“Bóng trúc quét thềm trần chẳng động
Trăng chìm đáy biển nước không xao.”
Thơ thiền thường diễn tả những hành giả nhập đạo luôn chế ngự sự phiêu lưu tự phát của tư tưởng, làm chủ định luật, bất động trước ảnh tượng trần tục và mọi thứ ưu phiền của thế gian. Nhưng đôi khi, không vì thế mà tâm hồn họ thản nhiên với sự thịnh suy của Đạo pháp, hay sự tồn vong của quốc gia. Nên cách ngôn thường nói, ‘tánh tham là xấu nhưng thay vì tham cái vị kỷ đê hèn, biết tham vì vị tha, ích quốc lợi dân thì tham ấy Phật, Chúa cũng tham. Tánh sân đáng chê nhưng thay vì giận cái khí huyết của lòng ti tiểu, biết giận cho cái bất bình chính nghĩa thì giận ấy Lão Đan, Khổng Tử cũng xá dài bái phục’.
Ai đã từng diện kiến Ôn Quảng Độ sẽ nhận ra trên nét mặt của Ôn luôn u hoài về một “lịch sử xa xăm”. Bởi lẽ một con người chưa bao giờ chịu sự yên ổn, một con người nhạy cảm, mang tâm trạng lo âu cho thế giới hiện tại.
Từ lâu tôi đã muốn viết về Ôn, nếu viết sẽ là một bản trường ca dài về thân phận như ‘Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng’. Thơ của Tô Đông Pha “Núi nhớ Hỉ hoan đọa đày viễn mộng” (Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng 山 憶 喜 歡 勞 遠 夢). Bốn chữ “đọa đày viễn mộng”, thầy Tuệ Sỹ nói rằng vừa kiêu sa vừa cô quạnh, mùa thu và tóc trắng hiện ra những nét vừa khốc liệt vừa man mác. Bốn chữ này cũng kích thích tôi khi hồi tưởng về Ôn, hồi tưởng về giai đoạn Ôn bị quản thúc nơi miền viễn xứ – Vũ Đoài, Thái Bình.
Đã 19 năm trôi qua, sau lần tôi đến thăm Ôn tại Thanh Minh thiền viện (Sài Gòn), một lần duy nhất vào năm 2006; một buổi sáng, ngồi hầu chuyện bên Ôn, lắng lòng nghe bài học dài của dân tộc. Bài học này Ôn đã viết, tôi không viết lại. Ôn là một nhà chính khách trung trực, một nhà Phật học lỗi lạc, một nhà thơ chơn chất và thơ là dấu vết cuộc đời in trên trái tim của Ôn. Cho nên tôi có chút cảm nghĩ về thơ Ôn, về một quá khứ rất riêng tư – “chung trà pha ấm đêm tâm sự”:
Bốn mươi ba năm về trước – trên đoạn đường bị đày ải, bắt đầu thơ của Ôn như thơ Tô Thức “vang lên những tiếng dội lạ lùng. Khổ đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời… lại đượm những chân tình hoài vọng xa xôi.” Suốt chặn đường từ Nam ra Bắc, đến nơi nào ấn tượng, nhiều kỷ niệm bi đát chua chát, Ôn đều cảm tác. Song, có bốn bài đặc biệt mà tôi cảm thấy dường như Ôn mỏi mòn muốn gởi tất cả về phiến mây bay cuối trời, do thế tôi luyến lưu ghi lại đây.
Chuyến hành trình viễn đày dừng tại huyện Vũ thư, Thái Bình là trạm cuối, đúng ba giờ chiều ngày hai tháng ba năm 1982 (mùng 7 tháng 2 năm Nhâm tuất). Tối cùng ngày, Ôn được đưa về chùa Long Khánh, xã Vũ Đoài (Thái Bình), bước lên điện Phật thỉnh chuông, qua ngọn đèn dầu tù mù, Ôn biết nơi đây là ngôi chùa nhỏ, rồi đi nghỉ. Sáng thức giấc, nhìn rõ cảnh chùa cũ kỹ tiêu sơ, dột nát, bàn thờ nhện giăng tơ, án kinh mốc meo… chạnh lòng suy nghĩ, sao cảnh chùa và mình giống nhau quá. Bài thơ “Vịnh chùa Long Khánh” ra đời.
Long Khánh sao mà cảnh tiêu sơ
Khói hương lạnh lẽo tự bao giờ
Dưới án cuốn kinh sâu cuốn tổ
Trên tòa tượng Phật nhện giăng tơ
Câu đối mối xông mùn đắp kín
Hoành phi mọt đục bụi che mờ
Mõ vỡ chuông rè nằm lỏng chỏng
Đứng nhìn tôi những ngẩn cùng ngơ.
Nhưng không thể “ngẩn cùng ngơ” mãi được, Ôn bắt đầu, hằng ngày ngoài giờ thỉnh chuông tụng niệm thường nhật, Ôn quét tước, bao sái Phật tượng, dọn dẹp, dẫy cỏ, từ trong ra ngoài. Ngày nào cũng thế “lấy đó làm vui cơn đất thất”. Đến năm 1990, chùa bớt hiu quạnh vì có bổn đạo lai vãng và thỉnh thoảng có Tăng, ni, Phật tử từ miền Nam ra thăm Ôn. Sau đó, một số Phật tử lớn tuổi trong làng gom ít tiền sơn tượng Phật, sửa lại sơ cảnh chùa, nhờ thế cảnh sắc trong ngoài lẫn câu đối hoành phi trông cũng phần phong quang. Một hôm, có người trong xã nói với Ôn: “Năm ngài mới ra, ngài có làm bài thơ Vịnh chùa Long Khánh nghe buồn lắm. Bây giờ cảnh chùa đã khác, đã sầm uất, cứ mỗi lần cháu đi vào ngõ chùa là lòng thấy rộn ràng vui lắm. Giờ xin ngài làm một bài nữa nối vào bài trước cho hợp với phong cảnh mới.” Ôn nhận lời, tối hôm đó sau thời tụng kinh, Ôn ra ngoài sân nằm chơi, cấu tứ ra ý thành một bài: Vịnh chùa Long Khánh II.
Long Khánh bây giờ cảnh khác xưa
Khói hương nghi ngút cảnh chiều trưa
Tiếng mõ nhịp nhàng vang gần gũi
Hồi chuông thanh thoát vọng xa đưa
Câu kinh cứu khổ ngân trầm bổng
Tiếng kệ từ bi điểm nhặt thưa
Lịch sử hai nghìn hồn vẫn đó
Hỏi người trong mộng tỉnh hay chưa?
Từ khi Ôn về đó, kẻ oán người sơ được Ôn cảm hóa dần, họ phát tâm kiếm cho nhà chùa nhiều loại hoa đem về trồng trước sân. Ôn thích nhất cây tùng cảnh, mỗi năm Ôn uốn một tán, đến năm 1992 được mười tán. Từ đó cứ mỗi ngày hai lần sáng và chiều, sau khi vun tưới xong, Ôn ngồi ngắm và nói chuyện với những khóm hoa, chúng đã mang lại cho Ôn những giây phút êm đềm. Ôn tâm sự, xuân ở miền Bắc rất đẹp. Sáng ra, những giọt sương đêm lấm tấm còn đậu lại trên các cánh hoa, các đầu lá, trông như những viên ngọc lung linh huyền ảo. Nhất là vào những đêm thu trăng sáng, ngọn gió hiu hiu. Hoa cúc, hoa huệ ganh đua với ánh trăng… Ôn thấy như chúng đang nói chuyện với nhau rồi chính Ôn cũng hòa nhập vào cuộc đối thoại ấy:
Đêm khuya trăng sáng
Nhẹ thoáng hơi may
Cành mai rung động
Ngọn trúc khẽ lay
Tôi lắng ‘tâm’ nghe
Thiên nhiên đối thoại
Nói trong tịch lặng
Chẳng biết dở, hay?
Trời thu man mác
Hoa nở hương bay.
Theo tôi, khi tâm thức tĩnh lặng, người ta có thể thấy được vẻ đẹp ngay cả trong từng ngọn cỏ lá cây, một vẻ đẹp siêu việt mọi lo toan trong đời sống tang thương thường nhật. Đó chính là tâm tịnh thế giới tịnh. Nếu không đạt được sự ngưng đọng như thế thì nghệ thuật thơ ca chỉ là sự sùng bái mê lầm và ảo tưởng. Chung cục, dù là một nhà sư, hay một chính khách, hoặc là thi sĩ, thì hạnh phúc của Ôn vẫn là người sống không bằng lòng để sống, mà sống đấu tranh cho lịch sử, đấu tranh cho tồn tại Chánh đạo, do đó Ôn được Hòa thượng Trí Quang gởi tặng “Chánh pháp trung thần 正法忠神” (và Pháp vương trung lương kiệt 法王忠良傑). Nghĩa là không chỉ sống với chánh pháp mà còn phải sống với lịch sử. Hạnh phúc nhất của một đời người là phải có lịch sử. Hai chữ trung thần dành cho ai luôn luôn chọn tự do bằng cách can dự vào con thuyền chánh pháp trước lớp sóng phế hưng. Đó là cách mà chúng ta thấy ở Ôn gắn kết đời mình với vận mệnh dân tộc một cách trực thiết và khẩn thiết. Do đó Ôn cảm thấy buồn khi mình bị buộc thúc ở một nơi mà trách nhiệm lịch sử thì còn đó…:
Tôi có khoảnh vườn nhỏ
Trồng năm ba khóm hoa
Cúc vàng màu rực rỡ
Mai trắng muốt ngọc ngà
Huệ bạch hình ẻo lả
Hồng nhung dáng thước tha
Đăng tiêu màu hồng lợt
Thược dược tím đậm đà
Màu thời gian điểm xuyết
Thêm khóm hoa mười giờ
Mỗi buổi bình minh dậy
Cũng như lúc chiều tà
Tôi ngồi nhìn từng khóm
Và nói chuyện cùng hoa
Hoa bảo: Đời hoa sướng
Hơn cái kiếp người ta
Gió trăng kết làm bạn
Tỏa hương thơm gần xa
Sống thì vô tri giác
Chết rồi chẳng thành ma!
Hoa cười tôi lẩn thẩn
Sao không làm kiếp hoa?
Tôi trầm ngâm giây lát
Rồi khẽ cất tiếng ca
Ca rằng:
Thiều chi hoa, kì diệp thanh thanh
Tri ngã như thử, bất như vô sanh
(苕之华,其叶青青. 知我如此,不如无生 [小雅·苕之华])
“Cây thiều lá trổ xanh xanh,
Biết thân ta thế đừng sinh ra đời!”
“Thơ là ẩn ngữ hay không là ẩn ngữ? Vừa ẩn ngữ, vừa không là ẩn ngữ: Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở; Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi?”
Kính tưởng nhớ Ôn, Tâm Nhãn khể thủ.