Phiên chợ ở đây, đúng nghĩa là “chợ phiên” mà các vùng miền ở nhiều tỉnh vẫn tổ chức. Phiên chợ quê hương cũng thế, cũng tấp nập với cảnh kẻ mua người bán, người chào hàng, kẻ nài nỉ tăng, hạ giá… Các gian hàng cũng được bài trí quy mô, cũng có người mời mọc, đưa đón. Điều khác biệt ở phiên chợ quê hương là chỉ bán những món ăn chay. Có rất nhiều quầy với đầy đủ các gian hàng thức ăn và nước uống, từ món nước đến món khô, từ trái cây đến các loại bánh…
Tiền dành cho phiên chợ cũng là một loại tiền khá đặc biệt, BTC đã sản xuất loại tiền này chỉ dùng trong phiên chợ mà thôi, và nếu chúng ta không có những tờ tiền đặc biệt này, thì nhất định chúng ta sẽ không được mua bất kỳ món ăn nào từ các quầy bày bán.
Trước khi phiên chợ được bắt đầu, chư tôn đức tăng ni trong chiếc huỳnh y rực rở, với tư thế khoan thai, tay ôm bình bát, từng bước nhẹ nhàng đi qua các gian hàng của từng trại. Các bạn trẻ thành tâm, tay chắp hình búp sen, một lòng thành kính dâng lên những món ăn, nước uống, vật phẩm cúng dường. Hình ảnh này chúng ta thường bắt gặp ở thuở xa xưa, khi đức Phật còn tại Thế. Mỗi ngày, Ngài và tăng đoàn thường vào các thành ấp, xóm làng khất thực, để gần gủi với chúng sanh, giúp họ tháo gỡ những nối khổ niềm đau trong cuộc đời.
Ngày hôm nay, chư tôn đức trong BTC Hội trại muốn tái hiện khung cảnh của đức Phật xa xưa, để giúp các bạn trẻ có cơ hội hiểu sâu hơn về hạnh nguyện cao đẹp của những người con Phật. Đồng thời, muốn các bạn gieo phước lành với ba ngôi Tam bảo, để đời đời dù sanh ra chốn nào cũng được gặp Phật pháp, được nghe kinh, được tu tập để sửa đổi chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, BTC muốn thành lập một xã hội thu nhỏ tại Phiên chợ quê hương cho các em thấy rằng, việc mưu sinh giữa cuộc đời là một điều vô cùng khó khăn. Bởi phiên chợ này không chỉ có kẻ mua người bán mà còn có cả người ăn xin, kẻ cướp dựt cũng như đầy đủ các ngành nghề tích cực, tiêu cực trong xã hội chỉ vì cuộc sống mưu sinh. Đây cũng là một bài học lớn, có giá trị thực tiễn, để các em ý thức hơn nữa về trách nhiệm của mình và phải biết tri ân, báo ân hai đấng sanh thành dưỡng dục, những người đã cần lao khó nhọc lo lắng, nuôi dưỡng chúng ta nên người.
Dưới đây là một số hình ảnh của phiên chợ: