Trang chủ Diễn đàn Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật...

Chất vấn TT. Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật – Bài 2

175

1. Hỏi và đáp

Sau bài Chất vấn TT Thích Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật của tôi, có 2 luồng ý kiến phản hồi khác biệt nhau.

Trên facebook của tôi, có ý kiến bạn đọc tán thành, và theo nguyên tắc miêu tả thực tế đặt tên, thì lại đi tới những tên gọi có ý mỉa mai.

Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, như bài Nhân đọc bài “Chất vấn TT Thích Nhật Từ về tự ý đổi tên nhân vật trong kinh Phật” của Minh Thạnh trên trang nhà Phật tử Việt Nam”.

Trước hết, để bạn đọc dễ theo dõi, nắm được trọn vẹn ý nghĩa học thuật của vấn đề, thì xin đề nghị đặng trọn vẹn tất cả các bài có liên hệ đến cuộc thảo luận này. Việc lẫn tránh đăng trọn vẹn, đầy đủ có thể tạo nên sự phiến diện nào đó, có thể hiểu là cố ý hạn chế sự tiếp cận toàn diện, chân thực, trọn vẹn vấn đề.

Trước các câu hỏi chuyển đến thượng tọa Thích Nhật Từ thì vẫn như thông lệ người được hỏi không trả lời, thay vào đó là một người khác và đưa việc hỏi đáp học thuật sang một lãnh vực khác, mà trong bài được nói đến ở đây, tác giả Minh Chiếu xem tới mức “tư thù gì” (câu hỏi trong bài của tác giả Minh Chiếu) với thầy Thích Nhật Từ, “dạy đời”,  “ác ý”, “chụp mũ”, “quy tội”.

Hiện nay, trong bối cảnh xã hội văn minh, truyền thông phát triển, thì việc bạn đọc nêu câu hỏi với tác giả, tín đồ nêu câu hỏi với tu sĩ, những người có quan điểm khác nhau nêu câu hỏi với nhau, là người nghỉ là chưa biết hỏi người được cho rằng đã biết, là chuyện bình thường, là cách cư xử văn minh, trên tinh thần xây dựng, khoa học, rất bình thường. Hàng tuần TV đều phát chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” còn chuyện cử tri chất vấn đại biểu quốc hội là lãnh đạo trong những lần tiếp xúc cử tri là chuyện phổ biến, quen thuộc.

Qua câu trả lời, cách trả lời, mà đông đảo công chúng truyền thông sẽ đánh giá năng lực của người được hỏi.

Ở đây, chỉ là chuyện bạn đọc hỏi người soạn dịch, Phật tử hỏi thượng tọa, thì sao lại nhìn ra có tư thù, nặng mùi xã hội đen trong tư duy, khi mà vấn đề hỏi chỉ là vấn đề chữ nghĩa, quan điểm và kỹ năng học thuật?

Các câu chất vấn và trình bày quan điểm học thuật nhằm vào người soạn dịch, không cố ý nhằm ai vì lý do riêng tư. Vì vậy, những ngôn từ suy diễn như đã trích dẫn là việc đáng tiếc, không phù hợp với tinh thần học thuật cũng như tinh thần Phật giáo, có thể gây ảnh hưởng không tốt cả cho những người đang chất vấn và được yêu cầu trả lời chất vấn học thuật, đặc biệt khi người đó là tu sĩ. Do đó, đề nghị không nên lặp lại những hành vi thiếu văn minh, phi học thuật như vậy.

2. Chất vấn

Những câu hỏi đã nêu đối với người soạn dịch quyển “Kinh Phật cho người tại gia” vẫn chưa được người soạn dịch trả lời. Vì vậy, một lần nữa kính lời chuyển các câu hỏi chất vấn đã nêu trong bài viết trước. Đối với các ý kiến của tác giả Minh Chiếu do không được xem là đã thông qua người soạn dịch “Kinh Phật cho người tại gia” hay có sự ủy nhiệm, nên chúng tôi đương nhiên chỉ coi là ý kiến riêng của tác giả bài viết, không liên quan gì đến người soạn dịch. Và như vậy, các câu hỏi nêu ra với người soạn dịch vẫn chưa có câu trả lời.

Trên tinh thần học thuật, chúng tôi mong có sự giải đáp thỏa đáng những chất vấn đã nêu.

3. Bàn luận về những ý kiến của tác giả Minh Chiếu

3.1 Tác giả Minh Chiếu đã không nói gì đến một vấn đề quan trọng, là việc tự ý đổi tên tựa đề của bài kinh, bỏ một danh từ riêng (“Kinh Angulimala”), mà dùng một cụm từ tự chế. Vậy, tác giả Minh Chiếu giải thích vì sao lại vứt tên kinh Phật đặt, đã qua nhiều lần kết tập, mà sử dụng một cụm từ mà tác giả Minh Chiếu gọi một cách thiếu kiến thức ngôn ngữ học là “cách dùng từ của thầy TNT”. Thực ra ở đây, cấp độ đã trên mức từ vựng, đã tạo thành một cụm… động từ hay động ngữ. Bỏ một danh từ riêng trong nguyên bản từ kim khẩu Phật và thay bằng cụm động từ là một bước đi quá xa, không thể chấp nhận.

3.2 Các vấn đề mà chúng tôi đặt ra không hề liên quan tới kiến thức về tiếng Pali. Do đó, không liên hệ gì đến so sánh kiến thức tiếng Pali giữa người nêu câu hỏi (Minh Thạnh) và người được hỏi (TT Nhật Từ). Từ sự phô diễn đó, tôi xin phép có phần phân vân trước sự phô diễn kiến thức tiếng Pali của tác giả Minh Chiếu.

Tác giả Minh Chiếu cũng tự mâu thuẫn vì dưới thì xổ tiếng Pali, nhưng vấn đề đặt ra trên tiêu đề lại liên quan đến ngữ pháp tiếng Việt “1) Angulimala chỉ là biệt hiệu, chứ không phải danh từ riêng”.

Đây là lỗi ngữ pháp trong việc thể hiện một văn bản đã dịch ra tiếng Việt. Trong tiếng Việt hay các ngôn ngữ, đều không có việc đối lập danh từ riêng và biệt hiệu. Biệt hiệu (tên thường gọi, có thể không phải từ cha mẹ đặt) hay tên do cha mẹ đều là bộ phận của danh từ riêng và đều phải viết hoa gồm cả phiên âm nước ngoài. Đây là kiến thức đã được bắt đầu dạy ở lớp 2 và liên tục nhắc lại ở các lớp trên. Vì biệt hiệu là một loại danh từ riêng, nên đây là quan hệ phối thuộc, không phải đối lập.

Xin nhắc lại: như thế biệt hiệu buộc phải viết hoa chứ không phải người ta có khuynh hướng viết hoa” rồi lúc viết hoa lúc viết không hoa. Vì đây là kiến thức đã dạy ở lớp 2 và nhắc lại trong suốt bậc tiểu học, nên giảng viên môn giáo học pháp tiếng Việt có lưu ý chúng tôi phải bắt lỗi chính tả này một cách nghiêm nhặt ở học sinh trung học, có thể trừ điểm nặng trong bài tập làm văn không thể bỏ qua. Với người có trình độ kiến thức ngữ pháp tiếng Việt như thế, sai lầm ở lỗi sơ đẳng dạy ở lớp 2 tiểu học, thì trình bày kiến thức cấu tạo từ tiếng Pali liệu có đáng tin? Mà làm gì có chuyện có biệt hiệu nào mà không phải danh từ riêng và có thể không viết hoa. Nghị Quế, Chí Phèo, Mã Giám Sinh… đều là biệt hiệu, là một loại danh từ riêng và đều viết hoa. Lúc tôi đi dạy học, lỗi này ở học sinh trung học, ngoài việc trừ điểm bài làm, tôi còn bắt chép phạt để nhớ. Ở đây có thể chịu phạt 2 lần 2 lỗi. Lỗi về chính tả (tiểu học) và lỗi về kiến thức ngữ pháp (từ loại) ở trung học.

3.3 Một nguyên tắc căn bản trong từ vựng học là khi xét một danh từ riêng, trong đó gồm biệt hiệu, việc tách các thành tố để dịch, kể cả trong ngôn ngữ phân lập âm tiết như tiếng Việt là điều không khuyến khích, mà xu hướng ngày nay là giữ nguyên không dịch, cùng lắm chỉ phiên âm hay nhất là giữ nguyên tên gốc. Chúng ta có thấy bản dịch tiếng Anh nào dịch hai thành tố “Đồng” và “Nai” trong danh từ riêng tỉnh Đồng Nai không?

Tác giả Minh Chiếu cũng tự mâu thuẫn khi viết “Trong tiếng Việt “angulimala” có thể được dịch thành “Vòng Đeo Tay Người”, “Tràng Hoa Tay Người”, “Xâu Chuỗi Tay Người” đều được cả”. Việc bừa bãi, lộn xộn, tên người gọi sao cũng được là thủ tiêu sự chính xác của một danh từ riêng (mà biệt hiệu là một loại) vì đánh mất yếu tố cá biệt hóa tối đa, xác định chính xác duy nhất đối tượng.

3.4 Cách dịch các yếu tố có nghĩa trong danh từ riêng đúng ra thể hiện nghĩa của riêng các đơn vị cấu tạo danh từ trong bản dịch là có, nhưng người ta đã thấy được nhược điểm gây rối rắm của nó và gần như không còn dùng. Lấy chính thí dụ của tác giả Minh Chiếu, một vị Bồ tát nhưng có 2 tên Hán Việt khác nhau trong Hán Tạng: Quán Thế Âm và Quán Tự Tại. Đương nhiên như thế sẽ có người tưởng lầm là 2 vị Bồ tát khác nhau.

Hòa thượng Thích Minh Châu đã sử dụng nguyên tắc không dịch các thành tố cấu tạo danh từ riêng giữ gần như nguyên bản danh từ riêng kể cả biệt hiệu và đó là thành tựu dịch thuật kinh Phật hiện đại đã bị người đi sau bác bỏ trong trường hợp chúng ta bàn luận đây.

3.5 Ngoại ngữ chính của tôi ở trường đại học không phải tiếng Anh, càng không phải tiếng Pali, nên tôi tập trung nêu câu hỏi chất vấn xoay quanh những vấn đề tiếng Việt. Dù ai đó ngữ pháp tiếng Việt không vững sai lỗi tiểu học mà cứ xổ tiếng Anh, tiếng Pali ra thì quả cũng kỳ. Chúng ta so sánh việc chuyển một câu 14 âm tiết thành một cụm từ 4 âm tiết như sau liệu có còn bảo đảm chính xác: “Anh ta đeo vòng hoa trên cổ được làm bằng các ngón tay người” đã chuyển thành “Vòng Hoa Tay Người” (viết hoa, tiêu chí xác định danh từ riêng).

Chỉ hai thành tố, là cụm từ “vòng hoa” và “tay người” được giữ lại, một loạt nét nghĩa thiết yếu bị lược bỏ, dĩ nhiên làm tối nghĩa. Người đọc không thể hình dung “bổ sung” nét nghĩa được làm bằng ngón tay. Nếu căn cứ lời tác giả Minh Chiếu, trong tiếng “Anguli” có nghĩa đen là “ngón tay”. Từ ngón tay thành tay thì chính xác ở chỗ nào?

3.6 Cũng theo tác giả Minh Chiếu có chỗ thì cắt bỏ, giản lược, còn có chỗ thì viết thêm vào: “Trong tác phẩm Kinh Phật cho người tại gia thầy TNT mô tả…”. Kinh Phật là do Phật nói, lời của Phật, sao lại có việc người sau “mô tả” vào văn kinh. Vì vậy, từ “khủng bố”, nếu nguyên văn kinh Pali có đúng từ đó thì ở đây đúng, còn nguyên văn kinh không có mà “mô tả” thêm vô thì phải điều chỉnh. Đối với kinh Phật đâu có việc muốn “mô tả” vào văn kinh thì “mô tả” theo từ hiện đại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến thượng tọa Thích Nhật Từ những câu chất vấn tiếp theo xoay quanh bản dịch “Kinh Phật cho người tại gia”. Mục tiêu của tôi không gì ngoài việc bảo vệ sự trong sáng và chính xác của kinh Phật để từ đó tích lũy công đức. Như tựa đề bài viết, đây chỉ là những chất vấn, và chờ đợi ở người trả lời, không phải là sự khẳng định tôi đúng. Cũng có thể là có những điều tôi chưa biết và việc giải thích rõ hơn từ người soạn dịch, cũng như trả lời trực tiếp, đương nhiên là có ích hơn cho bạn đọc, trong đó có tôi.

Tôi chỉ tập trung hỏi vào khâu sự thể hiện bằng tiếng Việt của bản dịch và kiến trức ngôn ngữ học đại cương, và rất mong được trả lời ở khâu quan trọng này, tránh trường hợp những nguyên tắc cơ bản của tiếng Việt và ngôn ngữ học đại cương không nắm vững, nhưng lại đi phân tích cấu trúc từ tiếng Pali và người hỏi không có khả năng kiểm chứng khi tiếp nhận.

Tiếng Pali cấu tạo danh từ riêng thế nào, điều đó không quan trọng bằng câu hỏi sao không giữ nguyên từ vựng chính Đức Phật đã nói như thế, để rồi xảy ra việc ở trên tên kinh dịch một đàng, xuống dưới cũng tên đó lại dịch một nẻo, rồi 3,4 cụm từ gì đó đều nói là đúng cả (1).

Khi theo dõi cuộc thảo luận học thuật này cũng kính đề nghị bạn đọc lưu ý đến phong cách diễn đạt của các bài liên quan.

MT

(1) Ở đây, chúng tôi chỉ đưa vào câu hỏi kiến thức từ vựng học, mà chưa dùng đến kiến thức hình thái học, trong câu hỏi vì ngại sẽ làm khó hiểu câu hỏi. Nhưng mong người soạn dịch khi trả lời có thể dùng đến hình thái học để có thêm công cụ giải đáp người hỏi. Như xin hỏi, thì cơ sở hình thái học để tạo nên danh từ riêng với những thành tố có nghĩa như vậy.

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.