Trang chủ Diễn đàn Cái gì cũng chịu nổi

Cái gì cũng chịu nổi

Nhà văn Nguyên Ngọc thương chùa, muốn chùa thanh tịnh, trong trẻo, nên mới nghe mùi mực nướng đã quay trở ra. Và rồi…bực bội. Ông hoạ sĩ thương tượng hộ pháp bị thiên hạ nhét tiền bậy bạ. Thế là…bực bội. Mấy nhà nghiên cứu khác cũng thương tượng Phật và các tượng khác, nên thấy người ta trùng tu xấu xí, kém văn hoá, thì cũng…bực bội. Đến lượt tác giả Blog Sen Việt thấy người ta nghênh ngang trước tượng, xét nét cửa thiền thì cũng…khó chịu luôn. Ừ, ai cũng…chịu hông nổi. Vậy ai mới là người…chịu nổi?

Nếu chính bản thân mình mang tiếng là Phật tử, là người biết tu chút chút, thì ráng mà chịu đựng những nghịch cảnh trên đời, ráng vớt vát lại những mặt tích cực nhất của sự việc để mà sống, và chia sẻ, hỗ trợ cho nó tốt hơn lên.

Tôi thử đặt mình là nhà văn Nguyên Ngọc, thì tôi cứ đi đại vô chùa viếng Phật rồi về, chứ tôi đâu có viếng cái con…mực nướng. Chùa ở miền Bắc mấy chục năm sống trong chiến tranh cũng có sự đổi khác. Sau ngày giải phóng, nhiều chùa trở lại ăn chay, còn một số vẫn giữ lệ ăn mặn, nhưng vẫn ngồi thiền, niệm Phật, nghiên cứu kinh điển tử tế.

Thôi thì thông cảm, chùa còn, Phật còn thì mai mốt sẽ thống nhất sinh hoạt, chẳng hơn không có chùa để viếng. Tôi về Sóc Trăng, Trà Vinh, vẫn vào chùa Nam Tông lạy Phật, lạy sư thành kính, dù các sư ăn mặn. Mình muốn ngắm đoá hoa, mà chỉ vì một chút lá sâu hay vì ghét cái bình mà mình bỏ luôn không thèm ngắm hoa. Ai thiệt thòi vậy kìa?

Còn ông hoạ sĩ có đút tay vô túi nghênh ngang một chút, mình cứ cho qua. Biết đâu ông không phải là Phật tử. Hoặc là Phật tử đi nữa thì cũng có lúc “quên” oai nghi tế hạnh (mình cũng có lúc vô ý vô tứ vậy!), hoặc do lúc đó ông quá hăng hái bày tỏ bức xúc với báo chí mà quên kiểm soát tư thế. Mình nên cảm ơn ông vì đã thẳng thắn đánh động nạn nhét tiền làm mất thẩm mỹ nhà chùa, chuyện đó lớn hơn!

Tôi đi chùa chung với nhiều Phật tử sơ cơ, họ chẳng biết gì oai nghi, đặc biệt mấy em nhỏ hay phá phách. Nhưng tôi tự nhủ, họ còn biết đi chùa thì còn cơ hội uốn nắn, đừng nóng vội. Họ mà không đi chùa mới đáng lo hơn. Và tôi bắt đầu tiếp cận, nói “Bé ơi, bé gặp thầy hay sư cô thì chắp tay xá nghen!”, “Chị ơi, chị đừng xưng em với thầy, mà phải xưng con. Thầy nhỏ tuổi hơn mình, mình cũng phải xưng con. Phép nhà chùa là vậy!”. “Bác ơi, lúc tụng kinh bác đừng nói chuyện riêng, tội chết!”.

Người ta hiểu ra và làm theo, tiến bộ dần. Tôi dạy Phật pháp cho lũ trẻ con, học sinh cá biệt nhiều lắm, vô chùa vẫn chửi thề, đánh lộn um sùm. Nhưng tôi vẫn “chịu nổi”. Rồi lâu ngày chầy tháng, mình dạy riết nó thành ngoan.

Còn ai trùng tu xấu xí thì cũng thông cảm cho họ. Giáo hội chẳng bao giờ quan tâm đến khâu mỹ thuật PG, cứ thả lỏng cho mỗi chùa tự xây sửa. Chùa sập, tượng hư, thì thầy trụ trì và Phật tử hùn tay vô làm, không lẽ thụ động ngồi chờ ai. Mà trình độ của họ làm sao rành về kiến trúc, điêu khắc. Thôi thì, có chùa, có tượng để dân chúng vái lạy đã mừng lắm rồi. Dân bình thường vô chùa đâu có biết gì (và cũng không để ý) về khía cạnh văn hoá, thẩm mỹ, cứ thấy tượng là lạy, là tu, nghĩa là có PG hiện diện trong đời sống của họ.

Vậy nếu ai có trình độ thì cố gắng tư vấn cho người ta xây sửa. Và Giáo hội phải thành lập Ban Kiến trúc PG, ra quy chế rõ ràng, chùa nào muốn trùng tu phải qua sự khảo sát và lên bản vẽ của Ban này. Đến lượt Giáo hội “đặt hàng” cho trường Đại học Mỹ thuật và Kiến trúc, đặt hàng cho làng nghề, cần đào tạo nhân sự cung ứng.

Hiệu ứng dây chuyền trong cả xã hội là như thế. Có cầu mới có cung. Có quy chế mới có thực hiện. Chúng ta vừa mong chờ Giáo hội định hướng quản lý, vừa ráng thông cảm cho những điều còn tồn đọng hôm nay. Nếu điều đó vẫn đem lại lợi ích cho PG, cho chúng sinh, thì mình đừng quá bực bội với những khiếm khuyết rồi phủ nhận luôn những khía cạnh tích cực của nó.

Cuộc sống luôn có những vấn đề mang hai mặt. Nếu thấy mặt tích cực còn “xài” được thì chúng ta nên hoan hỷ chấp nhận, rồi từ từ chỉnh lý mặt khiếm khuyết. Mình thiểu dục tri túc một chút cũng hay! Sự cầu toàn đôi khi làm khổ mình và khổ người. Và đôi khi cũng phải khế lý khế cơ nữa.

Tôi đi công tác những vùng nông thôn, thấy chùa bày biện rất sặc sỡ, và thờ tùm lum tượng Phật lớn nhỏ, thậm chí tượng Quan Âm Bồ Tát còn choàng áo voan, áo ren y như đang đóng cải lương. Nhưng tôi chấp nhận, vì như thế thì bà con nông thôn mới thích đến chùa, cúng lạy. Nếu mình chê kiểu trang trí như vậy, đến lượt bà con nông thôn lại chê kiểu trang trí của chùa thành phố là “chỉ có một ông Phật trắng toát, ngồi buồn hiu ngay chánh điện”, thì mình nghĩ sao? Chê qua chê lại hoài, PG có lợi không? Thôi, ai thích hợp cái đẹp nào thì cứ cung cấp cho họ, miễn từ đó mà sinh lòng thành kính, ham thích tu học. Pháp thân Phật mới là quan trọng.

Dĩ nhiên những khiếm khuyết cần được lên tiếng, cần được sửa đổi, nhưng mình lên tiếng kiểu nào để người ta chịu nghe, hay là người ta cũng sinh ra bực bội luôn. Và biết đâu mình đang “chấp” mà mình không hay. Mình dễ chấp lắm, vì mình còn là chúng sinh đang lẹt đẹt đường tu, nên cái ngã còn to đùng. Ai làm trái ý mình, dù là ý tốt, thì mình cũng…chịu hông nổi.

Xem ra, chỉ có ông Phật là…chịu nổi, cho nên Phật mới lên bàn thờ mà ngồi, còn mình cứ trôi lăn trong luân hồi sinh tử!