Giải về đề mục chuyển động ở bụng và các đề mục phụ
Chúng ta hãy nghe Phật ngôn:
Rupa bhikkhave anicca.
Yadanicca tvam dukkha.
Yam dukkhat adanatta.
Yadanicca tvam dukkha.
Yam dukkhat adanatta.
"Này chư tỳ-khưu, sắc là vô thường, cái gì vô thường là khổ, cái gì khổ là vô ngã, không có bản chất và không kiểm soát được."
Theo những lời dạy trên, ta có thể gọi mỗi hiện tượng bằng ba tên: anicca (vô thường), dukkha (khổ) và anatta (vô ngã, không có bản chất, không kiểm soát). Như vậy, vô thường, khổ và vô ngã đều là một.
Khi quán sát sự phồng của bụng, ta niệm phồng. Phồng là chuyển động, là hiện tượng vô tri giác, là vật chất hay sắc.
"Rupa bhikkhave anicca". Này chư tỳ-khưu, sắc là vô thường. Theo lời dạy này, phồng là vô thường.
"Yadanicca tvam dukkha". Cái gì vô thường thì khổ. Theo lời dạy này, phồng là khổ.
"Yam dukkha tadanatta". Cái gì khổ thì vô ngã. Theo lời dạy này, phồng là vô ngã.
Như vậy, ta có thể gọi phồng bằng ba tên: vô thường, khổ và vô ngã. Nhưng đặc tính của vô thường, đặc tính của khổ, đặc tính của vô ngã khác nhau. Tuệ thấy vô thường, tuệ thấy khổ não, tuệ thấy vô ngã không giống nhau.
Khi ta niệm phồng, sự phồng này là vô thường. Khi ta niệm phồng, sự phồng này không thể kéo dài mãi, mà phải chấm dứt. Sự chấm dứt của phồng là dấu hiệu biểu hiện của vô thường hay biểu hiện của đặc tính vô thường.
Khi ta niệm phồng, rồi ta thấy phồng mất đi, thì đó gọi là tuệ thấy vô thường. Khi ta niệm phồng, sự phồng là chuyển động, là vật chất, cho nên nó là khổ. Khi ta niệm phồng, cái cũ mất đi, cái mới đến, sự phồng cũ mất đi, sự phồng mới đến, rồi ta biết đó là thay đổi. Sự thay đổi của phồng là dấu hiệu của khổ. Khi ta niệm phồng, nếu ta thấy được sự phồng biến đổi, thì đó gọi là tuệ thấy được khổ não.
Khi ta hít vào, bụng ta phồng lên. Sự phồng là chuyển động, là "gió". Khi nó có mặt thì có sự phồng, nhưng khi nó mất đi chẳng có gì để lại, vậy thì phồng không có bản chất, hay vô ngã. Ta không thể kiểm soát hay điều khiển được sự phồng, đừng cho nó biến mất, vậy phồng không thể kiểm soát, không thể điều khiển. Ta gọi đó là vô ngã vì nó không có cốt lõi.
Vậy phồng là vô ngã hay không có cốt lõi. Rơi vào không, là dấu hiệu của sự không có cốt lõi. Mỗi khi niệm phồng, ta thấy phồng rơi vào không; tiếp tục niệm phồng, phồng lại rơi vào không; tiếp tục niệm phồng nữa, phồng lại rơi vào không nữa. Những điều này khiến ta hiểu rằng mọi hiện tượng đều rơi vào không. Nếu ta thấy phồng rơi vào không, không có cái gì còn lại hết, đó là tuệ thấy được vô ngã.
Vậy mỗi khi niệm phồng, xẹp, ngồi, đụng, v.v… nếu ta thấy mọi hiện tượng đều đến rồi đi, đó là tuệ thấy được vô thường. Mỗi khi niệm xẹp, ngồi, đụng, v.v… nếu ta thấy mọi hiện tượng đều thay đổi, đó là tuệ thấy được sự khổ. Mỗi khi niệm phồng xẹp, ngồi, đụng, v.v… nếu ta thấy mọi hiện tượng đều rơi vào không, đó là tuệ thấy được vô ngã.
Khi tuệ giác thấy được vô thường, khổ, vô ngã đã chín mùi, ta sẽ cảm thấy mọi đề mục thân hay tâm đều đáng chán. Mỗi khi niệm phồng, ta bắt đầu thấy phồng đáng chán; mỗi khi niệm xẹp ta bắt đầu thấy xẹp đáng chán; mỗi khi ta niệm đau, hay dễ chịu, hay các hiện tượng khác, ta lại thấy các đối tượng này đáng chán. Thế rồi ta nghĩ rằng việc hành thiền của ta không tốt đẹp, chắc chắn là ta sẽ nghĩ như vậy. Nhưng, thực ra, đó là dấu hiệu tiến bộ không phải thoái bộ đâu.
Mọi thiền sinh ở giai đoạn này đều thấy đề mục là đáng chán, mọi thiền sinh đều lầm giai đoạn này là thoái bộ, là sút kém. Như vậy không đúng. Mục tiêu cuối cùng của Phật giáo là Niết bàn. Niết bàn là chấm dứt đau khổ. Đau khổ ở đây có nghĩa là vật chất và tâm hay danh và sắc, chứ không phải gì khác. Chấm dứt vật chất và tâm là Niết bàn.
Khi ta niệm phồng, xẹp, ngồi, đụng v.v… nếu ta cảm thấy mọi hiện tượng đều đáng yêu, đáng mến, ta thiết tha đến chúng, đó là ta đã đi xa Niết bàn bởi vi Niết bàn là sự diệt tắt vật chất và tâm. Bao lâu ta còn thích thú với các hiện tượng khởi sinh trong ta bấy lâu ta còn xa cách với Niết bàn
Khi ta niệm phồng, xẹp, ngồi, đụng v.v… nếu ta cảm thấy mọi hiện tượng đều đáng chán, ta không thiết tha gì đến chúng, đó là ta đi gần đến Niết bàn. Vậy, khi bạn các thấy các đối tượng trở nên đáng chán bên trong, bạn đừng thất vọng, bạn nên biết rằng mình đang đi gần đến Niết bàn. Điều quan trọng là bạn nên tiếp tục ghi nhận mọi chuyện, mọi hiện tượng, đừng bỏ sót.
Tương tự, khi ta thở ra, bụng xẹp xuống; ta quán sát theo dõi chuyển động của bụng, ta niệm xẹp. Khi ta niệm xẹp, nếu ta nhận thấy sự xẹp biến mất đi, đó là tuệ thấy vô thường. Khi ta niệm xẹp, nếu ta thấy sự xẹp thay đổi, đó là tuệ thấy khổ não. Khi ta niệm xẹp, nếu ta nhận thấy rằng chẳng có gì còn lại sau khi xẹp biến mất, đó là tuệ thấy vô ngã.
Trước khi ngồi, ý muốn ngồi phát sinh; ý muốn này là một tâm sở. Tâm sở này tạo điều kiện cho gió nâng đỡ phát sinh. Nhờ có gió nâng đỡ nên ta có thể ngồi như vầy, phần trên của cơ thể có thể giữ thẳng trong khi đó phần dưới của cơ thể duy trì thăng bằng. Tư thế này gọi là ngồi. Thực ra, ngồi chỉ là gió nâng đỡ. Ngồi là chức năng của gió nâng đỡ, chứ không phải chức năng của ta. Chỉ có chức năng của gió nâng đỡ mà thôi.
Trong khi ngồi, ta theo dõi tư thế ngồi, và ta niệm ngồi. Đôi lúc, khi niệm ngồi, ta cảm thấy thân ngả ra trước hay ngả ra sau, đó là dấu hiệu cho thấy gió nâng đỡ làm nhiệm vụ giữ thăng bằng đã ra đi. Nếu khi niệm ngồi mà ta biết được gió giữ thăng bằng đã ra đi, thì ta có được tuệ thấy rõ vô thường.
Sau khi ngồi thẳng lại, ta niệm ngồi. Nhưng một lúc sau, ta lại ngả tới trước hay ngả ra sau, rồi ta ngồi thẳng lại và niệm ngồi ngồi ngồi. Bằng cách ghi nhận hay niệm như vậy, ta biết được sự ngồi cũng thay đổi rất nhiều. Khi ta niệm ngồi, nếu ta thấy sự thay đổi của ngồi, đó là tuệ thấy sự khổ.
Trong khi ta ghi nhận sự thẳng cứng, sự thẳng cứng của lưng rơi vào không. Sự thẳng cứng cũng không có cốt lõi, tức là vô ngã. Trong khi ta ghi nhận ngồi, nếu ta thấy được sự thẳng cứng của tư thế ngồi rơi vào không, đó là tuệ thấy không có bản chất, không có cốt lõi, vô ngã (anatta nupasana ñāna).
Do ghi nhận ngồi, ta có được tuệ thấy rõ vô thường, tuệ thấy rõ khổ não và tuệ thấy rõ vô ngã. Khi tuệ vô thường, tuệ khổ, tuệ vô ngã đã chín mùi trong việc niệm ngồi, ta sẽ trở nên chán nản sự ngồi, chúng ta thấy rõ sự ngồi là vô vị, chẳng có gì đáng bám víu vào, chỉ là tiến trình sinh diệt của vật chất và tâm, chẳng có gì đáng yêu đáng thích cả. Lúc ấy, ta có thể nghĩ rằng việc hành thiền của mình xuống dốc. Không phải vậy, việc hành thiền đang tiến bộ đó.
Trước khi đứng dậy lần nữa, ta niệm muốn đứng, muốn đứng. Rồi ta đứng dậy, quan sát toàn thể tiến trình của chuyển động, ta niệm đứng dậy, đứng dậy. Sự đứng dậy chỉ là chuyển động, và chuyển động này thay đổi; sự thay đổi có thể nhận thấy rõ ràng. Khi đã ở tư thế đứng, hãy niệm đứng, đứng, và theo dõi, quán sát toàn thể tư thế đứng.
Thoạt đầu, ta chỉ thấy được tư thế đứng. Đôi khi, dầu niệm đứng, đứng, cơ thể ta lay chuyển; sự lay chuyển này là dấu hiệu gió nâng đỡ tư thế đứng đã mất. Sự đứng chỉ là chức năng của gió nâng đỡ, gió nâng đỡ được vận hành do ý muốn của ta. Trước khi đứng ý muốn đứng khởi lên. ý muốn này là tâm sở. Tâm sở này là nguyên nhân của gió nâng đỡ. Nhờ có gió nâng đỡ, ta có thể giữ cơ thể thẳng thắn. Rồi ta gọi tư thế này là "đứng". Thật ra sự đứng này chỉ là chức năng của gió nâng đỡ mà thôi.
Vậy, trong khi niệm đứng, đứng, đứng, nếu ta cảm thấy lay chuyển, lắc lư, đó chỉ là dấu hiệu gió nâng đỡ làm nhiệm vụ giữ thân đứng thẳng đã ra đi. Trong khi niệm đứng, nếu nhận biết được tư thế đứng đang lay chuyển, lắc lư, đó là tuệ thấy rõ vô thường (anicca nupassana ñāna).
Nếu nhận biết tư thế đứng thay đổi, thay đổi liên tục, đó là tuệ thấy rõ khổ não (dukkha nupassana ñāna).
Khi đang ở tư thế đứng, ta cảm thấy sự thẳng cứng đang có mặt nhưng khi cơ thể bắt đầu lay chuyển thì sự thẳng cứng này biến mất, và không còn lại chút thẳng cứng nào nữa. Gió nâng đỡ giúp cho thân thẳng cứng cũng không có bản chất, không có cốt lõi. Nếu ta nhận thấy sự thẳng cứng rơi vào không, nếu ta thấy sự thẳng cứng không có bản chất, thì đó là tuệ thấy vô ngã (anatta nupassana ñāna). Như vậy, trong khi niệm đứng đứng, ta có thể thấy được tuệ thấy rõ vô thường, khổ và vô ngã.
Nếu tuệ thấy rõ vô thường, tuệ thấy rõ khổ, tuệ thấy rõ vô ngã chín mùi thì ta cảm thấy sự đứng đáng chán, ta thấy rõ sự đứng là vô vị, chẳng có gì đáng bám víu vào, chỉ là tiến trình sinh diệt của vật chất và tâm, chẳng có gì đáng yêu đáng thích cả. Đó không phải là việc hành thiền đã sút kém, mà ta đã tiến bộ.
Vậy, lúc nào bạn niệm đứng đứng mà cảm thấy chán nản thì đừng băn khoăn, lo lắng gì cả, vì bạn đang tiến bộ.
Bất kỳ hiện tượng gì khởi lên, bạn cũng phải ghi nhận một cách chánh niệm. Nếu bạn tiếp tục ghi nhận mọi hiện tượng xảy ra thì bạn càng có tuệ giác nhiều bao nhiêu, bạn càng cảm thấy chán nản, càng thấy rõ sự vô vị của các hiện tượng xảy ra bấy nhiêu, thế là bạn biết mình đã tiến gần đến Niết bàn hơn vậy.
Cầu mong các bạn nỗ lực tinh tấn quán sát các hiện tượng và đạt nhiều tiến bộ trong việc hành thiền minh sát.
*
Giải về đề mục căn bản
Chúng ta đã biết: thay đổi là chân đế, không thay đổi là tục đế. Cần phải luôn nhớ hai điều này: thay đổi là chân đế, hay sự thật tuyệt đối; không thay đổi là tục đế, hay sự thật của thế tục, là giả danh.
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu đề mục căn bản của pháp hành thiền. Khi hành thiền minh sát, bạn có thể ngồi cách nào cũng được, nhắm mắt lại và để tâm ở bụng. Thở tự nhiên. Mỗi khi bụng phồng lên, bạn ghi nhận hay niệm thầm phồng. Nhớ là để tâm vào bụng, mà đừng có nghĩ gì đến hơi thở. Mỗi khi bụng phồng lên, bạn ghi nhận phồng.
Nhớ là mỗi khi bụng phồng chỉ niệm thầm phồng, chứ đừng niệm bụng phồng. Tại sao chỉ niệm phồng mà không niệm bụng phồng? Bởi vì trong khi hành thiền minh sát, ta chỉ theo dõi và quán sát chân đế, mà không chú ý đến tục đế. Khi bụng phồng lên; bụng là tục đế, phồng mới là chân đế.
Mỗi khi bụng xẹp xuống, bạn ghi nhận hay niệm thầm xẹp. Chỉ niệm xẹp chứ đừng niệm bụng xẹp. Tại sao ta chỉ niệm phồng. Bởi vì phồng là chân đế. Bụng thì không thay đổi, chỉ có sự chuyển động phồng và xẹp thay đổi mà thôi. Vậy sự thay dổi là chân đế, sự không thay đổi là tục đế.
Tại sao bụng không thay đổi? Bởi vì bụng không có thực. Mặc dầu gọi là bụng, nhưng đó chỉ là cái tên, chỉ là sự thật ước định. Nếu mọi người gọi nó, chấp nhận nó là bụng, thì nó là bụng; nếu không gọi nó, không chấp nhận nó là bụng, thì nó không phải là bụng.
Như vậy bụng không có thật. Tiếng Việt gọi nó là "bụng", tiếng Miến gọi là "vambai", tiếng Pāli gọi là "Udara gabbha" và tiếng Anh gọi là "abdomen". Ta gọi một vật với nhiều tên khác nhau. Đó chỉ là tục đế. Ta chấp nhận nó là bụng thì nó là bụng, ta chấp nhận nó là "vambai" thì nó là "vambai", nếu ta không chấp nhận nó là bụng thì nó sẽ không là bụng, và nếu ta không chấp nhận nó là "vambai" thì nó không phải là "vambai". Vậy, bụng chỉ là tục đế, mà chuyển động phồng hay xẹp mới là chân đế.
Khi theo dõi chuyển động phồng xẹp nơi bụng, nhớ kỹ là đừng niệm bụng phồng hay bụng xẹp. Khi bụng phồng lên thì bạn niệm phồng, khi bụng xẹp xuống thì bạn niệm xẹp.
Khi ta ghi nhận phồng thì phồng là chuyển động, phồng là hiện tượng vô tri, vô giác, là "gió", và sự nhận biết phồng là "tâm", là hiện tượng nhận biết. Như vậy, khi có một hiện tượng phồng thì chỉ có hai yếu tố thân và tâm, hay danh và sắc, mà chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái gì cả.
Khi bụng ta xẹp xuống, ta theo dõi chuyển động ấy và niệm xẹp. Khi ta niệm xẹp thì xẹp là chuyển động, xẹp là hiện tượng vô tri, vô giác, là "gió", và sự nhận biết xẹp là "tâm", là hiện tượng nhận biết. Như vậy, khi có một hiện tượng xẹp thì chỉ có hai yếu tố thân và tâm, hay danh và sắc, mà chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái gì cả.
Thoạt đầu, bạn phải cố gắng hiểu rằng phồng là một chuyện và nhận biết phồng là một chuyện khác, xẹp là một chuyện và nhận biết xẹp là một chuyện khác. Trong khi thuyết pháp thì chúng tôi có thể nói phồng là vật chất và biết phồng là tâm. Nhưng khi thực hành, các bạn không cần phải nói "đây là vật chất" và "đây là tâm" hay "đây là thân" và "đây là tâm".
Sự hiểu biết trong lúc hành thiền khác với sự hiểu biết trong lý thuyết. Trong lúc hành thiền, chúng ta không thể nói: "Đây là vật chất", "Đây là tâm". Nhưng sau khi hành thiền xong, nhìn lại việc hành thiền của mình, chúng ta biết cái gì là vật chất cái gì là tâm.
Sự hiểu biết trong lúc hành thiền chẳng khác nào một giấc mộng. Khi ta nằm mộng, ta không biết mình đang mộng, nhưng lúc thức dậy ta biết ta vừa đang nằm mộng. Cũng vậy, trong khi niệm phồng, xẹp, ngồi, đụng, v.v… ta không thể gọi "đây là vật chất", "đây là tâm", nhưng sau khi hành thiền ta biết phồng là một hiện tượng, và nhận biết phồng là một chuyện khác, xẹp là một hiện tượng và nhận biết xẹp là một chuyện khác. Vậy, khi niệm phồng xẹp, phồng xẹp, nếu bạn có thể phân biệt được "phồng" và "nhận biết sự phồng" là hai hiện tượng khác nhau, thế là bạn đã hiểu thế nào là vật chất, thế nào là tâm.
Đôi khi, mặc dầu niệm phồng nhưng ta không thấy phồng rõ ràng, mặc dầu niệm xẹp nhưng không thấy xẹp rõ ràng, thế rồi ta không thể niệm phồng xẹp, bởi vì nếu không có nhân thì không có quả.
Nếu không có phồng thì không thể có nhận biết sự phồng, vậy phồng là nhân và sự nhận biết là quả. Nếu không có xẹp thì không thể có sự nhận biết sự xẹp, vậy xẹp là nhân và nhận biết là quả. Như vậy, mỗi khi ta niệm phồng thì chỉ có nhân và quả, mỗi khi ta niệm xẹp thì cũng chỉ có nhân và quả, mà chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái gì cả.
Khi ngồi, ta quán sát toàn thể tư thế ngồi, ta niệm ngồi. Mặc dầu dùng chữ "ngồi" nhưng chủ tâm của ta là để biết chân đế: ngồi chỉ là gió nâng đỡ. Theo chân đế, nếu không có gió nâng đỡ, bạn không thể ngồi như vầy, bạn sẽ ngã xuống. Vậy, ngồi chỉ là gió nâng đỡ mà thôi.
Nếu là một thiền sinh mới, bạn không thể nhận thấy gió nâng đỡ hay sự thẳng cứng của ngồi, bạn chỉ có thể cảm nhận hình dạng của cơ thể. Khi việc hành thiền của bạn trở nên thuần thục, bạn chỉ còn nhận thấy sự thẳng cứng hay hiện tượng nâng đỡ. Khi ngồi, ta niệm ngồi ngồi, ngồi chỉ là gió nâng đỡ và nhận biết sự ngồi là tâm. Như vậy, vào lúc ngồi, chỉ có thân và tâm, hay danh và sắc, mà thôi.
Khi ngồi, ta không niệm tôi đang ngồi, mà chỉ niệm ngồi. "Tôi" là tục đế và ngồi là chân đế. Tôi thì không thay đổi, nhưng ngồi thì thay đổi. Khi ngồi, gió nâng đỡ thay đổi; đó là chân đế. Như vậy, ta phải chú tâm vào sự ngồi, hay gió nâng đỡ, và niệm ngồi.
Khi ta niệm ngồi, thân thể ta không phải lúc nào cũng ngay ngắn. Đôi lúc lưng ta cong xuống, đôi lúc thân ta lắc lư hay nhúc nhích; khi đó, gió nâng đỡ mất, mà gió chuyển động đến. Nếu gió nâng đỡ có mặt thì thân ta sẽ không lắc lư hay nhúc nhích. Như vậy, gió nâng đỡ là một chuyện, mà sự lắc lư hay nhúc nhích của thân là một chuyện khác. Lắc lư hay nhúc nhích cũng là chuyển động, là gió. Ngồi cũng là gió, nhưng ngồi là gió nâng đỡ. Lắc lư, nhúc nhích, cong, thẳng của lưng đều là gió, đều là chuyển động.
Khi ta ngồi, nếu yếu tố chuyển động trội hơn cả, ta phải niệm lay lay lay, cong cong cong, thẳng thẳng thẳng. Mặc dù dùng chữ lay, cong, thẳng, v.v… chúng đều biểu thị sự chuyển động. Khi bạn theo dõi chuyển động và niệm lay, cong, thẳng, chỉ có vật chất và tâm hay thân và tâm. Chuyển động là vật chất và nhận biết chuyển động là tâm. Nếu không có chuyển động thì sẽ không có sự nhận biết hay không thể niệm. Nếu không có lắc lư thì sẽ không thể niệm lắc lư. Như vậy, lắc lư là nhân và nhận biết sự lắc lư là quả. Chỉ có nhân và quả vào lúc ghi nhận lắc lư hay cong cong, thẳng thẳng mà thôi.
Trong lúc hành thiền, ở giai đoạn phồng, ta chỉ chú tâm theo dõi chuyển động phồng và niệm phồng. ở giai đoạn xẹp, chỉ chú tâm theo dõi chuyển động xẹp và niệm xẹp. Khi ngồi xuống, hãy chú ý vào chuyển động ngồi. Lúc ngồi thẳng lưng, chú ý đến gió nâng đỡ, sau đó tiếp tục theo dõi phồng xẹp. Nếu cơ thể lay động, chú ý vào sự lay động. Nếu ghi nhận đầy đủ mọi chuyển biến, mọi hoạt động của gió trong thân, ta có khả năng loại trừ được nhiều phiền não.
Chẳng hạn, khi bụng phồng lên, sự phồng này chỉ là chuyển động, là gió, nhưng nếu bạn lầm tưởng chuyển động này là bụng thì đó là tà kiến. Chuyển động là gió, là chân đế. Bụng chỉ là tục đế, bụng không có thực, mà chỉ là một sự chế định hay giả danh. Phải phân biệt rõ hai thứ: bụng và chuyển động. Bụng là tục đế, chuyển động là chân đế.
Nếu bạn nghĩ rằng bụng và chuyển động chỉ là một, đó là tà kiến, là hiểu sai lầm. Nếu bạn có thể tách rời bụng ra khỏi chuyển động, đó là chánh kiến hay có sự hiểu biết đúng. Nếu bạn ghi nhận có sự chuyển động chỉ là chuyển động, mà không thêm gì vào trong đó, tức là bạn có chánh kiến. Khi niệm phồng mà tâm ghi nhận chỉ biết đến chuyển động, không nhớ gì đến bụng, đó là chánh kiến. Khi niệm xẹp mà tâm ghi nhận chỉ biết đến chuyển động mà không nhớ gì đến bụng, đó là chánh kiến. Vậy, khi niệm phồng xẹp đúng thì bạn có khả năng loại bỏ được tà kiến.
Thêm vào đó, khi đang niệm phồng xẹp, nếu bạn thích chuyển động này thì tham ái phát sinh; nếu bạn không ưa chuyển động này thì sân hận phát sinh.
Đôi khi đang theo dõi chuyển động của bụng, niệm phồng xẹp, phồng xẹp, và bạn cảm thấy rất dễ ghi nhận chuyển động phồng xẹp này. Tâm bạn đang lâng lâng trên đề mục, bỗng nhiên cơ thể bắt đầu lắc lư, và bạn không thích sự lắc lư này. Lúc đầu, bạn thích chuyển động phồng xẹp, nhưng khi cơ thể lắc lư, bạn lại không thích sự lắc lư. Phải hiểu rằng lắc lư hay phồng xẹp cũng thế thôi, chúng cũng đều là chuyển động, là gió. Nếu bạn không thích chuyển động lắc lư là sai lầm, vì chuyển động chỉ là chuyển động mà thôi. Nếu biết chuyển động là chuyển động, thì bạn có chánh kiến.
Nếu ta cho chuyển động là đáng ưa thì tham ái khởi dậy trong ta; nếu ta cho chuyển động là đáng ghét thì sân hận khởi dậy trong ta. Như vậy, phiền não phát sanh trong ta tùy theo sự hiểu biết và sự chú tâm của ta có sáng suốt và đúng đắn hay không.
Như vậy, phải có sự chú tâm sáng suốt mỗi khi ghi nhận phồng, xẹp. Phồng là vô thường, thay đổi và vô tác nhân, vô chủ. Phồng xuất hiện rồi biến mất, vô thường và biến đổi. Lay cũng sinh rồi diệt. Lay cũng vô thường. Khi cái cũ đi, cái mới đến, đó là thay đổi. Khi phồng ra đi thì chẳng có gì còn lại. Khi lay ra đi thì chẳng có gì còn lại.
Nếu bạn thấy được rằng phồng và lay là vô thường, thay đổi và vô ngã, đó là sự chú tâm sáng suốt và đúng đắn. Nếu bạn có sự chú tâm sáng suốt thì không phiền não nào có thể lọt vào được.
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính và chú thích
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Nguồn : Buddhamet.net
Mời bạn đọc đón xem tiếp phần cuối