– Đại vương, bệnh này thật ra rất dễ trị, chỉ cần ngài uống được một bình sữa sư tử thì bệnh lành tức thời!
Quốc vương liền hạ chỉ, thông báo cho toàn dân trong nước, ai lấy được sữa sư tử đem đến hoàng cung dâng vua, sẽ được ban cho tước vị, đất đai và châu báu.
Có một chàng trai nọ rất thông minh lanh lợi lập tức vào rừng, tìm đến tận hang ổ sư tử dò la, rồi mỗi ngày đều mang một con dê tươi béo đến đặt trước cửa hang biếu tặng sư tử. Trải qua thời gian lâu, chàng kết thân được với sư tử mẹ và trở thành bạn thiết. Cuối cùng, lấy được sữa sư tử một cách dễ dàng.
Có được “bảo bối” trong tay, chàng hớn hở đi ngay tới hoàng cung. Dọc đường, các giác quan chàng tranh nhau kể công loạn xị, ai cũng bảo mình có công nhất. Đầu tiên, chân lên tiếng:
– Lấy được sữa sư tử lần này, phải nói tất cả đều nhờ vào tôi! Nếu như không có tôi chạy tới chạy lui vất vả thì một giọt cũng đừng hòng thu được!
Mắt trợn trừng:
– Nói thế mà nghe lọt à? Nếu không có tôi quan sát thì đố anh thấy đường mà chạy, không có tôi thì anh biết động sư tử chỗ nào mà mò tới? Công tôi mới là công đầu! Hiểu chưa?
Tay xua lẹ:
– Các anh nói sai rồi! Nếu không có tôi, chả lẽ các anh dùng mắt dùng chân mà nặn sữa được ư? Rõ là không biết lý lẽ! Công tôi mới là nhất đây này!
Thế là cuộc cãi vã nổ ra dữ dội, ai cũng kể lể khoe công mình to nhất, cơ hồ như trận võ mồm chẳng thể nào kết thúc. Lưỡi chợt thét to lên, nhảy vào cuộc:
– Đừng ầm ĩ nữa! Các anh thử nghĩ kỹ xem, nếu không nhờ tôi thì bao nhiêu kỹ năng tài nghệ của các anh đều hóa thành vô dụng…
– Lếu láo! Dám nói thế cơ à? Để “ông” dần một trận cho mi bỏ cái tật huênh hoang.
– Đúng là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Mi thì làm được trò trống gì nào?…
– Trong cái công trình lấy sữa sư tử này, từ đầu tới cuối mi có góp được tí tẹo công lao nào không, hử?
– Chỉ giỏi khoác lác, khoe khoang…
Lưỡi cô thế khó địch quần hùng, chỉ buông thõng một câu:
– Ai quan trọng thì lát nữa khắc biết! Tôi chẳng hơi đâu mà tranh cãi với các anh!
Nói xong lưỡi im ỉm, chẳng thèm xì ra nửa lời.
Chàng trai vào đến hoàng cung bái kiến quốc vương. Câu đầu tiên vua hỏi là:
– Đây có đúng là sữa sư tử không?
Lưỡi đáp liền:
– Không! Không phải! Đây là sữa… chó!
Quốc vương nghe nói, giận xung thiên. Tức tốc sai người mang chàng trai đi chém đầu ngay.
Trước giờ hành hình, các giác quan kêu khóc ầm ĩ, lưỡi đắc ý nói:
– Giờ thì các anh đã rõ ai quan trọng, ai có giá rồi chứ?
(Theo “Nhân sinh phương hướng” của Lâm Thanh Huyền)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Đọc câu chuyện ngụ ngôn này, ta sẽ thấy nực cười nếu như giác quan tranh công thiệt. Vì chúng tuy khác nhau nhưng thuộc một tổng thể đồng nhất, không thể tách rời.
Xã hội, đất nước hay thế giới… đều là những tổng thể, mà tất cả chúng ta là các thành viên trong đó. Giống như dòng nước của con sông mỗi nơi tuy có khác nhau, song vẫn chung cội nguồn, chung một dòng chảy. Nếu ta không giữ gìn, gây ô nhiễm thì hậu quả khó lường, không chỉ riêng ta hấp thụ dòng nước dơ mà còn gây ảnh hưởng lan rộng đến cộng đồng.
Cuộc sống chúng ta thường xuyên nương nhờ nhau. Cho dù là làm việc mưu sinh, song việc của người này lại cần thiết, giúp ích cho người kia. Ta viết lách, song lại cần hạt gạo của nông phu, vải của thợ dệt, y phục của thợ may, con đường ta đi sạch, đẹp là nhờ người làm đường, nhờ công nhân vệ sinh v.v… tất cả là sự hỗ tương liên đới. Nếu ta hiểu và biết trân trọng sự tương quan này thì nhịp sống sẽ hài hòa tốt đẹp. Còn nếu ta tách riêng, cố khẳng định cái tài, cái hơn của mình thì chỉ là vô ích, chẳng khác nào giác quan tranh công.
Cái lưỡi đắc ý vì được tỏ rõ tài năng, giá trị đối với bạn bè, song khi bạn bị hại thì đời nó cũng tiêu. Mỗi cá nhân đều có tầm quan trọng và khả năng giúp ích riêng, sự cống hiến tuy khác song giá trị tự lợi, lợi tha đồng nhất. Phật đã từng xác nhận “Tất cả chúng sinh đều bình đẳng”, do vậy, mọi tính toán so đo đều làm tâm trí ta hẹp hòi và chuốc lấy thảm hại mà thôi.