Đây là lần đầu tiên chùa Bửu Trì tổ chức khóa tu thể theo tinh thần cầu học của đông đảo Phật tử tại địa phương. NS TN Tâm Niệm với mong muốn giúp cho các Phật tử có điều kiện tham gia tu tập, gieo duyên lành với Phật pháp, nên sẽ là người bảo trợ và duy trì khóa tu này thường niên hàng tháng tại chùa Bửu Trì cùng với sự hỗ trợ đắc lực của đạo tràng Phật Thông.
Khóa tu an lạc một ngày được khai giảng với sự chứng minh của TT.Thích Bình Tâm – Chánh Thư ký BTS Thành hội TP Cần Thơ; TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang; TT.Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa (Đồng Tháp); NS TN Từ Nhu – Trụ trì chùa Từ Đức (Huế)
Từ sáng sớm các Phật tử đã đã vân tập về chùa Bửu Trì ghi danh tham dự khóa tu. Chương trình khóa tu học bắt đầu từ 6h00” sáng và kết thúc vào lúc 16h00” cùng ngày. Chương trình khóa tu được NS TN Tâm Niệm phác thảo một cách chi tiết, chặt chẻ. Nội dung bao gồm: sinh hoạt nội quy khóa tu, ngồi Thiền, tụng kinh, lễ Phật, nghe Pháp thoại.
Trong chương trình của khóa tu lần này, theo thời khóa buổi sáng, TT.Thích Chân Quang đã sách tấn tinh thần tu học của các Phật tử bằng bài Pháp thoại có tựa đề CĂN BẢN VỀ THIỀN, để người ham thích tu Thiền cần hiểu rõ, con đường thiền định phải tu đúng phương pháp mới đạt được những lợi ích của thiền, tránh được những bệnh của người tu thiền mà có sự chuẩn bị bước đầu cho tốt.
Các chùa, trong một thời gian rất dài thường tu theo tịnh độ (niệm phật). Rồi sau này có một số vị chủ xướng tu thiền, nổi bật là HT.Thích Thanh Từ, nhưng chỉ lác đác một vài nơi tu thiền. Có nhiều vị, sau khi tu học vững vàng, tìm hiểu về lịch sử Phật Giáo mới biết rằng các vị cao Tăng đắc đạo đều là nhờ thiền định. Đức Phật mà chúng ta tôn thờ cũng nhờ thiền định mà đắc đạo, nên các vị đó thấy rằng, cần phải dựng lại việc tu thiền làm sức mạnh tâm linh cho đạo Phật.
Khi niệm Phật, mục tiêu của chúng ta là sau khi chết sẽ được vãng sinh về cõi Phật. Còn khi thiền, ta không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến sự sống. Ngay trong đời sống này phải cố gắng tu như thế nào để khai mở tâm linh của mình, tạo nên một đời sống thánh thiện, một cõi Thánh ngay trong trần gian này. Và ngay trong cuộc sống này, chúng ta phải làm rất nhiều điều tốt lành để xây dựng cuộc đời. Do đó, người tu thiền phải có sức mạnh và tự đặt nặng lên đôi vai mình trách nhiệm với đời sống hiện tại. Còn sinh tử là chuyện tự nhiên. Một người khi hiểu rõ nhân quả thì sẽ an nhiên đi trên con đường giác ngộ, không một chút lo sợ. Phải là một người có trí tuệ, có bản lĩnh và khao khát tâm linh mới dám tìm lại thiền, vì hiểu được rằng thiền là cốt lõi của Phật giáo.
Tu thiền rất khó. Khi niệm Phật, ta chỉ biết tin tưởng và hy vọng được vãng sinh, còn thiền là một cuộc chiến đấu với chính bản thân, chiến đấu với lỗi lầm của mình từng giây từng phút. Khi niệm Phật, ta không cần biết mình tốt hay xấu, có lỗi hay không có lỗi. Câu niệm Phật sẽ chiếm hết tâm mình, tạo nên niềm tin được vãng sinh. Còn tu thiền, tâm sẽ không được che đậy chút nào, chúng ta nhìn thẳng vào tâm, thấy mình là người như thế nào để chỉnh sửa.
Việc nhìn thẳng vào tâm, thấy mình là người thế nào cần một sự gan dạ và trí tuệ. Có ai dám chê mình là người xấu không? Nhưng thiền sẽ buộc chúng ta nhìn thấy điều đó, thấy rằng mình quả thực là người xấu. Vượt qua lỗi lầm vẫn chưa đủ, còn phải vượt qua những làn sóng nhấp nhô của vọng tưởng. Nếu sai phương pháp, ta sẽ chẳng bao giờ tới đích.
Trước khi tu thiền, ta phải hình dung được con đường sẽ đi. Nhiều người tu thiền đã sai lầm, hăm hở, vội vã bước vào con đường thiền. Nghe ai ca ngợi về thiền đã ham thích mà bước vào, chẳng hình dung được phía trước ra sao. Chính vì không biết con đường ra sao nên mới đi được một đoạn đã tưởng mình tới, hay lạc lối tưởng mình đã đi đúng đường, rồi phí hoài công sức mà chẳng bao giờ tới đích. Dù rằng sự cố gắng đó sẽ được ghi nhận, nhưng đành vô duyên với chánh pháp. Trước khi tu thiền, ta cần phải hiểu rõ con đường thiền định xa thế nào, khó thế nào để ta sẵn sàng tâm tư, chuẩn bị công đức cho mình. Rồi bằng nhiều ví dụ thực tế, Thượng tọa đã làm sáng tỏ một số vấn đề như đã được trình bày trên một cách thuyết phục.
Một người tu thiền đúng phương pháp, khi tâm có sự chuyển biến, được khai mở kỳ lạ mà trước đây chưa từng có. Từ một người với tâm loạn động, sau một thời gian tinh cần, được tiếp cận một cảnh giới kỳ lạ thì nghĩ rằng mình đã giác ngộ. Bởi vậy mà hiểu lầm, không thể tiến tu, mất hết phước; tưởng là đúng mà thành sai, tưởng là chánh mà bất ngờ thành tà, không giải thoát được, trái lại còn phát sinh bệnh của thiền nữa. Bệnh của thiền chính là khoe khoang, nói nhiều, kiêu mạn. Một người tu đúng thì càng đi xa chừng nào càng khiêm tốn, hiền lành, thanh thản chừng ấy. Mới tu một thời gian, tâm có chút biến chuyển đã tưởng mình giác ngộ, rồi bao nhiêu loạn động, kiêu mạn, khoe khoang, nói nhiều xuất hiện, kiêu ngạo dày thêm chút nữa sẽ dẫn tới phát điên. Đây là lý do vì sao nhiều người tu thiền bị điên.
Vậy nên bắt đầu vào thiền, ta phải hiểu rằng con đường mình đi còn rất xa, phải mất nhiều đời nhiều kiếp. Một công phu đơn giản là dụng công cho đúng, bắt đầu kiểm soát được vọng tưởng dù chưa hết, cũng phải mất trung bình 10 năm, riêng với người có căn cơ thì khoảng 6 tháng. Sau khi có được chánh niệm tỉnh giác, ta bắt đầu phá năm triền cái: tham, sân, hôn trầm, nghi, trạo cử. Phá năm triền cái này phải mất 30 năm, nhiều người chẳng thể hoàn thành được điều này thì đã hết tuổi thọ mà chết, khó khăn vô cùng.
Thời đức Phật tại thế, có những vị trong 7 ngày đi hết con đường này, như ngài Xá-Lợi-Phất, ngài Mục-Kiền-Liên đều là những người căn cơ thượng thừa. Còn chúng ta ngày nay cách Phật đã xa, phước ít, nên thời gian tu rất lâu, mà đi sai đường lại càng nhiều hơn nữa. Hiện nay khắp thế giới dạy thiền, ai cũng nói mình đúng, ta chẳng thể nào biết được ai đúng ai sai. Chỉ có thể nhờ duyên tôn kính Phật, lạy Phật nhiều đời mà ta có thể gặp được con đường chân chính.
Thiền là gì? Đó là lắng tâm thanh tịnh, đi về mục tiêu vô ngã. Nếu không nhắm vào mục tiêu vô ngã thì đó là ngoại đạo, toàn bộ đạo Phật đều hướng về mục tiêu này. Khi Đức Phật tu thiền với 2 bậc Đạo sư lừng lẫy thời đó là Alara Kalama và Út-Đầu-Lam-Phất, 2 vị đó dù chứng đắc rất cao, nhưng vì không theo mục tiêu vô ngã, chẳng thể giải thoát nên Đức Phật đã phải rời bỏ 2 vị ra đi. Sau khi Đức Phật giác ngộ, đạt được sự vô ngã hoàn toàn, từ đó đến nay mục tiêu vô ngã là mục tiêu tối thượng của đạo Phật mà không tôn giáo nào dám nói tới.
Ngày hôm nay, ta tu thiền cũng với mục tiêu đó, dù niệm danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật mà ta không hướng tới mục tiêu vô ngã thì cũng chẳng phải đệ tử của Ngài, chỉ khi nào hiểu rất sâu về vô ngã, ta mới xứng là con của Phật. Đây là điểm mấu chốt để các Pháp môn, các Tông phái đoàn kết lại. Không hướng tới vô ngã thì không phải đạo Phật. Nắm chắc điều này, con đường ta đi sẽ không sai.
Nhưng vô ngã là gì? Điều này chỉ khi nào chứng đạo mới có thể hình dung được, nhưng ta cũng có thể hình dung sơ lược qua những khái niệm và suy tưởng. Chúng ta luôn cảm thấy mình có một cái “Ta” riêng biệt, khiến cho mình khác với những người khác, làm mình tách biệt với môi trường xung quanh, với cỏ cây, hoa lá, trời đất. Điều đó khiến ta luôn tự hỏi tại sao mình lại là mình, và người khác có cảm giác như vậy không. Người tu đến vô ngã sẽ không phải là biến mất, mà sẽ trở thành toàn thể vũ trụ, là trăng, là sao, là cây cỏ, là tất cả mọi người. Và người chứng được vô ngã còn vĩ đại hơn vạn lần những lời nói này.
Chứng đắc của các vị Alahán chính là sự vô ngã này, vô ngã này cũng là giác ngộ, là giải thoát. Chúng ta tu theo đạo Phật, đi tìm sự giải thoát thì cũng chính là đi tìm vô ngã, là không còn cái ta này nữa. Trên đường đi tìm vô ngã, cái ta này vẫn còn, nhưng sẽ nhỏ dần, và dấu hiệu tu đúng chính là cái ta giảm dần. Trên con đường cái ta giảm dần đó, đạo đức sẽ hiện ra. Một người tu đúng, trên đường đi, đạo đức đã tỏa hương bát ngát, còn người càng tu càng kiêu căng, nóng giận, hơn thua từng câu từng chữ, tranh giành từng điều nhỏ nhặt thì người này đã tu sai, bản ngã đang tăng lên. Một người tu đúng, trên con đường đi đã nhường nhịn, đã yêu thương, đã khiêm hạ, ít nói.
Biết đến mục tiêu vô ngã, trên con đường tu thiền ta cần tránh những quan niệm sai lầm ngoại đạo. Ví dụ như tu để có thần thông. Việc tu chứng sẽ có thần thông, nhưng tu mà nhắm đến thần thông để tu là ngoại đạo. Có những vị tu đắc định, có thần thông, nhưng chỉ 2 – 3 năm thì mất, trở lại thành phàm phu, chính vì đi sai mục tiêu. Thần thông xuất hiện là do có phước, nên đến khi hết phước thì cũng biến mất như bản chất vô thường của cuộc đời. Ngoài ra, những mục tiêu như trẻ lâu, trường thọ, khỏe mạnh, xuất hồn, bay lên không trung, gặp các vong đã mất…, chỉ dẫn đến chấp thân, càng lúc càng khó giải thoát.
Tu thiền phải là một phương pháp hoàn chỉnh hệ thống chặt chẽ về lý thuyết và thực hành. Nói phương pháp dụng công thì chỉ 15 phút là ta biết cách thực hành, nhưng để lý giải về sự dụng công này là cả một lý thuyết sâu xa. Ví dụ, vì sao ta ngồi kiết già, vì sao ta phải dụng tâm như thế, vì sao phải quán thân vô thường, tại sao biết hơi thở, tại sao phải biết toàn thân, phá được năm triền cái là thế nào, chứng được thiền, chứng được Thánh quả là thế nào, v.v…
Tu thiền giống như ta bước vào đại học vậy, đòi hỏi tri thức tốt, tin nhân quả, biết làm phước. Những người tu sơ sơ mà có kết quả là phá đạo Phật vì mình sẽ dạy tầm bậy. Ta phải tu cho kỹ để sau này dạy lại người sau. Nếu chủ quan theo kết quả của mình đem dạy người khác là mình hại người ta. Người nào tu càng cực khổ càng mừng vì mình mới hiểu hết các góc cạnh của thiền. Tu thiền buộc ta phải ngồi kiết già, đó là tư thế ngồi được lâu, nhiếp tâm được. Mười phương 3 đời chư Phật đều ngồi vậy. Ngồi kiết già thấy khó nhưng ta cố gắng tập thì cũng ngồi được.
Trước khi ngồi thiền ta đọc bài kệ vào thiền, phát 3 tâm nguyện: tôn kính Phật tuyệt đối, thương yêu tất cả chúng sinh, khiêm hạ như cỏ rác, cát bụi. Kế đến, ta biết rõ toàn thân. Bước công phu này kiên nhẫn đến khi thuần thục có thể vài tháng hoặc vài năm. Tâm luôn quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân. Kiểm soát khắp thân xem có phần nào đi sai ra ngoài những tiêu chuẩn đã nêu trên hay không. Nếu có phần nào đó bị sai lệch phải nhanh chóng điều chỉnh lại. Như để ý xem lưng có bị chùng xuống không, hai vai có bị lệch không, đầu có bị nghiêng không, hai bàn tay có thẳng đẹp không, hai cánh tay có bị ép sát hông không, mắt có ngó chỗ khác không, v.v… trong cơ thể mình bị sai lệch như thế nào phải biết rõ để mà điều chỉnh.
Nếu cơ thể mình bị sai lệch mà không biết, có nghĩa là cái biết bị yếu, vậy là sai. Luôn luôn tỉnh giác biết rõ, nhưng biết một cách nhẹ nhàng, không cố ý biết, và không dằn ép, cũng không quá chăm chú. Nếu có sự cố ý biết, hoặc dằn ép, đầu sẽ căng thẳng, vì lực chạy lên đầu. Như ta đã biết, mỗi phần trên cơ thể đều có liên quan đến khu vực của não. Thân bị lay động hay căng thẳng, gồng cứng, chú ý, dằn ép thì não cũng ảnh hưởng theo.
Khi biết rõ toàn thân, tâm để ý nhiều ở phần bụng (đan điền), phần chân, và hai lòng bàn tay. Việc biết rõ toàn thân có lợi: Giúp cho cơ thể được khỏe hơn; không bị hôn trầm; không bị vọng tưởng chi phối, tạo thành sức tỉnh giác biết rõ. Sức tỉnh giác sẽ ứng dụng vào việc kiểm soát tâm và giúp ta điều tâm sau này.
Song song với việc biết rõ toàn thân, chúng ta nhẹ nhàng giữ thân bất động không nhúc nhích. Và luôn kiểm tra xem có bộ phận nào bị gồng cứng hay nhúc nhích không. Sự kiểm tra thường xuyên như thế chính là công phu điều thân. Ngay trong lần thực hành tọa thiền đầu tiên, nên cố gắng điều thân ít nhất 30 phút. Thời gian thực hành điều thân kỹ lưỡng chuyên chú như vậy phải được một tháng trở lên, ta sẽ bước sang các công phu kế tiếp, tức quán thân vô thường hư ảo. Chúng ta tự nhủ thầm « thân này là vô thường hư ảo ». Lâu lâu lại tự nhắc như vậy. Chúng ta phải thấy sự biến đổi của thân từ trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến tan hoại hoàn toàn. Chúng ta phải thực hành quán thân vô thường trong thời gian vài tháng và tất cả các hình ảnh từ khi chết cho đến khi xương thành tro bụi chỉ trải qua vài giây. Trong chấp ngã có chấp thân rất nặng. Quán thân vô thường làm chấp ngã lung lay, nó sẽ chuyển biến từ từ tâm hồn, đạo đức của mình.
Sau khi điều thân thuần thục, quán thân vô thường, quán tâm hư vọng nhuần nhuyễn. Chúng ta sẽ thực hiện pháp tu hơi thở,
Tiếp theo ta quán hơi thở, hơi thở vào biết vào, hơi thở ra biết ra, biết mà không điều khiển…khóa thiền tới mọi người sẽ được học.
Phước mở đường cho tâm linh được khai mở, phải lấy phước làm gốc, không ai được ỷ tài. Nền tảng quan trọng nhất của phước là lễ kính Phật, lạy Phật với lòng thiết tha tôn kính, sám hối lỗi xưa, phát nguyện hướng tu tới. Lòng tôn kính đó tạo thành công đức tự nhiên, theo nhân quả ta kính thầy mới được làm thầy, kính trọng bậc Thánh mới xuất hiện phẩm chất của một bậc Thánh, tố chất của sự giác ngộ.
Phước nền thứ hai là giữ nội tâm hiền lành, đạo đức, xét lỗi mình từng chút một.
Thứ ba là sống lợi ích cho mọi người trong từng phút giây cuộc sống, đừng tích lũy nhiều.
Khi tu thiền ta không tính thời gian, thời gian đầu dụng công mà chưa vào định rất cực khổ, cực hơn mọi cực khổ trên đời. Cực khổ bao lâu chưa biết được. Sau đó ta đến giai đoạn chánh niệm tỉnh giác, tâm rỗng, sáng, thoát ra khỏi vọng tưởng. Ta an trú trong chánh niệm tỉnh giác này 30 năm để phá sạch năm triền cái. Trong giai đoạn phá năm triền cái ta chứng 2 quả Thánh là Tu Đà hoàn, Tư Đà Hàm. Khi ta nhập được Sơ thiền là giai đoạn chánh định, chứng quả thánh A Na Hàm, bất lai.
Thiền là tương lai của nhân loại, sau này cả thế giới tu thiền, hiện nay nhiều nơi kêu gọi tu thiền. Những người có trí thức bắt đầu tìm hiểu thiền, thấy được lợi ích của thiền. Một ngày nào đó thiền sẽ là môn học bắt buộc trong các trường học. Bây giờ ta tu thiền là đón đầu nhân loại. Rồi sẽ có sự so sánh, đối chiếu các phương pháp để tìm ra phương pháp đúng nhất. Thiền nâng con người lên một đẳng cấp mới, từ một phàm phu rời xa cõi thú, lên gần cõi Thánh.
Khi chúng ta biết thiền rồi thì phải tinh tấn tu thiền và giúp nhau tu thiền. Đó là câu kết thúc của bài Pháp thoại sau khi Thượng tọa đã phân tích thật kỹ lưỡng về mục đích, sự dụng công, hướng đi và kết quả tâm linh của thiền định.
Được biết, tiếp theo theo chương trình của khóa tu, vào lúc 14h00”, TT.Thích Minh Thành – Trưởng Ban Hoằng Pháp (TP.Cần Thơ), sẽ có đôi lời nhắn nhủ, và sách tấn các Phật tử nỗ lực tu học.
Mặc dù NS Tâm Niệm đa đoan với công việc nuôi dạy đàn con côi (77 em), vừa làm Phật sự đắc lực nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện cho Phật tử được tu học. Ni sư đức cao như núi, đã mở rộng vòng tay đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa về chùa nuôi dạy thành người, để bớt đi các tệ nạn sau này cho xã hội. Mỗi cháu nhỏ ở chùa Bửu Trì là một mảnh đời đầy thương cảm, xót xa. Không chỉ vậy, Ni sư còn là chổ dựa tinh thần của nhân dân Phật tử địa phương, luôn thể hiện là một vị sư sống tốt đời đẹp đạo. Ni sư TN Tâm Niệm thật đáng được trân trọng bởi hạnh nguyện vào đời để độ sanh./.