Trang chủ Văn học Tùy bút Chái tây

Chái tây

159

Chủ nhật này tôi quyết định thăm chùa Hương Trì, chùa Hương Trì là ngôi chùa xa cách đã mấy năm kể từ ngày gia đình tôi dời xuống thành phố. Tôi đem theo nửa ký trà và nửa ký đường phèn để biếu thầy trụ trì. Tám giờ sáng tôi khởi hành và chỉ nửa tiếng đồng hồ là đến chùa. Quang cảnh chùa vẫn như cũ, chỉ có chiếc cầu vào chùa mới xây bê tông chắc chắn.

Chùa giờ này vắng vẻ, các chú tiểu có lẽ đã đi cày ruộng, chỉ mỗi mình thầy trụ trì ở chùa. Chùa có mấy mẫu ruộng tự canh tác từ lâu để chủ động về lương thực.

Ngồi trong phòng khách chái tây, tôi ngước nhìn hai bức chân dung bán thân treo trên vách tường. Tôi nhớ đó là chân dung của cố Đại lão Hòa thượng và Sư Ông. Cả hai ngài đều đã viên tịch. Thấy tôi nhìn mãi vào hai bức ảnh chân dung. Thầy trụ trì ngồi đối diện hỏi: “Anh còn nhớ Đại lão Hòa thượng không?”.

Tôi nói: “Nhớ rõ lắm. Đôi mắt của cố Đại lão Hòa thượng có hơi bị “mại”. Chịu chết, không biết ngài đang nhìn ai”.

Nghe thế, thầy cười: “Đúng thế, bình sinh Đại lão Hòa thượng được các đệ tử sợ do đôi mắt ấy. Mỗi lần đối diện lại phân vân không biết Hòa thượng có nhìn mình không”.

Tôi cũng cười: “Thường những lúc như thế, ngài lại không nhìn mình mà nhìn bên cạnh”.

Thầy trụ trì nói: “Khi đôi mắt ngài không hướng về mình, lúc ấy ngài mới nhìn mình”.

Ảnh: Internet.

Tôi lại nhìn kỹ tấm hình, quả thật đôi mắt của cố Đại lão Hòa thượng rất lạ. Đôi mắt rất nghiêm khắc nhưng không biết ngài nghiêm khắc với ai. Có lẽ ngài chỉ nghiêm khắc với chính mình vì đôi mắt không nhìn vào ai. Do thế, cả khuôn mặt ngài bỗng toát lên một bí mật kỳ lạ làm người đối diện sợ. Sợ ở đây không phải sợ ngài đánh, ngài mắng mà sợ ngài không vừa ý. Ngài không vừa ý, thế là mình có lỗi rồi đấy.

Nơi phòng khách chái tây chùa Hương Trì vẫn như xưa. Vẫn tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ lớn như người thật vươn lên từ gốc cây khổng lồ đặt đối xứng bàn nước. Phong thái quảy dép khoan thai nhưng khuôn mặt lại uy nghi lẫm liệt, toát lên sức mạnh dữ dội của trí tuệ và tâm linh khiến tóc râu cơ hồ dựng đứng lên cả. Tôi vừa uống trà vừa trầm ngâm chiêm ngưỡng bức tượng. Thầy trụ trì lại nói: “Anh còn nhớ Sư Ông Cả bên cạnh Đại lão Hòa thượng không?”.

“Nhớ chứ! – tôi vừa trả lời vừa ngước mắt nhìn lên bức ảnh treo trên tường – Sư Ông Cả quanh năm đau răng; lúc nào về chùa, tôi cũng gặp Sư Ông Cả tay ôm miệng vì nhức răng. Và, câu đầu tiên Sư Ông Cả hỏi tôi là câu: “Tình hình trong nước và thế giới nay có gì lạ không?”. Sư Ông Cả rất quan tâm đến thời sự”.

Thầy lại cười: “Đúng vậy!”.

Tôi xin phép thầy đi dạo một lát để ngắm cảnh chùa. Gió từ ngoài bầu Hương thổi vào mát rượi. Trong tán lá bồ đề cổ thụ vang rộn tiếng chim hót. Dãy cổ tháp uy nghi và rêu phong năm tháng đổ bóng xuống mặt hồ Quan Âm nở đầy hoa sen. Quang cảnh tĩnh lặng lạ thường. Những lo âu, bon chen của cuộc sống thường nhật ở phố phường đã bay mất khỏi tâm trí.

Tôi khoan khoái hít thở thật sâu và bỗng mỉm cười. Tôi mỉm cười vì đã ý thức rằng, tôi đang tắm mình trong một niềm vui rất nhạt và không mùi vị. Và, tôi biết rõ đó là một niềm vui bền bỉ không dễ có. Niềm vui của bình tĩnh, trong sáng và tự tin. Một niềm vui phảng phất thiền học.