Trang chủ Diễn đàn Cần trang nghiêm khi thờ Phật, Bồ tát

Cần trang nghiêm khi thờ Phật, Bồ tát

83

Tuy vậy, có một số trường hợp, mà theo ý kiến riêng của chúng tôi, là cần cân nhắc. Dưới đây là một số ý kiến bàn luận chủ quan.

Theo tập quán và truyền thống của đạo Phật, là nếu thờ Phật và Bồ tát tại nhà, thì chỉ thờ nơi trang nghiêm, thanh tịnh. Nhiều nhà có diện tích rộng rãi thì dành hẳn một phòng riêng để thờ Phật và ông bà tổ tiên.

Trong việc thờ cúng để cầu mua may bán đắt, làm ăn phát tài, thì với tinh thần bao dung, hòa hợp với tín ngưỡng bản địa và thói quen, người Phật tử thường thờ Thần Tài, ông Địa. Thường là các vị này thường được thờ ở các trang đặt dưới đất, bất kể là ở đâu, trong quán ăn, trong sạp hàng, cửa tiệm…

Trong khi đó, ở một vài tôn giáo lớn khác, thì việc thờ Thần Tài không được chấp nhận, nên tín đồ một trong số những tôn giáo đó, vì nhu cầu cúng làm ăn phát tài, mua may bán đắt, đã thờ cả tượng thánh tôn giáo của họ ở nơi làm ăn buôn bán.

Thời gian trước, trong Phật tử có hiện tượng lẫn lộn Bồ tát Di Lặc và ông Địa, đã thờ tượng Bồ tát Di Lặc, mà một số nơi tạc tượng làm biến tướng thành Thần tài (tay cầm vàng nén, bạc nén, đeo tiền điếu xâu). Hình tướng của Thần Tài kiểu này giống với Bồ tát Di Lặc (bụng lớn, tai dài, miệng cười…). Người thờ những tượng như vậy đều nghĩ là mình thờ Thần tài, nên vẫn để dưới đất.

Việc lầm lẫn như vậy tuy là đáng tiếc, nhưng vẫn chưa đến nỗi làm ảnh hưởng đến diện mạo Phật giáo. Người ta không nghĩ đó là một vị Phật hay Bồ tát, và tượng thường đặt chung với trang thờ Thần tài thờ theo kiểu người Hoa.

Đôi khi, người ta cúng vị “Thần tài” này thịt luộc, bia, rượu hay thuốc lá!

Nhưng gần đây, đôi chỗ làm ăn buôn bán có xu hướng thờ Bồ tát Quan Thế Âm, theo tinh thần cầu gì được nấy, thể hiện một cách cụ thể qua Phẩm Phổ môn, Kinh Pháp Hoa, để cầu tài cầu lộc, cầu việc làm ăn phát đạt.

Khi đó, Bồ tát Quan Thế Âm không phải được thờ ở phòng khách hay phòng thờ riêng, mà được thờ tại nơi kinh doanh, như tiệm may, tiệm tạp hóa, xe khách… Đây cũng là điều bình thường và chúng ta cũng nên hoan hỷ.

Điều đáng nói là hiện tượng này đã phát triển đến nơi làm ăn là tiệm ăn, mà lại là tiệm bán đồ mặn, có bán bia rượu.

Có lần, chúng tôi thấy tượng Bồ Tát Quan Thế Âm được thờ ở một tiệm bún chả, thịt nướng, chả giò (miền Bắc gọi là nem rán) trên đường Phạm Văn Hai, Quận Tân Bình, TPHCM.

Tượng được đặt trong một trang gỗ rất đẹp, việc thờ phượng rất chu đáo, đèn nhang đầy đủ, luôn thấy có trái cây, hoa tươi. Điều đáng lưu tâm là phía trên trang thờ có 4 chữ Hán “Kim ngọc mãn đường” (tạm dịch “vàng ngọc đầy nhà”).

Trong trường hợp này nhìn vào thì có thể xác định ngay đó là Bồ Tát Quan Thế Âm, không phải Thần Tài. Những rõ ràng là Bồ tát đã thay chức năng của Thần Tài!

Còn hiện tượng thờ Bồ tát Quan Thế Âm ở các tiệm mì, tiệm phở thì lại càng phổ biến hơn. Thường thấy là ảnh Bồ tát Quan Thế Âm làm bằng tranh kính theo phong cách người Hoa.

Cá biệt một vài trường hợp người ta thờ Bồ tát Quan Thế Âm trong quán nhậu!

Hỏi thăm, thì có người bảo tượng thỉnh từ chùa về, có “điểm nhãn” hẳn hoi.

Thực ra, ở đâu có hình tượng Phật, Bồ tát thì đều tốt. Song cũng cần phải cân nhắc kỹ, tạo sự tôn nghiêm và trang trọng.

Về phía nhà chùa, khi cho Phật tử thỉnh tượng về thờ, hay “điểm nhãn” cho tượng, cần giải thích rõ về yêu cầu trang nghiêm trong việc thờ phượng Phật và Bồ tát.

Trường hợp không còn lựa chọn nào khác, phải thờ ở những nơi như quán nướng, quán lẩu, quán nhậu chẳng hạn, thì nên cân nhắc, lựa chọn, tránh việc đặt tượng Phật và Bồ tát đối diện với việc sát sinh, uống rượu, say xỉn…

Việc thờ phượng cũng phải bảo đảm việc sạch sẽ, thanh tịnh (lau chùi bàn thờ thường xuyên, hoa trái trang nghiêm).

Cũng cần lưu ý là nếu việc buôn bán có sát sinh trực tiếp (như nướng, luộc nghêu, sò ốc, hến, cá tôm…) tại chỗ, thì làm sao có thể cầu Bồ tát phù hộ được, vì bán càng đắt thì sát sinh càng nhiều!