Sau khi bài viết “Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM: còn là lòng tự trọng và sĩ diện học thuật” của chúng tôi được đăng tải, chúng tôi có nhận được email, điện thoại phản hồi đặt nghi vấn về những thông tin mà chúng tôi đã căn cứ để viết bài nói trên.
Có phản hồi đặt nhiều dấu hỏi sau cụm từ “một bài báo của một cô nữ sinh đại học nào đó”, tỏ vẻ hoài nghi về độ tin cậy của tư liệu.
Có email từ một thư viện ở Hoa Kỳ đề nghị cung cấp toàn văn tư liệu mà chúng tôi sử dụng.
Tư liệu mà chúng tôi sử dụng là bài viết có nhan đề “Các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh”. Bài viết không phải là của một “nữ sinh đại học”, mà là của Phó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Loan Thùy, công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, và Nguyễn Thị Thùy Dương, học viên Cao học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
Bài viết được đăng trên tạp chí “Thư viện Việt Nam” số 6 (44), 11-2013. Tạp chí “Thư viện Việt Nam” là tạp chí chuyên ngành thư viện và thông tin học, do Thư viện Quốc gia Việt Nam xuất bản. Bạn đọc của tạp chí là những người làm công tác thư viện cả nước, cũng như giới trí thức, học thuật quan tâm đến hoạt động thư viện.
Vì vậy, chúng tôi coi những thông tin tiêu cực về tình trạng Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM là vấn đề danh dự đối với tăng ni Phật tử Việt Nam, nhất là đối với Hội đồng điều hành PGVN tại TPHCM, vốn đều là những nhà trí thức khoa bảng. Tình trạng hoạt động của Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM như thế là một vết nhọ đen trên khuôn mặt giáo dục, học thuật Phật giáo Việt Nam phơi bày trước bạn đọc trí thức chọn lọc. Nếu không nhanh chóng cải thiện tình trạng đó, thì có nghĩa là không còn chút liêm sĩ nào trong hoạt động học thuật trước giới nhân sĩ, trí thức.
Tuy nhiên, đến nay, 5/1/2014, hơn một tuần sau khi bài viết của chúng tôi đăng tải, Học viện PGVN tại TPHCM vẫn chưa bình luận gì về thông tin liên hệ.
Đáp ứng yêu cầu bạn đọc quan tâm, muốn tìm hiểu rõ hơn về tư liệu mà chúng tôi đã căn cứ vào đó để viết bài, chúng tôi đánh máy lại bài viết “Các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh” của Phó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Loan Thùy và Nguyễn Thị Thùy Dương để phục vụ bạn đọc. Do ràng buộc về vấn đề bản quyền, nếu đăng lại toàn văn bài viết thì phải xin phép tác giả, nên ở đây, chúng tôi lược đi phần mở đầu giới thiệu về Học viện Phật giáo Việt Nam. Nội dung dưới đây chỉ là một phần bài viết, coi như là một hình thức trích dẫn. Bản trích dẫn này thay cho điện thư phúc đáp yêu cầu cung cấp toàn văn tư liệu:
“Để phục vụ cho việc đào tạo các tăng, ni trẻ, không thể thiếu tài liệu học tập trong các thư viện.
Thư viện Học viện Phật giáo có tiền thân là Thư viện Đại học Vạn Hạnh với vốn tài liệu khoảng 25.000 bản. Thư viện bị giải thể vào năm 1975, đến năm 1987 Thư viện được tiếp quản trên dưới 17.000 bản tài liệu từ trường Cao cấp Phật học. Tính đến thời điểm tháng 5/2013, vốn tài liệu của Thư viện Học viện Phật giáo Tp.HCM có khoảng trên 50.000 bản. Số lượng tài liệu được đưa ra phục vụ chiếm khoảng 1/3 tổng số tài liệu của Thư viện, cụ thể là 9.505 tên tài liệu với 17.395 bản. Số tài liệu còn lại được đóng thùng và lưu trữ tại tầng hầm của Học viện.
Vốn tài liệu của Thư viện phát triển chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là chưa có nguồn kinh phí dành riêng cho việc bổ sung tài liệu. Trải qua hơn 26 năm hoạt động, Thư viện chỉ tiến hành bổ sung tài liệu một lần duy nhất vào năm 2010 với số tiền là 31 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Hội hỗ trợ Giáo dục Vạn Hạnh (VHEF, California, Mỹ). Các tài liệu còn lại được bổ sung vào Thư viện phần lớn qua kênh biếu tặng từ tổ chức Phật giáo, các trường đại học trên thế giới, các nhà phát hành sách Phật giáo, các nhà dịch thuật trong nước…
Xét về loại hình tài liệu, vốn tài liệu đang phục vụ hiện nay tập trung vào các loại hình chủ yếu như sách in, báo-tạp chí in, luận văn và tài liệu điện tử nghe nhìn (đĩa CD, VCD, DVD). Trong đó, sách in là loại hình chiếm số lượng lớn, chiếm tỷ lệ 84,4% (14.694 bản sách/17.395 bản tài liệu); kế đến là 2.481 luận văn, chiếm tỷ lệ 14,3%; báo – tạp chí đã đóng bìa: 220 bản, chiếm tỷ lệ 1,3%.
Thành phần ngôn ngữ vốn tài liệu của Học viện khá đa dạng với các ngôn ngữ đặc trưng của tài liệu Phật giáo như tiếng Hoa, tiếng Hán-Nôm, tiếng Sankrit, tiếng Pali, tiếng Việt… trong đó tài liệu tiếng Việt vẫn chiếm đại đa số. Báo – tạp chí và luận văn đều bằng tiếng Việt. Sách tiếng Việt chiếm tỷ lệ 65,5%, sách ngoại văn chiếm tỉ lệ 34,5 (sách tiếng Hán chiếm 14%, sách tiếng Pali chiếm 12%, sách tiếng Sankrit chiếm 7% và 1,5% sách tiếng Thái Lan, tiếng Anh, tiếng Lào…).
Về thành phần nội dung của sách bao gồm 2 mảng chính là tài liệu nội điển (tài liệu về Phật giáo) và tài liệu ngoại điển (nằm ngoài lĩnh vực Phật giáo). Mảng tài liệu nội điển về Phật giáo bao gồm: Tam tạng kinh (gồm Kinh, Luật, Luận), Phật học phổ thông, Lịch sử Phật giáo, Triết học Phật giáo, Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông… Mảng tài liệu ngoại điển gồm các lĩnh vực tri thức như: Lịch sử, địa lý, tiểu sử, phả hệ; văn học, nghệ thuật, văn hóa, lễ hội, di tích kiến trúc thế giới và Việt Nam; y học, đời sống, ẩm thực; từ điển, bách khoa toàn thư…
Tài liệu nội điển về Phật giáo chiếm khoảng 2/3 tổng số tài liệu của Thư viện, trong đó Tam tạng kinh chiếm đại đa số so với các tài liệu nội điển khác. Sách in về Phật giáo chiểm tỷ lệ 82%, sách thuộc lĩnh vực tri thức ngoại điển chiếm tỷ lệ 18% tổng số sách in của Thư viện. Trong tổng số sách in nội điển thì Tam tạng kinh chiếm tỷ lệ 55% trong khi đó các sách in nội điển khác chiếm tỷ lệ 27% tổng số sách in.
Về thành phần nội dung của báo – tạp chí: Thư viện bổ sung các báo – tạp chí thuộc lĩnh vực Phật giáo như đặc san Hoằng pháp, nguyệt san Phật giáo Việt Nam, nội san Tin Phật, tuần san Đuốc Tuệ, báo Giác Ngộ, báo Tư tưởng, báo Văn hóa Phật giáo, báo Pháp luân; tạp chí Phật giáo nguyên thủy; ngoài ra còn có các báo – tạp chí phổ thông như: Kiến thức ngày nay, Di sản văn hóa, Văn hóa dân gian… Nội dung, báo – tạp chí phản ánh các lĩnh vực về tu học, đời sống, nghi lễ và báo – tạp chí có nội dung tổng hợp; trong đó các báo về lĩnh vực tu học, đời sống và nghi lễ chiếm đại đa số.
Hiện tại, Thư viện Học viện Phật giáo có tổng diện tích 400m2, trong đó, diện tích khu vực đọc và xử lý kỹ thuật: 200m2, diện tích kho: 200m2.
Thư viện có 01 máy chủ và phần mềm thư viện điện tử quản lý tích hợp nghiệp vụ Ilib. Me Version 5.0 của công ty CMC từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội hỗ trợ Giáo dục Vạn Hạnh (20.000 USD) trong năm 2010. Phần mềm được sử dụng trong công tác xử lý nghiệp vụ và phục vụ. Ngoài ra, thư viện có 02 máy trạm, 01 máy scan, 01 máy in.
Nhân viên của Thư viện có 02 người chuyên trách, 03 cộng tác viên, 03 tình nguyện viên và 01 nhân viên tạp vụ chung của cả học viện. Ngoại trừ một ni cô đã trải qua một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện 6 tháng tại Thư viện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, tất cả đều không được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ thư viện. Tuy nhiên, họ lại là những người có trình độ Phật học, am hiểu về tài liệu Phật học, có khả năng phụ trách mảng tài liệu Phật giáo bằng tiếng Hoa,… là một trong những ngôn ngữ phổ biến của mảng tài liệu Phật giáo. Thư viện thường nhận được tư vấn nghiệp vụ từ bà Phạm Thị Lệ Hương (thành viên Hội hỗ trợ Thư viện và Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ – LEAF-VN); tư vấn về biên mục và sử dụng phầm mềm từ 01 cử nhân thư viện trường Đại học Văn hóa Tp.HCM đang theo học chuyên ngành Hán – Nôm cũng hỗ trợ Thư viện về nghiệp vụ.
Người sử dụng Thư viện Học viện Phật giáo có thể chia thành 04 nhóm chính, bao gồm: Giáo thọ sư; tăng, ni sinh; Phật tử; giảng viên ngoại điển và sinh viên bên ngoài.
Nhóm 1. Giáo thọ sư
Giáo thọ sư là những vị giáo thọ lớn có đức độ như hòa thượng, thượng tọa và chư vị giáo thọ trẻ phụ trách giảng dạy các môn nội điển như Kinh, Luật, Luận và các môn nội điển khác. Đội ngũ giáo thọ sư (90 người) chiếm đại đa số và là lực lượng nồng cốt trong định hướng giáo dục tại các cơ sở giáo dục Phật giáo, phụ trách thuyết giảng Phật pháp. Bên cạnh đức độ, đức hạnh và công phu tu tập, giáo thọ sư còn là những người có trình độ sư phạm để truyền đạt kiến thức có hiệu quả đến lực lượng tăng, ni sinh. Do đó, đây là nhóm người sử dụng thư viện có trình độ chuyên môn và học vấn cao cả về phật học và thế học với học vị tương ứng là tiến sĩ, thạc sĩ, thấp nhất là học vị cử nhân đại học. Họ là tấm gương cho các tăng, ni sinh noi theo.
Nhóm 2. Tăng, ni sinh
Với mục đích học để tu, để hoằng pháp và giúp đời; trong đó tu là chính, tu từ khi bước chân vào chùa cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Học để trau dồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát tối hậu. Do đó, cùng với sự phát triển không ngừng về số lượng và nhu cầu theo học tại các giảng đường Phật học, nhóm người sử dụng Thư viện là tăng, ni sinh chiếm số lượng áp đảo so với các nhóm khác. Nhu cầu tin của họ bám sát vào chương trình học tại trường. Thư viện chính là nơi cung cấp nguồn tài liệu phù hợp nhất với nhu cầu học của họ.
Toàn Tp.HCM hiện có 7.010 tăng, ni; trong đó có: 50 tăng, ni có trình độ tiến sĩ Phật học; 200 tăng, ni có trình độ cử nhân Phật học; 350 tăng, ni trình độ cao đẳng; 750 tăng, ni trình độ trung cấp; 1000 tăng, ni sinh trình độ sơ cấp Phật học. Các tăng, ni sinh khi tham dự các khóa đào tạo cao/trung cấp/hàm thụ giảng sư đều có nhu cầu sử dụng tài liệu Phật học. Số lượng tăng, ni sinh đang theo học bậc đại học tại Học viện Phật giáo Tp.HCM vào cuối năm 2011 là 1.092 người, đang theo học bậc cao học 155 người, đang theo học bậc đại học (từ xa) là 935 người.
Nhóm 3. Phật tử
Căn cứ vào con số thống kê về tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ thì tính đến thời điểm năm 2011, Phật giáo có 10 triệu tín đồ. Về con số tín đồ Phật giáo, trang web Vietnam Paradise Travel cho biết có tới 70% dân số nước ta theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm của những hành sự của Phật giáo. Ngoài ra, theo con số thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN công bố nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập GHPGVN (07/11/1981 – 07/11/2008) thì cả nước đã có tới 45 triệu người thực sự quy y Tam Bảo, nghĩa là những người chính thức là Phật tử tại gia. Riêng tại Tp.HCM theo số liệu thống kê của Tiểu ban Văn hóa Thành hội Phật giáo Tp.HCM có khoảng 1.726.000 tín đồ Phật tử. Mặc dù số liệu thống kê về số lượng tín đồ Phật tử còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên, có thể khẳng định Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển và là tôn giáo có số lượng tín đồ đứng đầu so với các tôn giáo khác. Về bổn phận của người Phật tử theo đạo Phật thì hàng năm Phật tử đều phải tu học để tịnh hóa tự thân đồng thời phải có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và đạo pháp. Với bổn phận của người Phật tử đối với đạo và đời, Phật tử có nhu cầu đối với các tài liệu giáo lý Phật giáo, Tam tạng kinh và các tài liệu khác để củng cố niềm tin, công phu tu tập và góp phần phát triển đạo Phật ngày một vững chắc hơn. Các Phật tử thường theo học các khóa tu “Một ngày an lạc” có từ 1.200 đến 1.500 Phật tử tham dự, các khóa Thiến thất, Phật thất, Niệm Phật, trì Đại bi chú, lễ Ngũ bách danh v.v…
Nhóm 4. Các giảng viên ngoại điển, sinh viên bên ngoài
Các giảng viên phụ trách giảng dạy các môn ngoại điển như Ngôn ngữ học, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Pháp luật đại cương, Giáo dục công dân (10 người, đều có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ) và một số sinh viên có đến Thư viện để tham khảo tài liệu. Tuy nhiên số lượng này rất ít.
Thư viện Học viện Phật giáo áp dụng hai hình thức phục vụ là đọc tại chỗ và mượn về nhà (chỉ được mượn về nhà tối đa là 3 tài liệu). Trước đây, Thư viện không có sổ theo dõi lượt mượn tài liệu, các phiếu yêu cầu tin do bạn đọc tự viết cũng chỉ được Thư viện lưu trữ không quá 03 tháng. Việc theo dõi lượt người sử dụng và lượt luân chuyển tài liệu chỉ được quan tâm từ khi có phần mềm Thư viện điện tử và quản lý tích hợp nghiệp vụ Ilib. Me Version 5.0. Ví dụ: trong năm 2012 có 566 lượt người sử dụng, 1.158 lượt luân chuyển tài liệu; Trong 5 tháng đầu năm 2013 có 212 lượt người sử dụng, 429 lượt luân chuyển tài liệu, khoảng 19 người sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ.
Nhu cầu tin của đội ngũ giáo thọ sư ở mức cao và chuyên sâu về lĩnh vực nội điển 3 tạng kinh cơ bản của đạo Phật (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng), Triết học Phật giáo, Lịch sử Phật giáo, hoằng Pháp học, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Hoa ngữ, Phật giáo Anh ngữ v.v… Tài liệu về các lĩnh vực này thường được các giáo thọ sư tham khảo để biên soạn giáo trình, chuẩn bị các bài giảng trên lớp. Hầu hết các giáo thọ sư đều có tủ sách riêng, có nguồn sách tặng riêng từ mối quan hệ cá nhân, chỉ khi thiếu tài liệu họ mới đến thư viện.
Nhu cầu tin của tăng, ni sinh chủ yếu là theo chương trình học. Tăng, ni sinh thường sử dụng các giáo trình do giáo thọ sư cung cấp và tham khảo các tài liệu trên mạng từ các trang web về Phật giáo nhiều hơn là tài liệu giấy của thư viện.
Kết quả khảo sát trực tiếp của Thư viện cho thấy, mức độ sử dụng Thư viện của giáo thọ sư, tăng, ni sinh tại Thư viện còn thấp do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như:
– Hạn chế về cơ sở vật chất – kỹ thuật (diện tích kho tài liệu, cũng như diện tích đọc tại chỗ hẹn hẹp);
– Các sản phẩm, dịch vụ thông tin – thư viện rất nghèo nàn;
– Bạn đọc thường ưu thích khai thác các nguồn tin điện tử Phật giáo trên các trang web Phật giáo trong và ngoài nước;
– 2/3 số tài liệu của Thư viện nằm “chết” trong tầng hầm của Học viện;
– Chưa xây dựng được trang web, cổng thông tin điện tử của thư viện;
– Chưa khai thác sử dụng được phân hệ tra cứu với mục lục trực tuyến OPAC;
Trong Học viện có 01 phòng Internet riêng và 01 phòng photocopy để phục vụ tăng, ni sinh tra cứu tin và nhân bản tài liệu. Thư viện không quản lý hai phòng này.
Để nâng cao hiệu quả phục vụ Thư viện tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tp. HCM cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:
1. Giải quyết tình trạng 2/3 số tài liệu của Thư viện nằm “chết” trong kho lưu bằng cách mở rộng diện tích sử dụng của Thư viện trên cơ sở tận dụng một số phòng đang bỏ trống hiện tại để tổ chức thành kho tài liệu mở nhằm tăng số lượng sách phục vụ tại chỗ và cho mượn về nhà.
2. Liên hệ với các khoa thông tin – thư viện tại các trường đào tạo cán bộ thư viện trên địa bàn Tp.HCM (trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM, trường Đại học Sài Gòn, trường Văn hóa Nghệ thuật Tp.HCM) để nhờ các khoa phân bổ sinh viên về thực tập hỗ trợ xử lý tài liệu theo đúng chuẩn nghiệp vụ
3. Tổ chức lại kho tài liệu theo đúng tiêu chuẩn về bảo quản tài liệu và theo hướng phục vụ mở.
4. Huy động các giáo thọ sư, tăng, ni sinh tham gia vào việc phân loại, xử lý 2/3 số tài liệu của Thư viện đang nằm “chết” trong tầng hầm của Học viện để họ biết giá trị của tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của chính họ và sẽ khai thác sử dụng sau này. Khai thác có hiệu quả các tình nguyện viên là đạo hữu làm công quả để hỗ trợ Thư viện trong quá trình cải tổ.
5. Viết thư ngỏ vận động các Phật tử tham gia vào tổ chức lại kho tài liệu và quyên góp tài liệu để tăng vốn tài liệu, quyên góp tiền để mua thêm các kệ để sách, báo, mua thêm một số trang thiết bị hiện đại phục vụ các hoạt động thiết yếu của Thư viện như máy photocopy, máy đọc mã vạch, máy quét tài liệu, mua tài liệu…
6. Xây dựng một số tiêu chí lựa chọn và thanh lọc đối với các tài liệu bổ sung qua kênh biếu, tặng; xây dựng chính sách lưu trữ khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án của tăng, ni sinh.
7. Nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhân viên thư viện của Học viện và đội ngũ cộng tác viên bằng cách cử tăng, ni đi học văn bằng 2 về thư viện – thông tin đối với cử nhân các chuyên ngành khác nhau của Phật học. Trong trường hợp chưa có điều kiện nghiệm nghiệp vụ của các thư viện đại học khác trên địa bàn Tp. HCM để xử lý tài liệu, tổ chức lại kho, tổ chức lại việc phục vụ Thư viện.
8. Chủ động tìm kiếm chương trình hợp tác với các thư viện Học viện Phật giáo trong nước như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Nam tông Khơ me tại Cần Thơ, hỗ trợ thư viện các trường trung cấp, cao đẳng Phật học. Bên cạnh đó thiết lập các mối quan hệ với Học viện Phật giáo của nước ngoài, ví dụ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản v.v…
9. Đào tạo, huấn luyện người sử dụng Thư viện: Trước mắt có thể thức hiện một số hoạt động cụ thể như tư vấn tại chỗ về cách tìm tài liệu trong kho, cách sử dụng và khai thác thông tin qua các sản phẩm và dịch vụ của Thư viện.
10. In ấn các tài liệu về nội quy sử dụng Thư viện, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và khả năng cung cấp thông tin của Thư viện bằng cách sử dụng các bảng biểu hướng dẫn đặt ngay trong phòng đọc của Thư viện; Xin phép các vị sư lãnh đạo Học viện tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho tăng, ni sinh vào đầu năm học; Tổ chức những buổi tọa đàm trao đổi phương thức sử dụng Thư viện cho Tăng, ni sinh…
11. Thiết kế trang web của Thư viện để quảng bá hình ảnh của thư viện và tạo các liên kết để giáo thọ sư và tăng, ni sinh có thể khai thác các tài liệu điện tử dễ dàng đã có từ nguồn trên mạng. Ví dụ đọc sách điện tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gồm 80 đầu sách dạng ebook (sách điện tử) với 3 định dạng PDF. EPUB và MOBI.
12. Đối với dự án xây dựng tòa nhà thư viện học viện gồm 10 tầng đã được Ủy ban Nhân dân Tp.HCM giao 238.0006,5m2 tại nông trường Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cần thiết kế tòa nhà thư viện với các phòng ban theo đúng chức năng, chuẩn kiến trúc thư viện kết hợp đặc thù của kiến trúc các tòa nhà Phật giáo.
13. Đối với việc đào tạo nâng cao trình độ nhân sự làm việc trong Thư viện: Khi cử nhân sự theo học chuyên ngành thông tin – thư viện tại Hoa Kỳ theo dự án xây dựng thư viện nói trên cần phải lựa chọn kỹ càng để về nước không chỉ làm nồng cốt xây dựng thư viện điện tử mà còn có khả năng sư phạm để huấn luyện đào tạo các giáo thọ sư và tăng, ni sinh sử dụng khai thác thư viện điện tử hiệu quả.
Phật giáo lấy phương châm duy tuệ thị nghiệp làm kim chỉ nam cho việc tu học, do đó phát triển các cơ sở đào tạo Phật học cho tăng, ni đã được GHPGVN coi như nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Thư viện của Học viện Phật giáo Tp.HCM nói riêng và thư viện của các cơ sở đào tạo Phật học nói chung của Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu học tập tạo nền tảng vững chắc về trí tuệ giúp cho tăng, ni sinh để hiểu biết sâu sắc các giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của Phật giáo để có thể phát huy và biểu dương các giá trị này đến tín đồ và quần chúng nhân dân. Các thư viện này phát triển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng, ni sinh tu học mà còn góp phần tích cực làm cho các thư viện Phật giáo hòa mình vào dòng chảy của các thư viện Việt Nam theo xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và toàn cầu.”