Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Cái then gài cửa

Cái then gài cửa

110

Nghe mọi người không ngớt lời ca ngợi nữ chủ, Kali thầm nghĩ: “Chủ ta tiếng lành đồn khắp, không rõ do nữ chủ không có nội sân hay do ta quá cẩn thận, chu toàn, khiến nội sân nữ chủ không có cơ hội tỏ lộ? Vậy ta hãy thử một phen xem sao!”.

Sáng hôm sau, Kali cố tình ngủ dậy thật trễ. Vedehika thấy vậy, gọi: “Này, Kali!”. “Thưa nữ chủ, có việc gì?”. “Sao hôm nay ngươi dậy trễ vậy?”. “Thưa nữ chủ, có gì đâu!”. “Thật sự không có gì à? Ác nữ tì kia, hôm nay ngươi dậy trễ!”, nữ chủ phẫn nộ, bất mãn, trừng mắt.

Kali nghĩ: “Chủ ta có nội sân chứ không phải không có. Do ta quá chu toàn nên nội sân cô ấy không tỏ lộ. Ta hãy thử nữa xem sao!”.

Hôm sau, Kali dậy trễ hơn nữa. Vedehika lại giận dữ, phẫn nộ, thốt lên những lời bất mãn, và sự cay nghiệt có phần nhiều hơn hôm trước.

Một lần nữa, Kali khẳng định suy nghĩ của mình về nội sân của nữ chủ là hoàn toàn chính xác. Rồi cô quyết định thử thêm lần nữa.

Hôm sau, Kali thức dậy còn trễ hơn cả hôm trước. Vedehika lại gọi: “Này, Kali!”. “Thưa nữ chủ, có việc gì?”. “Sao hôm nay ngươi dậy trễ vậy?”. “Thưa nữ chủ, có gì đâu!”. “Thật sự không có gì à? Ác nữ tì kia, hôm nay ngươi dậy trễ!”. Rồi sự phẫn nộ bùng lên dữ dội, không kiềm chế được, Vedehika vớ ngay lấy cái then cài cửa, đánh mạnh lên đầu nữ tì, khiến Kali bị lổ đầu, chảy máu lênh láng.

Với cái đầu đầy máu, Kali liền chạy đi kể với láng giềng: “Hãy xem việc làm của nữ chủ hiền thục, nhu thuận, ôn hòa của tôi đây này!".

Sau một thời gian, không còn ai ca ngợi Vedehika nữa. Mọi người nói với nhau rằng: “Nữ chủ Vedehika độc ác! Nữ chủ Vedehika không nhu thuận! Nữ chủ Vedehika không ôn hòa!”.

(Theo kinh Trung bộ, tập I, kinh Ví dụ cái cưa – Kakacupamasutta. HT. Thích Minh Châu Việt dịch)

Bàn thêm:

Duyên khởi ẩn dụ trên là từ câu chuyện của Tỷ kheo Moliya Phagguna sống liên hệ, thân cận với các Tỷ kheo ni quá độ, hễ nghe ai nói xấu các Tỷ kheo ni này là tôn giả liền phẫn nộ, bất mãn và vấn tội ngay.

Đức Phật cho gọi Phagguna đến, dạy rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Phagguna cũng đều phải học tập như sau: “Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm! Mong rằng ta sẽ không nói những lời ác ngữ! Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận!”.

Câu chuyện trên hẳn nhiên chỉ là một ẩn dụ, vì trên thực tế, có lẽ không một nữ tì nào dám thử thách, làm cho khơi dậy nội sân của chủ mình như thế – cái then cài cửa sẽ giáng xuống đầu đến đổ máu là điều không tránh khỏi. Bởi, một khi còn là chúng sanh, không ai không có những nội sân ẩn sâu trong tâm thức ô nhiễm của mình; và dù khéo che đậy đến đâu, hễ có cơ hội, nội sân này sẽ khởi phát mạnh mẽ, không dễ gì kiểm soát được.

Do vậy, hàng ngày chúng ta chứng kiến vô số những người trông vẻ ngoài lịch sự, có học thức, có địa vị, nhưng hễ không hài lòng việc gì là họ đùng đùng nổi giận, đánh mất tất cả nét điềm đạm, hiền lành vốn có. Báo chí cũng đăng tải đầy dẫy những vụ án mạng xảy ra do những nguyên nhân cỏn con như bị mất một con gà, bị nợ dăm ba điếu thuốc, hay chỉ vì một vụ va quẹt vô tình… Kết cục ấy cũng đều bắt nguồn từ việc nội sân bùng vỡ như đã nói ở trên.

Ngay đối với những người tu hành, nếu không chánh niệm tỉnh giác, nội sân của họ cũng sẽ khởi phát mạnh mẽ không kém những người thế tục. Trong trường hợp này, Đức Phật dạy rằng: “Người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục vọng, vậy mà giận dữ thì thật bất đáng; không khác gì giữa bầu trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa là điều không thích hợp” (Kinh Di giáo).

Đức Phật nói thêm: “Ở đây, Tỷ kheo hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa trong khi chưa bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm. Và chư Tỷ kheo, chỉ khi nào Tỷ kheo bị những lời nói bất khả ý, xúc phạm, khi ấy vị ấy mới xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa” (Kinh Ví dụ cái cưa, Trung bộ I).

Thực tế, trong cuộc sống, chúng ta không dễ gì tìm được một nữ tì nào chu đáo, cẩn thận như Kali. Và đặc biệt, chúng ta không thể dàn xếp cuộc sống đúng theo ý thích của mình. Một điều trái ý bất ngờ xảy ra, thế là chúng ta lập tức giận dữ, bất mãn. Giận dữ là một thứ kết sử, một hạt giống được chúng ta gieo trồng hầu như trong mỗi sát na qua nhiều đời nhiều kiếp nên không thể dùng ý thức để che giấu hay kiểm soát. Chúng ta phải thực tập quán niệm để nhận rõ và để làm suy yếu những hạt giống ấy khi chúng nảy mầm và lớn mạnh lên trên bề mặt tâm thức. Chúng ta phải học tập phương pháp làm chủ thân – tâm thông qua các pháp môn hành trì, như thiền quán. Chúng ta phải tự chuyển hóa nội tâm, tự thay đổi để bảo vệ mình khỏi những sự giận dữ thay vì mong muốn hoàn cảnh xoay chuyển theo ý tưởng cá nhân.

Một câu chuyện cổ kể rằng, vị vua nọ, sau khi võng lọng kinh lý qua các nẻo thôn quê, thấy người dân cực khổ vì đầu trần chân đất, thương quá mà không biết làm gì, bèn ra lệnh cho trải thảm khắp các nẻo đường để người dân khỏi giẫm nhằm gai góc. Một vị hiền nhân bèn thưa rằng, mong muốn của vua là điều bất khả, chi bằng vua hãy ban tặng mỗi người một đôi giày; với đôi giày ấy, người dân khỏi bị đau chân mà cũng không quá tốn kém!

Thiền sư Goenka cũng ví dụ: “Giả thử tôi mướn một thư ký riêng để khi nào sân hận nổi lên, người thư ký nói với tôi: ‘Coi kìa, sân hận đã bắt đầu’. Bởi vì tôi không biết khi nào sân hận xảy ra, tôi phải mướn đủ thư ký cho ba ca. Nếu tôi có khả năng làm thư thế, và khi sân hận nổi lên, lập tức người thư ký báo cho tôi: ‘Coi kìa, sân hận đã bắt đầu’. Việc đầu tiên tôi làm là mắng người thư ký: ‘Đồ ngốc, bộ tưởng tôi trả tiền để dạy bảo tôi hả?’. Tôi đã bị sự sân hận chi phối nên sự khuyên bảo không giúp ích gì được”. 

Sân hận, dù ít, vẫn giống như một đốm lửa nhỏ, có thể đốt cháy cả một rừng công đức, nên không thể coi thường.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng biết giữ tâm nhu hòa, nhẫn nhục – như trong một chuyện tiền thân Đức Phật, khi vị ẩn sĩ (Bồ tát) bị nhà vua tàn ác kia ra lệnh đánh đập, lần lượt cắt đứt hai bàn tay, hai bàn chân và giẫm đạp lên ngực, máu chảy lênh láng vẫn không sanh tâm giận dữ (Jataka 313).

Trong nghịch cảnh như thế mới biết đâu là vàng thật!