CHIA SẺ
Cõi Cực lạc được Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết rõ ràng, cụ thể trong các kinh điển như kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Thập Lục Quán. Ngoài ra, trong các kinh khác như kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Bảo Tích…, Đức Thế Tôn cũng đề cập đến Cực lạc và khuyến khích chúng sanh phát nguyện sanh về Tịnh độ.
Trong những kinh văn này, cõi Cực lạc được Phật Thích Ca mô tả chi tiết, đầy đủ về chánh báo và y báo. Chánh báo tức chư vị Thánh giả ở Cực lạc, thuộc hàng Bất thối, Vô sanh đang tu tập hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với những phẩm chất thù thắng như: An lạc không bệnh; thọ mạng lâu dài; thân tướng đẹp đẽ; không có khác biệt về giàu nghèo, sang hèn; tâm tánh đức độ, nhu hòa, cao thượng; đạo tâm kiên cố; đều do hóa sanh; không có sai khác về lớn nhỏ, già trẻ, mạnh yếu; không có dơ bẩn, ô uế; tâm trí phóng khoáng, thông đạt; dứt hẳn luân hồi trong lục đạo; đầy đủ sáu thần thông; đầy đủ tuệ nhãn, chánh kiến. Y báo tức cảnh giới Cực lạc vô cùng đẹp đẽ, thù thắng và trang nghiêm như: Địa hình bằng phẳng, tràn đầy bảy báu (vàng, bạc, lưu ly…); không có các thảm họa thiên nhiên; bầu trời quang đãng, luôn tràn ngập ánh sáng; vật dụng đẹp đẽ; phong cảnh mỹ lệ; khí trời mát mẻ; âm nhạc du dương, mầu nhiệm tùy ý thưởng thức; không có loài vật (trừ sự biến hóa của Phật); nước trong ngọt ngào; đầy đủ bảy báu; không có phiền não; không có nạn nhân mãn; mọi người sống trong thái bình. Vì chánh báo và y báo trang nghiêm như thế nên Cực lạc được gọi là Tịnh độ, ngược lại với Ta bà là uế độ.
Theo vũ trụ quan Phật giáo, thế giới hay cảnh giới có nhiều đến hằng hà sa số. Ta bà và Cực lạc chỉ là những cảnh giới tiêu biểu trong vô lượng vô biên cõi ấy mà thôi. Mặt khác, mỗi cảnh giới mà chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố là vị trí, thân tướng, tâm thức. Đơn cử như cảnh giới Cực lạc nằm ở hướng Tây của Ta bà, những bậc Thánh nơi Cực lạc có thân tướng phước báo trang nghiêm và tâm thức luôn an trú trong pháp lạc thiền định hay cảnh giới địa ngục nằm ở phía ngoài núi Thiết vi, chúng sanh trong địa ngục có hình dáng xấu xa kỳ dị, tâm thức luôn đau khổ vì bị hành hạ, đói khát và sợ hãi. Ngoài ra, còn nhiều thế giới khác tương ứng với phước báo hay tội báo của thập loại chúng sanh, trong khi một số người quan niệm rằng tùy theo trạng thái tâm của mình thanh tịnh hay khổ đau mà mình đang ở Tịnh độ hay địa ngục chứ không có cảnh giới thực của Tịnh độ và địa ngục. Quan niệm này phản ánh tinh thần “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” nhưng không đúng trong quan điểm về cảnh giới thọ dụng của chúng sanh. Không nói gì xa xôi về tam thiên đại thiên thế giới, chỉ trong các cảnh giới của lục đạo (trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) mà chúng sanh luân hồi sanh tử, nếu chúng chỉ tồn tại theo “duy tâm” (tức chỉ trong tư tưởng) thì không đúng Chánh pháp, đồng thời quan niệm này sẽ gây ra nhiều ngộ nhận lệch lạc và tác hại khôn lường như bất tín nhân quả, phủ nhận tội phước, v.v…
Quan niệm “Cực lạc không thật có” chỉ đúng trong trường hợp quán chiếu vạn pháp qua lăng kính Duyên sanh, như huyễn. Qua tuệ giác tánh Không thì không chỉ Cực lạc ở xa đến “10 muôn ức cõi” mà ngay cả Ta bà và thân năm uẩn này cũng không thật, hư vọng. Bởi lẽ, cảnh giới Cực lạc cũng là phương tiện để chư Thánh giả thành tựu niệm Phật tam muội, thể nhập tự tánh Di Đà, Thường tịch quang Tịnh độ. Khi chưa thể nhập tự tánh Di Đà, thì Cực lạc là nơi hội đủ thắng duyên cho chúng sanh nương tựa để tiến tu mà không thối đọa. Vì thế, đối với Bậc Giác ngộ thể nhập bản thể Chân như thì vạn pháp (kể cả Cực lạc) đều Không, còn hàng phàm phu thì cần cầu sanh Cực lạc.
Những lời dạy về Cực lạc xuất phát từ kim khẩu của Đức Thế Tôn qua trí tuệ giác ngộ của Ngài. Có thể nói, Phật Thích Ca là vị có thẩm quyền cao nhất nói về Cực lạc và Ngài đã tuyên thuyết điều đó trong các kinh điển như đã đề cập với nghĩa lý rõ ràng. Do vậy, dù thông qua hình tướng để biểu thị thể tánh (một đặc điểm của kinh điển Đại thừa) nhưng không thể chỉ thuần lý khi nói đến Cực lạc, mà người học Phật cần phải nhận thức về Cực lạc với sự lý viên dung.