Trang chủ Nghiên cứu Triết học Cái mũi của Darwin: Tiến hoá và tình cờ ngẫu nhiên

Cái mũi của Darwin: Tiến hoá và tình cờ ngẫu nhiên

138

Chính thế, vũ trụ không phải là kết quả của một ý định mà của "những định luật ghi khắc trên vật chất", có thể khám phá được và không thay đổi. Luật của tiến hóa cũng giống như luật của trọng lực, của hơi nóng. Đó là những luật liên quan đến sự phát triển của sinh vật, sinh sản, di truyền, biến đổi, áp lực của dân số, cạnh tranh sinh tồn, tất cả phối hợp với nhau để phát sinh ra sự chọn lọc tự nhiên, đưa đến một kết quả mà Darwin cho là "hùng tráng", đúng thế, "hùng tráng", trong đó, "từ những hình thức đơn giản lúc khởi thủy, vô vàn những hình thức đẹp nhất, kỳ lạ nhất, đã sinh ra và đang sinh ra" (13).

Lý thuyết ấy đập vỡ tan tành hai ngàn năm triết lý và tôn giáo của phương Tây. Con người? Không có nguồn gốc gì khác các sinh vật khác. Cũng một nguồn gốc ấy thôi: tiến hóa, chọn lọc tự nhiên. Linh hồn có trước và bất diệt? Darwin diễu Platon: Platon nói rằng những "ý nghĩ tưởng tượng" là đến từ một linh hồn đã có sẵn trước, chứ không phải từ kinh nghiệm; đúng hơn phải nói rằng cái đã có sẵn trước là con khỉ".

Hãy thử tưởng tượng tâm trạng của Darwin lúc đó, sống với một lý thuyết đảo lộn như vậy trong đầu giữa thế kỷ 19 ở Âu châu, dưới thế lực của Nhà Thờ và của thần học đang ngự trị trên tư tưởng và dư luận. Darwin tin chắc ở điều mình khám phá, nhưng nói ra được chăng? Hay là nên sợ?

Bao nhiêu nhà nghiên cứu về lịch sử khoa học đã dành không biết bao nhiêu giấy mực để phân tích sự im lặng của Darwin trong suốt 21 năm, từ khi ông vun quén những ý tưởng ấy trong đầu, năm 1838, cho đến khi ông xuất bản tác phẩm "Nguồn cội…" năm 1859. Hai mươi mốt năm! Ai cũng biết tại sao cuối cùng ông xuất bản sách ấy.

Chỉ vì có một nhà khoa học khác, Alfred Russell Wallace, tình cờ gửi đến ông một công trình nghiên cứu mà kết luận giống như kết luận của ông. Bỗng có người khác xía vào khám phá của mình, không công bố kết quả thì hóa ra mình là kẻ đến sau. Cho nên, chẳng đặng đừng, ông phải chấm dứt im lặng.

Nhưng hãy thử tưởng tượng: ai có thể giữ một bí ẩn động trời trong lòng suốt 21 năm ròng rã như vậy? Mới đây, có nhà nghiên cứu biện hộ giùm ông rằng trong 21 năm ấy, ông còn phải cật lực tìm hiểu thêm, gom góp thêm sự kiện, khảo sát, thí nghiệm bao nhiêu sự việc khác nữa, còn phải viết, còn phải bổ túc xuất bản những công trình dang dở, nghĩa là còn phải tiếp tục suy nghĩ, cân nhắc, để đưa ra chính xác hơn lý thuyết của mình mà ông biết sẽ gây bão tố, ngay cả trong giới khoa học quen biết (14). Đúng thế. Nhưng khó nghĩ rằng đó là lý lẽ duy nhất. Một trong những lý lẽ không thể bỏ qua là ông sợ. Sợ gì nhất? Sợ kết luận mang tính duy vật. Sợ hệ quả triết lý của một khám phá khoa học.

Đừng nói sợ ai cho xa: ông sợ phật lòng bà vợ. Emma, vợ ông, là tín đồ trung kiên của Thiên chúa giáo. Hai vợ chồng rất tương kính nhau, nhưng ông khổ ngầm vì không tin được nữa như vợ, và bà khổ ngầm vì khoa học dẫn ông đi xa đức tin của bà. Bà thổ lộ trong thư: "Cái gì liên quan đến chàng đều liên quan đến thiếp, và thiếp sẽ rất khổ khi nghĩ rằng chúng ta không là của nhau nữa trong cõi vĩnh viễn" (15).

Trong vĩnh viễn đời sau, bà sợ ông sẽ bị trừng phạt, nghĩa là sẽ xa bà trên chốn thiên đường. Mà không bị trừng phạt sao được khi ông dám viết thế này trong "Tự Truyện": "Sự thực, tôi không thể chấp nhận được rằng có người mong muốn Thiên chúa giáo là đúng, bởi vì nếu vậy, Kinh thánh nói rõ rằng người nào không tin, nghĩa là cha tôi, anh tôi, và hầu hết bạn bè thân nhất của tôi, đều phải bị trừng phạt vĩnh viễn. Điều đó quả thật là một học thuyết đáng kết án" (16).

Đáng bị trừng phạt hơn nữa khi Darwin tấn công vào chính cái mà ông gọi là "đồn lũy": trí óc của con người. Nếu trí óc con người không hiện hữu thực sự ngoài bộ não, Thượng đế là gì nếu không phải là hoang tưởng  do hoang tưởng bày đặt ra? "Sự việc tư tưởng là do bộ não chiết ra, có gì lạ lùng đâu, có gì lạ lùng hơn sự việc trọng lực là một đặc tính của vật chất?" (17).

Nhiều nhà nghiên cứu đã áp dụng phân tâm học để tìm hiểu tâm lý của Darwin trong hơn hai mươi năm ròng im lặng. Phải chăng vì tâm lý bất ổn nên ông thường đau? Có lần ông nằm mơ bị treo cổ! Thức dậy, ông không thấy bị treo cổ nhưng lại thấy… treo giò. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, trong giới khoa học, trong giới đại học, bao nhiêu giáo sư và nhà khoa học đã bị treo giò, đã bị mất chức, mất môn dạy, đã không được xuất bản, đã bị kiểm duyệt, vì có tư tưởng khác với thời đại.

Mời đọc tiếp kỳ 3: "Đừng gọi tên khỉ nữa mà cảm thấy nhục nhã"

———————

Chú thích:

11. Quammen, trang 207.

12. L’Autobiographie, trang 151.

13. Quammen, trang 198.

14. John Van Wyhe, Mind the Gap: Did Darwin Avoid Publishing His Theory For Many Years? Notes and Records of the Royal Society (doi:10.1098/rsnr.2006.0171;2007).

15. L’Autobiographie, trang 231.

16. Như trên, trang 83.

17. Gould, Darwin et les grandes énigmes de la vie, trang 22.