Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Chân đế và tục đế (Phần cuối)

Chân đế và tục đế (Phần cuối)

108

 

 
Giải về Thọ hay Cảm Thọ 
 
Chúng ta hãy nghe câu Phật ngôn: 
 
Vedana Bhikkave Anicca,
Yadaniccan Yam Dukkham,
Yam dukkham Daranatta
 
 
Này các thầy tỳ khưu
Cảm giác là vô thường.
Cái gì vô thường thì khổ.
Cái gì khổ thì không phải là của ta. 
 
Theo đoạn kinh trên, mọi cảm giác đều được mang ba tên: Anicca (Vô thường), Dukkha (khổ) và Anatta (không có bản chất, không kiểm soát được). 
 
Trong khi hành thiền, nếu ngồi lâu thì cảm giác khó chịu như đau, ngứa, v.v… đến với ta. Những cảm giác này gọi là khổ thọ. Nếu bạn nhận biết khổ thọ tức là bạn thấy được vô thường, khổ và vô ngã, mặc dù bạn không niệm vô thường, khổ và vô ngã. 
 
Tại sao khi thấy được sự đau thì bạn thấy được vô thường, khổ, vô ngã? Bởi vì cảm giác là vô thường, cảm giác là khổ, cảm giác là vô ngã. Nhưng nếu bạn chỉ biết cảm giác hay sự đau mà bạn không biết thêm gì nữa thì bạn cũng chưa thể thấy được đó là vô thường, khổ, hay vô ngã. 
 
Mỗi khi đau xuất hiện, bạn ghi nhận đau, đau, đau. Nếu bạn thấy sự đau tan biến. Sự tan biến của cảm giác đau, đó là dấu hiệu của vô thường, khổ và vô ngã. 
 
Như vậy, khi hành thiền, trong lúc đang ghi nhận một cảm giác mà bạn thấy cảm giác này biến mất đi thì bạn kinh nghiệm được vô thường, hay có tuệ giác thấy được vô thường. Cho nên, bất kỳ cảm giác đau đớn khó chịu nào phát sinh, bạn cần phải ghi nhận một cách chánh niệm cho đến khi nó biến mất. Nếu bạn có thể ghi nhận các cảm giác khổ từ khi chúng khởi lên cho đến lúc chúng biến mất, thế là bạn có được tuệ giác thấy rõ vô thường. 
 
Đôi khi, trong lúc đang ghi nhận đau hay nhức, bạn cảm thấy rõ cảm giác cũ mất đi, cảm giác mới lại đến, cảm giác mới vừa mới đến lại mất đi, và một cảm giác khác lại đến nữa. Những gì vừa mới ghi nhận đã mất rồi. Chúng thay đổi thật mau lẹ. Sự thay đổi của cảm giác này là dấu hiệu của đau khổ (Dukkha lakkhana). Nếu bạn thấy được dấu hiệu của đau khổ, bạn đang phát triển tuệ giác thấy rõ đau khổ (Dukkha nupassana ñāna)
 
Trong khi ghi nhận sự tê cứng hay đau nhức nơi chân chẳng hạn, nếu bạn không thể bình tĩnh chế ngự được cảm giác đau khổ này, và vội nhúc nhích để thay đổi tư thế, thì bạn không thể nào có được tuệ giác, bởi vì bạn đã đổi tư thế trước khi cảm giác đau khổ biến mất. 
 
Nhưng khi có cảm giác đau nhức xuất hiện, bạn kiên trì ghi nhận đau nhức cho đến khi bạn thấy cảm giác ấy hoàn toàn biến mất, rơi vào khoảng không. Rồi một cái đau khác đến, bạn lại ghi nhận đau cho đến lúc cảm giác này rơi vào khoảng không nữa. Bất kỳ cảm giác nào bạn ghi nhận thì sau cùng nó cũng rơi vào khoảng không. Thế là bạn có tuệ giác thấy được vô ngã, không có bản chất (Anatta nupassana ñāna) 
 
Thông thường, chúng ta cho rằng các cảm giác tê, nhức, ngứa, v.v… là đau khổ. Chứ chẳng bao giờ nghĩ rằng hạnh phúc cũng là đau khổ. Thật ra, hạnh phúc cũng chính là đau khổ. Thật là dễ thấy cảm giác tê nhức là đau khổ, nhưng khó thấy được hạnh phúc cũng là đau khổ. 
 
Tại sao hạnh phúc cũng là đau khổ? Bởi vì hạnh phúc cũng thay đổi. Cái gì có sự thay đổi thì có sự đau khổ. Nói khác đi, hễ có thay đổi thì có đau khổ, hay thay đổi chính là đau khổ. Hạnh phúc chỉ thật là hạnh phúc khi nó ở trong hiện tại hay khi nó hiện hữu. Nhưng khi hạnh phúc biến mất thì ta cảm thấy không có hạnh phúc, mà không có hạnh phúc thì có đau khổ. Vậy thì hạnh phúc cũng là đau khổ. 
 
Trong khi đang hành thiền, đôi lúc ta cảm thấy thân thể thật nhẹ nhàng, và ta có thể ghi nhận mọi hiện tượng xảy ra một cách dễ dàng. Tâm ta lúc bấy giờ rất sắc bén, minh mẫn. Ta cảm thấy vui vẻ, thích thú. Nếu ta thích trạng thái này, thế là tham ái phát sinh. Ngay khi ta vừa nghĩ đến việc hành thiền của ta tốt đẹp và cảm thấy thích thú thì sự an lạc trên biến mất, vì khi tham ái phát sinh thì an lạc thật sự không tồn tại. Nếu ta thích sự an lạc này thì tham lam phát sinh; nếu ta không thích thì sân hận phát sinh. 
 
Như vậy, trong lúc hành thiền nếu có sự an lạc, hạnh phúc xuất hiện thì ta phải kịp thời ghi nhận an lạc, an lạc. Nếu an lạc, hạnh phúc đến, ta chỉ hưởng thụ mà không ghi nhận chánh niệm, ta không thể nào có được tuệ giác thấy được vô thường, tuệ giác thấy được khổ não và tuệ giác thấy được vô ngã. Khi ghi nhận an lạc hay hạnh phúc, nếu chúng ta thấy cảm giác này mất đi, ta sẽ có được tuệ giác thấy rõ được sự vô thường. 
 
Khi chúng ta ghi nhận an lạc hay hạnh phúc, nếu cảm giác cũ biến mất và cảm giác mới đến, nếu ta thấy được rõ ràng như vậy, ta sẽ có được tuệ giác thấy được sự đau khổ. 
 
Một niềm an lạc và hạnh phúc chỉ thật sự là an lạc và hạnh phúc khi nó hiện hữu, nhưng khi nó biến mất và rơi vào khoảng không thì niềm an lạc và hạnh phúc ấy hoàn toàn không còn nữa. Nếu trong khi bạn đang ghi nhận an lạc hay hạnh phúc mà cảm giác này rơi vào khoảng không, rồi một cảm giác an lạc hay hạnh phúc khác lại đến, bạn ghi nhận, rồi nó cũng rơi vào khoảng không. Khi bạn nhận biết tất cả cảm giác mà bạn ghi nhận đều rơi vào khoảng không thì bạn có tuệ giác thấy rõ vô ngã. 
 
Đau khổ chỉ thật sự là đau khổ khi nó hiện diện. Hạnh phúc chỉ thật sự là hạnh phúc khi nó hiện diện. Lúc đang hiện diện thì đau khổ và hạnh phúc hoàn toàn trái ngược. Nhưng khi đau khổ rơi vào khoảng không và hạnh phúc cũng rơi vào khoảng không thì cuối cùng chúng lại giống nhau, cũng đều là vô ngã cả.
 
 
Như vậy, bất kỳ hiện tượng nào phát sinh, dầu tốt dầu xấu, ta cũng đều chú tâm ghi nhận đừng có sự phân biệt nào. Cảm giác đau khổ xuất hiện, ta ghi nhận; cảm giác hạnh phúc xuất hiện, ta ghi nhận. Không nên buồn vui theo những cảm giác này. Hãy ghi nhận một cách thật bình đẳng đối với cảm giác tốt hay xấu. 
 
Nhiều người chỉ ưa ghi nhận những cảm giác vừa ý hay dễ chịu mà không thích ghi nhận những cảm giác không vừa ý hay khó chịu. Bạn nên thản nhiên ghi nhận mọi cảm giác tốt và xấu, nếu mọi cảm giác tốt và xấu đều được bạn xem chúng chẳng có gì khác nhau, thế là bạn đã tiến bộ dễ dàng trong việc hành thiền của mình.
  
Bát chánh đạo trong thiền minh sát 
 
Sau khi thành đạo, Đức Phật thuyết pháp trong 45 năm. Trong 45 năm này, ngài dạy tất cả tám mươi bốn ngàn pháp môn. Nhiều pháp môn như vầy thì khó mà nhớ lắm. Vậy chúng ta hãy tóm lược lại. 
 
Nếu tóm lược giáo pháp của Đức Phật, chúng ta có 37 pháp, đó là 37 Pháp Trợ Bồ Đề, gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo. 
 
Nhưng 37 pháp này cũng còn dài. Ta tóm lược lại còn có Bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. 
 
Nhưng Bát chánh đạo cũng còn khó nhớ, ta tóm lược lại một lần nữa, còn: Giới, Định và Huệ. 
 
Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh Mạng thuộc nhóm Giới. 
Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc nhóm Định. 
Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc nhóm Huệ. 
 
Vậy, nếu tóm lược 84,000 pháp môn của đức Phật thì chỉ còn có Giới, Định và Huệ. 
 
Nhưng đức Phật còn tóm lược hơn nữa. Trước khi nhập Niết bàn, đức Phật tóm lược những lời giảng dạy của Ngài như sau: "Vaya Dhamma Sakhārā, Appamādena Sampādetha" có nghĩa là "Các pháp hữu vi (Vật chất và Tâm) đều không bền vững. Hãy chánh niệm." Lời dạy "Hãy Chánh Niệm" có nghĩa là bảo chúng ta hãy "tránh xa điều ác, làm các đều lành, và chánh niệm trên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm." Một cách ngắn gọn là "chánh niệm trong mọi việc". 
 
Bây giờ, chúng ta thực hành thiền minh sát theo lời dạy của đức Phật là chánh niệm. Như vậy, mỗi lần ghi nhận một đối tượng, dầu có biết ghi nhận đúng hay không, ta cũng đã thực hành theo lời dạy của đức Phật. 
 
Một cư sĩ, nếu giữ ngũ giới, thì đã tròn đủ chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng mà không cần phải thực hành một cách đặc biệt gì về giới cả. 
 
Nếu giới đã giữ tròn thì chỉ còn lại năm yếu tố của Bát Chánh Đạo cần phải phát triển thôi. Đó là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh kiến và chánh tư duy. 
 
Khi ghi nhận chánh niệm một đối tượng nào thì ta đã thực hành trọn vẹn năm yếu tố trên. Chẳng hạn, khi bụng phồng lên, ta chú tâm vào chuyển động phồng và ghi nhận chánh niệm phồng.
  
Khi ghi nhận như vậy, thì năm yếu tố của Định và Huệ đều bao gồm trong đó. Mỗi khi phồng xuất hiện ta cố gắng ghi nhận, sự cố gắng ghi nhận này là chánh tinh tấn. 
 
Mỗi khi phồng xuất hiện ta có ý thức sáng suốt theo dõi, ý thức sáng suốt theo dõi này là chánh niệm. 
 
Mỗi khi ghi nhận phồng, tâm ghi nhận của chúng ta chỉ nằm trên sự phồng mà không chạy đi nơi nào khác đó là chánh định. 
 
Khi ghi nhận phồng, lúc đầu ta chưa biết rằng phồng là một chuyện và tâm ghi nhận là một chuyện khác. Nhưng vài ngày sau, ta sẽ hiểu rằng phồng là một chuyện và ghi nhận là một chuyện khác. Nếu ta có thể phân biệt được sự khác nhau giữa đối tượng và tâm ghi nhận, ta đã có chánh kiến.
  
Về sau, ta sẽ biết rằng phồng xuất hiện trước và tâm ghi nhận tiếp nối sau. Biết được như vậy, đó cũng là chánh kiến. 
 
Khi tuệ giác của chúng ta trở nên bén nhạy, mỗi khi ghi nhận phồng, ta liền thấy phồng mất đi, mỗi khi ghi nhận xẹp, ta thấy xẹp mất đi, đó là chánh kiến.
Đôi khi tâm ghi nhận của ta không hướng thẳng vào đề mục, liền có một vài hiện tượng hướng tâm ghi nhận đến đề mục. Hiện tượng hướng tâm về đề mục, đó là chánh tư duy. 
 
Tôi sẽ tóm lược những điều giải thích trên:
 
  Cố gắng ghi nhận phồng là chánh tinh tấn. 
 
– Theo dõi, ghi nhận sự phồng là chánh niệm.
 
– Tâm ghi nhận chỉ nằm trên đề mục phồng là chánh định.
 
– Hiểu biết được đối tượng qua tâm ghi nhận là chánh kiến.
 
– Hướng tâm vào đối tượng là chánh tư duy. 
 
Khi nói, thì ta có thể nói đây là chánh tư duy, đây là chánh niệm, đây là chánh định, đây là chánh kiến, nhưng trong thực hành ta không thể tách rời từng yếu tố một. Bởi vì cả năm yếu tố cùng hoạt động chung với nhau. Chúng luôn luôn đồng sinh và đồng diệt. Khi chánh tinh tấn chiếm ưu thế, ta nhận biết toàn nhóm là chánh tinh tấn; khi chánh định trội hơn cả, ta nhận biết toàn nhóm là chánh định; khi chánh kiến trội hơn cả, ta nhận biết toàn nhóm là chánh kiến; khi chánh tư duy trội hơn cả, ta nhận biết toàn nhóm là chánh tư duy.  Năm yếu tố này được gọi là kāraka magganga vì chúng làm việc chung và cùng lúc với nhau. 
 
Khi thuyết pháp về đề tài trên đây, tôi thường được người ta đặt câu hỏi: "Nếu không có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, v.v… vậy thì ai hành thiền đây?"
 
Hôm nay, không có ai đặt câu hỏi này, vậy thì tôi tự hỏi và tự trả lời. Ta có thể trả lời câu hỏi trên theo hai cách: theo chân đế và theo tục đế. 
 
Theo tục đế, ta có thể nói: Tôi đang hành thiền minh sát, anh đang hành thiền minh sát, họ đang hành thiền minh sát, v.v… Bạn có thể trả lời như vậy. Đó là tục đế. Theo chân đế, không có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái v.v… Vậy thì ai đang hành thiền? Chỉ có những yếu tố hay những hiện tượng trên đang hành thiền minh sát. 
 
Vậy, mỗi khi ghi nhận phồng, xẹp, ngồi, đụng, dầu bạn có ý thức hay không ý thức thì tất cả nhũng lời dạy của đức Phật cũng đều tự động bao gồm trong ấy. Bạn là người hữu duyên được hành thiền minh sát. 
 
Là một nhà sư dạy thiền, hằng ngày tôi nhắc nhở các bạn ghi nhận, hành thiền minh sát. Tôi đã làm bổn phận của tôi, còn lại là bổn phận của các bạn là hành thiền, là ghi nhận chánh niệm.  
 
Bài pháp cuối 
 
Để tóm lược những bài pháp đã trình bày trên, tôi sẽ chỉ cho các bạn làm thế nào để phân biệt được giữa chân đế và tục đế. Điều này không có gì khó. Cái gì biến đổi trong khoảnh khắc ngắn ngủi, là chân đế. Cái gì không biến đổi trong khoảnh khắc ngắn ngủi, là tục đế. Nói một cách ngắn gọn: Hiện tượng biến đổi là chân đế, hiện tượng không biến đổi là tục đế. 
 
Chúng ta không bàn đến Niết Bàn ở đây vì Niết Bàn không biến đổi. Không thể lấy Niết Bàn làm đề mục để hành thiền, nên ta để Niết Bàn sang một bên. 
 
Chúng ta chỉ có thể lấy các tâm hiệp thế và một số yếu tố vật chất làm đề mục hành thiền. Chúng ta không thể lấy Niết Bàn hay các tâm siêu thế để hành thiền, nên chúng ta để các tâm đạo và tâm quả sang một bên. 
 
Bây giờ hãy nhớ lại lần nữa: Hiện tượng biến đổi là chân đế, hiện tượng không biến đổi là tục đế. 
 
Tôi đưa ra một ví dụ cho các bạn dễ hiểu. Giả sử đây là lửa và đây là một cục nước đá. Nếu đưa ngón tay vào gần lửa, ta nói: ngón tay nóng. Nói như vậy có đúng không? Theo tục đế: ngón tay nóng. Điều này đúng. 
 
Khi lấy ngón tay rờ vào nước đá ta nói ngón tay lạnh. Điều này đúng không? Theo tục đế ta có thể nói ngón tay lạnh. Điều này đúng. 
 
Nhưng cái gì thay đổi? Ngón tay thay đổi, hay nóng lạnh thay đổi? Ngón tay không thay đổi, mà sự nóng hay lạnh thay đổi. Ở đây, ngón tay là tục đế, nóng hay lạnh là chân đế. 
 
Vậy, khi ngón tay nóng, ta phải lấy cái gì để hành thiền. Ngón tay hay sự nóng? Phải lấy nóng làm đề mục hành thiền. 
 
Khi ngón tay lạnh, ta phải lấy cái gì để hành thiền. Ngón tay hay sự lạnh? Phải lấy sự lạnh làm đề mục để hành thiền. 
 
Một ví dụ khác. Giả sử đi dưới ánh nắng, ta cảm thấy đầu nóng, ta nói đầu tôi nóng, nói như vậy có đúng không? Theo tục đế điều này đúng. 
 
Khi đầu nóng, nếu ta đi vào trong bóng mát, ta cảm thấy mát, rồi ta nói đầu tôi mát, nói như vậy đúng không? Theo tục đế điều này đúng. 
 
Khi đi dưới ánh nắng, ta nói đầu tôi nóng, nhưng khi đi vào bóng mát, ta nói đầu tôi mát, vậy cái gì thay đổi? Đầu thay đổi, hay nóng lạnh thay đổi. Chính sự nóng hay lạnh thay đổi, mà đầu không thay đổi. 
 
Vậy thì, khi cảm thấy đầu nóng, ta chỉ quán sát sự nóng, không phải quán sát cái đầu. Đầu là tục đế, nóng là chân đế. 
 
Khi cảm thấy đầu mát, ta chỉ quán sát sự mát, chứ không phải quán sát cái đầu. Vậy thì đầu là tục đế, mát là chân đế.
  
Nếu ta nhầm lẫn sự nóng lạnh là đầu, đó là tà kiến. Nếu hiểu được đầu và nóng là hai chuyện khác nhau, đó là chánh kiến. 
 
Tôi sẽ chấm dứt các bài giảng ở đây. Trước khi chấm dứt, xin các bạn nhớ kỹ một lần nữa: Tục đế cần cho thế tục, chân đế chỉ cần khi hành thiền minh sát. Các hiện tượng thay đổi là chân đế, các hiện tượng không thay đổi là tục đế. 
 
Cầu mong các bạn an vui hạnh phúc và đạt được trí tuệ cao thượng ngay trong kiếp sống này.
 
 
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính và chú thích
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Nguồn : Buddhamet.net