Sau khi nhận một giải thưởng dành cho ‘start-up’ ở khu vực Đông Nam Á thì một nhà đầu tư đã nhắn tin cho Tiến qua Facebook.
Chỉ mất 2 tuần, đàm phán giữa 2 bên đã đi đến cái bắt tay thành công.
Chàng trai sinh năm 1990 chia sẻ, thực ra từ trước tới nay có nhiều nhà đầu tư ngỏ lời muốn rót vốn cho các sản phẩm của cậu nhưng chọn thời điểm nào để nhận vốn đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng.
‘Không phải cứ nhận đầu tư sớm là hay. Những nhà đầu tư nghiêm túc thường đợi tới khi sản phẩm có thể tự nuôi sống mình, phát triển ổn định thì mới đầu tư’.
Để đi đến được ngày hôm nay, Lê Anh Tiến bảo rằng cậu đã thất bại hàng trăm lần. ‘Nhưng quan trọng là sau mỗi thất bại, mình đều có thể đứng lên. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự luyện tập’.
Từ thời phổ thông, Tiến đã giành một loạt giải thưởng ở nhiều lĩnh vực như: cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của TP. Đà Nẵng, Huy chương đồng Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc…
Năm 2015 – Tiến 25 tuổi, cậu là một trong số 10 người trẻ giành giải thưởng Qủa Cầu Vàng. Trong 4 năm 2011, 2015, 2016 và 2019, Tiến được trao tặng giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Mới đây, Tiến cũng là 1 trong số 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 cho lĩnh vực Khởi nghiệp – Sáng tạo.
Trong số hàng chục sáng chế về công nghệ, sản phẩm kính dành cho người khuyết tật MultiGlass là một trong những sáng chế ấn tượng của chàng trai sinh năm 1990. Ý tưởng về chiếc kính đặc biệt này bắt nguồn từ lần ghé thăm Trung tâm Khuyết tật thành phố Huế.
Khi chứng kiến người khuyết tật sử dụng máy tính rất khó khăn, Tiến và một người bạn đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật sử dụng máy tính bằng cách cử động đầu. Đồng thời, sản phẩm này còn tích hợp còi báo chống buồn ngủ, giúp các tài xế tránh mất tập trung và giảm tai nạn giao thông do mệt mỏi.
Năm 2019, với MultiGlass, Tiến trở thành quán quân cuộc thi ‘Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019’ trong khuôn khổ sự kiện Techfest 2019.
Với chiến thắng này, Tiến và người anh song sinh Lê Hoàng Anh sẽ trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco, Mỹ.
Tiến cho biết, trong năm 2019 và 2020, sản phẩm sẽ được nghiên cứu để giảm giá thành, tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp xúc hơn.
Làm ‘start-up’ cần chấp nhận thất bại nhiều lần
Sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Tiến đầu quân cho một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước. Năm 2016, cậu được một giáo sư của ĐH Stanford đồng ý nhận theo học bậc tiến sĩ, nhưng vì thời điểm đó đang dở dang một dự án ‘start-up’ nên Tiến bảo lưu suất học cho đến bây giờ. ‘Mình dự định khoảng 2 năm nữa khi các dự án đã phát triển ổn định sẽ rút cổ phần và tiếp tục việc học tập’ – Tiến chia sẻ.
Hiện tại, chàng trai sinh năm 1990 đang rất bận rộn với việc phát triển sản phẩm Chatbot – một nền tảng nhắn tin chuyên nghiệp dành cho các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh.
‘Chatbot đã thu hút hơn 10 triệu người dùng tới từ 5 quốc gia: Việt Nam, Đài Loan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với 5 thành viên đầu tiên, công ty mình hiện có hơn 30 thành viên sau 1 năm phát triển.’.
Tiến cũng chia sẻ, chỉ trong vòng 2 năm phát triển, Chatbot đã cung cấp dịch vụ cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhận được nhiều giải thưởng trong nước cũng như thế giới.
Trò chuyện với Tiến, ai cũng nhận ra cậu say mê và hào hứng lạ thường khi nói về khởi nghiệp. Cậu bảo, trong khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn là tìm đúng người, đúng thời điểm và đúng thị trường. ‘Để có thể vượt qua các khó khăn đó thì phải chấp nhận sự thất bại nhiều lần. Bản thân mình đã từng khởi nghiệp ở rất nhiều dự án khác nhau, và cũng từng thất bại rất nhiều’.
‘Dự án đầu tiên của mình tự khởi nghiệp đó chính mạng xã hội. Vào năm 2011, khi mà khái niệm mạng xã hội còn khá mới với người dùng thì mình lại dấn thân vào lĩnh vực này và cũng đã thất bại trước Facebook… Nên để khởi nghiệp thành công thì mình khuyên các bạn nên chấp nhận thật nhiều thất bại. Và quan trọng là phải biết dừng đúng lúc để không làm suy giảm nhiệt huyết cho các lần khởi nghiệp tiếp theo’.
Tuổi thơ tự lập
Sinh ra trong một gia đình lao động phổ thông – bố dạy lái xe, mẹ buôn bán tạp hóa và có thời gian làm công việc bán quán nước về đêm rất vất vả, Tiến luôn ý thức về việc phải tự lập từ nhỏ.
‘Mình biết đi làm kiếm tiền từ khá sớm. Ngay từ thời mẫu giáo, mình đã lặn lội đi làm từ việc trông xe, nên tuổi thơ của mình rất ít khi đi chơi, mà chỉ tập trung cho việc trải nghiệm cuộc sống ngoài xã hội’.
Năm vào lớp 1, Tiến được ba mẹ đưa vào chùa sống cùng các sư. ‘Từ khi sống trong đó, mình được tiếp xúc với khá nhiều thành phần trong xã hội, được nghe thầy giảng đạo thường xuyên, từ đó mình có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống, dẫn đến các sản phẩm của mình cũng hướng tới xã hội, cộng đồng’.
Có lẽ cũng chính thời gian hơn 10 năm sống trong chùa đã giúp Tiến rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc. ‘Mọi sự bỏ cuộc đều do cảm xúc chi phối. Chỉ cần chúng ta chi phối tốt cảm xúc thì sẽ vượt qua rất nhiều áp lực cũng như thất bại. Theo kinh nghiệm của mình, mọi người nên tập thiền nhiều hơn, tập quan sát nhịp thở của mình thường xuyên hơn, sống chậm lại sau mỗi thất bại, quan sát nhiều hơn thì sẽ giúp bạn có thêm động lực để đi tiếp’.
Tiến nói, khi làm ‘start-up’ thì nên bỏ khái niệm làm việc 8 tiếng/ ngày, mà hãy ‘focus’ (tập trung) nhiều hơn, có thể là 15 tiếng/ ngày. ‘Như trường hợp của mình thì mình chỉ ngủ 3 tiếng/ ngày, còn lại mình dành thời gian cho các sản phẩm, và năng cao năng lực về quản trị. ‘Có thể sau này khi đã có gia đình thì mình sẽ giảm bớt thời gian công việc hơn, để dành thời gian chăm sóc cho bản thân và mọi người’.
Khi được hỏi bí quyết để làm ‘start-up’, Tiến nói cậu chỉ có duy nhất một thứ, đó là đam mê.
(Theo VNN)