Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Cảm nghĩ về “Ngọn Lửa Thích Quảng Đức” cách đây 50 năm

Cảm nghĩ về “Ngọn Lửa Thích Quảng Đức” cách đây 50 năm

256

Cuộc đấu tranh của Phật Giáo bắt nguồn từ công văn số 9195 gửi đi từ  Phủ Tổng Thống do Ngô Đình Diệm ký ngày 6/5/1963 ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo nhân Lễ Phật Đản tại Huế.  Trước đó lễ ngân khánh của Giám Mục Ngô Đình Thục cờ Thiên Chúa Giáo (cờ Vatican) treo đầy đường thì được. Còn cờ Phật Giáo treo nhân Ngày Phật Đản thì bị cảnh sát gỡ xuống.

Hành động này khiến Phật Giáo đồ Huế hoang mang, bất mãn vì nó bày tỏ chính sách kỳ thị tôn giáo rõ ràng.

Rồi cuộc thảm sát tám thanh thiếu niên Phật tử tại Đài Phát Thanh ngày 8/5/1963 đã khiến Phật tử – từ hoang mang, bất mãn trở nên kinh hoàng và phẫn uất và cuộc đấu tranh của Huế bắt đầu.

Cuộc thảm sát này được bác sĩ Ðức Erich Wulff  lúc đó đang dạy tại trường Ðại Học Y Khoa Huế mô tả rất kỹ trong cuốn hồi ký mang tên “Vietnamesische Lehrjahre” (Những năm dạy học tại Việt Nam 1961-1967)

Khi những tin tức  về cuộc triệt hạ cờ Phật Giáo và thảm sát tại Huế được đưa vào Sài Gòn thì cuộc đấu tranh lan tỏa ra cả nước với khí thế không ai tưởng tượng nổi. Do nhu cầu kết hợp đấu tranh, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra đời ngày 25/5/1963 tại Chùa Ấn Quang với Tuyên Ngôn 5 điểm trong đó yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm:

1.      “Thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật Giáo”

2.      “Phật Giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Đạo Dụ số 10”

3.      “Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật Giáo.”

4.      “Yêu cầu cho tăng, tín đồ Phật Giáo được tự do truyền đạo và hành đạo”

5.      “Yêu cầu chính phủ bồi thường một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.”

Thay vì thực tâm giải quyết vấn đề, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục dùng thủ đoạn đàn áp, chụp mũ, gây chia rẽ, “cho mật vụ tới các chùa canh chừng, dò xét, hăm dọa, theo dõi và khủng bố” (Sách Phật Giáo Tranh Đấu của Thanh Thương Hoàng Xb năm 1963).

Còn nhà báo Vũ Bằng trong cuốn hồi ký “ Bốn Mươi Năm Nói Láo” viết, “ Nhà họ Ngô khát máu tiếp tục thi hành chính sách cường hào ác bá, giết kỳ hết những người phản đối họ.”

Tới mức này thì sinh viên Huế nhập cuộc trong đó có Trường Đại Học Y Khoa, Trường Đại Học Sư Phạm, Trường Đại Học Văn Khoa, Trường Đại Học Luật Khoa, Trường Đại Học Khoa Học, Viện Hán Học, Trường Cán Sự Y Tế và Điều Dưỡng, Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật và Trường Quốc Gia Âm Nhạc.

Và trong số cả chục ngàn tăng/ni, sinh viên, Gia Đình Phật Tử tranh đấu trên toàn quốc, có một người mà trước đó chưa ai biết tên đã phát nguyện thiêu đốt thân mình – một chuyện hi hữu chưa từng có để “cúng dường chư Phật và để tránh cho Phật Giáo khỏi tiêu vong” (Tài liệu Phật Giáo) tự tay viết Lời Tâm Huyết để lại trong đó có đoạn thống thiết như sau, “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.” (Tài liệu Phật Giáo)

Vào lúc 10 giờ trưa ngày 11/ 6/1963 khi chiếc xe Austin chết máy ngừng lại giữa ngã tư Phan Đình Phùng & Lê Văn Duyệt, một vị sư đĩnh đạc bước xuống. Ngài ung dung  ngồi xuống tấm nệm giữa lòng đường. Áo ngài đã được tẩm săng. Một vị sư trẻ bước tới đổ thêm săng trên đầu ngài và ngài bình tĩnh bật lửa.

Lúc này 500 tăng ni đứng vây quanh vẫn chưa hiểu chuyện gì. Nhưng khi ngọn lửa bùng lên mà ngài vẫn ngồi tĩnh tọa như một pho tượng  thì tất cả đều kinh ngạc không tin vào mắt mình.

Rồi từ kinh ngạc tới bàng hoàng, rồi từ bàng hoàng tới xúc động và òa lên khóc. Người ta quỳ xuống vái lậy ngài như vái lậy một thiên thần, một vị a-la-hán, một bồ tát và một vị Phật, một siêu nhân.

Trong phút giây quá bất ngờ và xúc động mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương gọi là “Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác” hoàn toàn ngưng đọng và bi thống đó, có một người đang âm thầm làm nhiệm vụ của mình.

Đó là nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Malcolm Browne – trong một phút giây tuyệt vời đã ghi lại một biến cố lịch sử có tầm vóc thế  kỷ. Khi tấm ảnh xuất hiện trên trang nhất các báo lớn ở Mỹ ngày hôm sau, đã gây chấn động trong chính quyền và nhân dân Mỹ.

Cầm tờ báo trên tay, tài liệu Tòa Bạch Ốc ghi lại rằng Tổng Thống Kennedy rùng mình và nói với các cố vấn thân cận, “ We have to do something to this regime.” (Chúng ta phải làm một cái gì đó đối với chế độ này)  tức Ngô Đình Diệm.

Sau đó tin tức và hình ảnh đã lan ra khắp thế giới làm chấn động lương tâm nhân loại. Nhờ tấm hình này mà Malcolm Browne đã đoạt  giải thưởng Pulit zer còn  nhà báo David Halberstam, cũng được trao giải thưởng này nhờ bản tường thuật về cuộc tự thiêu.

Malcolm Browne nay không còn nữa. Ông qua đời ngày 27/8/2012 tại New Hampshire thọ 81 tuổi. Xin dành một phút im lặng để tưởng nhớ người ký giả này. Nếu không có ông thì bất quá hình ảnh tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức chỉ phổ biến trong nước chứ không thể lan rộng toàn thế giới như thế.

Theo AP thì “Điện thoại gọi đi từ Chùa Xá Lợi tới một số phóng viên có chọn lựa của các hãng thông tấn ngoại quốc cho biết  “Ngay mai, tại nơi đó sẽ có một diễn biến rất quan trọng xảy ra.” Thế nhưng chỉ mình ông có mặt. Thật may mắn thay cho Phật Giáo Việt Nam.

Cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức kéo theo cuộc tự thiêu của sáu chư tăng ni khác, đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh. Hầu như toàn thể dân chúng Sài Gòn và Huế để tang ngài như để tang cha mẹ mình.

Giờ đây cuộc tranh đấu không còn là của quý thầy nữa là trở thành cuộc đấu tranh của quần chúng.

Sau gần một thế kỷ dưới ách thực dân, rồi qua bảy năm dưới chế độ “quốc gia” của Bảo Đại và chín năm dưới chế độ gia đình trị – Phật Giáo như một thân cây khô héo bị vùi dập – tưởng đã chết – nay gặp tiết xuân bỗng đâm chồi nảy lộc và hồi sinh – chuyện không thể tưởng tượng nổi.

Có thể nói mọi tầng lớp đều tham gia cuộc đấu tranh. Hăng say nhất là tầng lớp học sinh, thanh niên, sinh viên. Hầu hết các trường học, đại học đều tự động bãi khóa và xuống đường biểu tình liên tục. Rồi thành phần lao động đình công, bãi thị. Dễ thương nhất là quý bà, các  mẹ, các chị – nhất là chị em ở Chợ Bến Thành. Cứ nhìn vào hình ảnh  đấu tranh còn lưu lại ngày hôm nay thì mới thấy công lao của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn này.

Trong một cuộc phỏng vấn Malcolm Browne đã nói như sau “Ngay lập tức, những cuộc biểu tình khổng lồ xuất hiện, không phải chỉ giới hạn trong hàng ngũ tăng ni mà còn lôi kéo số lượng lớn lao người dân bình thường ở Sài Gòn.” (AP) Bạo quyền dù giở biết bao thủ đoạn tàn độc cũng không sao đàn áp nổi. Mà càng đàn áp thì thế giới lại càng lên án khiến chính phủ Mỹ vô cùng lúng túng. Chính vì thế mà Ngô Đình Diệm đã phải ra lệnh họp với Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo để ký kết Thông Cáo Chung vào ngày 16/6/1963, tạm thời thỏa mãn những đòi hỏi của Phật Giáo mà đại diện chính quyền gồm có Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ Trưởng Phủ Tướng Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn Lương. Và chính tay Ngô Đình Diệm đã phó thự tức “endorse” vào bản văn này.

Thế nhưng đây chỉ là kế hoãn binh. Sau Bản Thông Cáo Chung, bạo quyền tiếp tục phong tỏa chùa chiền, khủng bố, bắt bớ tăng ni, Phật tử, đồng thời tổ chức những cuộc biểu tình của thương phế binh để bôi lọ các thầy, ép dân chúng ở các thôn xã viết kiến nghị yêu cầu tổng thống xét lại Bản Thông Cáo Chung, lên án Phật Giáo, cho thành lập Giáo Hội Cổ Sơn Môn để chia rẽ Phật Giáo.

Cao Xuân Vỹ – Tổng Giám Đốc Thanh Niên dự định tổ chức một cuộc biểu tình đại quy mô của Thanh Niên, Thanh Nữ Cộng Hòa để yêu cầu tổng thống xét lại và chờ lệnh phản công.

Cao điểm của chiến dịch đàn áp là cuộc tấn công vào Chùa Xá Lợi – trung tâm, đầu não của cuộc đấu tranh của Phật Giáo nửa đêm ngày 20/8/1963 bắt đi tất cả tăng ni, kể cả Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết.

Thế nhưng số phận của bạo quyền đã an bài. Chỉ hơn hai tháng sau, vào ngày 1/11/1963 giữa không khí căng thẳng, u ám, nghẹt thở  và trông chờ của Sài Gòn, quân đội đã đứng lên làm cuộc đảo chính, lật đổ chế độ độc tài gia đình trị đã gây tang tóc cho người dân suốt chín năm trời.

Cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức cho chúng ta thấy Đại Hùng, Đại Lực, Đại Trí, Đại Từ và Đại Bi của Phật Giáo là có thật. Nó không phải là phép mầu của thần linh mà là sự tu chứng bản thân.

– Đại hùng là không sợ chết, ung dung, tự tại hy sinh mạng sống của mình.

– Đại lực là vượt qua sự đau đớn của thế xác mà chỉ bậc đại định mới có thể làm được.

– Đại trí là – nếu mình không chịu hy sinh thì đại cuộc không thành. Lúc đó tăng ni chỉ còn cách trốn qua Cao Miên để sống và Phật Giáo chắc chắn sẽ diệt vong.

– Đại từ, đại bi là không hề oán hận mà còn chúc lành cho kẻ đang bách hại mình và tôn giáo của mình. Chỉ có bậc đại giác nói trắng ra chỉ có Phật Giáo mới có thể làm được chuyện đó.

Nửa thế kỷ đã qua đi. Theo luật vô thường, những biến cố chính trị lớn lao của Miền Nam rồi cũng dần dần đi vào quên lãng theo ngôn ngữ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bài thơ Lửa Từ Bi:

“Ngọc đá cũng thành tro,

Lụa tre dần mục nát “.

Thế nhưng cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vẫn còn nằm mãi trong ký ức của dân tộc. Nó ghi dấu một giai đoạn bi thương của Phật Giáo Việt Nam nhưng cũng thật hào hùng. Qua đó chúng ta rút ra được hai bài học cho thế hệ mai sau.

Thứ nhất: Phật Giáo là máu thịt, là linh hồn của dân tộc. Qua mấy ngàn năm, lịch sử chứng tỏ Phật Giáo không có tham vọng gì ngoài việc tu chứng bản thân, nguyện cầu cho ‘quốc thái dân an”, mọi người sống trong tinh thần thương yêu đùm bọc lẫn nhau “chín bỏ làm mười” và gìn gữ di sản của cha ông để lại. Cái linh hồn đó, cái mạch sống đó đã thấm sâu vào gốc cây đa đầu làng, giếng nước đầu đình, bờ kinh thửa ruộng, làng quê, phảng phất trong làn khói lam chiều mờ tỏa, quyện vào câu hò Miền Trung, tiếng hát quan họ Bắc Ninh, tiếng Vọng Cổ u buồn của Miền Nam, thể hiện qua cách ăn cách ở lễ Tết của người dân, ghi đậm vào văn học sử và vào lịch sử oai hùng của dân tộc qua các triều đại Đinh-Lê- Lý-Trần. Nói khác đi, Phật Giáo là bản sắc Việt Nam. Nếu bản sắc ấy mất đi thì 4000 ngàn năm văn hiến và 4000 năm lịch sử cũng lần hồi biến dạng rồi bị chôn vùi theo.

Thứ hai: Tôn chỉ của Phật Giáo là Từ Bi, Hỉ Xả. Vậy trong tương lai, nếu phải đấu tranh cho sự tồn vong của Phật Giáo thì phải đấu tranh trong tinh thần bất bạo động như các vị tiền bối năm 1963 đã làm. Điều đó có nghĩa là chúng ta chấp nhận hi sinh nhưng không được xử dụng bạo lực, kỳ thị, kích động hận thù, đốt phá, giết chóc, lật đổ, đánh bom hay bom tự sát và không được làm tổn hại tới sinh mệnh, tài sản của đối tượng mà chúng ta đang tranh đấu.

Trong tinh thần đó, giống như lời nguyện cầu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, dù “vần điệu của thi nhân chỉ là rơm rác” nhưng chúng ta cùng:

Tụng cho nhân loại hòa bình.

Trước sau bền vững tình huynh đệ này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Đào Văn Bình

(Nhân Lễ Tưởng Niệm 50 Năm  HT. Thích Quảng Đức Tự Thiêu – 15/6/2013 tại Chùa Quảng Đức San Jose, California)