Họ được dạy để nhận thức ngày càng tinh tế hơn các kinh nghiệm đang tiếp diễn trong cuộc sống. Thiền Minh Sát là một thuật nhẹ nhàng nhưng rất là thấu đáo. Nó được xem như một hệ thống tu học cổ nhằm luyện sự nhạy cảm (sensitivity), một hệ thống mà cuộc sống có thể chấp nhận từng bước một. Nó là cái nghe châm chú, cái nhìn toàn diện, và sự thử nghiệm thận trọng. Chúng ta học ngữi tinh tế, xúc chạm rõ ràng, và cảm nhận với sự chú ý đặc biệt. Chúng ta học lắng nghe tư duy của mình nhưng không bị dính mắc.
Mục tiêu của sự hành Thiền Minh Sát là học pháp chú ý. Chúng ta nghĩ rằng mình đã có chú ý rồi nhưng thật ra là chưa đúng mức vì chúng ta để ý rất ít đến diễn tiến của các kinh nghiệm hằng ngày của mình, ít đến đổi tưởng chừng chúng ta còn đang ngáy ngủ. Chúng ta chưa để ý đủ để biết chúng ta chưa để ý. Một vòng lẩn quẩn khác.
Trong tiến trình quán nội, chúng ta sẽ dần dần hiểu chúng ta là ai sau lớp hình ảnh của bản ngã. Chúng ta sẽ thức tỉnh và nhận biết rõ đời sống là thế nào. Nó không phải chỉ là một chuỗi thịnh suy, đường mật, và ma túy dưới tay áo. Những thứ đó chỉ là ảo tưởng. Thật sự, đời sống có nhiều ý nghĩa hơn nếu chúng ta bỏ công nhìn kỹ và nhìn đúng.
Thiền Minh Sát là một pháp tu tâm, dạy chúng ta kinh nghiệm đời bằng cách hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên bạn sẽ học thấy những gì đến với, quanh và trong bạn. Nó là một tiến trình khám phá và tra cứu giúp bạn vừa tham gia vừa quán sát các kinh nghiệm của mình khi chúng diễn ra. Bạn sẽ tu học với thái độ đó.
"Đừng quang tâm đến những gì tôi được dạy. Quên hết các lý thuyết và thiên kiến cũng như các tư tưởng cố định. Tôi muốn hiểu bản chất thật của đời sống. Tôi muốn biết kinh nghiệm được sống thật sự là gì. Tôi muốn hiểu rõ các đặc tính sâu thẩm và thực sự của cuộc sống và không muốn tin lời dẫn giải của ai hết. Tôi muốn tự mình nghe thấy để tự mình biết." Nếu bạn thiền với thái độ vừa nói, bạn sẽ thành công. Bạn sẽ thấy mình nhìn sự vật một cách khách quan, đúng như-là chúng vậy–thay đổi và trôi chảy liên tục. Đời sống sẽ súc tích khôn tả. Đời sống phải được chứng nghiệm.
Vipassana Bhavana là thuật ngữ Pali chỉ Thiền Minh Sát. Bhavana (căn Bhu là lớn lên hay trở thành) có nghĩa là trưởng dưỡng và dùng trong ngữ cảnh của tâm nên được định nghĩa là tu dưỡng tâm. Vipassana gồm có căn Passana là thấy hay nhận thức và tiếp đầu ngữ Vi với nhiều ngữ nghĩa khác nhau; nghĩa chính là một cách đặc biệt; và một nghĩa khác là vô trong hay xuyên thấu. Vipassana là nhìn vô trong đối tượng một cách rõ ràng và chính xác, nhìn mỗi thành phần riêng biệt rõ ràng, và nhìn xuyên thấu để thấy bản chất thật. Pháp Vipassana là pháp quán nội, tức quán vô trong bản tính thật sự của đối tượng. Và Vipassana Bhavana có nghĩa là tu tập tâm nhằm mục đích nhìn một cách đặc biệt để vào trong và để biết trọn vẹn.
Trong tiến trình Thiền Minh Sát chúng ta phát huy cách nhìn đời đặc biệt đó. Chúng ta tập cho mình nhìn thấy sự thật đúng như-là và chúng ta gọi cái nhìn đó là "tỉnh thức." Tiến trình tỉnh thức khác biệt với cái nhìn thông thường. Thường chúng ta không nhìn thẳng vô sự vật trước mắt của chúng ta mà nhìn qua một màn quan niệm và ý tưởng, rồi lầm đối tượng tạo nên trong tâm là sự thật. Chúng ta bị vướng vô dòng tư tưởng vô tận đang chảy trong thầm lặng (không được nhận biết). Chúng ta bận rộn với công việc, đua theo dục lạc, và chạy trốn khổ đau phiền não. Chúng ta dành hết sức lực để làm mình vui sướng và quên sợ hãi. Chúng ta mưu tìm an lành thường hằng.
Trong lúc đó, thế giới của kinh nghiệm thực sự cứ vần xoay không ai trong chúng ta nắm bắt hay chứng nghiệm được. Thiền Minh Sát dạy chúng ta quay lưng lại với mọi ao ước an lành để đi thẳng vô thực tại. An lành thật sự chỉ đến nếu không bị rượt đuổi. Một vòng lẩn quẩn nữa.
Khi bạn không có ý định mưu cầu an nhàn, sự an nhàn thật sự sẽ đến với bạn. Khi bạn không chạy theo hạnh phúc, cuộc đời của bạn sẽ thật sự tươi đẹp ra. Khi bạn muốn biết thực tại thật sự với tất cả khía cạnh đau khổ và hiểm nguy, bạn đã đuợc tự do và an toàn. Đó không phải là chủ thuyết của chúng tôi mà là một thực tế có thể nhận thức được, và bạn nên thực nghiệm cho riêng mình.
Với 2500 năm lịch sử, Phật giáo có đủ thời giờ để phát triển vô số chủ thuyết và nghi thức. Tuy nhiên, Phật giáo chủ trương thái độ thực nghiệm và bất độc đoán. Đức Phật Cồ Đàm là một người không ước lệ và không lệ thuộc truyền thống. Ngài không dạy giáo điều mà chỉ đề nghị mỗi nguời chúng ta nên chiêm nghiệm cho chính mình. Lời khuyên riêng cũng như chung của Ngài là "Hãy đến xem." Một trong những lời Ngài nói với đệ tử là "Đừng nên tin ai cả." Ngài muốn nói đừng chấp nhận lời của ai là thật. Phải tự mình xác chứng bằng kinh nghiệm.
Chúng tôi muốn bạn áp dụng thái độ đó.Tin tưởng mù quáng không giúp ích gì vì đây là những thực tại cần đuợc chứng nghiệm. Hãy thích nghi thái độ nhận thức của mình với những chỉ dẫn, rồi anh chỉ sẽ thấy. Chỉ có làm vậy mới thật sự là tin tưởng. Quán nội đại để là hình thức khám phá tâm linh bằng quan sát nội tại.
Hiểu vậy rồi, chúng tôi xin trình bày sơ lược một số điểm căn bản của triết lý Phật giáo. Chúng tôi không có ý định đi sâu vì đã có nhiều sách khảo cứu vấn đề này. Chúng tôi chỉ chú trọng đến Thiền Minh Sát.
Theo nhãn quan Phật giáo, con người chúng ta có lối sống rất đặc thù. Chúng ta nhìn sự vật vô thường là thường còn, dầu biết mọi sự vật đều thay đổi và sự thay đổi là liên tục. Trong lúc bạn đọc các dòng này bạn đang già đi một chút nhưng bạn đâu có để ý tới. Tường chung quanh bạn cũng cỗi theo; các phân tử vôi, cát, gạch, xi măng đang rung chuyển mạnh và tất cả chuyển đổi vị trí liên tục. Bạn cũng đâu có để ý đến những thay đổi này.
Rồi ngày nào đó nhìn lại thấy da mình nhăn, gối mình mỏi, sách vàng, tường đổ, bạn luống tiếc tuổi xuân và than khóc vì mất mát. Đau khổ từ đâu đến? Nó đến từ sự không chú ý của bạn. Bạn không quan sát đời mình, không quan tâm đến sự xoay vần liên tục của trời đất. Bạn tạo cho mình một số dữ kiện tâm linh như "ta", "sách", "nhà", vân vân, và tin rằng chúng tồn tại miên viễn. Nhưng chúng đâu có tồn tại.
Bạn có thể theo dõi sự thay đổi đang xảy ra. Bạn có thể học nhận thức đời mình như một dòng chuyển động, một cảnh rất đẹp như một màn vũ hay một màn hòa tấu. Bạn có thể tìm nguồn vui trong sự qua đi của mọi hiện tượng. Bạn có thể học sống tùy duyên hơn là lội ngược dòng. Bạn có thể học tất cả. Chỉ là vấn đề thời gian và tu tập.
Nhận thức của con người nhiều lúc rất ngốc nghếch. Chúng ta loại bỏ 99 phần trăm các kích cảm (sensory stimuli) nhận được và cô đọng một phần trăm còn lại thành đối tượng tâm linh riêng biệt. Rồi chúng ta phản ứng lại với các đối tượng ấy bằng tập quán lập trình sẵn có.
Một ví dụ: Đây, bạn ngồi một mình dưới bầu trời đầy trăng sao tĩnh mịch. Có tiếng chó sủa đằng xa. Nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy cảm thọ tự nó là một cái gì rất đẹp. Trong không khí tĩnh lặng bỗng nhiên có nhiều đợt sóng âm thanh lan tỏa. Bạn bắt đầu nhận các tín hiệu âm ba, rồi chuyển chúng vô hệ thần kinh. Tiến trình tự nó rất đẹp và lý thú.
Nhưng bạn có khuynh hướng quên tất cả. Bạn chỉ cô đọng cái nhận thức thành đối tượng tâm linh, dán lên đó một hình ảnh tâm linh, rồi tạo ra một số phản ứng dựa trên khái niệm và cảm thọ sẵn có. "Lại cũng con chó đó. Nó cứ sủa đêm hoài. Thiệt là bực mình. Ai đó phải có biện pháp gì chớ. Chắc tôi phải gọi cảnh sát. Không, phải có xe bắt chó mới được. Vậy gọi sở bắt chó. Không cần, tôi sẽ viết thơ cho chủ của con chó đó. Nhưng rắc rối quá. Thôi, tôi sẽ mua đồ nhét tai."
Những điều vừa nói chỉ toàn là tập quán nhận thức và tâm sở. Bạn học phản ứng như vậy từ hồi nhỏ, chớ thật sự chúng không vốn có sẵn trong não của bạn. Cũng nên biết cái gì học được thì bỏ được. Bước đầu tiên là phải biết bạn đang làm gì, rồi lui lại để quan sát.
Theo nhà Phật, chúng ta có cái nhìn nguợc ngạo về đời. Chúng ta lấy nguyên nhân của khổ làm hạnh phúc. Nguyên nhân của khổ là hội chứng tham-sân nói trước đây. Thình lình một niệm thức dấy lên. Có thể là một cô gái đẹp, một chàng trai khôi ngô, một ca nô siêu tốc, một tên sát nhân có súng, một xe tải đang xông tới bạn, vân vân. Dầu là đối tượng nào, việc đầu tiên bạn làm là phản ứng bằng cảm thọ.
Lấy một ví dụ về lo âu. Chúng ta lo âu rất nhiều. Và chính sự lo âu là một vấn đề. Lo âu là một quy trình. Nó có nhiều bước. Nó không phải là một trạng thái mà là một thủ tục. Những gì bạn cần làm là nhìn kỹ bước đầu của thủ tục ấy, những giai đoạn tiên khởi trước khi loạt hành động xảy ra. Khoen đầu tiên của sự lo âu là phản ứng chấp vô/thảy ra. Khi có một hiện tượng đến trong tâm, chúng ta hoặc nhận vô hoặc thảy ra. Cái đó đưa lo âu vào chỗ bắt đầu. Rất may, Thiền Minh Sát có thể bức phá dây chuyền lo âu ấy.
Thiền Minh Sát dạy chúng ta cách xem xét tỉ mỉ tiến trình nhận thức của chúng ta. Chúng ta học cách theo dõi sự dấy niệm và nhận thức với cảm thọ tách rời rõ ràng. Chúng ta học cách nhìn những phản ứng của chúng ta đối với kích thích tố một cách bình tĩnh và trong sáng. Chúng ta bắt đầu thấy mình phản ứng mà không bị dính mắc trong các phản ứng. Bản tính ám ảnh của ý tưởng sẽ tiêu tan dần.
Sự thoát khỏi bản tính ám ảnh của ý tưởng tạo nên cái nhìn hoàn toàn mới về thực tại. Nó là một sự di dời hệ biến hóa (paradigm shift) một cách toàn diện, một sự thay đổi hoàn toàn trong cơ chế nhận thức. Nó đem theo niềm an lành và sự đích thực, một sự thích thú mới cho cuộc sống và sự toàn diện cho mỗi hoạt động. Vì những lợi lạc ấy, Phật giáo xem pháp nhận thức sự vật như một cái nhìn đứng đắn về đời và kinh sách Phật giáo gọi đó là thấy như-là.
Thiền Minh Sát là một hệ tu tập khai mở chúng ta dần dần, cho chúng ta thấy thực tại như-là. Cùng với thực tại mới mẻ đó, chúng ta có cái nhìn mới về khía cạnh cốt lõi của thực tại: "cái ta". Nhìn thật kỹ, chúng ta thấy rằng chúng ta ung đúc "cái ta" cũng bằng tiến trình cô đọng tâm linh nói trên. Chúng ta lấy các tư duy, cảm thọ, và xúc cảm của mình để cô đọng lại thành một công trình tâm linh, dán lên đó nhản hiệu "cái ta", rồi cho đó là một thực thể thường hằng và bất biến. Chúng ta xem nó như cái gì hoàn toàn khác biệt với tất cả những cái chung quanh. Chúng ta tách rời nó ra khỏi vòng thay đổi miên viễn của vũ trụ. Và chúng ta than tại sao chúng ta cảm thấy đơn độc. Chúng ta quên những liên hệ ràng buộc chúng ta với các chúng sinh khác. Chúng ta luôn luôn muốn "cái ta" phải có nhiều hơn và chúng ta ngạc nhiên sao con người tham lam và ích kỷ. Cứ vậy mà theo và bị sai lầm. Mọi hành động hung ác, mọi thí dụ vô tâm trên thế gian đều bắt nguồn từ sự hiểu sai "cái ta" đó như là một thực thể khác biệt với mọi thực thể chung quanh.
Đập tan ảo ảnh nói trên, vũ trụ của bạn sẽ thay đổi. Tuy nhiên bạn đừng nghĩ mình có thể làm trong một sớm một chiều. Bạn đã dùng trọn đời mình để tạo cái ảo ảnh đó, tăng cường nó bằng mọi ý tưởng, ngôn ngữ và hành động qua bao nhiêu năm dài, nên nó không thể biến đi trong chốc lát. Nhưng nó sẽ tiêu tan nếu bạn có đủ quyết tâm chú ý và thì giờ. Thiền Minh Sát sẽ giúp bạn. Từng chút một bạn sẽ làm tan nó bằng cách quán chiếu nó.
Quan niệm về "cái ta" là một tiến trình. Nó là gì chúng ta đang làm. Thiền Minh Sát dạy chúng ta thấy chúng ta làm gì, làm lúc nào và làm thế nào. Rồi "cái ta" sẽ thay đổi và tan biến, như khóm mây bay ngang qua vòm trời trong. Chúng ta sẽ vào trạng huống làm hay không làm tùy ý. Sự bắt buộc không còn nữa. Chúng ta có quyền chọn lựa.
Những điều nói trên là những nội thức (insights) chính. Mỗi nội thức là một sự hiểu biết sâu sắc về một vấn đề căn bản của đời sống. Chúng đến chậm và cần nhiều nghị lực, nhưng mang theo kết quả rất lớn. Chúng đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống của bạn, và những thay đổi này có thể xảy ra từng giây từng phút.
Thiền giả có công tu tập sẽ được tâm linh trong lành, đạt hạnh từ bi, và chấm dứt khổ đau. Mục tiêu ấy không phải nhỏ. Ngoài ra, bạn không cần phải đi hết đoạn đường mới được lợi lạc. Lợi lạc đến ngay từ phút bắt đầu và tích tụ theo thời gian. Ngồi thiền càng lâu bạn càng hiểu bản tánh thực của đời bạn.
Thiền càng nhiều, bạn càng có khả năng quan sát với tâm tịnh; bạn sẽ thấy rõ mọi khuynh hướng và ý định, mọi tư duy và xúc cảm khi chúng phát khởi trong tâm. Lộ trình giải thoát đuợc đo bằng số giờ ngồi trên gối thiền. Và bạn có thể ngưng nghỉ bất cứ lúc nào bạn thấy đủ. Không có roi, chỉ có ước muốn; bạn muốn nhìn thấy bản chất thật của đời sống, bạn muốn thêm duyên cho đời mình cũng như cho cuộc sống của nhiều người khác.
Thiền Minh Sát vốn là một pháp thực nghiệm, chứ không phải là một lý thuyết. Hành thiền, bạn sẽ hiểu biết hơn về cuộc sống, chớ không phải để phát triển tư duy vi tế về cuộc sống. Bạn thật sự sống. Thiền Minh Sát chung quy là pháp học sống.
Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch