Trang chủ Bài nổi bật Cây bồ đề từ đất Phật và hành trình Phật giáo sông...

Cây bồ đề từ đất Phật và hành trình Phật giáo sông Mê Kông

670

Theo hòa thượng Thích Thiện Tâm, việc các nhà tu hành của 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông tới VN, trồng cây bồ đề cho thấy tinh thần kết nối quốc tế và kêu gọi giữ gìn môi trường dòng sông này.

VN là điểm đến thứ 3 trong chuyến hành hương của đoàn đại biểu Phật giáo các nước khu vực sông Mê Kông. Đoàn gồm 200 người, trong đó có 53 vị cao tăng đến từ Thái Lan, Myanmar, VN, Lào, Campuchia. Hành trình này kéo dài từ 14 – 31.10, đi qua các nước Thái Lan, Myanmar, VN, Lào và kết thúc tại Campuchia.

Tại VN, đoàn có các hoạt động tại TP.Điện Biên (tỉnh Điện Biên) trong các ngày 20 – 22.10, gồm trao đổi Phật pháp, trồng cây bồ đề tại chùa Linh Quang; trao đổi Phật pháp và cầu an tại chùa Linh Sơn; thăm cụm di tích chiến trường Điện Biên Phủ.

Cha Phật, mẹ sông

“4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar theo một nhánh đạo Phật khác, VN theo một nhánh khác. Tuy nhiên, đều dựa trên cơ sở triết lý của đạo Phật là từ bi và hướng thiện. Dựa trên triết lý đó, đạo Phật có thể kết nối nhân dân cả 5 nước cùng bảo vệ môi trường và dòng sông Mê Kông”

Tiến sĩ Supachai Verapuchong

Vị đại diện của các phật tử – tiến sĩ Supachai Verapuchong (Thái Lan), là người tham gia, cũng là người tổ chức hành trình Phật giáo gắn kết đa quốc gia này. Ông nói: “Đức Phật như người cha chúng ta có mặt ở đây. Tổ chức lần này được sự đồng nhất và tham gia của lãnh đạo và phật tử 5 nước Phật giáo tiểu vùng sông Mê Kông. Tôi nghĩ rằng

5 nước chúng ta có một người mẹ nữa là dòng sông này vì đều sinh ra trong một vùng đất giống nhau, sông Mê Kông đã nuôi chúng ta”.

Ngày 21.10, tại chùa Linh Quang, đoàn đã cùng nhau trồng cây bồ đề – một biểu tượng của Phật giáo. “Đây là cây bồ đề con từ cây bồ đề chính ở nơi bồ đề đạo tràng Ấn Độ. Quý vị nhìn thấy biểu tượng này, biểu tượng nơi đức Phật đản sinh hơn 2.000 năm trước. Đây sẽ là biểu tượng của đại hội Phật giáo 5 nước vùng sông Mê Kông tổ chức tại khu vực trong những năm sắp tới”, ông Supachai nói.

Theo ban tổ chức, việc trồng cây để mọi người hiểu hơn, được nhắc nhở thường xuyên hơn về lòng từ bi của đức Phật.

Nắm tay với Phật giáo quốc tế bảo vệ môi trường

Đại diện Giáo hội Phật giáo Điện Biên, thượng tọa Thích Thanh Quy, nhắc nhiều tới hành trình hợp tác quốc tế mà Giáo hội Phật giáo tỉnh mình, cũng như Giáo hội Phật giáo VN đã trải qua.

Thượng tọa Thích Thanh Quy cho biết, Giáo hội Phật giáo tỉnh Điện Biên mới thành lập gần 5 năm. Vì thế, hành trình Phật giáo quốc tế 5 nước đi qua Điện Biên là một kết nối quan trọng với Phật giáo tỉnh. “Dù mới có 5 năm nhưng các phật tử đến chùa mỗi lúc một đông, việc tu tập cũng nhiều thành tựu. Một vạn phật tử cũng phát triển việc từ thiện, hỗ trợ xây được 2 chùa. Còn với VN, Giáo hội Phật giáo đã đăng cai đại lễ Phật giáo Liên Hiệp Quốc Vesak 3 lần. Qua đây thấy Phật giáo VN phát triển”, thầy Thích Thanh Quy nói.

Tiến sĩ Supachai Verapuchong chia sẻ: “Chúng tôi thấy phật tử VN rất đông. Chúng tôi cũng muốn thông qua chương trình này kêu gọi việc bảo vệ môi trường ở cả 5 nước chung nhau dòng Mê Kông. Chúng ta thấy 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar theo một nhánh đạo Phật khác, VN theo một nhánh khác. Tuy nhiên, đều dựa trên cơ sở triết lý của đạo Phật là từ bi và hướng thiện. Dựa trên triết lý đó, đạo Phật có thể kết nối nhân dân cả 5 nước cùng bảo vệ môi trường và dòng sông Mê Kông”.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên sự kiện hành hương của các nước tiểu vùng sông Mê Kông này tổ chức ở VN. Lần thứ nhất đoàn đến Hà Tiên, Kiên Giang. Lần thứ hai là tại Điện Biên. Chư tăng các nước thể hiện tinh thần đoàn kết với nhau như thế này rất vui. Các nước láng giềng trong khu vực sông Mê Kông đoàn kết là dấu hiệu đáng mừng”.

Cũng theo hòa thượng Thích Thiện Tâm, so với lần tổ chức trước, sự kiện lần này dài hơn, đi nhiều nơi hơn. “Điều này cho thấy sức ảnh hưởng trong khu vực của sự kiện. Các nước tham gia hiểu nhau hơn, ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đoàn kết trong Phật giáo. Các nước cũng có cơ hội xây dựng đoàn kết vì hòa bình, an lạc trong đời sống của nhân dân. Phật giáo có bước phát triển hơn trong xu thế hội nhập. Đoàn cũng đã đến Điện Biên và hiểu hơn giá trị quan trọng của hòa bình, để tránh đi chiến tranh và nhân dân VN là dân tộc hiếu hòa, luôn đoàn kết với các nước. Đây cũng là một bước trong hợp tác đối ngoại”, hòa thượng Thích Thiện Tâm chia sẻ.

Theo TNO