Một thời Thế Tôn trú ở Kapilavatthu, gọi Mahànàma:
Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của ông. Không ác là cái chết của ông. Do thành tựu bốn pháp, Mahànàma, vị Thánh đệ tử hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, thành tựu các Giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến thiền định.
Ví như, này Mahànàma, một cây nghiêng về phía Đông, hướng về phía Đông, nếu bị chặt đứt nó sẽ ngã về phía nào?
Bạch Thế Tôn, nó sẽ ngã theo phía nó nghiêng, nó hướng về.
Cũng vậy, này Mahànàma, thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩm Saranàni,
phần Mahànàma [2], NXB Tôn Giáo, 2002, tr.542)
Lời bàn:
Có lẽ điều đáng sợ và ám ảnh nhất cho mọi người ở trên đời là cái chết. Mỗi người có một cách nhìn nhận về sự chết khác nhau và hầu như ai cũng cố tình lẩn tránh nó nhưng cuối cùng vẫn phải đối diện.
Nếu như chết là hết, không còn gì cả thì sự sống hiện tại không mấy ý nghĩa. Giả như chết rồi hoặc sinh về cõi trời hoặc đoạ xuống hoả ngục vĩnh kiếp thì người ta luôn phập phồng, bất an vì đời sống vốn trộn lẫn hai mặt của thiện ác. Và khi bỏ xác thân này, thần thức sẽ theo nghiệp của tự thân đã gây tạo mà tái sanh vào cảnh giới tương ứng, xem ra điều này khá công bằng, con người không oán trách ai cả ngoài chính bản thân mình.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, “con người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp”. Tuỳ theo nghiệp mình tạ ra thiện hoặc ác mà gặt hái kết quả hạnh phúc hay khổ đau trong hiện tại và cả tương lai. Như một cây nghiêng, nghiêng về hướng nào thì khi bị chặt gốc sẽ ngã theo hướng đó.
Những người con Phật luôn xây dựng cây đời nghiêng theo hướng thiện, bằng cách chuyển hoá ba nghiệp thân khẩu ý từ xấu ác thành tốt đẹp, thì chắc chắn nó sẽ ngã theo hướng lành. Vậy thì cái chết sẽ là một sự thay áo mới, thăng hoa thêm, tốt đẹp hơn ở đời sống tương lai và như thế thì có gì phải đáng sợ.