Như vậy, sự chậm trễ có được Đại Tạng kinh Việt Nam được cho là từ nguyên nhân khách quan, bên ngoài: “sự nghiệt ngã của hoàn cảnh lịch sử”.
Tôi có một lý giải khác về nguyên nhân chậm trễ của việc dịch thuật, xuất bản Đại Tạng Kinh Việt Nam (xét trong bối cảnh hiện nay). Đó là cho chính nguyên nhân nội tại từ Phật giáo Việt Nam. Không thể đổ thừa cho nguyên nhân khách quan, bên ngoài, cho hoàn cảnh lịch sử, mà chính Phật giáo Việt Nam, trước hết chính liệt vị giáo phẩm tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam phải có trách nhiệm về việc chậm trễ này.
Đổ thừa cho nguyên nhân bên ngoài, cho hoàn cảnh khách quan là lãng tránh trách nhiệm. Điều này đương nhiên sẽ là việc không tốt đối với cố gắng xúc tiến biên soạn xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam.
Trong thập niên 1970, cố gắng phiên dịch kinh điển dường như là cố gắng riêng của một số vị tôn đức, như các Hòa thượng Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh, Thích Thanh Từ…, một số cơ sở nghiên cứu giáo dục như Viện Đại học Vạn Hạnh, Phật học Viện Huệ Nghiêm, Phật học Viện Hải Đức. Chúng tôi chưa biết đến nỗ lực của các cơ quan lãnh đạo có trách nhiệm của giáo hội lúc bấy giờ ở miền Nam.
Nếu Phật giáo Việt Nam quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, tập trung cao độ hơn cho việc phiên dịch, xuất bản kinh điển, thì kết quả không thể chỉ có như thế.
Không hoàn cảnh nào có thể cản trở công việc phiên dịch và xuất bản Đại Tạng kinh. Người có khả năng không phải không có. Việc xuất bản không phải là khó khăn không thể vượt qua. Vậy, vì sao không làm được. Vì đó chỉ là cố gắng của một số ít, một bộ phận. Còn đa số thì không nhận thức được nhu cầu, tầm quan trọng được vấn đề. Có một số quyển kinh để đọc tụng là đã thấy đủ, nên thôi. Cái nhìn chung về mục tiêu một bộ Đại Tạng kinh Việt Nam trong những năm 1960, 1970 vẫn còn mờ nhạt.
Sau tháng 11/1981, Hòa thượng Thích Trí Thủ mới nói nhiều đến mục tiêu một bộ Đại tạng kinh Việt Nam. Nhưng đến 10 năm sau, khi Hòa thượng Thích Trí Thủ đã viên tịch, công việc xuất bản Đại Tạng kinh mới bắt đầu, mà chủ yếu chỉ là tập họp in lại từng bước những bộ kinh đã được phiên dịch và xuất bản trước đây.
Phật giáo tự hào Đại Tạng Kinh có bề dày gấp “40 lần” Kinh thánh của Đạo Thiên chúa, nhưng có bao giờ so sánh số lượng phát hành giữa 2 hệ thống kinh điển với nhau?
Số bản in một quyển kinh trong Đại tạng kinh Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xúc tiến, chẳng hạn quyển Kinh Tăng Chi bộ, tập III, in năm 1996, số lượng in là “2500 cuốn khổ 14,5 x 20,4 em” (thông tin trên trang thủ tục).
Hàng chục triệu tín đồ Phật giáo Việt Nam, mấy mươi ngàn tăng ni, mười mấy ngàn cơ sở tự viện, tu viện Phật giáo, bao nhiêu trong số đó có được Đại tạng kinh trong số chỉ 2500 bản in đó.
Từ khi phát hành quyển kinh lấy làm thí dụ ở trên, Kinh Tăng chi bộ, đến nay đã gần 20 năm, chưa thấy tái bản. Mười mấy năm sau mới có cố gắng tiếp tục xuất bản Đại Tạng kinh (bản dịch mới đối với một số kinh) nhưng trên kệ trưng bày của các nhà sách vẫn chưa thể tìm thấy các bộ kinh Pali. Trong khi điều kiện in ấn, xuất bản ngày nay đã thuận lợi hơn nhiều.
Thế mà Đại tạng kinh Việt Nam chỉ mới xuất bản được một phần, rồi thôi. Nhiều bản kinh đã dịch, đã in, vẫn không được vào xuất bản trong khuôn khổ Đại Tạng Kinh. Tại sao? Câu trả lời, theo chúng tôi, là vì không thấy cần thiết, là chưa coi trọng, là không có sự quan tâm đúng mức. Làm được chừng đó thì dừng không làm nữa, không nghĩ tới chuyện tái bản.
Số lượng ấn bản Đại tạng kinh Việt Nam, mà chỉ một phần so với số lượng ấn bản Kinh thánh đạo Thiên Chúa in tại Việt Nam, có thể ít hơn đến vài trăm lần và thậm chí không loại trừ khả năng ít hơn đến hàng ngàn lần.
Tôi đi các hiệu sách cũ hàng ngàn lần, ít nhất lần nào, tiệm nào cũng thấy vài chục bản kinh Thánh với những lần xuất bản khác nhau, nhưng không hề thấy một bản kinh rời trong Đại Tạng kinh Việt Nam. Điều này cho thấy, sức lan tỏa trong việc xuất bản bản in giấy Đại tạng Kinh Việt Nam rất hạn chế. Bộ Đại Tạng kinh Việt Nam (phát hành những năm 1990) tôi có được thiếu mất Kinh Tăng Nhất A Hàm (bản dịch trong bộ Đại tạng kinh ấn hành những năm 1990), đã tìm mua nhiều năm nhưng không thấy, đành phải tra cứu trên mạng.
Đại Tạng Kinh Việt Nam, có thể coi là toàn tập Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tiếng Việt, chưa biết bao giờ mới được xuất bản trọn bộ. Nhưng đã có toàn tập một số tác giả thiền sư đã được xuất bản trọn bộ và được tái bản. Phật giáo Việt Nam nghĩ gì về hiện tượng xuất bản sách Phật giáo như thế? Hiện trạng vừa nói chắc chắn không phải do hoàn cảnh!
Không phải có kinh, không phải không có người có khả năng dịch, không phải không có tiền in, không phải không làm được thủ tục xuất bản.
Tóm lại, không phải do hoàn cảnh, mà là do chủ quan, không thấy cần, không muốn làm.
Phật giáo Việt Nam nên nhìn thẳng vào sự thật này nếu vẫn hướng về mục tiêu một bộ Đại tạng kinh Việt Nam.
Trước hết, nên thành lập Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam mới, thay cho Hội đồng trước đây đã có rất nhiều vị viên tịch. Bộ máy chuyên trách, thừa hành cũng cần tổ chức chặt chẽ. Không có người thì ai lo, ai làm? Không có người, không có bộ máy, không có sự phân công, thì trách nhiệm không thể quy về nguyên nhân khách quan, bên ngoài được.
Đơn vị được phân công chịu trách nhiệm phải công bố một kế hoạch, lộ trình cụ thể đối với việc phiên dịch và xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam, sao cho ấn định được thời gian rõ ràng và sớm sủa. Không có kế hoạch, mục tiêu, thì mọi việc mãi mãi vẫn ở phía trước. Mong ước cũng chỉ là mong ước.
Tổ chức tái bản ngay những bản kinh trong Đại tạng kinh Việt Nam đã in từ hơn 10 năm trước.
Vận động tu viện tự viện Tăng ni Phật tử thỉnh Đại tạng sao cho số lượng mỗi lần in không chỉ là vài ngàn bản cho một quyển kinh, mà phấn đấu đạt số lượng chục ngàn bản.
Tổ chức truyền thông để Tăng Ni Phật tử thấy được tầm quan trọng và có nhu cầu đối với Đại tạng kinh Việt Nam. Chính nhu cầu là động lực để sớm đạt được mục tiêu có được một bộ Đại tạng kinh Việt Nam.
MT