Đạo là con đường . Phật ( Buddha ) là giác ngộ . Đạo phật là con đường đi đến sự giác ngộ mà người Phật tử nào cũng biết . Nói vậy nhưng không phải dể . Lộ trình mà chúng ta đi đến sự giác ngộ thì rất là cam go , gian khó . Đòi hỏi người đi phải có quyết tâm rất cao độ trong việc hành trì các pháp môn tu tập , tu dưỡng nội tâm , cộng với một chút phước báu thì sự thành tựu giác ngộ mới có thể xuất hiện được .
Trong suốt lộ trình như vậy thì sự chánh niệm – tỉnh giác là vô cùng quan trọng . Nếu không có sự chánh niệm – tỉnh giác đó trong cuộc sống tâm linh thường nhật , thì sự bất trắc chắc chắn sẽ xảy ra . Con đường giác ngộ sẽ bị rẻ làm nhiều nhánh cong , vực sâu nguy hiểm ( tà kiến , mê tín ) . Nếu chẳng may rớt xuống thì … cánh cửa của địa ngục hiện lên . Đường giác ngộ xa dần..
Trong đời sống thường ngày của chúng ta cũng cần phải như vậy . Cố gắng hết sức để được như vậy , để luôn có sự chánh niệm – tỉnh giác .
Từ lúc chào đời , mẹ cha đã định cho ta con đường tương lai tốt đẹp và luôn mong cho chúng ta đi an toàn cho đến suốt đời . Đầu năm mới , ta khởi hành cho một hướng đi mà ta luôn hy vọng rằng suốt năm đó ta luôn may mắn . Buổi sáng mở cửa , bước ra khỏi nhà là ta đã định cho ta hướng đi nào trong ngày để đi và đến đúng mục đích không lãng phí thời gian , an toàn để khi chiều về được quây quần bên những người thân yêu nhất . Và sự chánh niệm – tỉnh giác trong đời sống thường ngày trên những con đường đi này là không ngoại lệ .
Bây giờ , chúng ta xin không bàn tới những con đường đi để cho chúng ta thành đạt trong cuộc sống bởi cái này còn do phước báu , do nhân quả và do nhiều nhân duyên khác . Mà chỉ lạm bàn về sự tỉnh giác trên con đường theo đúng nghĩa đen của nó là tỉnh giác trong an toàn giao thông công cộng ;;;;;
Thực tế cho thấy rằng sự bất ổn , mất an ninh của giao thông hiện nay trên “ Toàn Cỏi Việt Nam ” là điều có thật 100% , không phải bàn cải gì cả . Ngoài các lý do khách quan hay chủ quan gì gì đó của cơ quan có chức năng quản lý giao thông , thì ý thức chấp hành của người tham gia giao thông là không thể không nhắc đến . Hết sức trầm trọng . Các phương tiện thông tin báo chí luôn đưa các tin bài , hình ảnh về sự vi phạm của người tham gia giao thông nhưng đâu cũng hoàn đấy . Bởi vì có ai chịu chấp hành đâu , kể cả người có học và hiểu luật .
Bản thân người viết từng chứng kiến một ông đang “ tham gia giao thông ” với tướng tá bệ vệ , vét tông cà vạt , mắt kiếng trắng vẻ trí thức , dáng dấp là “ công bộc của nhân dân ” phóng xe ào ào vượt luôn đèn đỏ mà gương mặt cứ tỉnh queo . Mặc cho những người khác nhìn theo ông ngơ ngác .
Một người đầy “ Văng hoá ”như vậy mà còn như vậy , thì thử hỏi những người thiếu “ văn hoá ” khác thì sao ?
Không hiểu ông ta đi đâu mà vội vàng , mà gấp gáp thế nhỉ ? .
Tôi chợt nhớ có lần tôi được nghe trong đoạn băng giảng của một Ni sư trả lời với các Phật tử khi có người hỏi Ni sư rằng : “ trong cõi địa ngục thì Diêm Vương và Địa Tạng Vương khác nhau ra sao ” Ni Sư trả lời : khác nhau ở chổ một người thì có 3 từ một người thì có 2 từ . Còn khác ra sao nửa thì xin quý vị tìm hai vị đó mà hỏi ” .
Tôi bổng ngờ rằng ông này đang đi “ tìm và hỏi ” .
Người Phật tử chúng ta cũng là những công dân sống trong môi trường giao thông như vậy , với những con người như vậy thì liệu có ảnh hưởng gì không ? .
Nếu chúng ta không chánh niệm – tỉnh giác thì ảnh hưởng quá đi chứ .
Trong phạm vi bài viết này , người viết chỉ muốn viết một góc nhỏ về việc tham gia giao thông của người Phật tử chứ không dám nói nói đến các đối tượng khác vì tầm hiểu biết có hạn không thể nào viết hay nói hết được cái tình hình giao thông rắc rối và đa dạng này .
Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng chánh niệm – tỉnh giác là chỉ dùng cho tu hành chứ không phải dành cho ngoài đời . Vì vậy , khi ra khỏi cổng chùa là quên hết , cho nên đôi lúc có vị vì lo trể giờ bố tát hay có việc gì đó mà vội vàng phóng xe vù vù cho kịp giờ . Hoặc khi gặp đèn đỏ thì không dừng đúng vạch mà phải ráng tiến lên một chút . Khi đèn đỏ còn đang hiện số 3 , chưa chuyển sang xanh là đã lo tăng ga vượt lên trước , cứ như sợ đi sau thì sẽ thua người khác không kịp giờ đến …chùa .
Tại sao chúng ta có thể kiên nhẩn ngồi hàng giờ trước màn hình ti vi để xem một trận đá bóng hay một chương trình ca nhạc mà lại không kiên nhẩn dừng lại cho đúng vạch hay kiên nhẩn đợi đèn xanh hẳn rồi mới đi . Thật ra cái sự chờ đợi chút xíu đó hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến thời gian của chúng ta trong ngày , mà do chúng ta quen với cách sống “ tranh thủ ” như vậy .
Người theo Phật chúng ta phải biết rằng lòng kiên nhẩn và bình thản cũng là một một trong các pháp tu của đạo Phật và là một cách ứng xử tốt , hết sức có văn hoá trong đời sống . Xin mọi người nhất là các Phật tử hãy cố một lần thử xem nội tâm của mình ra sao khi bị kẹt xe hoặc tới chốt đèn giao thông mà trong lòng vẫn bình thản , kiên nhẫn để thứ tự người trước người sau không chen lấn bóp kèn inh ỏi , không leo lên lề phần đường dành cho người đi bộ , không cau có , bực bội và tỏ thái độ giận dữ khi bị chen lấn trên xe buýt .
Lúc bấy giờ có ai tỉnh giác để niệm Phật hay nghỉ đến hơi thở ra , hơi thở vào để cho tâm mình được bình thản
Luôn chánh niệm , tỉnh giác để nhìn thấy và phân biệt bên phần đường nào là của mình , phần nào là của người ta để không lấn trái tuyến . Các biển báo hiệu kia muốn nói với mình điều gì về tốc độ cũng như sự nguy hiểm đang chờ chực . Cuối cùng là khi đến gần chốt đèn thì ta phải có ý thức dừng , đỗ ra sao để không hổ thẹn là người Phật tử tốt đạo đẹp đời .
Chúng ta không thể bằng lòng với hình ảnh của một nhà sư hay một cư sĩ mà chạy xe tốc độ hơi cao trên đường phố hay vi phạm giao thông một cách thiếu ý thức . Nhất là khi vi phạm mà những người chung quanh biết mình ở chùa này , chùa kia , thì…. thật không biết “ nói sao cho em hiểu ” .
Bản thân tôi cũng từng bị vi phạm giao thông khi rẽ phải ngay ngã tư đèn xanh , đèn đỏ . Cũng do vừa nghe điện thoại ( chuyện Phật sự đàng hoàng à nha ), vừa điều khiển xe mà không chú ý nơi ngã tư này không cho phép rẽ phải khi đèn đỏ . Hậu quả là a lê hấp ..lên xe của Công an giao thông về bót . Còn xe của mình .
thì do anh công an khác điều khiển . Ngồi sau lưng anh công an , tôi quá xấu hổ , cúi gằm mặt không dám nhìn lên . May mắn là lúc đó ban đêm vắng người qua lại chứ lúc đó có huynh đệ nào gặp chắc chết .
Đêm đó tôi về sám hối trước bàn Phật . Tôi rất xấu hổ và xin hứa rằng từ nay không để việc này tái diển . Sau đó tôi cũng đem việc này ra kể cho huynh đệ nghe trong buổi tu tập để rút kinh nghiệm . Tôi thành thật sám hối và xác định rằng tất cả các việc trên đều do không chánh niệm tỉnh giác dẫn đến sự thiếu quan sát gây nên những chuyện không hay .
Đó là chưa nói đến việc do chúng ta không chánh niệm, tỉnh giác không làm chủ ý thức để xảy ra tai nạn trầm trọng , gây ảnh hưởng đến nhân mạng thì lại càng ..thảm hoạ . Nếu phần thiệt hại về phía chúng ta thì ngoài việc gây khổ đau tình cảm , thiệt hại kinh tế cho gia đình mình . Thì chúng ta phạm thêm cái lổi của người Phật tử là không biết quý cái điều mà Chư Phật ba đời đã dặn dò là “ Thân người khó gặp ” .
Nếu phần thiệt hại dành cho người khác , thì việc chúng ta đã gây nên là làm “ tổn hại chúng sinh ” quá rõ ràng . Những cớ sự như vậy , thì liệu chúng ta có xứng đáng là Phật tử hay không ?
Nếu là một vị tỳ kheo ( người cao quý ) gây ra thì càng khó hơn ..bao giờ hết . Vì bấy giờ không thể nói “ Lý sự viên dung ” bởi “ tâm , tướng không được vuông tròn” . Bây giờ nói đạo ai nghe .
Con đường đi đến sự giác ngộ , chấm dứt khổ đau là con đường của tâm linh , của đạo . Con đường đi đến sự yên vui hạnh phúc nhằm thăng hoa cho cuộc sống thế gian là con đường đời . Hai con đường tuy khác nhau về ý nghĩa , nhưng đều có chung mục tiêu là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đến đích .
Trong đường đạo muốn an toàn cho đời sống tu hành thì phải nghiêm trì giới , định , tuệ . Ngoài đường đời muốn an toàn thì phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật , trong đó có luật giao thông .
Muốn nghiêm trì giới luật thì phải tinh tấn tu học . Muốn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì phải cập nhật thông tin , tìm học các quy định , hướng dẫn . Đặc biệt là người theo Phật thì không được sử dụng bằng lái xe giả mà phải cố gắng đi học và lấy bằng thật .
Có chịu học thì mới có trí tuệ để mà hiểu biết , để chánh niệm – tỉnh giác trước các mối hiểm nguy đang chờ đợi ta . Nếu không siêng năng học hỏi thì chỉ có xu hướng đối phó , tránh né . Khi nhân quả xảy ra thì không né được trong đường tu lẫn đường đời .
Hiện nay , các giới , các ngành trong xã hội đang nói về “ Văn hoá giao thông ” . Người Phật tử chúng ta chắc chắn là không đứng ngoài cuộc . Bởi chúng ta cũng là một công dân . Muốn là một phật tử tốt thì hãy là một công dân tốt trước đã .
Phật tử chúng ta còn chờ gì mà không cùng nhau tham gia “ Văn hoá giao thông ” qua tinh thần chánh niệm tỉnh giác của đạo Phật .
Đức phật có dạy chúng ta : “ tất cả các pháp đều là Phật pháp ” . Tạo cho chúng ta một cuộc sống an toàn , yên vui , chánh niệm – tỉnh giác trong đời sống hằng ngày nhất là trong an toàn giao thông . Có như thế thì chúng ta mới có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội cho đạo pháp nhiều hơn . Đó cũng là một pháp tu vậy .