Cứ nhắc đến một trong những ngày lễ lớn của Tông môn thì những người con Phật không thể không nhớ tới ngày lễ Phật đản. Có lẽ mọi người cũng đã quen chúc nhau, nguyện cầu ai ai cũng có một “mùa Phật đản” an lạc, bởi lẽ “một ngày” đâu thể bày tỏ hết tấm lòng thành kính, biết ơn và mừng vui của chúng con với một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt đến như vậy.
“Mùa Phật đản” là mùa của lòng tri ân, là mùa “hoa ưu đàm nở”, là dịp để bày tỏ lòng cảm tạ sâu sắc đối với một bậc giác ngộ sinh ra trong cuộc đời là để vì cuộc đời.
Trong suy nghĩ của những người khác nhau thì ngày lễ Phật đản lại có những ý nghĩa khác nhau. Có người coi đây là sự kiện trọng đại nhất của Phật giáo, quả thật, sự kiện Đức Phật sinh ra là một hiện tượng hiếm có trên đời, như hoa ưu đàm ba nghìn năm mới nở một lần để báo hiệu vị cứu tinh của con người và muôn loài đã đến để giải thoát cho chúng sinh. Ngài sinh ra đã là biểu tượng cao cả của mọi vẻ đẹp, sinh ra đã bước đi trên 7 đóa sen, sinh ra đã được mọi lời chúc tụng đón chào hân hoan của chư thiên và vạn vật.Còn đối với tôi, sự kiện đức Phật ra đời lại có một ý nghĩa đặc biệt khác, chứa đựng một bài pháp không lời nhưng thấm thía vô cùng.
Có thể chúng ta đều cho rằng một bậc vĩ nhân thì cũng phải được sinh ra theo một cách phi thường nhưng nếu bỏ đi lớp vỏ màu mè thêu dệt nên bởi trí tưởng tượng và lòng ngưỡng mộ thì tôi nhận ra rằng sự kiện đức Phật đản sinh là một minh chứng rất rõ ràng rằng Ngài không phải là một vị thần thánh, ngài không xuất hiện bởi bất kì phép màu nào, ngược lại, ngài cũng là một con người được sinh ra theo cách bình thường như chúng ta, có một người cha, người mẹ bẳng xương bằng thịt và cũng lớn lên thông thường như bao đứa trẻ khác biết khóc, biết cười. Điều ấy kéo hình ảnh của Phật gần với chúng ta hơn và an ủi chúng ta rằng thì ra Phật và chúng ta vẫn có những điểm chung đấy chứ, Phật đâu quá xa vời và chỉ có thể giống như một hình ảnh để bái bạch và ngưỡng vọng.
Và điều ấy càng thôi thúc chúng ta tu tập vì chính chúng ta cũng là những vị Phật trong tương lai đó thôi.
Trước khi đến tập tu ở thiền viện Sùng Phúc, tôi không quan tâm nhiều đến ngày lễ Phật đản, coi đó chỉ như một ngày lễ tôn giáo như bao ngày lễ khác, nhưng khi được tham gia buổi lễ này, tôi mới thấy được phần nào ý nghĩa của nó.
Hôm đó là một ngày trời đẹp và mát mẻ. Những đoàn người nô nức kéo về tham dự buổi lễ, nhìn ai cũng toát lên vẻ hân hoan, phấn khởi, chẳng mấy chốc mà cả Thiền đường, Tổ đường, Chánh điện, các dãy hành lang đều chật kín không còn chỗ trống.
Buổi lễ bắt đầu với những bài hát mừng nhân ngày Phật đản đã được chuẩn bị công phu bởi đoàn thanh thiếu niên Phật tử Trần Thái Tông, sau đó là những lời căn dặn về tinh thần hòa hợp giữa đời và đạo, tinh thần đoàn kết trong Phật giáo trên toàn nước và trên cả thế giới của giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tiếp theo là một phút “quán từ bi” hùng tráng khi hàng trăm người, hàng nghìn người cùng yên lặng hướng về tâm Phật trong mình để lòng từ bi được trải rộng khắp nơi nơi.
Thầy trụ trì cũng ban bố những lời sách tấn mọi người tu học, noi theo tấm gương của Đức Phật để Tâm Bồ Đề luôn kiên cố, chí tu học luôn vững bền.
Vâng lời thầy, chúng con nguyện sẽ cố gắng tu học để xứng đáng với tinh thần của một người con Phật, xứng đáng với công sức dìu dắt chỉ bảo tận tình của các Thầy, Sư cô trong Thiền viện.
Kế đến là 10 phút ngồi thiền đầy ý nghĩa trong ngày lễ Phật đản, một không khí yên lặng, thanh tịnh bao trùm cả thiền viện, muôn người như một, tất cả dường như chỉ còn tiếng chim hót và tiếng chuông gió trên lầu cao vọng xuống khắp nơi. 10 phút tuy ngắn ngủi nhưng giống như chiếc cầu nối nhắc nhở mọi người đừng vì những nghi thức tôn giáo bên ngoài mà quên mất đi cái gốc, cái bản tâm yên tịnh và hơi thở chánh niệm trong mỗi con người.
Thiền định là một trong những con đường an lạc giúp chúng ta giữ được sự vững chãi và tiến xa hơn trên con đường tu học. Cuối cùng là buổi lễ tụng về cuộc đời đức Phật cũng như những lời phát nguyện được hàng nghìn người cùng đọc lên thật trang nghiêm, hào sảng.
Dòng người nối tiếp nhau trong sự thành kính, trang nghiêm để thực hiện nghi lễ tắm Phật như một cách để gột rửa những ô nhiễm, bất tịnh ngay trong chính nội tâm của mình và cùng nguyện cầu cho nơi nơi ai ai cũng được hưởng một mùa Phật đản với niềm vui trọn vẹn.
Chúng con xin đỉnh lễ Đức Thế Tôn và nguyện xin đem trọn cuộc đời đi theo bước chân Người, xa bể khổ vô minh, tìm về nơi giấc ngộ!
Mùa Phật đản PL. 2556, Chơn Ngọc Hải