Trang chủ Tin tức Cầu hòa bình, an lạc trên đỉnh non thiêng Yên Tử

Cầu hòa bình, an lạc trên đỉnh non thiêng Yên Tử

61

Có thể, nếu cộng gộp của bao nhiêu năm hành hương, Yên Tử – kinh đô Phật giáo Việt Nam không biết đã đón bao nhiêu du khách, bao nhiêu Phật tử về cửa Phật.


Nhưng một kỷ lục chắc chắn là: Ngày 17-5-2008, trong mùa Phật đản 2008, đã có hơn 1.300 đại biểu, 7.000 Phật tử, đặc biệt có hơn 160 đại biểu quốc tế, là những vị đắc đạo, cao tăng trong tu hành Đạo Phật đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cùng hành hương về chốn thiêng Yên Tử – vùng đất phúc linh của Quảng Ninh, để vãn cảnh và làm lễ cầu mong hoà bình, hữu nghị, an lạc cho con người.


Rộn ràng văn hoá tâm linh


Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (Vesak 2008) do Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức với sự hội tụ của hàng ngàn đại biểu đến từ khắp năm châu bốn bể thực sự mang đến cho hơn 10 triệu Phật tử trong nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng niềm vinh hạnh.


Được thừa nhận là ngày quốc tế của LHQ về tôn giáo và văn hoá, nên Đại lễ Vesak hằng năm là ngày hội lớn nhất, linh thiêng nhất của Phật tử. Sau 9 năm được khai sinh, với đa số Đại lễ được tổ chức ở trụ sở Liên hợp quốc, các trung tâm của Liên hợp quốc và 1 lần ở Thái Lan, thì Việt Nam là nước được chấp nhận là nơi đăng cai tổ chức năm 2008.


Ở Việt Nam, ngoài Hà Nội là nơi tổ chức chính thì Yên Tử, Vịnh Hạ Long và Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính (Ninh Bình) là 3 nơi vinh dự được Ban tổ chức chọn để đưa các đại biểu về thăm. Bởi vậy, từ cách đây nhiều ngày, với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, chùa Yên Tử và hàng ngàn Phật tử trong tỉnh đã rộn ràng với rất nhiều công việc chuẩn bị cho ngày đón Đoàn Đại lễ Vesak.


Sáng sớm ngày 17-5, khi ban mai còn mới chớm mà đến Dốc Đỏ, chúng tôi đã thấy hàng ngàn Phật tử xếp hàng, tay cầm sẵn cờ hoa để chờ đón đại biểu. Càng vào gần Yên Tử, cờ, hoa rực rỡ, cùng muôn màu sắc từ những bộ áo quần lễ hội của khoảng 7.000 tăng ni, Phật tử 3 miền Bắc, Trung, Nam.


Phật tử Đỗ Thị Bê, áng chừng là một trong những người già nhất mà chúng tôi gặp, kể: “Chúng tôi là đoàn đến từ chùa Linh Quang, phải dậy từ 4 giờ sáng để đi, già cả thế này mà không thấy mệt. Chúng tôi chờ để đón bằng được các vị cao tăng, đại đức, những vị đã đạt chân tu chính quả của đạo Phật từ các nước về”.


Biết chúng tôi là người “ngoại đạo” nên bà giảng thêm: Chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam lại được đón đoàn đại biểu đông đảo của thế giới đến thế, mà đúng vào Lễ Phật đản nên với chúng tôi niềm vui nhân lên nhiều lần. Nhìn ánh mắt rạng rỡ của cụ bà tuổi đã ngoài 80, chúng tôi vui lây niềm phấn khởi của già.


Thời gian chờ đợi dường như ngắn lại. Quả thật, chứng kiến sự chờ đợi, chuẩn bị, nghênh đón của hàng ngàn Phật tử đang đi lại từ chùa Trình lên chùa Đồng, chúng tôi mới thêm hiểu ý nghĩa của sự kiện.


Trong khi chờ đoàn đại biểu, chúng tôi được nghe nhiều sư thày cho biết: “Tự ngàn xưa, ngày Phật đản đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá đặc thù của nền văn hoá Phật giáo. Ngày lễ trọng đại này nói lên những điều thiêng liêng nhất, cao đẹp nhất, những giá trị đạo đức vô lượng về cội nguồn của kiếp sống nhân sinh trong hiện tại và tương lai. Ngày này cho chúng ta cơ hội để lựa chọn một con đường đi của chính mình: “Hoà bình hay chiến tranh? Hạnh phúc hay đau khổ? Danh lợi hay vị kỉ?”. 


Vậy là chúng tôi cũng hiểu vì sao, trong chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Vesak 2008 tại Yên Tử, vào lúc 14 giờ, các vị cao tăng tổ chức lễ cầu bình an trên đỉnh non thiêng Yên Tử, dưới chân chùa Đồng. Sau bài lễ của chủ tế, 50 con chim bồ câu, tượng trưng cho hoà bình được thả lên trời xanh, để cầu cho thế giới bình an, con người được hoà bình, an lạc.  


Yên Tử núi cao là thế mà các đại biểu của Đại lễ Phật đản LHQ 2008 cứ đi, cứ leo qua hết bao nhiêu bậc đá giữa các nhà ga cáp treo, từ chân núi tới chùa Hoa Yên rồi lên chùa Đồng. Xung quanh những cao tăng, đại đức, thượng toạ đến từ Bangladesh, Srilanka, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan… lúc nào cũng có nhiều Phật tử cùng theo đi đầy thân thiện giữa những người trong đạo.


Ai nấy trông đều hăm hở. Tịnh không có nét mệt mỏi. Phải chăng người tu hành theo đạo Phật khi được hành hương về những trung tâm Phật giáo lớn như Yên Tử thì tinh thần Phật pháp luôn chế ngự được sự mệt mỏi của thể xác?


Đều là ngày hội chung


Để các đại biểu Vesak 2008 được an toàn, vui vẻ và thuận lợi, Ban tổ chức đón đoàn đại biểu của tỉnh đã thực sự lo toan từ những việc nhỏ nhất như ăn uống, đi lại, vệ sinh môi trường… đến những việc lớn như đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.


Ngay như Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm, để tạo điều kiện cho các đại biểu và đoàn phục vụ cũng như nhân dân đến Yên Tử, không chỉ tăng cường nhân viên trực, phục vụ ở các điểm đón đoàn, mà còn miễn phí vé cáp treo của mọi thành phần trong ngày.


Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư XNK Quảng Ninh cho biết: Ước khoảng trên 1 vạn khách đã đi cáp treo với hơn 1 tỷ đồng tiền vé được miễn.


Với Sở Y tế, công tác phục vụ cũng được chuẩn bị chu đáo. Đơn vị đã huy động 67 bác sĩ, y tá cùng 3 xe cứu thương túc trực. Riêng bác sĩ được chia thành 8 điểm trực từ chùa Trình tới chùa Đồng.


Việc chuẩn bị đồ ăn cho các đại biểu và nhân viên phục vụ được Tỉnh Hội Phật giáo mời Nhà hàng Tràng An và CLB đầu bếp Hà Nội với trên 30 nhân viên và hơn 11 đầu bếp phục vụ, các món ăn đã được chế biến đảm bảo ngon miệng, an toàn. 


Còn với lực lượng quan trọng nhất là Công an tỉnh, quân đội và nhiều lực lượng trị an khác, thì mọi khâu công tác thực sự là căng thẳng. Cho tới tận 22 giờ đêm, khi mà các đại biểu đã rời Quảng Ninh an toàn được 4 tiếng, nhiều người vẫn chưa rời vị trí công tác.


Để đảm bảo ANTT được vẹn toàn, ngoài các kế hoạch chi tiết của từng lực lượng, tại từng chốt, từng điểm, Công an tỉnh đã triển khai tới 7 kế hoạch giả định và các phương án giải quyết tình huống khác nhau. Tuy nhiên, họ không phải sử dụng đến sự chuẩn bị đó.


Sư Chau-El, trụ trì chùa Chăm giăm say (TP Hồ Chí Minh) không khỏi xúc động. Sư kể, ngay từ nhỏ khi mới nhập đạo đã nghe danh Trúc Lâm thiền phái và ao ước có ngày được tới đây chiêm bái. Bởi vậy, khi lựa chọn một trong 3 nơi để thăm thì đã đăng ký ngay đến Yên Tử.


Còn với Tiến sĩ Phật học Bhikkhu, đến từ Chittagong, Bangladesh thì “Việt Nam thật may mắn khi được là quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008. Và Yên Tử cũng là một trong những nơi “có duyên” vì được nhiều người đến thăm.”


Theo ông, sự yên tĩnh, trong lành, đẹp đẽ của Yên Tử rất thích hợp để làm nơi giáo dục con người hướng thiện. Khi được đến đây, niềm mơ ước của ông là “được hành hương tới tất cả vùng đất phúc linh” của Phật trên thế giới đang trở thành hiện thực.


Ông cho chúng tôi hay, một trong những điều mà ông sẽ cầu nguyện tại chùa Đồng là cầu cho nhân dân Bangladesh nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo. Và ông khẳng định “Sẽ mang những hình ảnh hùng vĩ, tươi đẹp của Yên Tử, của con người Việt Nam về quê hương mình”.


Người Việt quan niệm, núi cao mà có thần là núi thiêng. Yên Tử là một trong những linh sơn kỳ diệu trong những địa danh của đất Phật. Và sự lựa chọn của 1.300 đại biểu Đại lễ Phật Đản LHQ 2008 tới Yên Tử chiêm bái, càng khẳng định Yên Tử – kinh đô Phật giáo Việt Nam ngày càng là miền hành hương không chỉ của người Việt Nam.