Gió đông nhẹ thổi, mơn trớn làn da mát rượi. Hít một hơi thở thật sâu, không khí trong lành tràn ngập lồng ngực, mát lạnh. Vườn mai ươm đầy nụ, e ấp. Đài hoa xanh mượt mà. Những chiếc lá non mỏng manh xanh mơn mởn. Xuân đã về! Dừng lại bên một gốc mai đầy nụ, rón rén ngắt đi những chiếc lá già còn sót lại, hương trầm nhẹ đưa trong gió, lòng tôi chợt nao nao.
“Ngủ dậy mở cửa sổ
A, Xuân về rồi đây
Kìa một đôi bướm trắng
Nhằm hoa phơi phới bay”. (Trần Nhân Tông)
Vui quá! Tết quá!
Ngồi xuống bên một gốc mai, tôi ngắm nhìn từng chùm nụ hoa căng tròn mũm mĩm sẵn sàng chờ khoảnh khắc giao thời bừng nở rộ. Nắng vàng trải khắp vườn mai. Hương xuân nhè nhẹ. Một cảm giác thân quen, gần gũi như quá khứ ngàn năm chợt tìm về gặp lại trong giây phút hiện tại không khứ lai. Tôi khẽ ngâm nga mấy vần thơ:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai…”
Mấy câu thơ nghe đều đều nhịp điệu, nhịp chảy của thời gian. Đó cũng là thực tại. Dòng thực tại luôn trôi chảy trong từng sát na. Xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tàn, một hiện thực duyên sinh vô ngã. Tất cả vạn vật trong vũ trụ đều nằm trong dòng hiện thực sinh động ấy. Cái thực tại mà chúng ta, những phàm phu chưa giác ngộ, ai cũng hơn một lần xốn xang bận tơ lòng:
“Thuở nhỏ chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng…”
(Trần Nhân Tông)
Đây có phải chăng là dấu hiệu mất thăng bằng? Mất thăng bằng giữa chủ thể và đối tượng, giữa cái ‘ta’ với ngoại cảnh? Quả vậy, vì chưa rõ sắc không, tức là chưa nhìn thấy chân tướng của sự vật hiện tượng, nên chi hoa xuân chưa nở mà hoa lòng đã rộ, vì thật thấy có mùa Xuân đến và sẽ có mùa Xuân đi, vì sợ rằng tuổi trẻ cũng như mùa Xuân ấy, sẽ tàn. Nên bận tơ lòng. Cho đến khi:
“Diện mục chúa Xuân nay đã tỏ
Ngồi ngắm xuân rơi từng cánh hồng”
(Trần Nhân Tông)
Thì ra xuân đến xuân đi, hoa tàn hoa nở ấy chính là “muôn vật chuyển hóa, thường trong vô thường”. Sự khám phá ấy đã tạo ra một cấu trúc mới giữa nội tâm và ngoại cảnh, một cấu trúc thăng bằng giữa chủ thể và đối tượng. Cho nên cái tâm lý “xốn xang bận tơ lòng” được thay bằng thái độ điềm nhiên ‘ngồi ngắm xuân rơi”. Rồi trong thế giới điềm nhiên tĩnh lặng ấy, thiền sư phát hiện ra:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Nếu như bốn câu mở đầu Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai diễn tả chân lý tương đối, có người đã nhận định là bài giáo lý về vô thường, thì đến hai câu này diễn tả chân lý tuyệt đối, bất sinh bất diệt. Giả thiết rằng bài thơ chỉ dừng lại ở bốn câu mở đầu, ở cái bi, cái cảm, cái đau, cái tiếng kêu nức nở bật lên từ cuộc sống: “trước mắt việc đi mãi, trên đầu già đến rồi”, thì đó chỉ là bài thơ hay như bao bài thơ khác đã từng hay, vì nó tả thực. Tả thực một cách rất thơ về cuộc sống. Nhưng thiền sư, cũng sống trong cõi mênh mông vô thường đó, cũng cùng đau, cùng khổ, cùng thăng trầm với kiếp người, với vận mệnh đất nước, họ đã tiếp xúc được với thực tại, và đã khám phá ra đằng sau những cánh hoa tàn rụi khi xuân đi ấy vẫn hiện hữu một cành mai bất diệt:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”
Cành mai hiện hữu vào đêm qua ấy, giữa muôn hoa rơi rụng, giữa mùa Xuân đã đi qua, hẳn là một cành mai vô tướng, tức đồng nghĩa với Như Lai (Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai). Phải, chỉ có sự hiện hữu phi tướng, vô ngã ấy mới tồn tại mãi ngoài định luật thịnh suy. Quả nhiên, thiền sư đã nhìn thấy cái không thể thấy.
Hiện thực của cuộc đời đã được thiền sư cảm nhận một cách rất sâu sắc và tinh tế. Cái bi, cái hài được lột tả một cách tài tình: biết bao ước mơ, bao hy vọng, bao dự tính, lo toan còn ngổn ngang bề bộn, ấy thế mà, trên đầu già đã đến rồi. Đó không phải là nỗi bất hạnh của một kiếp người sao? Quá bi đát, phũ phàng! Thất vọng, chán nản là tâm lý hiển nhiên của con người khi đối diện với sự thật của cuộc đời, khi trực diện với ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết, nhất là với những ai chưa làm được gì cho xã hội. Ai sẽ là người cứu lấy những linh hồn đang bơ vơ, hụt hẫng, hoang mang, sợ hãi ấy? May thay, tự trong sâu thẳm tâm thức, lòng từ bi rạt rào bừng dậy cuốn phăng đi vị kỷ hẹp hòi, bằng tất cả lòng vô úy, thiền sư đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh: “đêm qua sân trước một cành mai”!
Quả nhiên, hồi chuông ấy đã chuyển hóa từ phạm trù cái bi đến phạm trù cái đẹp. Hãy nhắm mắt lại để nhìn mới thấy được, bởi đó là cành mai vô tướng. Cành mai ấy chỉ được nhìn thấy bằng một năng lực nội tại thâm sâu, hùng hậu của chủ thể tâm linh. Bấy giờ, cái bi không những được chuyển hóa thành cái đẹp mà còn được chuyển hóa thành phạm trù trác tuyệt. Cách nhìn ấy là cả một hệ thống cảm nhận, miêu tả, thể nghiệm và giải thoát cho cuộc đời.