Kinh điển Phật giáo chứa đầy các khái niệm về cảnh giới. Kinh Tăng Nhứt A Hàm viết: “Không thể đi đến mức tận cùng của thế gian”. Cảnh giới là cái nhìn Phật giáo về vũ trụ và tâm linh con người.
Cảnh giới trong tiếng Phạn (đã la tinh hoá) được mô tả bằng các từ như sau: Visaya (nghĩa là bờ cõi, cõi, cảnh tượng – tiếng Anh tương đương: Locality, Region, Sphere, World, Realm… ); Loka (nghĩa là cõi, giới, thế gian – tiếng Anh tương đương: World, Open Space, Universe); Dhatu (nghĩa là di cốt – tiếng Anh tương đương: Elements, Secondary elements, Sphere, Body remains (Relics); Mayavisaya (cảnh giới huyễn ảo – tiếng Anh tương đương: World of delusion)… Người ta đọc thấy trong các bộ kinh Phật giáo tràn ngập các từ: tam thiên đại thiên thế giới, Địa ngục, Atula, trời Đao Lợi, trời Hoá Lạc, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, v.v… Câu chú trong Bát Nhã Tâm kinh (toàn bộ có 262 từ) cũng xuất hiện từ chỉ không gian: đi qua bờ bên kia (Parasamgate…). Cảnh giới là yếu tố không gian rất đặc thù trong các kinh điển Phật giáo. Ở bài viết “Lý thuyết vũ trụ song song và các cõi giới tôn giáo”, tác giả Chí Anh cho rằng: “ý nghĩ về những cõi giới khác đã hình thành trong đầu óc con người như những niềm tin cổ xưa nhất, phổ quát nhất”[1]. Ý niệm con người có thể xuất hiện ở cõi này hay cõi khác, vì chuỗi các hành vi của mình khi còn sống, là ý niệm có tính chất tôn giáo của mọi nền văn hoá.
Tự điển Thiền tông Hán Việt (Hân Mẫn, Thông Thiền biên dịch)[2], mục cảnh giới ghi:
1. Đối tượng của cảm giác, nhận thức nhờ sáu thức: nhãn, nhĩ, thiệt, thân, ý.
2. Cảnh địa đạt đến do nhận thức
3. Thật tướng của sự vật được bật tu hành giác ngộ nhận thức, thể nghiệm, còn gọi: Chân cảnh giới.(83)
Phật học Từ điển, quyển 1 của Đoàn Trung Còn[3], mục Cảnh, ghi:
Cảnh: bờ cõi, như: cảnh giới (…), cảnh địa (…) (…) Trình độ nhà học đạo (…). Cảnh cũng là trần, tướng (…) Cảnh là phần sở duyên (…) (318).
Như vậy, ngoài một vài ý nghĩa thông thường, cảnh giới có một hàm nghĩa quan trọng là “thật tướng” gắn liền với “trình độ của nhà học đạo”. Với hàm nghĩa ấy, cảnh giới được cụ thể hoá thành “cảnh giới giác ngộ”.
Cảnh giới giác ngộ được xem là một “trình độ tự do” siêu việt, tiếng Phạn là Nirvana (Niết Bàn) hay là Parinirvana (Đại Niết Bàn). Cảnh giới giác ngộ gắn liền với sự chứng ngộ. Đặc biệt trong thiền tông, ngộ là cốt tuỷ. Nói cách khác, cảnh giới giác ngộ là một thứ tâm cảnh, là con đẻ của quá trình tu chứng, cũng là sự chiếu diệu của “con mắt huệ” của tâm đối với cảnh.
I. Từ kệ chứng ngộ, thơ ngộ đạo đến tâm thức giác ngộ trong thơ thiền:
Kệ được xem như một thể loại văn học Phật giáo, có nguồn gốc từ chữ Phạn là Gàtha (kệ đà), nghĩa là “tụng”. Kệ thường có bốn câu, hoặc để ca tụng công đức Phật, thể hiện niềm tin Tam Bảo, hoặc thâu tóm đại ý luận lý Phật giáo, hoặc mô tả tâm thế giác ngộ. Thực chất, đến thời Lục tổ Huệ Năng (638 – 713) kệ chứng ngộ mới có cốt cách của thơ ca. Đỗ Tùng Bách viết: “Vào đời Đường, Thiền tông cực thịnh và đời Đường cũng là thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc, khi ấy các thiền sư thường mượn văn chương để bày tỏ cảnh giới giác ngộ của mình”[4].
Đây là bài kệ chứng ngộ nổi tiếng của Lục tổ Huệ Năng:
Bồ đề bản vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà giả phất trần ai.
Dịch thơ:
Bồ đề vốn không cội
Gương sáng chẳng phải đài
Nguyên chẳng có một vật
Sao gọi phủi trần ai[5].
Bài kệ này đã đưa tên tuổi Huệ Năng lên hàng “thượng thừa” chốn thiền môn, trở thành vị tổ thứ 6 của thiền tông Trung Hoa, bất chấp vốn thiền học sâu rộng của Thần Tú. Cảnh giới “Bản lai vô nhất vật” của Huệ Năng đã công phá thẳng vào thành trì của “căn bệnh trí não”. “Xưa nay không một vật” là cách gọi tên cảnh giới vô tâm của bậc “thượng căn”, thể hiện kim cương tính của “tâm vô trụ”.
Trong khi tìm hiểu Thiền uyển tập anh (1337), tác phẩm “hỗn dung thể loại” quí giá của văn học thiền tông Việt Nam, tác giả Nguyễn Hữu Sơn đã xác nhận motif qui tịch của các thiền sư Việt Nam bao hàm “cảm quan về cái chết của các bậc minh triết, của sự bừng sáng giải thoát thân xác, sự bình tĩnh trở về sau khi đã chủ động suy nghiệm, giảng kinh, đọc lời kệ và dặn dò đệ tử”[6]. Như vậy, kệ thị tịch cũng là một loại kệ chứng ngộ theo kiểu “giải thoát thân xác”.
Nếu kệ chứng ngộ tập trung chủ yếu vào sự tỉnh thức viên mãn thì thơ ngộ đạo nói chung có nội dung rộng hơn; nó bày tỏ khoảnh khắc giác ngộ qua trạng thái tinh thần kì diệu, qua sự cảm nhận thế giới và nội tâm theo nguyên tắc của sáng tạo và tỉnh thức. Chúng ta cùng đọc một bài thơ ngộ đạo của Mỗ Ni đời Tống:
Ngộ đạo thi
Tận nhựt tầm xuân bất kiến xuân
Mang hài đạp phá lãnh đầu vân
Qui lai ngẫu bả mai hoa khứu
Xuân tại chi đầu dĩ thập phần
Dịch thơ:
Tìm Xuân chẳng thấy bóng Xuân sang
Giày rơm giẫm nát đỉnh mây ngàn
Trở về chợt ngửi hương mai ngát
Xuân ở đầu cành đã chứa chan [7]
Motif “đi tìm” (tầm) được nói đến rất nhiều trong văn học thiền. “Cầu tìm” nghĩa là vọng tưởng. Tìm Xuân, hay tìm tâm, hay tìm một cõi giới nào ngoài mình… đều không phải là cứu cánh chân thật. Chỉ khi “trở về” (qui lai) với bản tâm, với “quốc độ” của mùi hương vô ngã thì người học đạo mới được xem là “kiến tánh” (thấy tánh). Tướng Xuân tự hiện trong mắt huệ.
Do hoạt tính của tâm thức giác ngộ, thiền sư – nhà thơ có thể hiển bày chiều sâu của thiền đạo của mình qua cách nhìn thiên nhiên cũng như qua những cảm nghiệm về lẽ vô thường. Cảnh giới mà thiền sư – nhà thơ nhìn thấy bằng con mắt giác ngộ là toàn bộ pháp tướng chân thật. Vẻ đẹp của cảnh giới ấy là vẻ đẹp của “tố phác” (hồn nhiên), “bản lai diện mục” (gương mặt xưa nay). Trong cảnh giới ấy có giấc mộng của Niết bàn – sinh tử (Niết Bàn dữ sinh tử do như tạc mông – Kinh Viên Giác), có thiên nhiên như mảnh đất muôn đời của giải thoát, có sự huyền nhiệm của tánh Không bao la…
Bước vào thế giới thơ ca thiền tông, người đọc bắt gặp những hình ảnh như thế này:
Hoa mơ một chút nhuỵ
Ba nghìn thế giới thơm
(Nhất điểm mai hoa nhuỵ
Tam thiên thế giới hương)
(Nhật Chiêu dịch)
Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
(Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy)[8]
(Thích Thanh Từ dịch)
Ánh xuân một điểm khắp trời bông
(Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa)
(Thị học – Tuệ Trung Thượng Sĩ – Trúc Thiên dịch)
Chỉ một chút nhuỵ hoa mà tam thiên thế giới toả hương, chỉ một ánh xuân quang mà khắp trời hoa nở. Bóng chiếu của nhạn không lưu lại chút dấu vết trên mặt nước, bóng rất rõ mà vẫn nhẹ như không… Cảm xúc thơ ca ở đây được “chiết xuất” từ một nội tâm vắng lặng nhưng mãnh liệt. Rõ ràng đó là những cảnh giới được nhìn bằng con mắt tu chứng và giác ngộ. Hiện thực lúc này luôn được mở rộng chiều kích của nó trong sự gắn bó diệu kỳ với tâm linh con người.
Thích Thanh Quyết viết: “Văn tự Bát Nhã là cảnh giới thân chứng của Đại thừa Bồ Tát”[9]. Tiếp cận kinh điển Phật giáo, người đọc sẽ quen thuộc với những khái niệm như: xứ, trời, cõi, phương, châu, bờ bến… như là những con đường chứng nghiệm và tái sinh. Các không gian ấy là sự phóng chiếu của tâm vào vật, sự nối dài không ngừng tinh thần con người vào tinh thần vũ trụ. Những xứ, cõi, phương, châu, bờ… ấy đã tạo nên một thế giới rất tịch lặng mà không ngừng chuyển động, tràn ngập giải thoát mà vẫn chứa đầy sự sống … Nếu nghệ thuật là sự thay thế cho một hiện thực bị thiếu vắng trong cái nhìn của con người (theo Hegel) thì hình tượng cảnh giới giác ngộ trong thơ thiền nói chung cũng chính là sự “thay thế” cho một hiện thực toàn mãn – hiện thực như nó là, hiện thực của tâm giác ngộ.
[1] Lý thuyết vũ trụ song song và các cõi giới tôn giáo, Chí Anh, Tạp chí Nghiên cứu Phật học (TCNCPH), số 4,5 – 1999.
[2] Từ điển Thiền tông Hán Việt, Hân Mẫn, Thông Thiền biên dịch, Nxb TP.HCM, 2002.
[3] Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, quyển 1, Nxb TP.HCM, 1997.
[4] Thơ thiền Đường – Tống, Đỗ Tùng Bách, Phước Đức dịch, Nxb Đồng Nai, 2000, trang 26.
[5] Thiền luận, D.T. Suzuki, Trúc Thiên dịch, Quyển thượng, Nxb TP.HCM, trang 325.
[6] Loại hình tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh, Nguyễn Hữu Sơn, Nxb KHXH, H, 2002, trang 105.
[7] Dẫn theo Đỗ Tùng Bách, sđd, trang 329.
[8] Xem Vài chú giải về Thiền Đốn Ngộ, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Nxb Thiện Tri Thức, 2001, trang 47.
[9] Tư tưởng Bát Nhã Tâm Kinh, Thích Thanh Quyết, Tạp chí Nghiên cứu Phật học (TCNCPH), số 4-2002, trang 4.