Trong thời gian gần đây, có khá nhiều thông tin bài viết nêu vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo qua việc hình thành các tổ chức đạo tràng, Ban hộ niệm và các nghi lễ Phật giáo như cầu siêu, cúng thất…
Thực tế, chúng ta cần phải hiểu sâu hơn tránh cái nhìn phiến diện dễ gây ra sự hiểu lầm cho một việc làm công đức mà các đệ tử Phật, các đạo tràng và Ban Hộ niệm đang tiến hành hiện nay.
Vì không thể nói nhiều các vấn đề, trong bài viết này tôi chỉ xin đi sâu vào việc hình thành đạo tràng lập Ban hộ niệm để giúp người có tâm nguyện được vãng sinh về Tây Phương Cực lạc.
Do các công lao hoằng pháp của các vị tăng trên khắp mọi miền đất nước mà pháp môn Tịnh Độ đã phát triển rất mạnh. Vì lẽ đó mà hình thành rất nhiều các đạo tràng và Ban hộ niệm ở Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta nên cần ghi nhận về sự phát triển đó.
Phút lâm chung rất quan trọng đối với người cầu sinh cõi Tây Phương Cực Lạc.
Như mọi người đều biết, nguyệp lực hay mục đích cuối cùng của các đệ tử theo pháp môn Tịnh độ là sau khi rời bỏ báo thân sẽ được vãng sinh về Tây Phương cực lạc. Đây là một pháp môn được coi là thù thắng bất khả tư nhất trong thời kỳ mạt pháp.
Do nương nhờ vào tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà , các chư vị Bồ tát và Thánh chúng nên pháp môn này không chỉ dành cho các tăng sĩ mà cả các cư tu sĩ tại gia cũng có thể tu hành giải thoát trong một kiếp người.
Vì có thể mang theo đới nghiệp đi vãng sinh nên giây phút lâm chung của người sắp mất là rất quan trọng. Để bạn đọc hiểu sâu về công việc của các Ban hộ niệm, tôi xin được đưa ra một số lời thuyết giảng khai thị của Ấn Quang đại sư – Vị tổ thứ 13 của Tịnh độ tông và cũng là vị tăng được cho là sự hiện thân của Bồ tát Đại Thế Chí.
Khi nói về tầm quan trọng của giờ phút lâm chung, Ân Quang Đại Sư đã nói: “Giờ lâm chung đa phần thần thức của họ thường bị dìm trong ác mộng, bị rơi vào những cạm bẫy dữ ác, rơi vào những cảnh hung hiểm. Bị lôi vào đó rồi thì rất khó thoát thân, thần thức sẽ theo nghiệp đi thọ báo…Người lâm chung, thần thức của họ không tập trung. Mỗi người mỗi khác, trong tiềm thức của họ khơi lại những hành vi thiện ác mà khi sống họ đã huân tập từ lâu nay. Hình bóng tạng thức sẽ dẫn thần thức của họ đi ra ngoài. Lúc này họ bị bất lực, vì thần thức hoàn toàn do nghiệp lực làm chủ, năng lực và sức hút của nghiệp cũ rất nặng. Nếu nghiệp xấu ác của người đó nhiều, thì chủng tử xấu ác khởi lên mạnh mẽ, lập tức họ bị chiêu cảm đi vào trong ba đường xấu ác. Nếu nghiệp thiện nhiều, thì chủng tử thiện khởi lên, họ được chiêu cảm sanh về các cõi thiện, là cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la”…
Được vãng sinh hay không là ở “một niệm sau cùng” của thời khắc lâm chung.
– Một niệm sau cùng là ác, liền lúc đó trong tâm xuất hiện cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thần thức sẽ theo nghiệp mà đi đầu thai vào những cảnh giới ác trong tam ác đạo.
– Một niệm sau cùng là thiện, lúc đó trong tâm liền xuất hiện thiện cảnh của trời, người và thần thức sẽ theo những thiện cảnh này mà đầu thai vào tam thiện đạo.
– Một niệm sau cùng, nếu là nhất tâm niệm “A Di Đà Phật”, cầu vãng sinh Tây Phương. Trong tâm sẽ xuất hiện cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và A Di Đà Phật cùng chư Thánh Chúng đến tiếp dẫn, thần thức liền đi theo Phật về Thánh đạo của thế giới Cực Lạc.
.
Vì vậy, để những người có tâm nguyện được vãng sinh về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà vào giờ phút lâm chung rất cần phải có người hộ niệm. Ấn Quang Đại Sư nói: “Nếu bình thường, hằng ngày họ siêng năng tu niệm Phật, tức là gieo chủng tử Phật vào trong tâm của họ. Chủng tử Phật ngày càng phát triển lớn mạnh, khi lâm chung, chủng tử Phật xuất hiện trước, lúc ấy mới cảm ứng đạo giao với Phật và được Phật tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu sự huân tập chủng tử Phật vào trong tâm họ chưa đủ mạnh, chưa đủ năng lực để vãng sinh, thì cần phải có người khác trợ lực, bằng cách niệm Phật trợ niệm, thì chủng tử Phật mới xuất hiện, mới dễ dàng vãng sinh được.”
Ban hộ niệm là để hộ niệm, trợ niệm giúp người cầu vãng sanh
Hộ niệm, trợ niệm nghĩa là trợ giúp cho tâm người đó khởi lên chủng tử Phật. “Là một Phật tử, bất luận là người đó tu hành theo pháp môn gì, hành trì như thế nào (ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, trì chú vv…), điều quan trọng nhất là làm sao để khi lâm chung trong tâm họ xuất hiện bốn chữ “A Di Đà Phật” và có ý nguyện muốn được vãng sinh”. Việc trợ niệm, hộ niệm cho người trước khi ra đi đối với pháp môn Tịnh Độ là vô cùng quan trọng, có khi còn quyết định là người đó có được vãng sinh hay không.
Trong thời gian qua, nhờ sự trợ giúp của Ban hộ niệm đã có rất nhiều người được vãng sinh. Những minh chứng đó đã được đăng tải trên mạng qua các ấn phẩm băng đĩa làm cho nhiều cư sĩ tại gia thấy hoan hỉ và hy vọng mình có thể về được với Phật A Di Đà mà không nhất thiết phải xuống tóc vào chùa.
Trước khi nói về công đức của người hộ niệm, xin được nói thêm Hộ niệm hay trợ niệm không phải là cúng cầu siêu, cúng thất tuần, lập trai đàn cầu siêu các vong linh. Như phần đã nói ở trên, Ban hộ niệm chỉ là những người giúp đỡ người sắp chết trong giờ phát lâm chung không đủ sức đẩy chủng tử A Di Đà Phật lên để cảm ứng đạo giao với Chư Phật do những nghiệp xấu và các oan gia trái chủ tìm đến đòi nợ. Còn cúng cầu siêu là là cúng cầu cho những vong linh (người đã chết rồi) sớm được siêu thoát. Hai việc này hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Chúng ta không nên hiểu nhầm là Ban hộ niệm đến nhà để cầu siêu cho các vong linh của người mới mất. Trong các cuộc hộ niệm nếu người nào mới phát tâm nguyện về thế giới Tịnh độ muốn quy y Tam bảo thì Ban hộ niệm cũng phải mời các vị tăng đến quy y chứ các thành viên trong Ban hộ niệm không làm những công việc này.
Vì sao Ban hộ niệm lại trợ niệm cho cả những người chưa niệm Phật, hay chưa quy y Tam Bảo khi còn sống. Đó là dựa trên lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư “Người chưa biết tu hành, nhưng trước giờ phút lâm chung nếu biết ăn năn sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sinh, vẫn được vãng sinh. Hãy tùy cơ khai thị, giúp cho họ vững tâm niệm Phật, và tha thiết cầu vãng sinh để được hưởng cảnh an vui cực lạc, chứ không phải chết”.
Trên thực tế có không ít người chưa từng niệm Phật cũng đã được vãng sinh. Vì sao như vậy cần phải có một bài viết sâu hơn về vấn đề này.
Công việc chính của Ban Hộ niệm và những người hộ niệm là hỗ trợ niệm Phật cho người sắp ra đi “Mọi người thay nhau luân phiên niệm Phật, giúp cho người lâm chung giữ được chính niệm. Vì lúc này tâm và sức lực của người bệnh rất yếu, họ khó có thể niệm liên tục và lâu dài được, hoàn toàn nương nhờ vào sự trợ niệm của người khác mới có thể thành tựu được.”
Vì vậy, Ban trợ niệm phải niệm liên tục 24/24 gần như không ngừng nghỉ. Với một thời gian dài và liên tục như vậy các tăng sĩ ở chùa khó có thể đảm đương nổi. Chỉ có các cư sĩ tại gia mới có thể đảm tránh thay phiên nhau đến niệm. Mỗi lần niệm cũng chỉ kéo dài từ 2 – 3 tiếng đồng hồ là mệt rồi. Về nguyên tắc theo giới luật Tịnh Độ tông, Ban Hộ niệm chỉ là người trợ giúp hộ niệm nên không được dùng bất kỳ thứ gì của chủ nhà dù là một chai nước uống.
Để có thể hoàn thành công việc hộ niệm, rất nhiều cư sĩ tại gia bỏ cả công việc làm đến giúp sức trợ niệm. Vì sao vậy ? Vì họ hiểu công đức của người hộ niệm rất lớn. Theo Đại Sư Ấn Quang thì “Trợ giúp thành tựu cho một chúng sinh được vãng sinh, tức là thành tựu cho một chúng sinh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”.
Hộ niệm là trợ giúp cho một người được vãng sinh. Người hộ niệm biết rất rõ phương pháp cũng như đạo lý mình chịu giúp người đạt được Tịnh niệm vãng sinh thì mình cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm. “Thành tựu một người được vãng sinh Tịnh Ðộ chính là thành tựu một chúng sinh làm Phật. Công đức thế ấy há nghĩ lường nổi ư!… Nên biết, mình giúp cho một người khác được chính niệm vãng sinh, tức là mình được quả báo lành ở tương lai, là người khác sẽ trợ niệm lại cho mình được chính niệm vãng sinh về cõi Phật”
Nhiều người tưởng rằng, ai cũng có thể đi hộ niệm, ai cũng có thể làm trưởng ban hộ niệm. Thực tế “Người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn vãng sinh, không được hộ niệm”. Đó là nguyên tắc trong việc đưa người vào ban Hộ niệm mà Ân Quang Đại Sự đã nói. Nhất là đối với người được giao trọng trách làm trưởng Ban hộ niệm.
Khi đi vào thực tế chúng ta sẽ thấy trưởng Ban hộ niệm quan trọng đến như thế nào. Nếu họ không có đầu óc tổ chức điều hành, căn lành lớn và tâm trong sáng thì không thể hiểu được những vướng mắc của người ra đi cần phải buông bỏ, càng không thể điều đình với các oan gia trái chủ đến đòi nợ. Xin được tán thán công đức các Ban hộ niệm, Trưởng Ban hộ niệm đã hết lòng hết sức đưa các chúng sinh về thế giới Tây Phương Cực lạc.
Vì sao trong khi khi hộ niệm chỉ cần 4 chữ A Di Đà Phật là đủ. Ngài Ấn Quang Đại Sư nói: “Bắt đầu thì niệm vài câu sáu chữ; rồi sau đó chỉ niệm bốn chữ A Di Ðà Phật. Do ít chữ dễ niệm nên bịnh nhân sẽ để tâm niệm theo hoặc nhiếp tâm lắng nghe, đều tốn ít tâm lực. Quyến thuộc trong nhà niệm như vậy mà thỉnh thiện hữu ở ngoài đến cũng niệm như vậy. Nhiều người hay ít người đều phải niệm như thế, chẳng nên niệm một chốc, lại nghỉ một chốc rồi mới lại niệm tiếp khiến bệnh nhân niệm Phật gián đoạn. Như lúc bệnh nhân sắp tắt hơi thì cả ba ban cùng niệm cho đến tận sau khi đã tắt hơi hẳn rồi mới lại chia ba ban niệm suốt ba tiếng đồng hồ nữa (niệm càng nhiều càng tốt). Sau đấy, mới lo liệu, sắp đặt mọi việc”.
Tôi đã đi hộ niệm một số lần. Khá vất vả, đêm khua sớm tối nhưng công việc của người hộ niệm thật sự không cần đến các tăng sĩ ở chùa. Chỉ trừ khi quy y Tam bảo cho người sắp mất. Mỗi khi các nhà sư đến, Ban hộ niệm rất cung kính giống như khi lên chùa vậy. Mọi người trong Ban hộ niệm chỉ nghĩ làm sao cho người mình hộ niệm được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Giây phút hồi hộp nhất là khi trưởng Ban hộ niệm xin phép được rờ vào người của vong linh.
Nếu sau khi hộ niệm, thân họ mềm mại, sắc mặt trang nghiêm, còn ấm nơi đỉnh đầu là họ vãng sinh được, chúng tôi vui mừng đến muốn khóc, cảm thấy mình tinh tấn hẳn lên. Nều sau khi niệm không có được kết quả đó thì nỗi buồn khó che dấu trên khuôn mặt của mọi người.
Qua những điều phân tích ở trên ta thấy, nếu cho rằng, việc hình thành các đạo tràng hộ niệm là loại tăng ra khỏi Tam bảo là không đúng. Chúng ta có quá khắt khe khi nhìn những công việc của các Ban hộ niệm đang làm hiện nay không ?
Việc các đạo tràng Ban hộ niệm được thành lập trên thực tế chỉ là hình thành thêm những rễ cây phát triển lan toả trên mặt đất tiếp sức cho cây cổ thụ Phật giáo ngày càng ăn sâu, bám rễ trong lòng quần chúng nhân dân.
Tất nhiên khi một cái mới ra đời không tránh khỏi những tiêu cực sai xót. Nhưng chúng ta cần phải nhìn vào bản chất của vấn đề. Kính mong bạn đọc và các vị chư Tăng có cái nhìn thông cảm và thấu rõ hơn.
Nam Mô A Di Đà Phật !