Trang chủ Bài nổi bật Câu chuyện chống dịch thành công từ vương quốc hạnh phúc

Câu chuyện chống dịch thành công từ vương quốc hạnh phúc

PTVN - Làm thế nào mà một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn lại có thể chỉ chịu một cái chết vì COVID-19?

275
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các đường biên giới của Bhutan đã đóng cửa. Ảnh: AFP.

Theo The Atlantic, một người đàn ông 34 tuổi được đưa đến bệnh viện ở thủ đô Thimphu của Bhutan ngày 7.1 đã chết vì COVID-19. Trường hợp này được ghi nhận là cái chết đầu tiên ở “xứ sở hạnh phúc” vì COVID-19. Đây không phải là cái chết đầu tiên vào ngày hôm đó, tuần đó, hay tháng đó mà là cái chết đầu tiên do virus Corona kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Bhutan.

Cho đến nay nhiều người vẫn thắc mắc: làm thế nào mà một đất nước nhỏ bé, nghèo khó được biết đến nhiều nhất với chính sách chỉ đạo về Tổng Hạnh phúc Quốc gia, cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn môi trường và các giá trị văn hóa – lại đạt được thành tích như vậy?

Kể từ khi COVID-19 được xác định lần đầu tiên cách đây hơn một năm, hệ thống y tế ở các nước giàu và nghèo đã gần như sụp đổ, các nền kinh tế trên toàn thế giới bị tàn phá, hàng triệu sinh mạng bị mất đi. Điều gì làm cho đất nước này trở nên bất khả xâm phạm trước kẻ thù vô hình – Virus Corona.

Nhà vua Bhutan đến từng địa phương giám sát việc chống dịch. Ảnh: Reuters.

Điều làm nên sự khác biệt ở đất nước này có lẽ là khả năng phục hồi. Nó ám chỉ một thực tế rằng Bhutan chưa bao giờ bị đô hộ, khả năng chịu đựng gian khổ và hy sinh của người dân nơi đây. Tính kiên cường là cốt lõi của bản sắc dân tộc. Điều đó quan trọng khi COVID-19 bắt đầu lây lan hồi đầu năm ngoái. Vào thời điểm đó, Bhutan trông giống như một mục tiêu yếu ớt, dễ bị tổn thương.

Cả đất nước chỉ có 337 bác sĩ trên dân số khoảng 760.000 người – chưa bằng một nửa tỉ lệ bác sĩ được khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới trên tỉ lệ dân số – và chỉ một trong số những bác sĩ này được đào tạo nâng cao về chăm sóc tích cực.

Bhutan chỉ có 3.000 nhân viên y tế và một máy PCR để kiểm tra các mẫu virus. Nước này nằm trong danh sách các quốc gia kém phát triển nhất của Liên Hợp Quốc, với GDP bình quân đầu người là 3,412 USD. Dù biên giới phía bắc của Bhutan giáp với Trung Quốc đã bị đóng cửa trong nhiều thập kỷ, nước này lại có chung đường biên giới rộng 435 dặm với Ấn Độ, quốc gia hiện có số ca bệnh được ghi nhận cao thứ hai thế giới và số ca tử vong được báo cáo cao thứ 4.

Tuy nhiên, ngay từ lần báo động đầu tiên, Bhutan đã hành động nhanh chóng và sắc sảo, những hành động của họ bắt nguồn từ nền tảng khoa học mới nhất. Vào ngày 31.12.2019, Trung Quốc lần đầu tiên báo cáo với WHO về một đợt bùng phát viêm phổi không rõ nguyên nhân. Đến ngày 11.1.2020, Bhutan đã bắt đầu soạn thảo Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia. Vào ngày 15.1.2020, họ bắt đầu sàng lọc các triệu chứng của bệnh hô hấp và sử dụng phương pháp quét sốt hồng ngoại tại sân bay quốc tế và các điểm nhập cảnh khác.

Khoảng nửa đêm ngày 6.3.2020, Bhutan xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên: một du khách người Mỹ 76 tuổi. Chỉ 6 giờ 18 phút sau, khoảng 300 trường hợp F1 đã được truy vết và cách ly. “Đó hẳn là một kỷ lục”, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Dechen Wangmo khẳng định.

Cư dân Thimphu duy trì sự giãn cách xã hội khi họ đứng xếp hàng mua hàng tạp hóa bên ngoài cửa hàng trong đợt phong tỏa toàn quốc vào tháng 8.2020. Ảnh: AFP.

Trong nỗ lực bảo vệ đất nước khỏi COVID-19, người ta thường thấy hình ảnh vị vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đi bộ, đi ô tô và cả đi ngựa đến những ngôi làng hẻo lánh để giám sát các biện pháp bảo vệ vương quốc nhỏ bé 700.000 người của mình khỏi đợt dịch bùng phát ở nước láng giềng Ấn Độ.

Trong 14 tháng, hiệu quả của chuyến du ngoạn của vị vua 41 tuổi được thể hiện rõ qua số người chết của COVID-19 chỉ bằng một người đối với quốc gia nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở phía đông dãy Himalaya.

Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck dùng bữa trưa tại một tiền đồn an ninh trong chuyến thăm của ông đến một ngôi làng hẻo lánh. Ảnh: Reuters.

“Khi quốc vương của chúng tôi băng rừng lội suối đến gõ cửa từng nhà để cảnh báo người dân về dịch bệnh, những lời dặn của ông rất được tôn trọng. Sự hiện diện của quốc vương thực sự còn có sức ảnh hưởng hơn nhiều so với việc chỉ ban hành những chỉ đạo công khai trong công tác phòng chống dịch. Sự xuất hiện của ông là sự đảm bảo với người dân rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến chống COVID-19”, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering cho hay.

Thủ tướng Lotay Tshering, vốn là một bác sĩ, thường tháp tùng nhà vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck trong các chuyến đi đến các vùng biên giới giáp ranh với Ấn Độ.

Trong những tuần gần đây, nhà vua đã đi bộ trong 5 ngày trên con đường mòn vượt qua những ngọn núi có độ cao lên tới 4.343m để cảm ơn các nhân viên y tế tuyến đầu ở các vùng sâu vùng xa.

Một quan chức cấp cao của cung điện cho biết: “Nỗi lo lắng canh cánh lớn nhất của nhà vua là nếu đại dịch lây lan như cháy rừng thì quốc gia của chúng tôi có thể sẽ lâm nguy”.

Không chỉ chăm lo đến đời sống của người dân, nhà vua còn chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng dịch để đảm bảo an toàn cho gia đình. Sau mỗi chuyến đi, nhà vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đều tự cách ly tại một khách sạn ở thủ đô Thimphu. Ông cũng đã được tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19 như hầu hết người dân của ông.

Tại Bhutan, cứ 2.000 người thì mới có một bác sĩ. Tuy nhiên, những gì mà thế giới đang chứng kiến thì rõ ràng là sức mạnh của hệ thống y tế không phải là yếu tố quyết định chiến thắng đại dịch.  “Điều tôi học được từ Bhutan là một mình ngành y tế không thể làm gì nhiều để bảo vệ sức khỏe của người dân. Khả năng chống chọi với đại dịch đến từ những thứ không bình thường, như vốn xã hội và sự sẵn lòng của một dân tộc để xích lại gần nhau vì lợi ích chung”, đại diện của WHO tại Bhutan – ông Rui Paulo de Jesus nhận định.


Phùng Mỹ / Phật Tử Việt Nam