Xin được phép trả lời như sau:
1. Chúng tôi đã xác định trong một số bài viết, rằng xe, thuyền rước Phật không chỉ là phần hội, mà còn có phần lễ. Ở đây xin phép không nhắc lại.
2. Muốn đưa đạo Phật vào cuộc đời, tạo ảnh hưởng sâu rộng cho lễ Phật đản đối với xã hội, thì phần hội trong các buổi lễ Phật giáo là hết sức cần thiết để thu hút quần chúng tham dự và chia sẻ hoan hỷ đối với lễ Phật đản. Xe, thuyền rước Phật trong dịp Phật đản đi qua hàng chục km đường phố, kênh rạch giúp hàng triệu người có thể chiêm bái kính ngưỡng đức Phật.
Cho rằng áp dụng quan điểm lễ hội của thế gian là không nên, thì không khác gì đưa Phật giáo đi ngược lại với bước tiến thời đại, cách ly Phật giáo với thời đại. Điều đó tất nhiên bất lợi cho Phật giáo, bất lợi cho sự nghiệp hoằng pháp độ sinh. Muốn hóa đạo có hiệu quả thì phải hướng đến số đông. Hội chính là số đông đó.
3. Quan niệm lễ hội có lễ và có hội là quan điểm thế tục cũng là một sai lầm. Lễ gắn liền với hội là sinh hoạt cổ truyền của Phật giáo đã có truyền thống lâu đời.
Tác giả Thích Đồng Bổn, một nhà nghiên cứu tôn giáo học và Phật giáo được nhiều người biết đến, đã khẳng định điều này qua bài viết “Phật giáo với tập tục tín ngưỡng trong đời sống văn hóa Nam Bộ”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3-2004. Đó là nguyên tắc “trong chay ngoài hội”. Đây là một ưu điểm của Phật giáo: “Điểm nổi bật của vai trò Phật giáo trong tập tục phong hóa dân gian chính là khuynh hướng “dân tộc hóa” nghi lễ tập tục Phật giáo, có nghĩa là hòa quyện hình thức nghi lễ giữa đạo và đời, điển hình như ở một lễ trai đàn, lúc nào cũng theo nguyên tắc “trong chay ngoài hội”, tức bên trong lễ thì tụng kinh cầu quốc thái dân an và siêu độ cô hồn tử sĩ, bên ngoài hội thì có sân khấu hát tuồng về tích Phật…” (bài đã dẫn, trang 18 Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3-2004).
Trong trường hợp lễ Phật đản “ngoài hội” là xe, thuyền rước Phật. Đây là hình thức được chư vị tôn đức chủ động đưa vào một cách có ý thức, không phải diễn tiến tự phát như truyền thống. Tuy nhiên, xe thuyền rước Phật trong lễ Phật đản vẫn là hoạt động theo nguyên tắc cổ truyền Phật giáo và đã trở thành truyền thống Phật giáo Việt Nam sau bề dày lịch sử 50 năm.
Vì vậy, cắt hủy, xóa bỏ, loại trừ, triệt tiêu xe, thuyền rước Phật trong lễ Phật đản là phá thế ổn định, làm mất thăng bằng hoạt động tổ chức lễ hội Phật giáo. Điều này không những đi ngược lại nguyên tắc lễ hội thời đại, mà nó cũng trái ngược với nguyên tắc lễ hội Phật giáo cổ truyền.
MT