Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Cải lương “Câu chuyện dòng sông” – Vở cái lương tạo giá...

Cải lương “Câu chuyện dòng sông” – Vở cái lương tạo giá trị riêng

144

Nghệ sĩ Bạch Tuyết hẳn phải có tầm nhìn rất xa, rất rộng về nghệ thuật cải lương để có được ý tưởng và quyết định chuyển thể tác phẩm văn học Câu chuyện dòng sông của nhà văn Đức Hermann Hesse sang thể loại sân khấu dân tộc này.


Đây là một hành động mạo hiểm thật sự với rất nhiều thử thách. Bởi Câu chuyện dòng sông vốn như một áng thơ xuôi của tư tưởng và thế giới tâm linh qua bản gốc và bản dịch xuất sắc của ni sư Trí Hải. Trong khi cải lương vốn được quen với cách nghĩ chỉ là hình thức sân khấu thích hợp để diễn tả những câu chuyện kịch mang tính “mêlô” dành cho giới bình dân.


Không phải là một dạng cải lương thể nghiệm với những hình thức biểu hiện khác lạ hay âm nhạc đổi mới cho đặc biệt như pha vào âm sắc của thể loại tuồng, chèo… như vẫn thấy. Câu chuyện dòng sông vẫn là dạng cải lương quen thuộc với số đông khán giả của nó ở những câu vọng cổ, những điệu hò lý mênh mang, những bài bản dài- ngắn và cách diễn dung dị của nghệ sĩ.


Vậy mà chừng ấy thứ quen thuộc của cải lương lại tải được hàng chuỗi dài những ngôn ngữ suy tưởng ở ba nhân vật chính Tất Đạt, Thiện Hữu và Vệ Sử. Bộ ba này kẻ ít người nhiều, không phút giây nào ngừng soi rọi, nhìn ngắm sâu vào tâm hồn, cuộc sống của mình hằng  ngày qua từng nếm trải về hoan lạc, khổ đau,… để tìm đến tận cùng của bản ngã trong đại ngã nhằm đạt đến sự toàn thiện.


Dòng sông ở đây chính là dòng đời, là tấm gương linh khải để Vệ Sử, Tất Đạt soi rọi nên cũng là một “nhân vật” kịch phải miêu tả rõ.


Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai trò đạo diễn đã tìm ra cách thích hợp để tạo dựng khá sắc nét tinh thần nguyên gốc của Câu chuyện dòng sông gồm những triết luận mang màu sắc cảm linh huyền ảo bằng cách tả cái động trong cái tĩnh.


Dòng sông vẫn đứng yên, người chèo đò Vệ Sử vẫn đứng yên, nhưng ống kính cho thấy mọi thứ không ngừng chuyển động: nào thác ghềnh, mây trời, lửa thiêu, rừng sâu, núi cao, sấu dữ… Tất Đạt trải nghiệm qua bao nhiêu cảnh sống trái ngược để biết rằng: cuộc đời cũng thế, đời người cũng thế, luôn có sự đổi thay nhưng lại là vòng luân hồi bất biến; Vệ Sử như dòng sông, tìm thấy sự thư thản, an nhiên trong dòng biến động không ngừng ấy.


Văn phong mượt mà, luôn có tính triết lý của nghệ sĩ Bạch Tuyết quả thích hợp và đáng phục khi chuyển thể tác phẩm văn học ngôn ngữ như nhạc như thơ này sang những điệu hát, câu hò phong phú của cải lương mà không làm thay đổi giá trị:


Hò ….ơ…..
Mây kéo xuống biển thì nắng chan chan
Mây kéo lên ngàn thì mưa như thác đổ
Mưa tuôn thành nước, nước đọng thành hồ
Từ nơi khe sâu rạch nhỏ nước lại đổ ra sông dài biển khơi…


Câu chuyện dòng sông chưa phải là vở cải lương hoàn hảo. Còn có khiếm khuyết như tính “chuyện” ở nhiều sự kiện trong cuộc đời đầy biến động của Tất Đạt có thể thu hút người xem hơn và giúp dễ nhìn ra sự khải ngộ của anh bị lướt qua. Nghệ sĩ Minh Vương dù ca hay, rất tập trung nhưng cái chất mộc mạc, hiền lành là thế mạnh của anh tỏ ra không hợp lắm với nội tâm phức tạp, tinh thần cương nghị, đĩnh ngộ của Tất Đạt.


Cùng với nhạc sĩ Kiều Tấn khá hợp vai, tròn vai Thiện Hữu; Vệ Sử của nghệ sĩ Bạch Tuyết diễn rất rõ tinh thần ung dung, thư thái giữa đất trời, cuộc sống khi đã khải ngộ. Tuy nhiên hóa trang cho các nghệ sĩ không cho thấy nét già theo qui luật thời gian. Không hề trao chuốt, nhưng lẽ ra nghệ sĩ Bạch Tuyết nên được hóa trang già đi hơn nữa khi một nữ nghệ sĩ vào vai một người chèo đò phong sương từng trải, có thể làm bạn với khách lãng du, để gần với nhân vật nguyên mẫu hơn; có lúc, theo thói quen, chị vẫn để lộ nét diễn đào thương sở trường của mình.


Với vở cải lương Câu chuyện dòng sông, người đã đọc, đã hiểu nguyên tác của Hermann Hesse có thể sẽ thú vị với sự chuyển thể, chịu coi cải lương để có sự so sánh cho riêng mình. Người chưa đọc, chưa biết, chưa hiểu có thể buông một câu “cái vở cải lương ngộ ngộ Bạch Tuyết cứ đứng hoài trên chiếc thuyền” nhưng vẫn có thể ngừng lại, lắng nghe những lời ca ngọt ngào, khoảng khoát của những làn điệu cải lương quen thuộc để thấm dần, thấm dần tinh thần Câu chuyện dòng sông.


Đó chính là giá trị rất mới, rất riêng của Câu chuyện dòng sông: không giới hạn nghệ thuật cải lương. Đài truyền hình TP.HCM đã tiếp sức cho giá trị ấy bằng sự đầu tư rất nghiêm túc có thể nhận rõ ở vở cải lương lạ mà không lạ này qua ngoại cảnh được quay rất đẹp, công phu, kỹ thuật được chăm chút rất kỹ!