Chánh Niệm
Phải thực tập chánh niệm: Biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì để có thể chủ động đời sống mình và không bị lôi kéo bởi hoàn cảnh. Đây là một phương pháp tu tâm thần diệu của đạo Phật. Phương pháp này không bắt đầu bằng sự phân biệt những ý niệm thiện ác mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình.
Có nhiều người tuy sống mà thật ra không sống, bởi vì họ không có ý thức về sự sống của họ: Họ ăn, ngủ, làm việc và giải trí như một bộ máy cho đến khi chết. Đến lúc sắp lìa đời, nhìn lại họ giật mình thấy như mình chưa từng sống: Sáu, bảy mươi năm qua vừa qua đi như một giấc mộng.
Bí quyết của phương pháp chính niệm là Ý THỨC ĐƯỢC RẰNG MÌNH ĐANG SỐNG: Khi đang ăn, mình biết là mình đang ăn, khi đang ngồi, mình biết là mình đang ngồi. Nói tóm lại mình phải ý thức được mỗi giây phút của đời sống mình. Thắp lên ngọn đèn chính niệm, tự nhiên sự vô tâm quên lãng trở thành ý thức sáng tỏ và sự chết biến thành sự sống.
Nhiều lần trong một ngày ta tự hỏi mình: Ta là ai, ta đang làm gì, nghĩ gì, nói gì? Như thế, ta nắm ngay được chủ quyền, không để cho hoàn cảnh lôi kéo và áp giải ta về thế giới quên lãng và về cái thế giới của sự chết. Ta sống cuộc đời của ta. Buổi sáng rửa mặt nhìn vào trong gương, ta tự nhủ: “Đây là một ngày mới, ta phải sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ta phải biết làm thế nào để sống ngày hôm nay cho an lạc, đừng để cho những tên giặc cáu kỉnh, tỵ hiềm và hối hả đến quấy phá và cướp mất hai mươi bốn giờ quý báu của ta”.
Ta hãy quan sát chú Bảy, một người có học Phật và biết áp dụng thông minh phương pháp tu dưỡng đạo Phật. Trong ngày, mỗi khi chú Bảy tự bắt gặp chú đang phiền muộn hay cáu kỉnh, chú liền tự đánh thức chú dậy. Chú tự nói: “ Ta đang bị phiền muộn và cáu kỉnh thống trị. Ta không thể để cho cuộc đời ta bị đục khoét tan nát bởi những con sâu phiền muộn và cáu kỉnh. Ta phải sống đời sống của ta một cách an lạc”.
Cố nhiên chú Bảy biết là những phiền muộn cáu kỉnh và tỵ hiềm kia mỗi thứ đều có nguyên nhân của chúng. Chú biết những điều đó đáng giận thật, nhưng chú nhất định không đem cuộc đời của chú để đánh đổi lấy một chuỗi phiền muộn.
Chú tự nhủ: “Phải sống làm sao như một trái núi đá; những phiền não kia chỉ có thể như những đợt sóng biển va chạm và tan vỡ dưới chân núi đá”. Sự khác nhau giữa người có tu và không tu là ở chỗ đó; người có tu thì giữ được tâm thanh tịnh và an lạc ngay trong thế giới dẫy đầy điều bất như ý.
Quán sát những sự việc xảy ra trong ánh sáng duyên khởi, ta sẽ thấy não phiền dễ tan rã và có thể nhìn cuộc đời với những con mắt tha thứ và thương yêu. Kinh Pháp Hoa xưng tán đức bồ tát Quán Thế Âm là người biết nhìn người đời với những con mắt từ bi (từ nhãn thị chúng sanh). Đó là vị bồ tát này do quán chiếu cuộc đời trong ánh sáng duyên khởi cho nên đem lòng thương tất cả mọi loài.
Ta phải thỉnh thoảng nhìn lại chính ta trong lúc đang nói hay đang làm một điều gì. Ta hãy quán chiếu bản thân ta để trước hết là ta thấy ta đang nói điều đó hay đang làm điều đó. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ đưa ta về chính niệm cho dù trong khi đó nói điều kia ta đã có thể đi xa chính niệm đến hàng muôn dặm. Ta nên biết rằng mỗi lần quán chiếu tự thân như thế ta chỉ tiêu xài một vài giây đồng hồ. Nhưng chính một vài giây đồng hồ đó có thể thắp lên một mặt trời trong thế giới của ta và giải phóng ta khỏi thế giới quên lãng bị động có tính cách mê ám.
Mỗi ngày ta có thể dành được bao nhiêu giây đồng hồ công trình quán chiếu này? Bậc giác ngộ là người quán chiếu thường xuyên tự tâm mình. Ta là người quyết tâm học theo các bậc giác ngộ, chẳng lẽ ta không để dành được vài phút trong một ngày cho công trình quán chiếu quan trọng ấy sao? Ta nên biết, dù chỉ có thể tiêu xài vài ba phút trong ngày cho công trình quán chiếu tự tâm, ta cũng đã làm cho cuộc đời ta sáng rỡ và có ý nghĩa vạn lần hơn trước.
Trở lại trường hợp chú Bảy. Mỗi khi chú dùng giây phút quán chiếu để trở về với chính mình và làm chủ được tình trạng, chú thường mỉm cười để chứng tỏ sự chiến thắng để có thêm đức tin ở khả năng mình.
Quán Chiếu
Ta nên dành một ít thì giờ trong ngày để tĩnh tâm, thiền tọa, đối diện với chính mình và cứu xét nguyên lý duyên khởi trong các sự việc sảy ra hàng ngày. Phải tìm được giờ yên tĩnh, hoặc ở gia đình, hoặc ở chùa, hoặc trong công viên, hoặc ngoài đồng ruộng để thực hiện điều này.
“Tôi không có thì giờ” mọi người đều nói như thế. Đúng rồi, buổi sáng thức dậy thì lo đi làm, chiều làm về thì mệt, ăn cơm xong thì chỉ muốn nghỉ ngơi để sáng mai lại đi làm. Ai sống trong thời buổi này mà không bận rộn. Nhưng chính làm thế nào để đừng sống như một bộ máy, làm thế nào mà có được thì giờ cho chính mình, làm thế nào để sống đời sống của mình, đó mới là vấn đề quan trọng.
Buổi sáng khi múc nước vào chậu rửa mặt, đánh răng, cạo râu, ta gọi đó là một sự bận bịu sao? Năm hoặc mười phút đồng hồ ấy có thể đi qua một cách vội vã, hấp tấp và vụt chạc; năm nay mười phút ấy trái lại, cũng có thể là năm mười phút thoải mái vui tươi mà ta có thể sống.
Rửa mặt chỉ là để cho sạch mặt mũi mà thôi sao? Rửa mặt có thể là một lạc thú, một niềm vui đơn giản và trong lành. Nếu ta dùng năm mười phút ấy để lo âu, để tính toan công việc trong ngày, thì ta không được hưởng cái niềm vui đơn giản và trong lành đó. Ta hãy gạt đi những nỗi lo âu, tính toán kia; cười trong tấm kính, ta nghĩ đến chậu nước mát, chiếc khăn bông sạch sẽ, một ngày trọn vẹn sẽ do cách sống của ta mà trở nên vui tươi…
Trong ngày ta CÓ những giờ vui như vậy. Khi ta tắm hoặc bơi trong giòng sông hoặc xối xuống vai nước mát lạnh bằng chiếc gáo dừa, ta có thể dùng thì giờ ấy để tĩnh tâm và quán chiếu. Khi ta đi làm về, từ bến xe buýt hoặc từ ngoài ruộng vườn đi bộ về nhà, ta có thể thở không khí trong lành hoặc quán sát sự sống chung quanh và quán chiếu tâm mình. Nếu có một phòng riêng trong gia đình thì rất tốt, ta yêu cầu mọi người trong gia đình cho ta mười lăm phút hoặc nửa giờ an tịnh.
Tắm xong ta thắp một cây nhang cho tinh khiết: Cửa sổ mở ra nếu bên ngoài không ồn ào lắm. Ta đâu có cần phải bỏ ra hàng giờ, hàng buổi để tĩnh tâm mà than phiền là quá bận rộn. Năm phút cũng đã là quý rồi. Cái hay nhất trong đạo Phật là pháp tĩnh tâm thiền quán: Nếu mình là Phật tử mà không biết áp dụng những phương pháp này thì thật là uổng quá, cũng ví như có kho lúa gạo mà không biết ăn. Có gia tài mà không xài.
Phương pháp tĩnh tâm như thế nào? Ta có thể học tập với những người bạn đã từng có kinh nghiệm, hoặc với những tăng sĩ có khả năng. Nếu chưa có ai để học hỏi, thì ta có thể mô phỏng mà tập theo phương pháp sau đây của chú Bảy, rất đơn giản mà cũng rất có hiệu quả, trong khi chờ đợi.
Buổi tối, sau khi tắm, chú Bảy mặc áo quần rộng rãi. Rất thong thả chú sắp đặt lại căn phòng của chú cho ngăn nắp, thay nước hoặc cắm lại một bông hoa hay một cành cây trên bàn Phật, và cuối cùng chú thấp một cây nhang. Từ khi bắt đầu “công việc” như sắp lại mấy cuốn sách, cầm chiếc chổi lông phất bụi, chú biết tự nhiếp mình trong chính niệm, mỗi cử chỉ, mỗi động tác của chú đều ung dung thư thái và đặt dưới sự kiểm soát từ hòa và sáng suốt của ý thức. Chú Bảy cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc.
Chú nhất định không hấp tấp, không vụt chạc, bởi vì chú biết rằng mỗi cử chỉ mỗi cái nhìn, mỗi ý tứ đều là sự tĩnh tâm thiền quán. Khi cầm một bình hoa, chú ý thức rằng: cắm một bình hoa không hẳn là để CÓ một bình hoa: cắm một bình hoa là để cắm một bình hoa; động tác cắm hoa còn quan trọng hơn cả kết quả của động tác ấy (tức là có một bình hoa đẹp). CẮM HOA là để quán chiếu tâm mình, là thiền định, là chính niệm, là sống trọn vẹn giây phút hiện tại.
Trong khi cắm hoa chú Bảy thấy lòng chú thanh tịnh, an lạc, chú có ý thức rõ ràng rằng chú đang cắm hoa, đang sống an lành giờ phút chú cắm hoa. Nếu ta làm được như chú Bảy ta sẽ thấy cử chỉ của ta ung dung, từ hòa, thân thể ta thư thái và tâm ý ta lâng lâng một niềm vui thanh thoát. Nghệ thuật cắm hoa và pha trà phát xuất từ thiền viện, bắt nguồn từ nguyên tắc chính niệm này. Chú Bảy để ra năm phút để cắm một bình hoa. Phí thì giờ quá, người ta có thể nghĩ; nhưng đây là thì giờ của ý thức, của quán niệm, của an lạc, còn quý giá gấp ngàn lần thì giờ để dành vào việc lo lắng, bực bội và mưu toan.
Cắm hoa hoặc quét nhà hay xếp lại sách trên bàn thì cũng vậy. Ta nên thong thả mà làm TRONG TINH THẦN CHÍNH NIỆM. Đó chính là sự tu tập quan trọng nhất. Trong tu viện thiền, những khi nấu cơm, rửa chén bát, gánh nước, quét sân… nhà thiền giả cũng luôn luôn tu tập chính niệm và quán chiếu, giống như khi chú Bảy cắm hoa vậy.
Sau khi dọn dẹp căn phòng, đốt một cây nhang, cắm thật thẳng trong lư hương, chú Bảy thắp một cây đèn cầy (nến) để cho ánh sáng trở nên dịu dàng hơn và chú tắt đèn điện, bởi vì đèn điện chói sáng quá. Chú ngồi lại ngay ngắn trước bàn Phật, trên chiếu, trên ghế, hoặc trên bộ ván theo kiểu bán già. Thật ra ta ngồi như thế nào cho thật thoải mái là được, không cần phải ngồi theo kiểu bán già như chú. Nhưng nếu ta tập ngồi được theo kiểu bán già thì lại càng hay. Ngồi bán già dễ hơn ngồi kiết già: Chú Bảy ngồi ngay thẳng, bắp chân trái để trên bắp chân mặt hoặc bắp chân mặt để trên bắp chân trái. Hai tay đặt trên bắp chân, chính giữa, lòng tay mặt đặt trên lòng tay trái. Sống lưng chú thẳng, đầu thẳng, mắt chú hơi khép nhìn về phía trước chừng hai thước, miệng chú hơi mỉm cười. Ngồi kiết già thì cũng giống như bán già. Nhưng bàn chân phải đặt trên bắp chân trái và bàn chân trái đặt trên bắp chân phải. Ngồi kiết giả chưa quen thì đau lắm, nhưng quen rồi thì không đau đớn gì nữa. Ngồi bán già hay kiết già là những thế ngồi rất vững mạnh; khi ngồi như thế ta thấy tâm hồn ta vững chãi, tỉnh táo và tinh tiến hơn.
Chú Bảy bắt đầu tập thở. Chú thở rất nhẹ nhưng sâu. Tuy thế chú không cố gắng thở căng phổi quá; chú biết hễ cái gì ráng quá là không tốt. Chú thở vào, thở ra nhiều lượt, hơi thở nhẹ nhàng, không gây tiếng động, hơi thở chú trôi theo một giòng dịu êm, không bị đứt khoảng, giống hệt như một giòng nước chảy trên một đồng bằng có cát, không phải như một giòng thác róc rách. Trong khi thở, chú tiếp tục quán chiếu; khi thở vào, chú biết chú đang thở vào, khi thở ra chú biết chú đang thở ra: Thở một hồi, chú thấy khoan khoái và thanh tịnh trong người.
Bây giờ chú Bảy xét những vấn đề liên hệ tới sự sống hàng ngày, những vấn đề đã làm bận rộn tâm chú. Giữ tâm thanh thản và duy trì nụ cười hơi chớm còn mãi trên môi, chú bắt đầu xét các vấn đề này trong ánh sáng liên hệ duyên sinh. Chú không cho sự bực dọc phát hiện, bằng cách áp dụng phương pháp giữ hơi thở đều đặn, và tiếp tục duy trì nụ cười hơi chớm trên môi. Chú tưởng niệm một câu trong kinh Pháp Hoa, ví dụ câu: “Từ nhãn thị chúng sanh” đem con mắt thương yêu mà nhìn mọi người. Vì vô minh, vì thiếu hoàn cảnh giáo dục thuận lợi, vì những khó khăn của đời sống, người ta đã trở nên thiếu hiểu biết, thô lỗ, sỗ sàng, tệ bạc như thế… Chú quán chiếu duyên sinh để tưới thêm gốc từ bi tâm, và để con mắt tình thương (từ nhãn) của chú không bị che lấp bởi những tham giận tầm thường. Chú tìm giải quyết mọi vấn đề trên căn bản từ hòa, thương yêu, bất bạo động. Chú tìm cho ra lời giải đáp và phương pháp hành động theo giáo lý đạo Phật. Chỉ có tình thương mới đối phó được với mọi não phiền.
Nếu trong nhà, ta không tìm ra được khung cảnh yên tịnh để làm công việc quán chiếu như chú Bảy thì ta có thể tìm ở chùa, hoặc một nơi vắng trong công viên, hoặc trong thư viện, hoặc ngoài đồng ruộng.