Sự ngửi
Trong phần này ta sẽ nói đến mũi, mùi và sự biết của mũi (tỉ căn, tỉ trần và tỉ thức). Khi một hương thơm hay hôi tiếp xúc với mũi thì sự nhận biết được hương hay mùi phát sinh.
Mùi hay hương vô tri, vô giác. Mùi không hay biết gì cả. Mùi là yếu tố vật chất, là sắc. Mùi chỉ là đối tượng của sự ngửi. Mũi tiếp nhận mùi thơm hôi, nhưng chính nó không nhận biết gì cả. Mũi là yếu tố vật chất, là sắc. Mũi chỉ là điều kiện của sự ngửi.
Tỷ thức, hay sự nhận biết của mũi, mới nhận biết được mùi. Sự nhận biết này là tâm. Như vậy, vào lúc ta ngửi một mùi thơm, hôi thì chỉ có vật chất và tâm hay thân và tâm mà thôi: mùi và mũi là vật chất, sự nhận biết mùi là tâm.
Nếu không có mùi thì sẽ không có sự nhận biết mùi. Do đó, mùi là nhân. Dầu có mùi nhưng không có mũi thì cũng không thể ngửi. Vậy mũi cũng là nhân. Sự nhận biết mùi là quả. Như thế, vào lúc ngửi thấy mùi chỉ có nhân và quả, chỉ có hai hiện tượng vật chất và tâm; chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, tôi, anh gì cả.
Mỗi khi có sự ngửi xảy ra, nếu chúng ta không biết rõ sự thật chúng ta sẽ lầm tưởng rằng tôi đang ngửi. Nếu bạn tin chắc rằng chính tôi đang ngửi thì đó là tà kiến. Ngửi là công việc của tỷ thức, không phải công việc của chúng ta, nhưng nếu chúng ta hiểu lầm chính tôi đã ngửi mùi, hiểu lầm sự nhận biết mùi là tôi thì đó là tà kiến.
Hiện tượng thực sự tiếp xúc với mũi chúng ta chỉ là mùi; chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái hay một cá nhân nào, nhưng ta tin rằng: đây là một đóa hoa, đây là mùi của đàn ông, đây là mùi của đàn bà v.v… như vậy là ta đã vượt qua giới hạn của mùi để tạo nên một khái niệm giả tạo khác. Vậy nếu ta hiểu lầm mùi là một người, một cá nhân nào đó, đó là tà kiến hay là kiến thức sai lầm.
Đôi lúc chúng ta nói chúng ta ngửi bằng chính mũi của mình: Chính mũi tôi nhận biết mùi. Đó cũng là một điều tin tưởng sai lầm, bởi vì cái mũi cũng chỉ là một điều kiện của sự ngửi. Chính mũi chẳng biết gì cả, thế mà chúng ta tưởng lầm mũi là cái nhận biết mùi, đó là sự tin tưởng sai lầm.
Vào lúc có một sự ngửi. Nếu đó là mùi ta ưa thì ta sẽ thích nó, thế là tham lam khởi sinh. Nếu đó là mùi ta không ưa, ta sẽ không thích nó thế là sân hận khởi sinh. Nếu ta không hiểu rõ mùi chỉ là vật chất và sự nhận biết mùi là tâm, đó là si mê. Nếu chúng ta hiểu lầm vật chất và tâm là tôi, anh, chị v.v… đó là tà kiến.
Nếu chúng ta yêu thích mùi thơm tho vừa ý, đó là tham lam. Nếu chúng ta không thích mùi hôi thối khó ngửi, đó là sân hận. Bởi thế, nếu không hành thiền minh sát thì vào lúc một sự ngửi xảy ra nhiều phiền não sẽ khởi lên. Để loại bỏ hay chận đứng phiền não thì vào lúc có một sự ngửi xảy ra ta phải niệm: ngửi, ngửi, ngửi.
Khi chúng ta niệm ngửi, ngửi, ngửi, thì tỷ thức hay sự nhận biết mùi sẽ trở thành đề mục ghi nhận và sự ghi nhận chánh niệm sẽ trở thành trí tuệ. Thế nên, vào lúc niệm ngửi, ngửi, ngửi, chỉ có đề mục và tâm ghi nhận đề mục mà không có gì nữa cả. Chỉ có hai hiện tượng đó thôi, không có người, không có đàn ông, không có đàn bà, không có con trai, con gái gì cả.
Đôi khi, dầu ghi nhận được ngửi, ngửi, ngửi, nhưng chúng ta lại rơi vào sự ưa thích mùi, lúc ấy phải ghi nhận thích, thích, …Khi niệm "thích, thích, thích", thì sự ưa thích nà trở thành đề mục ghi nhận và sự chánh niệm ghi nhận này trở thành tuệ giác. Như vậy, dựa vào tham lam chúng ta đạt được trí tuệ.
Đừng buồn nãn hay khó chịu khi phiền não đến. Hãy thản nhiên ghi nhận. Nếu đề mục xuất hiện và ta không ưa thích nó hãy niệm: không thích, không thích, không thích hay ghét, ghét, ghét hoặc sân, sân, sân.
Nếu không niệm: không thích, không thích, không thích hay ghét, ghét, ghét hoặc sân, sân, sân mỗi khi có sự không ưa thích xảy ra thì sân hận sẽ tích tụ và lớn mạnh thêm.
Khi ghi nhận ghét, ghét, ghét thì sự ghét này trở thành đề mục ghi nhận và sự ghi nhận sẽ trở thành trí tuệ. Như vậy, dựa vào sự ghét hay sân hận ta đã đạt được tuệ giác. Khi phiền não đến hãy thản nhiên ghi nhận. Đừng buồn nãn hay khó chịu khi phiền não đến.
Bố thí là một việc thiện, một việc làm tốt đẹp, nhưng khi bố thí ta phải bỏ ra một số tiền. Mặc dầu vậy phước báu bố thí vẫn không bằng phước báu của hành thiền. Khi ghi nhận các hiện tượng diễn ra trong thân tâm chúng ta, chúng ta sẽ nhận được phước báu lớn lao. Đó là phước báu của trí tuệ. Phước báu của trí tuệ là phước báu lớn nhất.
Giữ giới là một phước báu. Khi chúng ta hành thiền chỉ hay thiền vắng lặng, chúng ta được cả hai loại phước: phước giới và phước định. Khi hành thiền minh sát hay quán sát mỗi một hiện tượng xảy ra trong thân tâm ta, ta có được ba loại phước: phước giới, phước định và phước huệ. Khi hành thiền minh sát ghi nhận mọi hiện tuợng đang xảy trong ta, ta chẳng phải chi ra đồng nào nhưng đạt được phước báu cao thượng nhất.
Vậy, hãy tinh tấn hành thiền minh sát bằng cách ghi nhận tất cả mọi hiện tượng bên trong chúng ta. Ghi nhận mọi diễn biến đang xảy ra bên trong chúng ta là điều tối quan trọng. Đặc biệt, khi ngửi thấy gì ta phải ghi nhận ngửi, ngửi, ngửi. Ghi nhận chánh niệm những gì đang xảy ra chúng ta sẽ có được trí tuệ.
Trên đây chúng tôi có nói: nếu mùi dễ chịu tham ái sẽ phát sinh, nếu mùi khó ngửi sân hận sẽ phát sinh. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Điều này tùy thuộc vào ta. Bởi vì khi mùi dễ chịu đến với ta, nếu ta ghi nhận kịp thời thì tham ái sẽ không có cơ hội phát sinh. Khi mùi khó chịu đến với ta, nếu ta ghi nhận kịp thời thì sân hận sẽ không có cơ hội phát sinh.
Mùi thơm, mùi hôi đều là vô thường, đến rồi đi, phát sinh rồi biến mất, thay đổi liên hồi. Khi mùi phát sinh thì nó là mùi; nhưng sau đó nó loãng dần rồi tan biến trở thành không. Xem hương là hương hay mùi là mùi, vô thường là vô thường, sự thay đổi là thay đổi và không có cốt lõi là không có cốt lõi; đó là sự chú tâm bằng trí tuệ. Nếu có sự chú tâm sáng suốt đẹp như vầy thì tham lam và sân hận sẽ không đến được.
Vậy mùi dễ chịu đến với ta có thể sinh ra tham lam hay không tùy thuộc nơi ta; mùi khó chịu đến với ta có thể sinh ra sân hận hay không tùy thuộc nơi ta. Điều quan trọng là ta có chánh niệm trước mọi diễn biến xảy ra hay không?
Sự nếm
Trong phần này ta sẽ nói đến lưỡi, vị và thiệt thức (sự nhận biết của lưỡi). Khi có một vị nào đó tiếp xúc với lưỡi thì thiệt thức hay sự nhận biết của lưỡi phát sinh. Chẳng hạn, khi thực phẩm có vị mặn, ngọt tiếp xúc với lưỡi thì ta nhận biết được vị mặn, ngọt đó.
Trong một sự nếm, có ba yếu tố: vị, lưỡi và sự nhận biết vị (vị trần, thiệt căn và thiệt thức). Vị, mặn ngọt chua cay… thì vô tri giác. Vị không nhận biết gì cả, vị là vật chất hay sắc, vị là điều kiện để có sự nếm. Lưỡi hay thiệt căn cũng vô tri vô giác, lưỡi không nhận biết gì cả. Lưỡi chỉ là điều kiện của sự nếm.
Thiệt thức hay sự nhận thức được vị là tâm. Thiệt thức nhận biết được vị. Vậy thì, vào lúc nhận biết được vị, chỉ có vật chất và tâm hay thân và tâm. Vị và lưỡi là vật chất, sự nhận biết vị là tâm. Nếu có vị mà không có lưỡi thì cũng không nhận biết được vị. Như vậy, lưỡi là nhân.
Nếu có lưỡi nhưng không có vị thì sự nhận biết vị cũng chẳng xảy ra. Vậy thì vị là nhân và sự nhận biết vị hay thiệt thức là quả. Thiệt thức không nằm sẵn trong vị, cũng không nằm sẵn trong lưỡi, chỉ khi nào vị tiếp xúc với lưỡi thì thiệt thức mới phát sanh và sau đó biến mất. Khi thiệt thức biến mất, ta không thể nói thiệt thức đi đâu và cũng không thể biết từ đâu nó đến.
Nếu có đủ điều kiện thì thiệt thức phát sinh, đó là sự thật tuyệt đối. Nếu chúng ta không biết sự thật tuyệt đối hay chân đế này thì nhiều phiền não sẽ đến.
Sự nhận biết vị là chức năng của thiệt thức, chẳng phải là chức năng của chúng ta; nhưng vì chúng ta không biết đến chức năng của thiệt thức nên chúng ta tưởng lầm sự nhận biết vị hay thiệt thức là "tôi". "Chính tôi nhận biết vị"; đó là sự hiểu biết sai lầm hay tà kiến. Tà kiến vì ta hiểu lầm thiệt thức là "tôi".
Hiện tượng thật sự tiếp xúc với lưỡi hay thiệt căn chỉ là vị, nhưng mỗi khi thiệt thức phát sinh tâm ta lại vượt khỏi vị mà tiến đến ý niệm thịt, cá, rau v.v… Đó là tà kiến vì ta đã lầm vị với thịt, cá, rau…
Lưỡi hay thiệt căn chỉ là điều kiện để nhận biết vị. Nhưng đôi lúc ta nói lưỡi tôi nhận biết vị. Nói như vậy không đúng. Nếu nói rằng lưỡi nhận biết được vị thì lúc ta ngủ ai bỏ gì vào miệng ta, ta sẽ nhận ra vị ngay. Nhưng khi ta đang ngủ ta chẳng nhận biết được vị, vậy thì rõ ràng rằng lưỡi chẳng nhận biết được vị. Nhận biết vị chỉ là chức năng của thiệt thức mà thôi.
Vào lúc nhận biết vị, nếu ta không hành thiền thì tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm sẽ đến. Nếu vị vừa ý ta sẽ thích, thế là tham ái phát sinh. Nếu vị không vừa ý ta không ưa, thế là sân hận phát sinh. Nếu ta đễ cho tham và sân tiếp diễn ta sẽ tích lũy nhiều phiền não.
Nhưng nếu chúng ta hành thiền khi ăn, chúng ta có thể chế ngự hay loại bỏ những phiền não này.
Về vấn đề ăn, một câu hỏi thường được nêu ra: "Nếu tôi ăn thịt, ăn cá, tôi có thể trở thành một tín đồ Phật giáo không?" Câu trả lời là: ta có thể ăn thịt hay cá theo tam tịnh nhục. Đó là: nếu ta không thấy con thú bị giết để cho ta ăn; nếu ta không nghe tiếng kêu của con thú bị giết để cho ta ăn; nếu ta không nghi con thú bị giết để cho ta ăn. Những loại thịt nằm trong ba trường hợp này ta có thể ăn.
Nhưng khi hành thiền vắng lặng, hay thiền chỉ, bạn nên tránh dùng cá thịt, bởi vì khi hành thiền chỉ, đặc biệt là thiền từ ái hay niệm tâm từ, loại thiền đặt căn bản trên khái niệm và tưởng tượng, bạn phải tưởng tượng tâm từ ái của mình tràn khắp chúng sanh: "mong cho tất cả chúng sanh đều an vui, hạnh phúc".
Sự tưởng tượng này rất mạnh, nếu ăn cá hay thịt sẽ làm cho bạn cảm thấy bất an khi tưởng tượng đang rải tâm từ đến tất cả chúng sanh. Khi hành thiền từ ái nên tránh ăn cá thịt để dễ phát triển trí tưởng tượng chứ không phải không ăn cá thịt để khỏi phạm giới như một số người quan niệm.
Lúc hành thiền tại nghĩa địa, quán sát những tử thi bị sình thối, cũng phải kiêng cử một số thức ăn như: cá, thịt, đường, bột mè, v.v… vì đây là những thực phẩm mà các loại ma quỉ thích. Tránh ăn cá, thịt đường, bột mè, v.v… là để khỏi bị ma quỉ quấy phá trong lúc hành thiền ở nghĩa trang chứ không phải để khỏi phạm giới như một số người lầm tưởng.
Vậy khi hành thiền chỉ, nhất là thiền tâm từ hay thiền ở nghĩa địa, nên tránh ăn thịt, cá, còn trong khi hành thiền minh sát thì ăn thịt cá hay ăn rau cải không thành vấn đề. Điều quan trọng là loại bỏ phiền não, đừng bận tâm về việc ăn uống.
Dầu ăn rau cải, nhưng nếu khi ăn ta thích thú với thức ăn thì tham lam sẽ phát sinh. Nếu khi ăn ta chán ghét thức ăn thì sân hận phát sinh. Trong khi ăn nếu ta không biết vật chất và tâm chỉ là vật chất và tâm thì đó là si mê. Nếu ta lầm tưởng vị là chuối, bánh, v.v… đó cũng là tà kiến.
Vậy thì, khi ăn rau cải nhưng nếu không hành thiền minh sát thì phiền não cũng phát sinh. Giả sử khi ăn ta không chánh niệm ghi nhận, ta không hành thiền minh sát thì ta có thể thích thú vào món ăn thế là tham ái phát sinh. Nếu ta không thích thú vào món ăn thì sân hận phát sinh. Nếu ta không hiểu vật chất chỉ là vật chất, vật thực chỉ là vật chất thì si mê phát sinh. Vậy thì, khi ăn rau cải nhưng nếu không hành thiền minh sát thì phiền não cũng phát sinh. Giả sử khi ăn ta không chánh niệm ghi nhận, ta không hành thiền minh sát thì ta có thể thích thú vào món ăn thế là tham ái phát sinh. Nếu ta không thích thú vào món ăn thì sân hận phát sinh. Nếu ta không hiểu vật chất chỉ là vật chất, vật thực chỉ là vật chất thì si mê phát sinh. Nếu ta lầm tưởng vị là rau, cải v.v… thì đó là tà kiến.
Vậy thì, khi ăn thịt cá nhưng nếu không hành thiền minh sát thì phiền não cũng phát sinh. Giả sử khi ăn ta không chánh niệm ghi nhận, ta không hành thiền minh sát thì ta có thể thích thú vào món ăn thế là tham ái phát sinh. Nếu ta không thích thú vào món ăn thì sân hận phát sinh. Nếu ta không hiểu vật chất chỉ là vật chất, vật thực chỉ là vật chất thì si mê phát sinh. Nếu ta lầm tưởng vị là thịt cá v.v… thì đó là tà kiến.
Hiện tượng thực sự tiếp xúc với lưỡi của chúng ta chỉ là vị, không phải thịt cá hoặc rau trái nhưng ta lầm tưởng vị là thịt cá, rau trái, v.v… thì đó là tà kiến. Vậy bất kỳ khi ăn thịt cá hay rau trái nếu không hành thiền thì phiền não đều có thể phát sinh.
Thế nên, khi thấy người ăn rau trái, đừng mù quáng nghĩ như vậy là cao thượng. Dầu ăn rau trái nhưng nếu không hành thiền minh sát thì phiền não vẫn phát sinh. Khi thấy người ăn cá thịt cũng đừng đánh giá thấp họ, dầu ăn thịt cá nhưng nếu ăn một cách chánh niệm thì phiền não cũng không phát sinh.
Do đó, dầu ăn thịt cá hay rau cải cũng không thành vấn đề. Điều quan trọng trong khi hành thiền là ghi nhận chánh niệm mỗi khi ta ăn. Nếu ghi nhận chánh niệm trong khi ăn, chúng ta có thể chế ngự hay loại trừ phiền não.
Mỗi khi thấy thức ăn ta phải ghi nhận thấy, thấy. Khi đưa tay ra lấy thức ăn ta phải ghi nhận là đưa, đưa và quán sát chuyển động bên trong của tay. Quán sát ở đây là quán sát chuyển động chứ không phải quán sát bàn tay. Khi quán sát chuyển động ta niệm đưa, đưa. Nếu chúng ta chỉ biết hay ý thức chuyển động mà không nhớ gì đến bàn tay thì ta đã hành thiền đúng và có chánh kiến. Vào lúc ghi nhận chánh niệm đó ta đã chế ngự được tham, sân, si và tà kiến.
Nếu không ghi nhận chánh niệm chuyển động trong khi đưa tay ra ta sẽ lầm tưởng cánh tay ta đã chuyển động, ta lầm tưởng sự chuyển động là tay; đó là sự tin tưởng sai lầm hay tà kiến. Đưa ra chỉ là chuyển động, là vật chất, vô tri giác. Nếu không biết chuyển động chỉ là chuyển động, đó là si mê. Nếu thích sự đưa ra đó là tham. Nếu không thích sự đưa ra đó là sân.
Nhưng mỗi khi ghi nhận đưa, đưa nếu tâm chỉ chú ý sự chuyển động thì vào lúc đó tham, sân, si không phát sinh, bởi vì mỗi lúc tâm chỉ ghi nhận đựợc một đối tượng mà thôi. Lúc tâm đặt lên sự chuyển động thì, vào lúc ấy, tâm chỉ biết sự chuyển động bởi thế phiền não không xen vào được.
(Chúng tôi xin giải thích thêm về điểm này. Theo Vi Diệu Pháp, một thời gian khoảng một chớp mắt có thể có đến hàng tỉ tỉ tâm sinh diệt, và mỗi tâm chỉ có thể nhận được một đối tượng. Một tâm không thể cùng lúc nhận hai đối tượng. Vì sự sinh diệt của tâm quá nhanh ta không thể thấy được, do đó nhiều lúc ta có thể hiểu lầm nên nói: tôi vừa thấy và vừa nghe. Chẳng hạn khi đối mặt nói chuyện với người nào ta cảm thấy rằng: ta vừa thấy vừa nghe người đó nói chuyện. Thật ra tâm nghe và tâm thấy không xảy ra cùng lúc. Tâm nghe thay thế cho tâm thấy rồi tâm thấy thay thế cho tâm nghe liên tục không ngừng khiến chúng ta hiểu lầm. Tâm nghe khởi lên rồi diệt mất, tiếp đến tâm thấy khởi lên rồi diệt mất, tiếp theo tâm nghe khởi lên rồi diệt mất, tiếp đến tâm thấy khởi lên rồi diệt mất. Nhiều khi, nếu sự nghe, vào một lúc nào đó, mạnh hơn sự thấy thì tâm nghe sẽ đến nhiều lần hơn tâm thấy và một lúc nào đó tâm thấy mạnh hơn tâm nghe thì tâm thấy sẽ đến nhiều lần hơn tâm nghe, nhưng vì tâm sinh diệt quá nhanh nên chúng ta tưởng lầm hai tâm cùng sanh ra một lúc. Bởi vì hai tâm không thể cùng sinh ra một lúc nên khi chúng ta chánh niệm ghi nhận vào sự đưa tay ra thì vào lúc ấy tâm chỉ chú ý đến sự chuyển động nên các phiền não khác không thể xen vào được).
Khi tay ta đụng vào muỗng ta niệm đụng đụng nếu tâm ta chỉ nhận biết cứng, mềm hay nóng, lạnh thì vào lúc ấy phiền não cũng không xen vào được vì mỗi lúc tâm chỉ nhận biết một đối tượng mà thôi. Khi niệm đụng, đụng nếu ta nhận biết sự cứng thì vào lúc ấy tâm ta chỉ biết có sự cứng, do đó lúc ấy phiền não cũng không xen vào được.
Khi muỗng đưa lên ta theo dõi chuyển động, ta ghi nhận đưa lên, đưa lên. Mặc dầu niệm chữ đưa lên ta chỉ chú tâm vào sự chuyển động. Thế nên, khi niệm đưa lên, đưa lên nếu ta chỉ nhận biết chuyển động thì vào lúc ấy phiền não không thể vào được. Chuyển động là đối tượng phải ghi nhận và tâm ghi nhận trở thành tuệ giác. Khi tuệ giác hiện diện thì phiền não không xen vào.
Khi đưa thức ăn vào miệng và theo dõi chuyển động này ta niệm đưa vào, đưa vào. Mặc dù dùng chữ đưa vào ta chỉ biết đến chuyển động. Nếu vào lúc ấy ta hoàn toàn chánh niệm vào chuyển động mà không suy nghĩ đến chuyện gì khác thì chuyển động là đề mục ghi nhận và tâm ghi nhận chuyển động trở thành tuệ giác. Khi trí tuệ này hiện diện thì phiền não không xen vào được. Vậy khi đưa thức ăn vào miệng và theo dõi chuyển động này ta phải ghi nhận hay niệm đưa vào, đưa vào.
Khi mở miệng ta phải theo dõi chuyển động của miệng, ta ghi nhận hay niệm mở, mở. Dù dùng chữ mở, mở nhưng ta theo dõi là chuyển động. Nếu ta chỉ theo dõi chuyển động và biết chuyển động chỉ là chuyển động thì ta đã hành thiền đúng, là chánh kiến. Chánh kiến này là trí tuệ. Khi chánh kiến hiện diện thì phiền não không xen vào được.
Khi lấy muỗng ra ta theo dõi toàn thể chuyển động và ghi nhận hay niệm lấy ra, lấy ra. Khi niệm lấy ra, nếu ta chỉ nhận biết chuyển động mà không để tâm hay suy nghĩ đến chuyện gì khác đó là trí tuệ, trí tuệ này có thể chế ngự hay loại trừ phiền não vào lúc ấy.
Khi nhai ta niệm nhai, nhai, sự nhai này có thể là sự chuyển động hay sự đụng. Khi miệng nhai đó là chuyển động, khi thức ăn tiếp xúc với lưỡi đó là đụng hay tiếp xúc. Do đó, khi niệm nhai, nhai có thể nhận thấy sự chuyển động hay sự cứng mềm.
Dù là niệm nhai, nhai nhưng vào lúc đó nếu chuyển động thấy rõ hơn ta ghi nhận chuyển động, nếu cứng mềm rõ hơn ta nhận biết cứng mềm. Trong khi ta nhận biết chuyển động hay cứng mềm thì phiền não không xen vào được.
Tóm lại, mỗi khi miệng tiếp xúc với thức ăn ta niệm: vị, vị hay ngọt, ngọt, đắng, đắng hay chua, chua… Trong khi niệm ngọt, đắng, chua, v.v… nếu chúng ta chỉ biết đến vị mà không nhớ đến thịt, cá, chuối, bánh, v.v… đó là chánh kiến. Khi chánh kiến hiện diện thì phiền não không xen vào được. Mỗi khi ăn, nếu ta ghi nhận toàn thể tiến trình của sự ăn thì phiền não không xen vào được.
Thế nên, trong khi hành thiền minh sát, thức ăn không thành vấn đề: ăn thịt, ăn cá hay ăn rau cải gì cũng được, điều quan trọng là có ghi nhận chánh niệm trong khi ăn hay không. Nếu ăn với chánh niệm, chúng ta có thể chế ngự hay loại trừ phiền não trong khi ăn. Bởi thế, hãy cố gắng chánh niệm trong lúc ăn.
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính và chú thích
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Nguồn : Buddhamet.net
Mời bạn đọc đón xem tiếp phần 7