Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Cảm niệm Bồ tát Thích Quảng Đức

Cảm niệm Bồ tát Thích Quảng Đức

401

 

Cảm niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong bài “Lửa từ bi” đã viết:

“…Sáu ngã luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay

Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió

Người siêu thăng …giông bão lắng từ đây…”

Trong Hồi ký đặc biệt “Vụ tự thiêu Hòa thượng Thích Quảng Đức” của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp có đoạn ghi:

“Tôi (Thích Đức Nghiệp)  đi bên cạnh xe của Hòa thượng. Khi xe ngừng lại, Hòa thượng bước xuống, tôi trao tay Hòa thượng bao quẹt và bao diêm để Hòa thượng tự bật lửa thiêu.

Bùng cháy! Ngọn lửa ngất trời! Không thể nào tả xiết nổi bàng hoàng của tất cả Tăng Ni và những người đức xung quanh! Lệ rơi! Tiếng khóc vang lên!

Lập tức, tôi yêu cầu hai mươi vị Tăng, Ni ra nằm chặn ở bốn đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào nơi thiêu của Hòa thượng Quảng Đức. Biết rằng trong lúc tự thiêu này có cả Simon Michaud, đại diện hảng thông tấn AFP của Pháp, Malcome Browne đại diện AP của Mỹ và Neel Shihanm đại diện UPI; đều chứng kiến tận mắt và xe của Đại tướng Hakins Mỹ cũng tới chỗ hỏa thiêu này.


Sau 30 phút, nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo. Tới cổng chùa Ông Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất bên cạnh nhục thân của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giàng. Rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ tát đã thiêu thân. Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều kính cẩn đưa tin tự thiêu này.”

Sự kiện đã xảy ra vào lúc 9 giờ ngày 11.6.1963 (20-4 nhuận năm Quý Mão) cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng bây giờ đọc lại đoạn hồi ký chúng ta không khỏi bàng hoàng, ngâm ngùi, kính phục…Đặc biệt với những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Khánh Hòa, vùng đất địa linh sinh nhân kiệt, nơi quê hương của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Năm nay, kỷ niệm 51 năm, ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân lật lại trang sử về Bồ tát Thích Quảng Đức, mỗi người chúng ta càng thêm tự hào về quê hương, đất nước và con người Khánh Hòa.

“Khánh Hòa là xứ Trầm Hương,

Non cao biển rộng người thương đi về.”

Điểm ưu việt bậc nhất của Khánh Hòa nổi tiếng là xứ Trầm Hương. Đặc biệt Trầm hương, kỳ nam có nhiều nhất và chất lương tốt nhất vẫn nằm ở địa bàn hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, nơi sinh trưởng và hành đạo lâu năm nhất đối với Bồ tát Quảng Đức.



Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Thân phụ là cụ ông Lâm Hữu Ứng và thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Nương.

Năm lên bảy, Hòa thượng xuất gia tu học với Hoà thượng Thích Hoằng Thâm, thuộc thiền tông Lâm tế Chúc Thánh, trụ trì chùa Long Sơn (Vạn Ninh) vừa là Thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Ngài được Hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con, nên đổi tên là Nguyễn văn Khiết, pháp danh Thị Thủy.
Năm mười lăm tuổi Ngài thọ giới Sa Di. Năm hai mươi tuổi thọ Tỳ Kheo giới và được bổn sư phú pháp tự Hành Pháp hiệu Quảng Đức.

Sau khi Hòa thượng Thích Hoàng Thâm viên tịch (1921), năm 1925 Ngài cầu pháp với Tổ Phước Tường, trụ trì Tổ đình Thiên Bửu (thượng), thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng (Ninh Hòa),

Trong những năm tu học và hành đạo tại Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa) Ngài đã nhập thất tu ba năm trên núi Đất (Ninh Hòa), khai sơn chùa Thiên Lộc (Núi Đất) thôn Mỹ Trạch, phường Ninh Hà. Nhập thất tại chùa Sắc tứ Thiên Ân (Ninh Hòa)

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng Thích Phước Huệ (Hải Đức) mời Ngài Chứng minh đạo sư Chi hội Ninh Hòa.

Năm 1933 Ngài trùng tu chùa Thiên Ân, thôn Phước Thuận, xã Ninh Đông (Ninh Hòa).

Năm 1935, Ngài được thỉnh làm Kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó Hòa thượng nhận nhiệm vụ Kiểm tăng tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1939, Ngài trụ trì chùa Tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh). Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài đã kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa.

Năm  1943, Ngài rời Khánh Hòa vào miền Nam, Hòa thượng hành đạo khắp các tỉnh thành như Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Hà Tiên. Ngài cũng từng sang Nam Vang lưu trú ba năm vừa giáo hóa các Phật tử kiều bào, vừa nghiên cứu kinh điển Pali và Phật giáo Nam Tông.

Ở miền Nam, Ngài đã lưu trú tại chùa Long Vĩnh (quận 3, Sài Gòn) một thời gian dài, nên dân chúng quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh. Ngài còn có đạo hiệu là Thích Giác Tánh.

Năm 1953, Ngài được thỉnh giữ chức Phó Trị sự và Trưởng Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Nam Việt, đồng thời nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt.

Năm 1958, khi trụ sở của hội dời về chùa Xá Lợi, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu và với bổn nguyện “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, Ngài xin thôi mọi chức vụ để có thì giờ an tâm tu niệm.


Tuy nhiên với lòng từ bi, Ngài vẫn để cho gót chân vân du hành đạo ghi dấu nhiều nơi, khi thì chùa Quan Thế Âm, (Gia Định), lúc lại về chùa Long Phước, xã Linh Quang, Ninh Hòa (Khánh Hòa) dùng mọi phương tiện thích ứng hướng dẫn hậu sinh mê mờ quay về chánh đạo.

Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Hòa thượng đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Chùa cuối cùng Ngài trụ trì là chùa Quan Thế Âm, tại Gia Định, thành phố Sài Gòn.

Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưởng, bình đẳng tôn giáo, tuy tuổi đã già Ngài vẫn tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở đài Phát thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, phật tử bị  bắt bớ khắp nơi. Để thức tỉnh Ngô Đình Diệm và tập đoàn của ông đang đắm chìm trong vô minh, sớm thỏa mãn 5 nguyrnj vọng của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy của đấu tranh đòi hỏi tự do tín ngưởng cho Phật tử Việt Nam là chính đáng, Ngài đã phát nguyện tự thiêu…


Trong cuộc đấu tranh Phật giáo chống chính sách kỳ thi tôn giáo và gia đình trị của chế độ Ngô Đình Diệm vào mùa Phật đản 1963, là thời kỳ sôi nổi nhất. Hòa thượng Thích Quảng Đức về ngụ tại chùa Ấn Quang để tiện tham gia cuộc tranh đấu…

Ngày 30.5.1963, Hòa thượng tham gia cuộc biểu tình tại công trường Lam Sơn trước Quốc hội, tới 17 giờ về chùa Xá Lợi dự cuộc tuyệt thực. Dịp này Hòa thượng Thích Quảng Đức trình lên Uỷ ban Liên pháp Bảo vệ Phật giáo một bức tâm thư đề ngày 27.5.1963 xin tình nguyện tự thiêu…

Ngày 10.6.1963, Phật giáo tại Huế đang bị lâm nguy. Sáng ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (11.6.1963) từ một cuộc diễu hành của trên 800 vị Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi, khi đoàn diễu hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng Tháng Tám). Ngài từ trên xe bước xuống,  tự tẩm xăng ướt mấy lớp Cà sa, ngồi kiết già xuống mặt đường, tự châm lửa giữa hàng mấy trăm Tang Ni đang vây quanh chấp tay cầu nguyện. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên chấp tay tĩnh tọa. Sau 3 lần cuối sấp nhục thân của Bồ tát Thích Quảng Đức  đã bật ngữa ra sau đem đến niềm tin thắng lợi  cho cuộc đấu tranh vì đạo pháp  của toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo.

Gần 15 phút sau, lửa tàn, và Ngài ngã xuống tay vẫn còn quyết ấn tam muội. Nhục thân của Ngài được đưa vào lò điện thiêu 4.000 độ, xương thịt cháy tiêu hết. Duy chỉ có trái tim của Ngài vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy.

Ngọn lửa thiêu với sức nóng hàng ngàn độ đã không đốt cháy được trái tim kim cương bất hoại của Bồ tát vị pháp thiêu thân. Ngọn lửa Quảng Đức không chỉ làm chấn động lương tâm nhân loại trên khắp thế giới mà còn đốt luôn một chế độ độc tài, bất công, thối nát, đã cai trị miền Nam suốt chín năm khiến người dân phải sống trong quằn quại, đau thương, tủi nhục.


Hạnh nguyện vị pháp thiêu thân phi phàm của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu…Sự hy sinh vì đạo của Ngài đã làm cho chế dộ Ngô  Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi các đối phó với Phật giáo đang cuồn cuộn như sóng thần. Kết quả là ngày 01.11.1963 chế độ độc tài gia đình trị của học Ngô sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát qua một pháp nạn.

 Trái tim bất diệt Bồ tát Quảng Đức là một chức minh cụ thể cho tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình, tự do, bình đẳng nhưng cũng anh daungx kiên cường bất khuất trước cường quyền độc tài và áp bức. Trái tim bất diệt đã trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu trnh cho tự do, bình đẳng, hòa bình hạnh phúc nhân sinh.

 

Trí BửuTưởng niệm  51 năm Bổ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

(20-4 nhuận Quý Mão, 1963 – 20-4-Giáp Ngọ, 2014)