Chứng minh buổi lễ có Thượng toạ Thích Gia Quang – Trưởng Ban đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng, Đại đức Thích Thanh Đường – Phó Ban đại diện cùng chư tôn đức Tăng Ni các tỉnh thành phía Bắc.
Tới tham dự có sự hiện diện của ông Lê Trung Kiên – Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Nông Thị Thanh Tâm – Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Đặng Hồng Tư – Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo Tỉnh…cùng hàng nghìn Phật tử Cao Bằng và dân địa phương tới dự.
Sau các nghi lễ Niệm Phật, tụng kinh, hô thần nhập tượng, thanh thiêu niên Phật tử tỉnh Cao Bằng trình diễn các tiêt mục văn nghệ, múa rồng, múa Lân mang đậm sắc thái dân tộc.
Tại buổi lễ, ông Nông Văn Anh thay mặt Chính quyền địa phương đọc sơ lược lịch sử di tích chùa Sùng Phúc. Theo sách xưa nghi lại, được biết chùa Sùng Phúc trước đây có tên là Sùng Khánh được dựng trên đỉnh núi Pò kiến, làng Nà ến, Hạ lang, tỉnh Cao bằng. Vào giữa thế kỷ thứ XIII thời nhà Trần, do Chùa đặt tại vị trí quá cao không thuận tiện cho việc đi lại, tổ chức lễ hội, cúng tế khó khăn nên dân địa phương đã di chuyển ngôi chùa xuống chân núi.
Vào thời nhà Lê cuối thế kỷ XV đến thời Cảnh Hưng thứ 43, Chùa được trùng tu lại và giữ nguyên kiến trúc đến ngày nay.
Chùa Sùng Phúc thờ Quan thế Âm Bồ tát bên trong, phía ngoài thờ Thiên vương Đại thần – Thần Thành Hoàng tên Nguyễn Đình Bá, là một viên quan triều đình thời Lê đi trấn ải biên cương Tổ quốc, ngưòi đã có công chiêu dân khai hoang lập làng, được nhân dân địa phương suy tôn và nghi nhớ công ơn lập đền thờ.
Trong khuôn viên chùa còn thờ các nhân vật như Thổ Thần cai quản vùng đất và thờ chàng Vi Đồ. Theo truyền thuyết dân gian, Vi Đồ là một chàng trai trẻ đẹp thông minh, học giỏi rất ngưỡng mộ Đức Quán Thế Âm.
Các di tích trong chùa còn được lưu giũ như: Tấm bia đá bằng chữ Hán Nôm có nội dung như: Cầu mong mưa thuận gió hoà, nhân dân an vui thịnh vượng, đất nước thanh bình, ghi tạc công lao to lớn của vị Thần đã được triều đình phong tặng Bằng Sắc, chạm khắc vào thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 43.
Các sắc phong Vua ban còn giữ lại nguyên vẹn trong ống đựng, đặt dưới bát hương thờ Thành Hoàng, gồm có ba sắc phong của ba đời Vua: Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định phong tặng.
Ngoài các di tích trên, chùa còn có tượng Đức Quan thế Âm bằng đất sét, qua nhiều biến thiên của thời gian tượng đã bị bào mòn và mất dần. Hàng năm vào ngày 14 đến ngày 16 tháng giêng, nhân dân địa phương và các vùng lân cận tỉnh Cao Bằng lũ lượt đi trẩy hội rất đông, gọi là đi trẩy hội Tam Tổng. Lễ hội Chùa được tổ chức rất phong phú như rước kiệu Quan Âm, rước Thành Hoàng, múa Rồng, múa Phượng, Kỳ Lân, hội tung còn….
Chùa Sùng Phúc là một di sản văn hoá của dân tộc, được gìn giữ bảo vệ bởi lòng ngưỡng mộ Đạo Phật của dân địa phương từ đời này qua đời khác. Năm 1992, nhân dân địa phương đã có văn bản đề nghị các cấp Chính quyền quan tâm tu bổ, sửa chữa lại ngôi chùa đang xuống cấp đổ nát.
Được sự quan tâm của các cấp Chính quyền và Ban đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng, đến nay nguyện vọng thiết tha của nhân dân địa phương đã đạt được.
Nhân dịp này, TT. Thích Gia Quang thay mặt ban đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc và tán thán tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ Đạo Phật của nhân dân địa phương .
Xuất phát từ ý nghĩa cao cả đó, trước sự xuống cấp trầm trọng của ngôi Chùa cùng với sự thiếu tượng Phật, chuông và thiếu đồ tự khí của chùa, với mong muốn chùa xứng tầm với đúng ý nghĩa di tích lịch sử Cha Ông đã để lại, TT. Thích Gia Quang cùng Pháp tử từ thủ đô Hà Nội đã không quản ngại vượt qua mọi gian khó đi đến vùng sâu vùng xa, hết lòng phụng sự cho sự nghiệp Hoằng pháp, hướng dẫn dân địa phương hoạt động Phật sự theo đúng chính pháp, tu bổ chùa cảnh, tạc tượng, đúc chuông, đẩy lùi tà giáo đang từng bước xâm nhập.
Sau 5 tháng thi công, Đại đức Thích Thanh Phương mang hết tâm huyết, trí tuệ nhận trách nhiệm cùng nhân dân địa phương đã hoàn thiện từng bước các hạng mục như đúc quả chuông treo bằng đồng đỏ nặng 550 kg, tạc 12 pho tượng Phật đá trắng, mỗi pho nặng hơn 1 tấn đặt tại chính điện, sơn son thếp vàng các cửa võng, chạm trổ hoành phi câu đối, tu sửa khuôn viên chùa với tổng trị giá gần 500 triệu đồng , kinh phí phần lớn do công đức tài trợ của tập đoàn An Viên – Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Cao Giang.
Bà Nông Thị Thanh Tâm thay mặt lãnh đạo tỉnh Cao Bằng phát biểu chúc mừng, ca ngợi sự nỗ lực của Ban đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng và các nhà tài trợ đã nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ nhân dân địa phương tu bổ tôn tạo lại nơi thờ tự, giúp đồng bào có nơi sinh hoat văn hoá tâm linh lành mạnh, bổ ích.
Sau nghi lễ cắt băng khánh thành, dâng hương lễ Phật, TT. Thích Gia Quang cùng các chư Tăng trao tặng 50 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của địa phương, mỗi suất quà gồm sách vở, bút và số tiền 250.000 đồng.