Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Chân đế và tục đế (Phần 5)

Chân đế và tục đế (Phần 5)

107

 

Thân và Tâm, hay Danh và Sắc 
 
1) Đây là khúc gỗ và đây là một cục bông gòn. 
 
Nếu sờ vào khúc gỗ, ta cảm thấy cứng. Sự cứng của gỗ là vô tri, là vật chất, là chất đất. Đôi khi sờ vào cơ thể, ta thấy cứng. Sự cứng của cơ thể là vô tri, là vật chất, là chất đất (pathavi dhatu)
 
Nếu sờ vào bông gòn, ta cảm thấy mềm. Sự mềm của bông gòn là vô tri, là vật chất, là chất đất. Đôi khi sờ vào cơ thể, ta thấy mềm. Sự mềm của cơ thể là vô tri, là vật chất, là đất (pathavi dhatu)
 
Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận cứng là đất, nhưng chúng ta phân vân khi chấp nhận mềm cũng là đất. Mềm thật sự cũng là đất. Nếu so sánh một vật mềm với một vật khác mềm hơn thì vật mềm trước trở thành vật cứng. Nếu so sánh vật mềm sau với một vật mềm hơn nữa thì vật mềm sau này lại trở thàng cứng. Vậy sự mềm cũng vô tri, là vật chất, là chất đất. 
 
Bất kỳ lúc nào chúng ta sờ vào cơ thể mình nếu thấy cứng hay mềm đó là vật chất, là vô tri. Sự nhận biết cứng mềm là tri giác hay tâm. Cứng, mềm là vật chất, là sắc, thì không nhận biết, chỉ có tâm mới có khả năng nhận biết. Vào lúc biết được sự cứng mềm của cơ thể, chỉ có vật chất và tâm hiện diện. Cứng mềm là sắc, biết được cứng mềm là tâm, chẳng có tôi anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả. 
 
Danh từ Pathavi thường được dịch là "đất", nhưng chúng ta nên hiểu đó là "sự cứng mềm", đừng hiểu là đất theo nghĩa thông thường. 
 
2) Giả sử, chúng ta có lửa và một cục nước đá, nếu đưa tay gần lửa ta cảm thấy nóng. Sự nóng của lửa là hiện tượng vô tri. Sự nóng của lửa không biết gì cả, đó là vật chất, là chất lửa. Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.  
 
Đôi khi ta cảm thấy cơ thể mình nóng. Sự nóng của cơ thể là vô tri, là vật chất, là chất lửa (Tejo). Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết. 
 
Khi sờ vào nước đá, chúng ta cảm thấy lạnh. Sự lạnh của nước đá là vô tri, là vật chất, là chất lửa (Tejo). Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.
Tương tự như thế, đôi khi rờ vào cơ thể, cơ thể lạnh. Sự lạnh của cơ thể cũng là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất lửa. Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết. 
 
Bởi thế, vào lúc chúng ta biết được sự nóng lạnh trên cơ thể, chỉ có vật chất và tâm mà thôi; chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà chi cả. 
 
Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận nóng là lửa, nhưng chúng ta phân vân khi chấp nhận lạnh cũng là lửa. Lạnh thật sự cũng là lửa. Nếu so sánh một vật lạnh với một vật khác lạnh hơn thì vật lạnh trước trở thành vật nóng. Nếu so sánh vật lạnh sau với một vật lạnh hơn nữa thì vật lạnh trước trở thành nóng. Vậy sự lạnh cũng là lửa. 
 
Danh từ Tejo thường được dịch là "lửa", nên hiểu là nhiệt độ đừng hiểu là lửa theo nghĩa thông thường. Tejo bao gồm cả nóng và lạnh nên chữ nhiệt độ rất thích nghi để dịch danh từ này. 
 
3) Gió thổi bên ngoài khó nhận biết được. Chúng ta chỉ nhận biết được gió khi thấy lá cây rung động. Khi thấy sự lay động ta biết có gió. Gió bên ngoài là vô tri, là vật chất, là chất gió. Gió bên trong cũng vô tri, là vật chất, là chất gió (Vāyo). Tương tự như vậy, khi ta máy động tay chân, dù ta dùng danh từ co, duỗi, v.v… thì đó cũng là sự chuyển động, là gió (Vāyo)
 
Chúng ta dễ dàng chấp nhận gió bên ngoài là một hiện tượng vô tri. Nhưng chúng ta ngần ngại khi chấp nhận sự chuyển động trong cơ thể cũng vô tri. Chúng ta nghĩ rằng: đây là cái tay di chuyển, đây là cái chân nhúc nhích. Nhưng nói như vậy không đúng sự thật. Gió bên ngoài là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió; cũng vậy, gió bên trong cũng là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió.  
 
Chuyển động bên ngoài hay bên trong cơ thể đều là hiện tượng vô tri, là vật chất. Nhận biết được sự chuyển động là tâm. Bởi thế, vào lúc chúng ta biết được sự chuyển động, chỉ có vật chất và tâm hay danh và sắc mà thôi; chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả. 
 
Giả sử chúng ta thổi hơi vào bong bóng. Bong bóng có thể giữ được hình dáng của nó nhờ có sự nâng đỡ của gió. Cũng vậy, chúng ta có thể ngồi theo ý ta nhờ có gió nâng đỡ. Nếu không có sự nâng đỡ của gió chúng ta sẽ ngã. 
 
Ngồi là chức năng nâng đỡ của gió. Đó là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió. Nhận biết sự chuyển động, nhận biết sự nâng đỡ là tâm. Như vậy, khi chúng ta nhận biết có chuyển động, có nâng đỡ trong cơ thể thì chỉ có vật chất và tâm hiện diện mà thôi. Chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả. 
 
Danh từ Vāyo thường được dịch là "gió", nên hiểu là sự chuyển động, sự nâng đỡ, đừng hiễu theo nghĩa gió thông thường. 
 
Khả năng kết dính ba mươi hai thể trược lại với nhau, hay khả năng làm cho các yếu tố vật chất dính kết vào nhau gọi là sự dính hút hay chất nước. Chất nước rất tế nhị. Chúng ta không thể nhận biết hay sờ chất nước. Chúng ta chỉ có thể nhận biết chất nước bằng tâm, hay nhận được đặc tính của nước qua ba chất kia. 
 
4) Danh từ Apo thường được dịch là "nước", nên hiểu là sự dính hút. Đừng hiểu là nước thông thường. 
 
Theo chân đế, chỉ có "cứng mềm, dính hút, nóng lạnh, và chuyển động" thực sự hiện diện trong cơ thể chúng ta, được gọi là tứ đại. Đó là những yếu tố hay chất chính tạo thành vật chất hay sắc. Ngoài ra còn có những chất sắc nhỏ khác như: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, màu sắc, mùi, vị, v.v… Nếu tổng hợp các vật chất lại chúng trở thành một. Đó là những hiện tượng vô tri. Nếu tổng hợp hết các tâm và các đặc tính của tâm, chúng cũng trở thành một. Đó là sự nhận biết. Chỉ có hiện tượng nhận biết và hiện tượng vô tri, nghĩa là chỉ có thân và tâm, hay vật chất và tâm, danh và sắc, mà chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả. Nhận biết được như vậy là biết được vật chất và tâm hay danh và sắc, biết được chân đế và tục đế. 
 
Giải về mười tám yếu tố căn, trần, thức 
 
Nếu chỉ có vật chất và tâm hay danh và sắc, tại sao Đức Phật dạy chúng ta Ngũ uẩn, Mười hai xứ và Mười tám yếu tố căn, trần, thức? 
 
Có ba loại người đến gặp Đức Phật. 
 
– Loại thứ nhất có trí tuệ cao siêu, họ muốn nghe các bài pháp ngắn và hiểu nhiều về sắc, nhưng không hiểu danh hay tâm. Đối với hạng người này Đức Phật dạy cho họ danh và sắc, nhưng lại chia ra làm năm nhóm là Ngũ uẩn. Ngũ uẩn có bốn yếu tố thuộc về tâm là: thọ, tưởng, hành, thức; và một yếu tố thuộc về vật chất hay sắc đó là sắc. 
 
– Loại thứ hai có trí tuệ trung bình, họ muốn nghe những bài pháp không dài hay ngắn quá, họ hiểu tâm nhưng chẳng hiểu sắc, đối với hạng người này Đức Phật dạy danh sắc nhưng chia ra làm Mười hai xứ. Có mười rưỡi yếu tố sắc mà chỉ có một rưỡi yếu tố tâm. 
 
– Loại thứ ba có trí tuệ kém, họ muốn nghe những bài pháp dài, họ không biết đến sắc và danh gì cả. Đối với hạng người này Đức Phật dạy họ danh sắc bằng cách chia ra làm Mười tám yếu tố là căn, trần và thức.  
 
Như chúng ta biết, khi học hỏi Mười tám yếu tố căn, trần, thức thì Năm uẩn và Mười hai xứ cũng bao gồm trong đó. Trước tiên, chúng ta chia Mười tám yếu tố căn, trần, thức ra làm ba nhóm. 
 
Căn là cửa của giác quan, trần là đối tượng của giác quan, thức là sự nhận biết. Căn hay cửa của giác quan gồm có sáu: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Có thể gọi sáu căn này là cơ quan thâu nhận. 
 
Trần hay đối tượng của giác quan, gồm có sáu: màu sắc, âm thanh, mùi, vị, vật hữu hình và đối tượng của tâm. Có thể gọi sáu trần là cơ quan kích động. 
 
Thức là sự nhận biết, có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức hay: sự biết của mắt, sự biết của tai, sự biết của mũi, sự biết của lưỡi, sự biết của thân, sự biết của tâm. Có thể gọi sáu thức là cơ quan biểu hiện. 
 
Một cách tổng quát chỉ có yếu tố kích động, yếu tố thâu nhận và yếu tố biểu hiện.
 
Chúng ta hãy lấy ví dụ về một hộp diêm quẹt để dễ hiểu căn, trần, thức. 
 
Đây là que diêm và đây là hộp diêm. Khi quẹt diêm vào hộp quẹt thì lửa sinh ra. Không thể nói lửa sinh ra từ đâu, không thể nói lửa đi đâu. Chúng ta có thể nghĩ rằng lửa ở sẵn trong que diêm. Nếu vậy thì que diêm có thể bùng cháy bất kỳ lúc nào mà không cần có sự cọ xát. Nếu chúng ta nghĩ rằng lửa nằm trong hộp diêm, thì khi làm rơi hộp diêm xuống đất có thể phát lửa. Lửa không nằm trước trong que diêm, cũng không nằm trong hộp diêm. Khi que diêm quẹt vào hộp diêm thì lửa phát sinh. Cũng vậy, khi trần tiếp xúc với căn tương hợp thì thức phát sinh. Sáu trần chẳng khác nào que diêm, sáu căn chẳng khác nào hộp diêm và sáu thức chẳng khác nào lửa phát sinh ra vậy.  
 
Sự thấy 
 
Trong phần này chúng ta nói đến mắt, vật thấy và sự biết của mắt (nhẫn căn, nhãn trần, nhãn thức). 
 
Khi vật thấy đập vào mắt, sự nhận biết của mắt phát sinh, ngay lúc đó sự thấy xảy ra. Khi một sự thấy xảy ra có ba yếu tố hiện diện: mắt, vật thấy và sự nhận biết. 
 
Vật thấy hay hình sắc thì vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc, là đối tượng được nhìn thấy. 
 
Mắt cũng vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc. Mắt chỉ là một điều kiện để thấy. 
 
Sự nhận biết của mắt hay nhãn thức là tâm. Tâm có thể nhận biết hình dáng, màu sắc.
 
Như vậy, vào lúc có một sự thấy xảy ra chỉ có vật chất và tâm mà thôi. Vật thấy và mắt là vật chất hay sắc, sự nhận biết của mắt là tâm. Nếu không hình sắc hay vật thấy, ta không thể thấy được. Vậy hình sắc hay vật thấy là nhân. Dù có hình sắc, nhưng nếu không có mắt thì cũng không thể thấy được. Vậy mắt cũng là nhân. Sự nhận biết của mắt là quả. Vào lúc có một sự thấy xảy ra chỉ có nhân và quả mà thôi. 
 
Những điều trình bày trên liên quan đến chân đế. Nếu ta không biết đến chân đế thì rất nhiều phiền não sẽ đến khi có một sự nhìn xảy ra. Mỗi khi hình sắc đập vào mắt ta nhãn thức phát sinh, rồi ta nói: tôi đang thấy. Vì thiếu chánh niệm nên ta có ý tưởng là "tôi đang thấy" và từ đó phiền não phát sinh. 
 
Xin hãy nhìn cây viết. Bạn có thấy cây viết này không? Thấy. Bây giờ, bạn hãy nhắm mắt lại. Bạn có thấy cây viết không? Không. 
 
Vì mắt không tiếp thu hình sắc cây viết. Đây là trường hợp có cơ quan kích động mà không có cơ quan tiếp thụ. Bây giờ, tôi lấy cuốn sách che cây viết lại. Bạn có thấy cây viết không? Không. Vì mắt không có đối tượng. Đây là trường hợp có cơ quan tiếp thụ mà không có cơ quan kích động. 
 
Khi ngủ mà bạn mở mắt. Tôi để cây viết trước mắt bạn, bạn có thấy không? Không.
 
Khi chúng ta đang ngủ thì không có nhãn thức, nghĩa là khi ngủ mắt không nhận biết được. Vậy nhãn thức hay tâm là cơ quan hiện khởi. Vậy thấy là chức năng của nhãn thức, không phải là chức năng của ta. Thấy cũng không phải là chức năng của mắt nữa. Vậy thì, chỉ có nhãn căn tiếp xúc với nhãn trần sinh ra nhãn thức hay chỉ có mắt tiếp nhận vật thấy phát sinh ra sự thấy, mà chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà chi cả.
 
Nhưng chúng ta gặp phải khuyết điểm khi cho rằng: sự nhận biết của mắt hay nhãn thức là tôi, anh, chị, v.v… Mỗi khi có một sự thấy xảy ra chúng ta nói: tôi thấy. Nếu chúng ta lầm lẫn nhãn thức là tôi; đó là nhận thức sai lầm, là tà kiến. Nếu chúng ta lầm lẫn nhãn căn là kẻ nhận thấy hình sắc; đó cũng là tà kiến, vì lầm lẫn nhãn căn là một cá thể. Tà kiến là nhận thức sai lầm hay quan kiến sai lầm, đừng hiểu tà kiến chỉ là mê tín dị đoan. 
 
Hiện tượng thật sự tiếp xúc với mắt chúng ta chỉ là hình sắc, không phải đàn ông, đàn bà, v.v.. nhưng ta tin rằng ta thấy đàn ông, đàn bà, v.v… Đó là tà kiến vì ta đã lầm lẫn cho hình sắc là một con người. 
 
Theo tục đế, ta có thể nói: tôi thấy, anh thấy hay chị thấy v.v… Nhưng theo chân đế, không phải là tôi anh hay chị thấy gì cả. Đó chỉ là nhãn thức nhận biết hay thấy hình sắc 
 
Vào lúc có một sự thấy xảy ra. Nếu muốn tham thiền, chúng ta chỉ quán sát chân đế. Bất kỳ lúc nào thấy, chúng ta nói: tôi đang thấy. Chúng ta phải chia câu "Tôi đang thấy" thành hai phần: "Tôi", một phần, và "đang thấy", một phần khác. "Tôi" là tục đế và "đang thấy" là chân đế. 
 
Giữa "tôi" và "đang thấy" thì chúng ta chỉ quán sát "đang thấy" khi chúng ta hành thiền. Nếu chúng ta quán sát: "tôi là kẻ hành thiền" là hành thiền sai. Nếu chúng ta chỉ quán sát "đang thấy" trong lúc hành thiền là hành thiền đúng. Vậy bạn phải cố gắng quán sát chân đế thuần túy trong khi hành thiền. 
 
Nếu bạn không tham thiền trên chân đế, nhiều phiền não sẽ xảy đến với bạn. Nếu bạn lầm lẫn cho rằng nhãn thức là tôi vậy là tà kiến. Nếu bạn thích đối tượng nhìn thấy thế là tham ái phát sinh. Nếu bạn không thích thì sân hận phát sinh. Nếu không hiểu vật chất và tâm là vật chất và tâm hay danh sắc là danh sắc mà tưởng lầm vật chất và tâm hay danh sắc là tôi, là anh thế là si mê phát sinh. 
 
Vào lúc một sự thấy xảy ra, nếu bạn không muốn phiền não nào đến với bạn thì hãy ghi nhận hay niệm thấy, thấy, thấy. Khi niệm thấy, thấy, thấy thì nhãn thức trở thành đối tượng của sự ghi nhận. Khi bạn thấy rõ sự thấy là một hiện tượng và sự ghi nhận là một hiện tượng khác thì sự ghi nhận sẽ trở thành trí tuệ. Chỉ có hai hiện tượng thấy và ghi nhận sự thấy mà không có tôi, anh hay chị, đàn ông đàn bà vào lúc có sự thấy xảy ra. 
 
Thế nên, mỗi khi chúng ta niệm thấy, thấy, thấy chúng ta có thể loại bỏ tham sân và si.
 
Đức Phật dạy: "Cakkhu Māpi Yathā Ando", có nghĩa là: thiền sinh có mắt cũng làm như mù. 
 
Lời dạy này khuyên ta đừng nhìn bất cứ thứ gì mà ta muốn. Nhưng không có nghĩa là ta phải luôn luôn nhắm mắt lại. Câu này có ý khuyên ta chánh niệm mỗi khi ta nhìn.
 
Giả sử bạn đang đi về hướng Bắc lại muốn nhìn một vật gì đó ở hướng Tây, bạn phải xoay đầu lại để nhìn. Bạn đừng xoay vội. 
 
Khi có ý muốn phát sinh, đầu tiên bạn phải niệm muốn nhìn, muốn nhìn, muốn nhìn. Nếu không ghi nhận ý muốn nhìn, bạn sẽ lầm lẫn ý muốn này là tôi, nghĩa là tôi muốn nhìn. Đó là quan kiến sai lầm hay tà kiến. 
 
Không phải là "tôi" muốn nhìn. Muốn nhìn chỉ là hiện tượng tâm ước muốn. 
 
Nếu bạn niệm muốn nhìn, muốn nhìn, muốn nhìn vào lúc có ý muốn thì ý muốn trở thành đề mục để niệm và tâm ghi nhận sẽ trở thành tuệ minh sát. 
 
Nếu ghi nhận thật chú tâm chánh niệm thì tâm ghi nhận trở thành trí tuệ. Vậy vào lúc ghi nhận muốn nhìn, muốn nhìn, muốn nhìn, những phiền não như tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, v.v… không thể nào xâm nhập vào tâm bạn được. 
 
Vậy khi chúng ta quay đầu nhìn vật gì đừng quên chánh niệm. Phải ghi nhận hay niệm quay, quay, quay rồi từ từ quán sát toàn thể tiến trình chuyển động. 
 
Nếu chúng ta không ghi nhận chuyển động quay, chúng ta sẽ lầm lẫn cho rằng cái đầu đang quay: Đầu tôi đang quay. Không phải đầu quay. Quay chỉ là chuyển động của yếu tố gió. Không có đầu, không có đàn ông, không có đàn bà. Khi một sự quay diễn ra, chỉ chuyển động quay là hiện tượng vô tri là vật chất hay sắc và chỉ có tâm ghi nhận là tâm đang hiện diện mà thôi. 
 
Khi quay hãy ghi nhận quay, quay, quay và quán sát toàn thể tiến trình chuyển động của sự quay. Khi ghi nhận quay, quay, quay thì chuyển động quay trở thành đề mục để ghi nhận và tâm ghi nhận trở thành tuệ minh sát. Vậy, do ở sự quay đầu chúng ta có thể đạt được tuệ minh sát.
  
Khi nhìn vật gì, hãy ghi nhận nhìn, nhìn, nhìn. Khi ghi nhận nhìn, nhìn, nhìn thì "tâm nhìn" sẽ trở thành đối tượng hay đề mục để ghi nhận; sự chánh niệm ghi nhận "tâm nhìn" trở thành tuệ minh sát. Thế nên, bất kỳ muốn nhìn vật gì đều phải chánh niệm. 
 
 Sự nghe 
 
Chúng ta hãy tìm hiểu tai, âm thanh và sự nhận biết của tai, nghĩa là tìm hiểu nhĩ căn, nhĩ trần và nhĩ thức. 
 
Khi âm thanh đập vào tai, sự nhận biết của tai hay nhĩ thức phát sinh, ngay lúc đó sự nghe xảy ra. Khi một sự nghe xảy ra có ba yếu tố hiện diện: tai, âm thanh và sự nhận biết. 
 
Âm thanh thì vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc, là đối tượng được nghe.
 
Tai cũng vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc. Tai chỉ là một điều kiện để nghe. 
 
Sự nhận biết của tai hay nhĩ thức là tâm. Tâm có thể nhận biết âm thanh. 
 
Như vậy, vào lúc có một sự nghe xảy ra chỉ có vật chất và tâm mà thôi. Âm thanh và tai là vật chất, sự nhận biết âm thanh là tâm. Khi một âm thanh nào đó đập vào tai, chúng ta sẽ có sự nhận biết. Đó là lúc một sự nghe xảy ra. 
 
Khi thức nghe phát sinh, chúng ta nói: Tôi nghe. Theo sự thật thế tình, có thể nói: Tôi nghe. Điều này đúng. Nhưng theo sự thật tuyệt đối, nói rằng: Tôi nghe, đó là nói sai.
 
Khi ta bịt tai lại thì dù có âm thanh và có tai ta cũng không nghe được vì tai không tiếp xúc với âm thanh. Đây là trường hợp có cơ quan kích động mà không có cơ quan tiếp thụ.
 
 
Dầu ta có tai, có sự lắng nghe nhưng nếu âm thanh ở xa quá hay nhỏ quá ta cũng không nghe được. Đây là trường hợp có cơ quan tiếp thụ mà không có cơ quan kích động.
 
 
Khi ta ngủ, dầu có âm thanh ta vẫn không nghe được. Vì khi ngủ thì không có nhĩ thức, nghĩa là khi ngủ tai không nhận biết được. Vậy nhĩ thức hay tâm là cơ quan hiện khởi.
 
Nghe là chức năng của nhĩ thức. Nghe không phải là chức năng của chúng ta. Nghe cũng không phải là chức năng của lỗ tai hay nhĩ căn. Âm thanh không biết gì cả. Âm thanh chỉ là hiện tượng vô tri, là vật chất, là đối tượng của sự nghe. Nhĩ căn cũng là vô tri, cũng không biết gì cả. Nhĩ căn không nghe được âm thanh. Nghe chỉ là chức năng của nhĩ thức. Vào lúc nghe thì âm thanh và tai là vậy chất hay sắc, thức nghe là tâm. Vậy chỉ có tâm và và vật chất hay sắc vào lúc nghe. 
 
Nếu chúng ta không hiểu vật chất và tâm chỉ là vật chất và tâm; đó là si mê. Nếu chúng ta lầm lẫn tâm và vật chất là tôi, anh, đàn ông, đàn bà v.v… đó là tà kiến.
 
Nếu âm thanh dịu dàng êm tai khiến ta thích thú thì tâm tham khởi lên. Nếu âm thanh chát chúa khó nghe khiến ta chán ghét thì tâm sân nổi dậy. 
 
Nếu chúng ta không hành thiền vào lúc có một sự nghe xảy ra thì phiền não sẽ kéo đến. 
 
Nếu không có âm thanh thì sẽ không có sự nghe. Vậy âm thanh là nhân. Dầu có âm thanh nhưng nếu bịt tai lại chúng ta cũng không nghe được gì cả. Vậy nhĩ căn cũng là nguyên nhân. Thức nghe là quả. Do đó, vào lúc nghe, chỉ có nhân và quả mà thôi.
 
Khi ta quẹt que diêm vào hộp diêm thì lửa sinh ra. Tương tự như vậy, khi một âm thanh nào đó tiếp xúc với tai hay nhĩ căn thì thức nghe phát sinh. Như chúng ta đã nói trước đây, thức nghe tựa như lửa, âm thanh như que diêm và tai như hộp diêm. 
 
1) Chúng ta không thể nói lửa đã nằm sẵn trong que diêm. Cũng vậy, không thể nói thức nghe có sẵn trong âm thanh từ trước. 
 
2) Không thể nói lửa nằm sẵn trên hộp diêm. Cũng vậy, không thể nói thức nghe có sẵn trong tai từ trước. 
 
3) Không thể nói lửa này từ đâu đến và cũng không thể nói lửa đi về đâu. Khi lửa tắt, không thể nói lửa đi về đâu. Tương tự như thế, không thể nói thức nghe đi về đâu khi thức nghe chấm dứt. 
 
4) ở đây, âm thanh và tai là nhân, thức nghe là quả. Vậy chỉ có nhân và quả hay thân và tâm vào lúc nghe mà thôi. 
 
5) Vào thời điểm nghe, nếu chúng ta ghi nhận nghe, nghe, nghe thì thức nghe trở thành đối tượng để ghi nhận, sự ghi nhận đối tượng trở thành tuệ giác. Vậy, nhờ ghi nhận nghe, nghe, nghe chúng ta đạt được tuệ giác. 
 
Mỗi tâm, một lần chỉ có thể ghi nhận được một đối tượng. Bởi vậy, khi tâm chỉ ghi nhận sự nghe thì phiền não không thể đến. 
 
Chúng ta đã biết: nếu âm thanh dễ chịu chúng ta thích, nếu âm thanh khó nghe chúng ta không thích. Nhưng thật ra điều này không hoàn toàn đúng mà còn tùy thuộc vào sự chú ý của chúng ta. 
 
Nếu xem âm thanh chỉ là âm thanh, là sự vô thường biến đổi, là vô ngã thì đó là sự chú tâm hợp lý. 
 
Nếu có sự chú tâm hợp lý thì dầu nghe âm thanh dễ chịu, ta cũng không mê thích; dù âm thanh chói tai, khó chịu ta cũng không chán ghét. Bởi vậy, có sự chú tâm hợp lý là điều rất quan trọng. 
 
Đức Phật dạy "Sota Badhivo Yatha", có nghĩa là thiền sinh có tai phải làm như điếc. Lời dạy này khuyên chúng ta đừng nghe những gì mà ta muốn, nhưng không có nghĩa là phải luôn luôn bịt tai lại. Lời dạy này khuyên chúng ta phải chánh niệm nếu không tránh được sự nghe. 
 
Nếu muốn nghe chuyện gì trước hết hãy ghi nhận muốn nghe, muốn nghe, muốn nghe. Khi nghe hãy ghi nhận nghe, nghe, nghe. Thì bạn sẽ có được tuệ giác. Nếu không ghi nhận mỗi khi có sự nghe xảy ra, bạn sẽ lầm ý muốn này là "tôi": "Tôi muốn nghe". Đó là tà kiến. Từ sự sai lầm này, những phiền não khác sẽ len vào.
 
Nhưng nếu bạn hành thiền nghĩa là chánh niệm ghi nhận vào lúc nghe thì phiền não không thể xen vào được. Bởi vậy hãy thận trọng ghi nhận bất kỳ những gì bạn nghe hay bạn muốn nghe. 
 
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính và chú thích
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
Nguồn : Buddhamet.net
 
Mời bạn đọc đón xem tiếp phần 6