Trang chủ Thời đại Xã hội Chân dung ngôi chùa Việt Nam

Chân dung ngôi chùa Việt Nam

89

I/ Sự đóng góp của ngôi chùa cho dân tộc :

Chùa là trú xứ đất thiêng. Nơi đó đựơc tôn trí kim thân Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và các tượng Bồ tát, các vị tiền bối khai sơn tạo tự hữu công. Chùa được xây dựng thiết kế trang nghiêm lộng lẫy như một cung điện.

– Chùa dùng làm nơi tịnh tu cho các nhà tu hành, nơi hành trì giáo Pháp của Đức Phật, nơi đọc tụng tôn Kinh, nơi cử hành các đại lễ quan trọng trong Phật giáo. Như Đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan Báo Hiếu, lễ tưởng niệm các vị tiền bối khai sơn tạo tự, truyền giáo, truyền giới.

– Chùa là nơi tiếp Tăng độ chúng, đào tạo Tăng Ni thành người tài đức để nối truyền mạng mạch của Phật pháp.

– Chùa là nơi dạy con đường đạo đức cho Phật tử tại gia. Chùa là môi trường thánh thiện để Phật tử học tập các hạnh lành của Đức Phật và thánh đệ tử. Lâu ngày chùa trở thành điểm tựa tâm linh thánh thiện cho nhiều lớp người Phật tử xa gần nương tựa.

– Cửa chùa luôn mở rộng đón tất cả mọi người đến chùa không phân biệt thân sơ, oán thân, ra vào đều bình đẳng như nhau. Căn bản của chùa lấy Từ bi làm nền tảng xử thế, vì thế chùa đã nối kết được tất cả các giai tầng trong xã hội về một khối. Họ tập hợp lại được sức mạnh để làm công tác lợi đạo ích đời, thông qua việc ứng xử với xã hội là cứu trợ đồng bào nghèo, kịp thời thăm viếng trại dưỡng lão, nuôi người già neo đơn, xây cầu đắp lộ, nấu cơm cho bệnh nhân nghèo, tặng học bổng cho trẻ em hiếu học vượt khó.

Chùa tham gia vận động phát thuốc miễn phí cho dân nghèo, chùa làm tất cả công tác dân sinh để san bằng và nâng dần mức sống người dân theo đà phát triển của xã hội, làm cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng hơn… nói chung chùa là biểu tượng đẹp từ trong ra ngoài. Chùa đại diện tiêu biểu cho một giá trị cao quý đáng được nhân dân tôn thờ

– Với những công đức của chùa đã đóng góp cho xã hội, chùa trở thành suối nguồn yêu thương, được đa phần người dân yêu mến. Dù đi dâu, ở đâu, làm gì, khi thanh bình , khi đau khổ hình ảnh của chùa vẫn ngự trị tốt đẹp nhất trong lòng họ tất cả tình cảm của dân tộc Việt Nam đều dành cho một vị trí cao duy nhất. Vì có lúc chùa cũng đã cưu mang họ, nâng đỡ họ, bảo vệ họ, nuôi dưỡng họ trong lúc khó khăn, bất chợt được chùa an ủi bằng tinh thần và vật chất thông qua tình thương đồng loại của con người còn sống có đạo từ bi của nhà Phật.

Tình cảm ấy trở thành nét văn hoá tâm linh của người con Phật. Lần lần chùa trở thành cái hồn của dân tộc. Dân ta thiếu những gì đến chùa sẽ cho. Thiếu chất liệu đời sống tâm linh đến chùa, chùa sẽ giúp đỡ, nếu thiếu tình thương đến chùa cho sẽ cho tình thương, nếu thiếu cơm áo chùa sẽ cho cơm áo, nếu thiếu về phương tiện nghề nghiệp chùa sẽ tìm cách giúp đỡ họ. Có một nhà thơ đã nói:

"Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ mái chùa chung
Mái chùa che trở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
"

hoặc

"Mỗi tốt quê tôi mổi đến chùa
Ánh trăng vằng vặt khắp nơi nơi
Tiếng chuông vang mãi trong đêm vắng
An ủi dân tôi khắp mọi nhà
"

Chuông và chùa là biểu tượng để Phật tử vui vẻ đến chùa hàng ngày, bằng ánh trăng, bằng đèn đuốc rất nhộn nhịp vui tươi, trong cảnh thanh bình tâm linh nhà chùa che chở sau bao ngày lao động mệt mõi, được an ủi được bảo bọc bởi đời sống thánh thiện. Nhân quả làm lành sẽ gặt quả tốt.

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:

"Dù rừng núi hay hang sâu
Dù thành thị hay thôn quê
Nơi nào La Hán đến
Đất ấy thành khả ái
Đất ấy thành đất hiền
Đất ấy thành đất thánh
Đất ấy thành phước báo
Đất ấy thành đất Phật
"

Quả thật dù chùa ở nơi nào, nơi ấy có các bậc đạo cao đức trọng ở thì đất ấy trở thành an lạc cho mọi tầng lớp người dân tham học. Vì vậy chùa cần thiết gần gũi như gia đình như cha mẹ ông bà họ. Rồi đạo Phật trở thành đạo ông bà của dân ta trong các làng quê. Chùa đã có bàn thờ cữu huyền thất tổ của trăm họ, chùa có ngày Vu lan báo hiếu họ đã rủ nhau về làm công tác hiếu sự biết ơn và đền ơn rất là cảm động sâu sắc có tính nhân văn đầy tình người với nhau. Cho nên chùa là ngôi nhà tâm linh gia đình thứ hai của họ. Thật là gần và thân thiết biết bao nhiêu vì vậy có câu:

"Đạo Phật là đạo ông bà
Hễ ai khuấy phá thì trời phạt cho
Khuyên ai khéo giữ đạo nhà
Ông bà cho phước ngàn đời an vu
i"

II/ Trong thực tế các ngôi chùa hiện nay ít theo mẫu số chung ấy mà người viết kể ra. Cho nên Phật tử cũng lựa chùa có sinh hoạt mới tìm về. Có nhiều lý do mà Phật tử không về hoặc về chùa ít.

1. Do thầy trụ trì yếu, không thông hiểu về kinh luật, thiếu trình độ nhận thức, không có năng lực lảnh đạo và chăm sóc ngôi chùa.

2. Nội bộ Tăng Ni Phật tử chùa chưa đoàn kết với nhau.

3. Xây dựng chùa quá lớn so với nhu cầu thực tế làm cho Phật tử đóng góp lâu ngày sẻ mệt sức, gây lãng phí.vv…

4. Chùa biệt lập với xã hội

5. Chùa không có điều kiện sống để sinh hoạt hàng ngày.

6. Chùa không hướng dẫn Phật tử tu học

7. Chùa không hướng dẫn giáo lý căn bản.

8. Môi trường cảnh quan không tốt

9. Chùa thiếu sinh hoạt hướng về công đồng

10.Chùa thiếu công đức giáo hoá

III/ Những biện pháp thích ứng để đưa ngôi chùa trở lại là:

1. Nếu chùa có trụ trì yếu thì tìm cách bồi dưỡng đào tạo cho trụ trì có năng lực hoạt động. Ở các nước tiên tiến phần lớn tu sĩ Phật giáo đều tinh thông về Phật học và cả thế học, như triết học, xã hội học, pháp luật, nghệ thuật, Khổng học, Lão học, các cổ thư và ngoại ngữ. Trụ trì có khả năng giải đáp thoả mãn các thắc mắc về các vấn đề mà Phật tử quan tâm .

Nếu được thì nên thay đổi trụ trì để lập lại trật tự nơi cơ sở tự viện, có người lãnh đạo thích hợp.

Người viết cũng xin đạo đạt lên Giáo hội, nếu có thể nên chăng? Bổ nhiệm trụ trì theo nhiệm kỳ 5 hay 10 năm hoặc thuyên chuyển “truyền hiền bất truyền tử” để dứt thói pháp quyến riêng tư

Nếu được Giáo hội quy định người có tuổi đạo bao nhiêu, trình độ, sức khoẻ và năng lực tốt mới bổ nhiệm trụ trì. Ví dụ người có từ 5 đến 10 tuổi hạ, tuổi đời từ 30 có trình độ trung cấp Phật học, có sức khoẻ tốt và năng lực hoạt động tốt, mới bổ nhiệm trụ trì.

Nếu trụ trì có lỗi nào đó về giới luật nào đó giáo hội nên cân nhắc hoán đổi trụ trì đi nơi khác để giúp cho trú xứ ổn định

2. Nội bộ Tăng Ni Phật tử chùa chưa đoàn kết với nhau :

Chùa thật sự là nơi lý tưởng đoàn kết hoà hợp nhưng ngoại lệ tập thể một số tự viện thiếu ý thức đã có nhận thức sai lầm như phân biệt Tăng Ni Phật tử Bắc Trung Nam. Tăng Ni Phật tử nơi ấy đang dần đánh mất tính thiện. Không biết hỗ thẹn. Thiếu lòng từ bi, sân hận, tham lam quá nặng nề. Chấp ngã quá sâu nặng, không tin nhân quả, thiếu chánh niệm tỉnh giác. Có lúc lại phải ra toà thưa gởi với nha về chuyện lục đục trong chùa. Để lập lại trật tự cho ngôi chùa kiểu trên; trước tiên Giáo hội cần có cách giáo dục khuyên bảo đúng mức giúp họ biết thấu hiểu nhường nhịn, làm mất đoàn kết phá hợp là có tội với Phật pháp. Nếu không có tiến bộ thì nên thay đổi và hoán chuyển những thành phần cực đoan hay kích động chống đối chia rẽ giúp cho họ thấy được lòng hỗ thẹn, tin Nhân Quả phát triển lòng từ đối với mọi người. Chấp nhận mọi người không triệt hạ đấu tranh, hâm doạ, tâm thường vô ngã, chánh niệm tỉnh giác làm lợi ích cho mọi người

3. Xây dựng chùa quá lớn nhưng ít người ở làm lãng phí của đóng góp và Phật tử sẽ mệt mỏi :

Chùa là nơi tôn nghiêm, tôn thờ Đức Phật và Bồ tát, chùa có thể nói là một cung điện thu nhỏ cho nên nhân gian có câu:

"Xây chùa tạo tượng đúc chuông
Trong ba việc ấy thập phương nên làm
Làm rồi sẽ hưởng quả thanh cao
Giàu sang sống thọ kiếp sau lên liên toà
"

Nếu có đủ kinh phí thì xây bao nhiêu cũng đẹp, từ kiểu dáng thẩm mỹ và chất lượng bao nhiêu cũng tốt. Ngày xưa, vua, quan và các mạnh thường quân cất chùa thì rất tốt, trong những năm gần đây tu sĩ kiêm luôn việc xây chùa. Có nơi xây chùa quá lớn so với nhu cầu thực với ngôi chùa. Sức đóng góp của Phật tử thì có hạn. Thầy trụ trì thì lo lắng với việc xây chùa nên có lúc cũng bị kẹt vào sự dính mắc khó khăn của chùa nên đỗ bệnh, bệnh than vảng thiếu kinh phí xây dựng chùa. Đi đâu cũng đề cập đến vấn đề kinh phí chùa thiếu kém. Phật tử phát tâm cúng dường ít cũng ngại, cúng nhiều thì Phật tử không có, có lúc cúng chùa mà gia đình không được vui, mục đích thì tốt nhưng thực tế thì gia đình có người buồn.

Vì vậy cho nên chùa hôm nay trở thành gánh nặng cho Phật tử quanh vùng. Họ không dám về chùa. Chùa có việc mời cũng không dám về, vì gặp trụ trì sẽ ngại khi không có tiền cúng dường.

Để giải quyết cho việc này tốt khi nào xây chùa có kinh phí mới xây, hoặc để cho doanh nghiệp phát tâm xây, hoặc để cho cư sĩ xây hoặc xây vừa với sức của mình thôi.

4. Chùa sống biệt lập với xã hội :

Có một số chùa sinh hoạt biệt lập với Phật tử quanh vùng, ngày giỗ Tổ chùa họ không biết, không quan tâm, ít quan hệ lui tới với đồng bào Phật tử, chỉ quan hệ với Phật tử xa. Từ đó có khoảng cách họ lần lần biệt lập với chùa. Trường hợp này, thầy trụ trì phải mở lòng từ bi với họ, nên để thời gian thăm viếng làm công tác liên kết chăm sóc người già, người neo đơn trong xóm ấp. Chịu khó đi mời họ trong các ngày lễ lớn trong chùa. Nấu cơm chay đãi họ. Điều này không phải làm để lấy lòng họ vì muốn họ trở về với chùa, phá thế cô lập chùa, về chùa thì có phước rất lớn. Như thầy Minh Quang có viết:

"Về chùa kính Phật trọng Tăng
Lắng nghe lời pháp khuyên răn của thầy
Chùa là mái ấm ta về
Chung tay vun đắp chẳng nề hà chi
Mình là con Phật thanh cao
Chấp tay thưa thỉnh vái chào lễ nghi
Khuyên ai khéo giữ phước gì lớn hơn
"

5. Chùa không đủ điều kiện sinh hoạt hàng ngày :

Đến bây giờ thì ít có chùa nào không có đủ điều kiện sinh hoạt. Cá biệt cũng có vài trường hợp, thiếu phòng ăn phòng nghỉ cho Phật tử, thiếu nước, thiếu điện, hay các chùa ở vùng cao, không có điện, không có kinh sách, không có người trông coi hàng ngày. Thiếu người tụng niệm vì phải lo mưu sinh cái bao tử.

Trường hợp này, nên thưa thỉnh với chư Tôn túc, các mạnh thường quân, hay Ban từ thiện báo Giác ngộ cũng là một địa chỉ đáng tin cậy để được giúp đỡ.

6. Chùa không hướng dẫn Phật tử tu học :

Chùa là nơi chư Tăng Ni hướng dẫn và giới thiệu con đường tu học Phật pháp cho Phật tử, muốn hướng dẫn Phật tử phải thấu hiểu Phật tử đang cần gì? Chớ mình không tự ý áp đặt gì đến Phật tử, tránh nhồi nhét, thúc ép, tạo áp lực cho Phật tử. Hãy lắng nghe Phật tử thích tu gì? Đang thiếu gì để chư Tăng hướng dẫn bổ sung.

Nếu Phật tử thích tu thiền thì nên hướng dẫn Phật tử thiền quán, nếu thấy Phật tử thích hợp với pháp môn Tịnh độ thì hướng dẫn Phật tử niệm Phật. Phật tử thích tụng kinh lễ sám thì cho lễ sám, Phật tử thích nghe pháp thì thuyết pháp cho Phật tử nghe, nhất định Phật tử sẽ hoan hỉ về chùa đông đảo. Phật tử thích làm từ thiện thì lập hội từ thiện, Phật tử thích phóng sanh, cúng dường, bố thí thì hướng dẫn đúng pháp.

7. Chùa không dạy giáo lý căn bản cho Phật tử :

Giáo lý căn bản của đạo Phật rất cần thiết cho Phật tử. Chùa cần tìm cách tốt nhất để hướng dẫn giáo lý căn bản như quy y Tam Bảo, con đường đưa đến hạnh phúc là con đường Bát chánh đạo, Nhân quả Nghiệp báo, Thiền định để loại trừ phiền não, Ngũ giới, Thập thiện, Lục độ. Giáo dục Phật giáo trong chùa giúp Phật tử tự chọn cho mình một tương lai mà họ tự gieo nhân tốt xấu cho họ. Giúp họ tự tin an vui trong cuộc sống đời thường. Chắc chắn họ sẽ cảm kích, cảm tạ tán thán kính trọng tin yêu và làm theo.

8. Môi trường và cảnh quan không tốt :

Có một số chùa cảnh quan không tốt lắm. Từ thờ phượng với bàn Phật nhiều thần và các tín ngưỡng khác, bài trí quá nhiều nhang đèn và thùng công đức như một cách gợi ý cho thí chủ. Bàn nào cũng có thùng.

9. Chùa thiếu sinh hoạt lễ hội, hướng về cộng đồng :

Chùa là nợi tu hành thanh tịnh. Nhưng để được lợi ít cho giáo dục cộng đồng và số đông. Chùa cần chọn các lễ trọng để tổ chức có nội dung tốt cho cộng đồng tham gia như Phật Đản, Vu Lan, Giổ tổ, cúng hội.vv….

10. Thiếu Công đức giáo hoá:

Sơ kết chín giải pháp trên chính là việc làm công đức phước báo, đi giáo hoá Phật tử tạo thành công đức giáo hoá của các bậc cao tăng thạc đức có lòng bi mẫn và đại nguyện cứu độ chúng sanh. Cùng đồng hành với khổ vui với Phật tử giúp họ vượt qua khó khăn về vật chất và tinh thần được an ủi, vui vẻ cống hiến sức người sức của cho quê hương đất nước.

Có một số hoà thượng cao đức suốt đời có thế độ trên vai ngàn đệ tử xuất gia. Đệ tử của các ngài đã đi hoằng pháp ở trong nước và ngoài nước, như hoà thượng Thanh Từ, Trí Tịnh, tổ sư Liểu Quán, Bồ tát Quảng Đức.. . .

Có một số hoà thượng đã có lòng quy y và truyền giới trên một triệu tín đồ như Hoà thượng Trí Tịnh, Hoà thượng Trí Quảng. Đó là gương công đức giáo hoá của các bậc cao đức có sức mạnh về lòng bi mẫn khi gặp được một lần cũng giúp cho họ suốt đời an vui hạnh phúc.

Vì thế công đức giáo hoá càng lớn Phật tử về chùa càng đông, thiếu công đức giáo hoá Phật tử sẽ không học được gì ở chùa ấy. Nên không tìm về là đúng với nhân quả. Gieo nhân phước thì hưởng phước, gieo nhân trí tuệ thì sẽ hưởng quả trí tuệ.

Công đức của các vị tổ sư, Bồ tát khai sơn tạo tự truyền giáo truyền giới là những kỳ công hết sức cao quý, với một lòng đại bi, đại nguyện, đại dũng, đem đạo vào đời, xả thân vì đạo vì quê hương đất nước mà mình đang sống. Như ngọn đèn sáng, như cây cổ thụ tùng bách, làm cho các già lam ngàn đời hưng thạnh ghi mãi dấu tích của những bậc đạo cao đức trọng, để lại bao yêu thương kỷ niệm.

Sau này những chùa ấy làm nơi giao lưu, điểm di tích, suối nguồn tâm linh khi về nguồn hưởng trọn ân đức vì đời vì đạo mà các Ngài đã thị hiện làm hình ảnh đẹp mà giáo hoá chúng sanh không mệt mõi. Đến đi tự tại vô ngại, để lại lòng kính thương, ngưỡng mộ tán thán, đệ tử hôm nay nôi gương làm theo, khi có dịp về đến chiêm bái, đảnh lễ cúng dường, cảm niệm công ơn người đã khai sơn phá thạch để cho hôm nay có những già lam thánh địa cùng trường tồn với quê hươngViệt Nam giàu đẹp. Hùng cường hưng thạnh, thiên cỗ tươi đẹp bất lão này.

IV/ Vị trí ngôi chùa trong tương lai :

Ngôi chùa đẹp như một đoá sen thơm ngát nở giưã cuộc đời, để giúp đời, tạo hương sắc cho đời, để cho đời thưởng thức, làm nguồn cảm hứng bất tận cho cả thế hệ quá khứ, hiện tại lẩn tương lai. Ngôi chùa Một Cột, một biểu tượng tinh thần tâm linh của dân tộc Việt Nam bao đời do Lý thái Tổ xây dựng để cúng dường với ước nguyện đất nước hưng thịnh ngàn đời vững bền. Đó cũng là lòng tri ân Tam Bảo, trời Phật.

Hình tượng và ý tưởng ấy hôm nay vẫn còn tác dụng giáo dục cho đời sau. Các vị tổ đã cảm kích với thiện tâm thiện ý của các vị vua làm hưng khởi Phật Pháp, lấy Pháp thiện cai trị đất nước thanh bình an lạc, lấy đức trị dân làm cho Việt Nam có thời vàng son hùng mạnh vì vậy ngôi chùa không thể thiếu trong lòng mổi người dân, cho nên các vị tổ đã hằng ngày sau thời tụng kinh sáng chiều đã luôn chúc nguyện Hộ Pháp thường gia hộ cho đạo pháp và dân tộc trường tồn thiên thu vĩnh cữu.

Đạo mạch trường hưng vĩnh cữu
Thánh thọ vô cương, vô cương bất lão

Chùa là đại diện cho Phật giáo, chùa như một bảo tàng sống ở đó. Lối giáo dục hình ảnh, kiến trúc đã nói lên phần nào giáo pháp và thể nghiệm tâm linh của Phật giáo. Con đường của Phật giáo là con đường thực nghiệm tâm linh. Phương pháp giáo dục của Phật giáo là nền giáo dục nhân bản, lấy con người làm trung tâm, nhầm tạo con người toàn vẹn, toàn vẹn về đạo đức thể chất tâm hồn và tài năng pháp trển hài hoà trên các phương diện lý trí tình cảm và ý trí cao đẹp để phục vụ chúng sanh và dân tộc.

Vì vậy đạo Phật trong tương lai sẽ phát triển mạnh nhờ công đức của chư Tôn Thiền Đức hiện tại có lối giáo dục kế thừa truyền thống thích hợp, sẽ làm hưng khởi mạnh mẽ hơn. Chùa mới được xây dựng rất nhiều, đẹp và hoành tráng làm đia điểm du lịch tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước, như chùa Bái Đình, chùa Phật Quang Sơn, chùa Trúc Lâm Yên Tử, hệ thống thiền viện, hệ thống các trường Phật học. Đây là những điểm giao lưu học hỏi bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về giáo dục hoằng pháp và các công tác từ thiện ích nước lợi dân.

Trong tương lai chùa, tu sĩ và cư sĩ sẽ tăng lên trong từng thời kỳ, cả về lượng và lẫn chất. Đó là sự vận hành tự nhiên theo chiều hướng tốt đẹp khi đất nước hoà bình thịnh trị. Như nhà thơ Hồ Zdếnh đã tóm tắt: “Trang sử Phật, đồng thời là trang sử Việt, trãi qua bao độ hưng suy, có nguy mà không mất”.

Tiếp tục sứ mệnh quan trọng là định hướng, hướng dẫn đời sống tâm linh cho dân tộc. Đạo Phật sẽ làm sáng tỏ giáo lý Từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Giáo dục làm cho mổi con người đều thánh thiện, đủ sức làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, một con người tài đức đã kết nối quá khứ tương lai để làm sáng tỏ văn hoá tinh thần, tinh hoa của dân tộc. Thật xứng đáng con cháu nhà Lý chọn đất cho kinh đô, chọn giáo lý nhà Phật để tu thân hành thiện lảnh đạo đất nước vững vàng muôn thuở, tin tưởng tương lai với truyền thống hộ quốc dân an của đạo Phật. Xã hội hãy coi trọng tài sản lớn lao của dân tộc là đạo Phật xây dựng vun đắp thêm cho nền giáo dục Phật giáo, ưu tiên cho giáo dục Phật giáo, tinh thần dân tộc, dân chủ tự cường ngày càng tốt đẹp hơn.

Cảm ơn hồn thiêng sông núi đã hội tụ ông bà ta có phước duyên sáng suốt chọn đạo Phật làm con đường giáo dục cho mình và cho con cháu muôn đời sau tốt đẹp và thánh thiện xứng đáng là con rồng cháu tiên./.