Trang chủ Diễn đàn Chất và Lượng tín đồ Phật giáo: Cái gì cần trước?

Chất và Lượng tín đồ Phật giáo: Cái gì cần trước?

163

Mấy ngày gần đây có nhiều bài viết tranh luận về con số thông kê về số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam có 6.802.318 là đúng, sai, hay vu vơ…

Con số này lấy từ cuộc Tổng điều tra dân số chính thức năm 2009 do Tổng cục Thống kê thực hiện. Chúng ta cũng không cần thiết phải tranh luận nhiều về con số này.

Vì vậy bài viết này, người viết chỉ đặt ra câu hỏi: Giữa chất lượng và số lượng chúng ta ưu tiên đặt cái nào lên trước để có hoạch định chiến lược mang tầm vĩ mô cho sự phục hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam trước thềm Đại hội Phật giáo toàn quốc sẽ diễn ra trong tháng 11/2012 tại Hà Nội.

Chúng ta hãy thử đọc, nghe, nhìn và tận mắt chứng kiến vào dịp đầu năm sau tết Nguyên đán bắt đầu ngay từ giao thừa có ngôi chùa nào trong các thành phố lớn mà không còn chỗ chen chân?

Tại lễ hội Yên Tử, Chùa Hương và các lễ hội suốt tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch ở các miền quê ở phía Bắc mà không có con số triệu, triệu người.

Sau tết ra gần như tất cả các công sở, cơ quan, ngay cả trường học có nơi nào mà không có nhân viên, thậm chí là rất đông cán bộ công chức mà không xin nghỉ riêng lẻ, hay tập thể để đi lễ hôi, lễ chùa.

Ngày 8 tháng giêng, báo chí, truyền hình đã đưa hàng loạt các hình ảnh rất nhiều chùa ở ngay Hà Nội hàng ngàn, vạn người đứng tràn cả ra đường cả km để làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh là gì.

Chùa Bái Đính ngày khai hội có tới hàng vạn du khách về thăm viếng.

Đương nhiên là không phải ai đi hội, ai đến chùa cũng đều là Phật tử cả. Nhưng bất cứ ai đặt chân đến Chùa, hay ở nhà, khi đã cầm nén nhang trên tay câu đầu tiên họ thốt ra khỏi miệng là “ Nam Mô A Di Đà Phật” rồi sau đó họ khấn nguyện gì, lậy ai, cúng ai thì không biết…

Trong khi chúng ta cũng nhìn vào việc xây Chùa, đúc chuông, tạc tượng ngày càng nhiều, ngày càng lớn, ngày càng lớn nhất, rộng nhất, cao nhất, nhiều nhất…

Ngôi chùa Bái Đính  đoạt nhiều kỷ lục nhất, nhưng thử hỏi đến bao giờ thì sẽ lập kỷ lục về những buổi thuyết giảng cũng nhất, những khóa tu có số lượng người đông nhất? Mà chùa này đã có bao nhiêu buổi thuyết giảng rồi, đã tổ chức được bao nhiêu khóa tu rồi? (Hình như là chưa?)

Nếu chỉ nhìn vào những hình ảnh như vậy chúng ta ai cũng phải công nhận rằng Đạo Phật nước nhà đang phục hưng, đang phát triển so với vài chục năm trước.

Nếu chúng ta tạm công nhận con số thông kê tín đồ Phật giáo Việt Nam là đúng thì chúng ta cũng thử làm một cuộc phỏng vấn xem là có bao nhiêu Phật tử trong ngày qui y, lậy Phật làm Thầy (ngày chính thức trở thành Phật tử), được nguyện năm điều đạo đức của Đức Phật dậy cho người Phật tử?

Có bao nhiêu chùa có thuyết giảng kinh, thuyết giảng pháp, tổ chức các khóa tập tu cho Phật tử tại gia…?

Vì vậy mà mang tiếng là Phật tử, nhưng chỉ biết ngoài câu Niệm Phật “ Nam Mô A Di Đà Phật” ra thì người Phật tử còn được biết những gì về Đức Phật. Nếu chúng ta chỉ cần làm một câu hỏi đơn giản thế này:

1-    Đức Phật Thích Ca là nhân vật Lịch sử? hay huyền thoại?

2-    Phật A Di Đà là nhân vật Lịch sử? hay huyền thoại?

Chúng ta sẽ có kết quả bao nhiêu người trả lời đúng?

Nếu là Phật tử mà chưa bao giờ được học giáo lý, chưa bao giờ được một lần đọc một bài kinh, chưa một lần để tâm hay một lần được nghe một bài thuyết giảng về Đức Phật thì cũng coi như bằng không.

Cuối cùng thì họ cũng đến chùa chỉ là đi cho tâm được bình an hay đi theo phong trào mà thôi. Thậm chí chính họ lại góp phần làm cho Đạo Phật mang đầy mầu sắc mê tín. Hay chính họ lại là người vô tình tiếp tay cho những kẻ phá Đạo.

Nếu Phật tử mà không hiểu được giáo lý, không hiểu về Đức Phật mà người Phật tử lậy làm Thầy. Ngôi chùa nào mà không hoằng hóa mà chỉ chú trọng đến thu tiền thì có khác gì Phật tử và ngôi chùa trở thành nơi mặc cả với Phật “Phật cho con… được cái này thì con sẽ cúng Phật…”

Nếu mọi người không hiểu được vì sao mình theo Đạo Phật, không hiểu được Đạo Phật khác với các Đạo khác ở chỗ nào thì số đông đâu phải đã là tốt. 

Chúng ta đã chẳng quá đau lòng và xót xa khi trước cửa chùa Hương bày bán đầy thịt động vật bị giết hại và có cả vài trăm người trước khi lên lễ Phật mà đã ngồi nhậu tại các quán này hay sao.

Trong hàng vạn người đang đứng tràn cả ra đường để làm lễ dâng sao giải hạn kia thì có bao nhiêu người đã và vừa làm những điều không được làm, rồi vội chạy đi xin Phật xá tội, giải hạn cho con…

Thay vì nhà Chùa làm lễ dâng sao giải hạn thì thuyết giảng về luật Nhân Quả, về Bát Chánh Đạo… về ba điều mà Đức Phật không thể độ được cho chúng sinh, về tập tục dâng sao giải hạn không phải là của Đạo Phật …thì có phải lợi lạc biết bao nhiêu không.

Hãy giảng cho mọi người biết rằng Đức Phật không thể độ được cho những ai nghiệp báo đã đến lúc chín mồi. Do không biết, không hiểu được điều này  thì khi hạn đến lại quay lưng lại với Phật thế có phải thiệt thòi biết nhường nào không.

Nếu người Phật tử không hiểu được vì sao mình theo Đạo, theo để làm gì thì kẻ xấu lợi dụng để phá Đạo Phật rất dễ và chính người Phật tử lại trở thành tay sai đắc lực cho kẻ phá đạo hơn ai hết.

Chắc ai trong chúng ta, những người Phật tử hay chưa phải là Phật tử đang yêu mến và có cảm tình với Đạo Phật từ đêm 4/11 đến giờ trái tim đang như bị ai bóp nghẹt chỉ vì hình ảnh hai nhà Sư đã vi phạm giới luật, đánh mất, cốt cách, phẩm hạnh của người xuất gia, đã để kẽ hở cho kẻ phá đạo Đàm Vĩnh Hưng lợi dụng. Rồi hình ảnh hàng chục các Thầy thản nhiên hút thuốc  …

Chúng ta biết rằng là người Phật tử không được phép phán xét các Thầy, nhưng trái tim chúng ta đang bị một vài Thầy bóp nghẹt và sát muối.

Người viết bài này đã có bài viết “Xin các Thầy hãy giữ đúng phẩm hạnh người xuất gia để không bị kẻ xầu lợi dụng” nhưng dường như tiếng năn nỉ của chúng con nó yếu ớt quá vì vậy mà các Thầy không nghe thấy thì phải.

Nhưng thôi không vì một con sâu mà chúng ta phải đổ nồi canh đi, chúng ta hãy vớt ra và tiếp tục thưởng thức. Việc các Thầy vi phạm giới luật thì đã có những người quản lý các Thầy lo rồi. Chúng ta đừng quá đau buồn nhé.

Đứng trước tình trạng như thế này, chúng ta cần chất lượng tín đồ Phật tử trước hay chúng ta cần số lượng trước?

Đương nhiên mong muốn của chúng ta đều cần cả hai rồi. Nhưng nếu phải lựa chọn thì chúng ta cần ưu tiên tập trung cho cái gì trước?

Ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc sắp diễn ra, chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều những  báo cáo, những tham luận, những hội thảo về thực trạng, những phương hướng, chiến lược, hoạch định, phát triển Phật giáo nước nhà theo hướng bền vững.

Là Phật tử chúng ta hãy cố gắng tập tu và tinh tấn theo năm điều chúng ta đã nguyện và chúng ta cũng sẽ phấn đấu trở thành những Hoằng pháp viên tùy theo khả năng của từng người, để góp phần làm cho tín đồ Phật giáo Việt Nam phát triển cả về Chất và Lượng.

Vì vậy  người viết và tất cả các Phật tử trong cả nước rất mong ba anh Minh Ngọc, Minh Mẫn, Minh Thạnh – các anh đếu có cái tên bắt đầu bằng chữ Minh rất hay, rất có ý nghĩa, chụm lại chắc chắn sẽ đóng góp cho Phật giáo  những ý kiến, những bài viết xây dựng và phát triển Phật giáo nước nhà cả về chất lẫn Lượng.

Sài Gòn  tháng  11  năm 2012
Giác Hạnh Hoa