, chỉ dành cho một người và chỉ một người mà thôi.

Thậm chí, một số kiểu tu kỳ lạ được sáng tạo, như tu hạnh “bảo thọ”, tức là vận động tàng trữ một số lượng lớn quan tài ở chùa, rồi ra sức tìm người để bố thí (dù rằng theo phong tục Việt Nam dù nghèo đến đâu đi nữa thì người nhà cũng cố tự lo tròn hậu sự để giữ tiếng tình nghĩa, hiếu để, không nhận quan tài bố thí để giữ gìn sĩ diện). Trường hợp ngôi chùa ở cạnh nhà tôi (Xã Thanh Phú, Huyện Bến Lức, Long An) là một ví dụ điển hình trong cố gắng tạo khác biệt, xây dựng dấu ấn một người nào đó, để một số tín đồ nào đó cứ nằng nặc “chỉ tin một người” với lòng tin “pháp tu bảo thọ” là thù thắng.

Ni cô cũng tự xưng là “sư phụ”, là “thầy”.

Một ngôi chùa nhỏ ở một vùng quê hẻo lánh còn như vậy, thì nữa chi, đến những chùa lớn, đạo tràng lớn.

Tốc độ ly tâm, phân hóa của Phật giáo Việt Nam ngày càng gia tăng.

Đối với Phật giáo thế giới, qua các đài truyền hình Phật giáo, cũng thấy hiện tượng “chỉ tin một người”. Đài của “người” nào thì chỉ trình chiếu hình ảnh “người” đó và Phật tử chỉ tu học theo sự hướng dẫn của người đó.

Hầu như không có ngoại lệ.

Đối với tôi, mở một đài truyền hình Phật giáo nào đó, che logo đi, thì chỉ 5 – 10 phút là có thể xác định đó là kênh truyền hình nào, vì nó gắn liền với hình ảnh của vị hòa thượng hay ni sư điều hành đài truyền hình đó. Vì vậy, đôi khi nhiều tài liệu gọi các đài Phật giáo theo tên chư tăng ni, chứ không theo tên gọi, vì gọi theo tên tăng ni dễ phân biệt, xác định hơn.

Tạo nên sự khác biệt không có gì đáng trách nếu sự khác biệt đó là cần thiết, có giá trị, có đóng góp, tạo nên những sáng tạo đa dạng.

Nhưng nếu những khác biệt được cố ý tạo ra một cách thiếu cân nhắc, bất kể có cần hay không, và trên hết để khẳng định một cá nhân nào đó, để tín đồ “chỉ tin một người” (vì giống nhau cả thì người nào cũng thế, sao làm cho mọi người “chỉ tin một người”), thì sẽ là điều đáng băn khoăn.

Cái cuối cùng của “chỉ tin một người”, cuối cùng là hướng tới một mục tiêu, mà chúng tôi gọi là “chủ nghĩa sư phụ”, để từ đó sẽ là… tổ sư.

Để khắc phục được khuynh hướng không có lợi (mà tôi dè dặt chưa dám gọi là sai lầm) như trên trong Phật giáo, có lẽ là một mong muốn vô vọng trong bối cảnh Phật giáo hiện nay.

“Chỉ tin một người” là kết quả của một quá trình phân hóa trong Phật giáo từ 2000 năm trước, kể từ Đức Phật nhập diệt. Chiều chảy của dòng nước là như thế, thì bài viết này, chỉ là một hòn sỏi lăn lóc, cô độc giữa luồng nước đó.

Tuy nhiên, tứ chứng pháp vẫn còn đó, và chúng ta vẫn có thể hy vọng.

Chỉ nên tin người nói lên những điều đúng với các tiêu chuẩn: vô ngã, vô thường, khổ và không.

Nói những lời đúng với những tiêu chí như thế, thì chúng ta tin đó là phù hợp với lời Phật bất kể người đó là ai.

Nhiều người cùng nói đúng với tinh thần tứ chứng pháp thì chúng ta cứ hẳn tin ở nhiều người.

MT