Trang chủ Tin tức Chen nhau lên chùa rằm tháng giêng

Chen nhau lên chùa rằm tháng giêng

61

Bội tiền từ… ghế và mâm nhựa

“Chưa năm nào mà dịch vụ thuê mâm đắt hàng như năm nay” – chị Như ở phủ Tây Hồ cho biết. Chỉ với 5.000đ/mâm nhựa đựng lễ thì một vài người làm dịch vụ cho thuê mâm ở Phủ Tây Hồ và chùa Quán Sứ đã kiếm bội tiền, vì mỗi người làm nghề cho thuê mâm ở đây “sở hữu” khoảng 30 đến 40 mâm. Mỗi mâm được quay vòng chỉ sau khoảng 30 phút nên dịch vụ cho thuê mâm đánh trúng tâm lý nhanh, gọn rẻ của những người lên chùa cần mâm dâng lễ.








Dịch vụ cho thuê mâm bầy đồ lễ Phủ Tây Hồ với giá 5.000đ/1 mâm


Ngoài dịch vụ cho thuê mâm thì dịch vụ cho thuê ghế nhựa để ngồi lễ năm nay “phát” mạnh bên ngoài Tổ đình Phúc Khánh. Giá thuê ghế cùng dao động từ 5.000đ đến 15.000đ/chiếc tùy loại. Loại ghế nhựa bé là 5.000đ/chiếc, loại ghế nhựa có tựa lưng là 15.000đ/chiếc, với điều kiện trả tiền trước. 

Một số cửa hàng bên cạnh lối vào Tổ đình Phúc Khánh đã rất nhanh nhạy đi kiếm ghế về cho thuê để phục vụ dòng người đi lễ đến muộn phải ngồi ngoài đường Tây Sơn.


Vái vọng từ dải phân cách


Các chùa ở Hà Nội như Quán Sứ, Trấn Quốc, chùa Hà, phủ Tây Hồ ngay từ sáng sớm 14 âm lịch đã quá tải. Tại chùa Quán Sứ và phủ Tây Hồ, các bãi gửi xe đã hoạt động hết công suất, đôi lúc, giá vé đã đẩy lên 10.000đ/xe máy, 40.000đ/ôtô, cao hơn rất nhiều giá vé do Bộ Tài chính quy định, dù tích kê vẫn chỉ có 2.000đ/ xe máy.


Ngoài bãi gửi xe đã vậy, bên trong các chùa là cảnh chen chân dâng lễ, thậm chí có gia đình chồng đội mâm lên đầu làm lễ, còn vợ đứng đằng sau giữ mâm.









Hành lễ dưới lòng đường bên ngoài Tổ đình Phúc Khánh, phía trước là… xe buýt


Tối 8/2, bên ngoài Tổ đình Phúc Khánh là cảnh ùn ứ các phương tiện giao thông kéo dài từ đầu cầu vượt hướng Tây Sơn – Nguyễn Trãi. Ban tổ chức cũng như chính quyền phường Ngã Tư Sở đã phân làn đường dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở, đoạn trước cửa Tổ đình Phúc Khánh để dòng người đi lễ ngồi ngoài đường và dành đất cho một số người “tổ chức” trông xe ngay dưới lòng đường với giá 20.000đ/xe máy, không trông ôtô vì không có diện tích rộng.


Đến 19h cùng ngày, dòng người đổ về Tổ đình Phúc Khánh đã quá tải, những người đến sau không còn chỗ ngồi dưới lòng đường Tây Sơn nên đã chèo lên cả dải phân cách trên cầu vượt Ngã Tư Sở để vái vọng qua loa phát thanh của Tổ đình.

TP.HCM: Tử vi lén lút ăn khách

Trong ngày 8/2, tại nhiều chùa lớn trên địa bàn TP.HCM, đông đảo phật tử đã đến thắp hương cầu may mắn trong năm mới.


Chùa lớn, lại nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM, nên trong ngày 8/2, chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) đã đón hàng chục nghìn lượt người đến viếng. Các lư hương cỡ lớn luôn đầy ắp những bó nhang phật tử cắm vào nên nhà chùa phải cắt cử nhân viên liên tục xới, đốt bỏ bớt chân nhang.


Phật tử viếng chùa Vĩnh Nghiêm vào chiều tối cùng ngày cũng đã tham gia lễ cúng sao giải hạn do nhà chùa tổ chức. Bên trong sân chùa, ngoài các quầy bán các loại đồ cúng, cầu may, cầu lộc hợp pháp, còn có một số người bán tử vi lén lút nhưng lại khá ăn khách. Đối tượng mua các lá số tử vi nhiều nhất là các cô gái trẻ, những đôi tình nhân.








Người dân viếng chùa Vĩnh Nghiêm tối 8/2. Ảnh: V.T


Nhà chùa đã tổ chức một lực lượng an ninh nhiều lớp từ ngoài cổng vào bên trong sân đến chánh điện. Đặc biệt, tại khu vực cổng chùa còn có sự hỗ trợ của công an khu vực, cảnh sát giao thông nhằm ngăn chặn tình trạng chào mời mua bán mất trật tự, kẹt xe.


Anh Vũ Bùi Biển, công tác tại Trung tâm thông tin khoa học công nghệ TP.HCM đưa vợ đến thắp hương tại chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết chùa Vĩnh Nghiêm là điểm đến đầu tiên trong buổi tối 14 tháng Giêng âm lịch của gia đình, sau đó vợ chồng anh còn dự định đi viếng thêm một số chùa khác.


Tại các chùa nhỏ hơn như Phước Hải (Q.1), Phước Viên (Q.Bình Thạnh), Diệu Giác (Q.2) lượng người đến thắp hương cầu an trong ngày cũng rất đông. Tuy nhiên, đến tối, lượng phật tử tại các chùa này đã giảm.












Ở khu vực Q.5, các hoạt động nhân rằm Nguyên tiêu được tổ chức theo truyền thống của người Hoa như biểu diễn lân sư rồng và giao lưu văn nghệ do trường Hoa văn Khải Tú thực hiện (tại Trung tâm văn hóa Q.5), ca nhạc cổ, trích đoạn tuồng do Đoàn ca kịch Thống Nhất (TP.HCM) biểu diễn tại chung cư Xóm Cải.


Do ngày rằm tháng Giêng trùng ngày cuối tuần nên ngoài các chùa trên địa bàn, nhiều người dân TP.HCM còn tổ chức các chuyến hành hương xa đến các chùa lớn nổi tiếng khu vực miền Nam như chùa Bà (Thủ Dầu Một, Bình Dương), chùa Tây An (Núi Sam, Châu Đốc, An Giang).


Chùm ảnh: Đổ xô lên chùa ngày rằm tháng giêng








Chồng đội lễ cúng, còn vợ giữ mâm lễ vì đã hết chỗ đặt lễ trong chùa








Tại Tổ đình Phúc Khánh, người đến lễ quá tải nên đã phải ngồi lên cả thành cầu vượt Ngã Tư Sở









Các cụ già cẩn thận còn mang cả ghế nhựa từ nhà đến ngồi ngoài đường để vái vọng









Không còn chỗ gửi xe, người phụ nữ ngày ngồi trên giải phân cách cầu vượt Ngã Tư Sở vừa làm lễ vừa trông xe.









Những người đến lễ bên ngoài Tổ đình Phúc Khánh, trong đó có cả trẻ nhỏ.








Ước tính, tối 8/2 có khoảng gần 3.000 người đến dự lễ tại Tổ đình Phúc Khánh








Tại phủ Tây Hồ, từ sáng sớm, dòng người đã chen chân nhau













Không chỉ có cụ già, rất nhiều bạn trẻ cũng lên chùa ngày rằm