Trang chủ Văn học Truyện Cái Tết đầu tiên

Cái Tết đầu tiên

218

Thằng bé nhìn hắn với ánh mắt mong đợi, cặp môi mở rộng để lộ hàm răng trắng đều tạo thành một nụ cười xã giao đầy thân thiện: “Đánh giầy nghe đại ca!”.

Hắn đặt tách cà phê đen còn bốc hơi thơm phức, gấp tờ báo đang đọc dở trong tay nhìn thẳng vào đôi mắt to đen trên gương mặt sạm nắng nhưng vẫn sáng lên nét thông minh con trẻ của thằng nhỏ: “Nhìn giầy có bẩn không nhóc?”.

Thằng bé ngó xuống đôi giày da màu nâu sáng còn bóng loáng lớp si đang đưa đi đưa lại như trêu ngươi rồi cười hì hì: “Giày đại ca không bẩn, nhưng em sẽ làm cho nó đẹp hơn”.

Hắn cười sảng khoái: “Thông minh đấy! Buổi sáng thú vị. Khỏi phải đánh, bo 5000 đồng luôn”. Rồi hắn móc ví lấy tiền thưởng cho thằng bé vì đã có công làm cho hắn thấy cuộc sống này còn đôi chút thú vị.

Trong ví chẳng có đồng tiền lẻ nào, hắn rút nhanh tờ 20.000 đồng nhét vào tay nó: “Cầm đi nhóc, anh cho!”.

Vẫn đôi mắt to đen nhìn hắn chân thành, thằng bé quả quyết: “Đại ca, trả lại này”.

Hắn nhếch mép cười: “Nghèo còn sĩ”. Rồi cao giọng: “Sao thế nhóc con? Chê ít hả?”. Thằng bé ngẩng đầu nói với hắn: “Nhiều. Nhưng không phải tiền do em làm ra”.

Nhìn theo cái dáng gầy còm đến tội nghiệp của thằng nhỏ, hắn chợt thấy hổ thẹn cho cái bản ngã của một thằng thanh niên chịu chơi trước một đứa bé con kém hắn gần chục tuổi đời.

Đó là lần đầu tiên hắn và thằng nhỏ gặp nhau. Ấn tượng ban đầu về thằng bé nghèo khổ mà không hề bần tiện khiến hắn nhìn cuộc sống thêm một gam màu mới tươi sáng và rực rỡ hơn.

Trước đây, cuộc sống ngày nào cũng trở về với hắn tẻ ngắt, vô vị như những bức tranh không khối, không màu. Lại đường phố tấp nập ồn ào với những con người vô tâm như quên hết mọi thứ quanh mình. Lại căn nhà rộng thênh thang đầy đủ tiện nghi mà thiếu hụt cái ấm áp của sự quan tâm giản dị đời thường giữa cha mẹ và con cái nhưng lại thừa thãi sự sằng phẳng của đồng tiền. Lại là lũ bạn ham chơi, khi vui thì nói cưởi hỉ hả tớ tớ mình mình, khi buồn chỉ có riêng hắn ném mình trong nỗi cô đơn hoang dại. Hắn thấy ngán ngẩm cảnh sống thừa thãi vật chất mà thiếu thốn những chia sẻ yêu thương cho đến khi gặp thằng bé.

 – Đại ca! Em sắp phải về quê rồi. Tết đến, em nhớ bà quá! Giọng thằng nhỏ buồn buồn, đôi mắt hướng về xa xăm đâu đó nơi không gian vô tận ngoài kia.

Hắn gật gù: Ừ nhỉ, Tết đến nơi rồi. Mà Tết có gì khác ngày thường đâu?

Thằng nhỏ nhìn hắn ngơ ngác. Cái ngơ ngác pha lẫn chút tội nghiệp cho kẻ nó vẫn luôn miệng gọi hai tiếng đại ca.

– Đại ca không biết rồi. Tết là ngày lễ thiêng liêng, trọng đại. Vào những ngày này, ai đi đâu xa cũng sẽ trở về gia đình, quê hương vui vầy, sum họp.

Hắn chạnh lòng nghĩ đến những cái Tết nhạt nhẽo, vô vị của mình. Hai bảy, hai tám Tết, mẹ hắn vội vội vàng vàng vào siêu thị khuân một loạt đồ ăn, quà cáp, không quên mua một tập phong bì to nhất, đẹp nhất về nhà sắp sắp, xếp xếp thành những túi, những hộp quà biếu ông chạy dự án nọ, biếu bà chạy món hời kia.

Cha hắn thì liên miên với những bữa tiệc chiêu đãi, liên hoan cuối năm, gặp mặt đầu xuân …họ quên luôn thằng con trai độc nhất đang cô đơn chán chường vì không biết làm gì để tiêu hết số tiền bố mẹ khoán chi mấy ngày Tết đến.

Hắn quay sang hỏi thằng nhỏ: Tết quê nhóc vui lắm hả? Có gì hay kể cho anh nghe đi!.

Thằng nhỏ mải mê kể về bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào, về lời cầu nguyện của nó phút giao thừa, về nỗi hân hoan hội ngộ và bữa cơm Tết đầm ấm tình cảm gia đình…

Hắn lắng nghe chăm chú, trầm ngâm một hồi rồi đặt câu hỏi không địa chỉ:

– Vậy Tết có ai đi ăn đợ, ở nhờ không nhỉ?

Thằng nhỏ nghiêng ngó cái đầu, chớp chớp con mắt ra chiều suy nghĩ lắm rồi trầm ngâm vẻ chiêm nghiệm, suy tư:

-Đôi khi vì một lý do nào đó người ta cũng phải đến nơi khác ăn Tết.

– Vậy Tết này đại ca về nhà nhóc được không?”

Đôi mắt thằng bé mở to vui tươi nhìn hắn: “Đại ca về thật hả? Vui quá!”.

Rồi bỗng nhiên cặp mi thằng bé chùng xuống giọng buồn buồn:

– Nhưng bố mẹ có đồng ý cho đại ca đi không?

– Ta là người tự do mà!

– Lỡ bố mẹ tìm đại ca thì sao?

– Ta cũng chỉ mong họ có thời gian nghĩ đến điều đó thôi.

– Nhưng nhà đệ nghèo lắm!.

Hắn vỗ vai thằng nhỏ: Điều đó không quan trọng. Đại ca quyết định rồi.

Thằng bé ngoắc tay hắn cam kết. Với thằng bé, việc hắn về chơi dịp Tết này là một niềm vui thật sự. Phải chăng với người nghèo, họ chỉ buồn khi không đủ điều kiện vật chất làm người khác hài lòng. Họ chỉ thiếu một chút may mắn để trở thành người giàu có.

Khái niệm giàu nghèo vì thế khó có thể so sánh chi ly được. Thằng nhỏ nghèo nhưng không thiếu thứ gì ngoài tiền bạc. Còn hắn là kẻ giàu nhưng không có gì khác ngoài những đồng tiền cha mẹ khoán chi. Nếu thế kiếp này hắn xin nguyện được sống cuộc sống của người nghèo để biết nên vứt bỏ hay khát khao những điều thừa – thiếu trong cuộc đời.

Chuyến tàu đêm 28 Tết đưa hắn và thằng nhỏ xa dần thủ đô náo nhiệt để về gần với biển, với cát, với mảnh đất miền Trung đầy gió.

Tàu cập ga Đồng Hới vào buổi sáng sớm. Dòng người chen chúc ba lô, túi xách, mai, đào, tùng, cúc … cũng nhanh chóng rời khỏi sân ga.

Hắn và thằng nhỏ lục tục bắt xe khách về quê. Hắn ngỡ ngàng trước cảnh xóm làng toàn nhà mái lá nằm hiên ngang bên bờ biển thênh thênh gió cuốn.

Thằng nhỏ thoăn thoắt chân sáo nhảy nhót trên đường cát, thi thoảng quay lại với tay hắn kéo đi.

Nó liến thoắng chỉ trỏ vào những ngôi nhà lá đơn sơ giới thiệu nhà họ hàng, cô bác. Đến một ngôi nhà nhỏ nằm quay mặt nhìn ra phía biển có mái lá đã rủ mòn vì mưa nắng lâu ngày, thằng bé đưa tay khẽ đẩy cánh cổng làm bằng những thanh tre đã khô nhuộm đen màu nắng gió cất tiếng gọi mừng rỡ: “Nội ơi, con đã về!”.

Không có tiếng đáp từ. Thằng bé cất giọng to hơn: “Nội ơi, con đã về, nội ơi!”.

Đáp lại tiếng gọi khẩn khoản của thằng bé là giọng cụ già chậm rãi nhưng đầy xúc động: Cu Tít đã về đấy hỉ? Đâu nào, vào nội xem con thế nào nào!”.

Thằng bé chạy ào đến ôm chầm lấy bà cụ mếu máo: “Con nhớ nội quá nội ơi!”.

Bà cụ vỗ về đứa cháu, hai hàng nước mắt ầng ậc trên hai mí mắt nhăn nheo chi chít vết chân chim: “Nội cũng rất nhớ con! Cu Tít gầy và xanh quá hỉ! Qua Tết ở nhà luôn nghe con. Có chết nội cũng không để con trốn đi như rứa nữa”.

Cuộc đoàn viên của hai bà cháu trong căn nhà liêu xiêu khốn khó khiến trái tim hắn bỗng nhiên nóng bừng, phập phồng rung cảm. Mắt hắn hình như ướt đỏ, sống mũi hắn dường như cay cay, trái tim hắn thình thịch đập những nhịp đời hối hả.

Hắn bỗng nhận thấy rất rõ sự tồn tại của mình giữa cuộc đời dẫu rằng khi ấy cả thằng bé và bà cụ, hình như không ai nhớ đến sự hiện diện của hắn trong ngôi nhà bé nhỏ của mình.

Đêm. Lần đầu tiên hắn nằm trên một chiếc giường tre cũ, cọt kẹt tiếng thang dát xô nhau, không đệm, không chăn, không gối ôm, không đèn ngủ ngoài một chiếc chiếu cói đã cũ nhưng còn lành lặn và chiếc chăn bông đã sờn sợi vải.

Thằng bé rúc vào nách hắn ngủ ngon lành. Có lẽ sau nhiều ngày bon chen nơi đất lạ, đây là đêm yên lành, hạnh phúc đầu tiên với nó.

Gian nhà bên kia, tiếng thở mệt nhọc của bà cụ vang lên trong đêm khiến hắn tưởng tượng tới cuộc sống lam lũ, vất vả thường ngày của người dân nghèo nơi đây. Ấy vậy mà những con người khốn khó này lại hạnh phúc sở hữu những điều mà nhiều kẻ được sinh ra trong giàu sang, sung sướng không thể nào có được.

Hắn thức giấc bởi tiếng gà lục tục giành ăn ngoài sân buổi sớm. Giọng thằng nhỏ vanh vách: “Nội à, con gà này mình thịt đêm 30 hả nội?”.

Bà cụ chậm rãi: “Phải rồi! Nội đã chuẩn bị gạo nếp gói thêm vài cặp bánh chưng để Giao thừa cúng tổ tiên, thắp hương cho cha mẹ con, cầu mong cho con khỏe mạnh, học hành tấn tới”.

Hắn nhẹ nhàng đến bên hai bà cháu. Thằng nhỏ hớn hở: “Đại ca dậy sớm ghê! Để đệ đưa đại ca ra ngắm biển nhé!”.

Nói rồi nó kéo tay hắn đon đả bước đi. Không có ai ngoài hắn và thằng bé trên bãi biển thênh thang chạy dài vô tận và lòng biển mênh mông tít tắp.

Nước biển xanh thẳm một màu, sóng lăn tăn đuổi nhau xô vào bờ cát. Không gian này khác hẳn với những bãi biển du lịch mùa hè nóng nực, ồn ã và ngột ngạt.

Hắn thấy mọi chán nản, cô đơn trong lòng tan biến hết, chỉ còn lại cảm giác yên bình, thanh khiết, sẻ chia.

Thằng bé dắt hắn lên một mỏm đã cao chỉ tay về phía lòng biển xa xăm: “Đại ca có nhìn thấy con đường giữa những làn sóng biển ngoài xa kia không? Cha mẹ đệ đã chèo thuyền theo lối ấy và mãi không ai trở về. Ngày ngày đệ vẫn ra đây nhìn theo lối sóng đó cầu mong một ngày được gặp lại cha mẹ”.

Thằng nhỏ run run, nó nức nở khóc. Thằng bé khao khát được ở bên cha mẹ dẫu cuộc sống khốn khó, khổ nghèo, đôi khi không kém phần nguy hiểm trong cuộc mưu sinh. Hắn ôm nó vào lòng để lan tỏa nỗi chở che, an ủi mà thấy trái tim mình buốt nhói. Trái tim hắn đang đau!!!

Bà cụ buộc chặt từng cặp bánh màu xanh vuông vắn lại với nhau vừa cẩn thận xếp vào chiếc nồi hông to, vừa nói với hắn: “Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét. Nhà bà nghèo, lại neo người nhưng Tết nào cũng nhất định gói bánh dù ít dù nhiều. Mấy hôm nữa bay về Thủ đô bà gửi cặp bánh làm quà cho gia đình hỉ!”.

Hắn ngoan ngoãn cảm ơn bà cụ rồi nhanh nhẹn bê nồi bánh đặt lên bếp. Bà cụ cười động viên hắn bằng nụ cười đôn hậu:

– Con trai thành phố mà cũng chăm chỉ ghê hỉ. Mà bay đi chơi Tết như ni cha mẹ bay cũng đồng ý hỉ?

Câu hỏi của bà cụ làm hắn chạnh lòng. Đã từ lâu lắm rồi, việc hắn đi đâu, làm gì, khi nào về có bao giờ cha mẹ hắn kịp để tâm tới.

Hôm nay đã là 30 Tết, hắn đang chuẩn bị đón Tết mãi tận miền Trung cách Thủ đô mấy trăm cây số, chẳng biết cha mẹ hắn có nhận ra sự vắng mặt của hắn trong ngôi nhà trống rỗng ấy không? Và Tết này thay vì tiệc tùng, đình đám … họ có bỏ tất cả để đi tìm hắn?

Đêm 30 Tết, hắn và thằng nhỏ cùng nhau ngồi trông nồi bánh chưng trong niềm háo hức lạ lùng.

Bếp củi rực hồng, nồi bánh nghi ngút khói thơm mùi lá dong quện hương gạo nếp. Thằng bé vừa hít hà hương thơm lan tỏa từ nồi bánh, vừa hì hục vùi vùi, bới bới mấy củ khoai lang dưới lớp than hồng rực. Mùi khoai nướng thơm phưng phức, hắn hể hả bóc bóc, nếm nếm, thổi thổi. Cái cách ăn vụng về của người thành phố khiến miệng, mặt, tay hắn nhem nhuốc màu than.

Đây là lần đầu tiên hắn biết đến cảm giác ấm cúng, vui vầy, thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền. Chỉ còn hơn một giờ đồng hồ nữa là đến giao thừa – thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người ta nói vào thời điểm này nếu ai đó có mong ước tốt đẹp, thành tâm cầu nguyện thì điều ước đó sẽ trở thành sự thực. Giao thừa năm nay, hắn cũng đã chuẩn bị cho mình một điều ước.

Bà cụ bày một con gà, một cặp bánh, một cút rượu, một đĩa xôi, ba bát chè, cơm canh, bát đũa lên một chiếc mâm kính cẩn đặt lên bàn thờ.

Sau đó bà đặt một cặp bánh khác lên trước hai tấm ảnh nhỏ đã ố màu của con trai và con dâu quá cố nghẹn ngào: “Ngày còn sống, bố mẹ cu Tít rất thích ăn bánh chưng tự tay bà gói. Cơn bão biển năm xưa đã mang chúng đi mãi, bỏ lại thằng cu Tít chưa đầy tuổi”.

Mắt bà cụ lại ầng ậng nước. Hắn nén xúc động, lấy bình tĩnh nói với hai bà cháu:

– Vậy thì Tít phải ăn thật nhiều bánh cho chóng lớn để đỡ đần bà nhé!.

Bà cụ lau nước mắt gật gật đầu:

– Phải rồi đó! Ăn nhiều, có sức khỏe mới học được.

Rồi bà đưa cho thằng bé một cặp bánh khác bảo hai anh em mang sang nhà ông Tư chúc Tết sớm và nghe ông lãnh đạo quốc gia chúc mừng năm mới.

11h30 đêm giao thừa, người dân đã tập trung kín cả gian nhà chính háo hức hướng lên chiếc Ti vi 14 inche nhỏ xíu được đặt oai phong trên chiếc bàn gỗ bốn chân màu cánh gián đang đưa những hình ảnh về không khí đón xuân ở ba miền đất nước.

Cô phóng viên ở đầu cầu truyền hình Hà Nội liến thoắng phỏng vấn khán giả Thủ đô về xảm xúc, mong đợi của họ khi Tết đến xuân về.

Hắn chợt nghĩ, không biết giờ này bố mẹ hắn đang làm gì, ra phố đón giao thừa cùng mọi nhà, đang bận rộn gọi điện khắp nơi chúc Tết hay đã ngủ sau một ngày tất bật gom đếm tiền bạc cuối năm. Và biết đâu lúc này cha mẹ hắn đang nháo nhác đổ đi khắp nẻo đường phố Hà Nội tìm hắn vì mấy ngày nay hắn đã ngắt nguồn điện thoại.

Tiếng mọi người lao xao bàn luận chăm chú hướng lên màn hình nhỏ xíu. Hắn nghe văng vẳng bên tai: “Mong ước lớn nhất lúc này của chúng tôi là tìm được con trai tôi về nhà đón Tết. Nam ơi, con hãy về nhà đi! Bố mẹ rất mong con. Hãy tha thứ cho bố mẹ con nhé!”.

Hắn bàng hoàng khi nghe giọng nói nào đó quen thuộc đâu đây gọi tên mình. Hắn vội vã chen lên cho gần màn hình vô tuyến hơn. Thật ư! cha mẹ hắn đang nước mắt ngắn dài trả lời phỏng vấn trên truyền hình? Họ đang đi tìm con, mà đúng hơn là đang đi tìm hắn! Vậy là họ đã nhận ra sự vắng mặt của hắn trong gia đình.

Hắn nghĩ tới điều ước của mình. Linh nghiệm vậy sao? Bây giờ chưa đến giao thừa, hắn cũng mới chỉ tâm niệm điều ước đó chứ chưa nói thành lời. Tim hắn lại thình thịch đập.

Hắn rút chiếc điện thoại lạnh ngắt trong túi, nhấn nút nguồn, màn hình sáng lên lấp lánh. Hắn vào danh bạ và nhấn nút gọi.

Nước mắt hắn ràn rụa chảy trong khi miệng hắn nở nụ cười hạnh phúc. Thằng bé huých tay hắn ngơ ngác:

– Đại ca sao vậy? Đại ca!.

Hắn bế bổng thẳng bé vác lên vai, hét to:

– Ngày mai đại ca sẽ được gặp cha mẹ của mình. Họ sẽ về đây ăn Tết với chúng ta!. Thằng nhỏ cúi xuống nhìn vào mắt hắn:

– Thật không đại ca? Đây là cái Tết vui nhất từ trước tới giờ của đệ đấy!.

Hắn cười trong nước mắt nghĩ thầm: “Phải chăng đây cũng là cái Tết sum họp đầu tiên trong đời hắn”.