Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Cái cốc của ngài Ajahn Chah

Cái cốc của ngài Ajahn Chah

369

 
Một vị sư Tây phương, nguyên là một nhà sưu tầm đồ cổ, rất say mê những tác phẩm mỹ thuật Á châu, lấy làm sung sướng được nhận lãnh nhiệm vụ quét dọn sạch sẽ cốc của ngài Ajahn Chah hàng ngày. Nhà sư nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để thầy thưởng thức những nghệ thuật phẩm mình hằng ưa thích. Nhà sư nhận chìa khóa, lên cốc mở cửa, nhưng chỉ thấy độc một chiếc giường nhỏ và cái mùng che muỗi. Nhà sư khám phá ra rằng mỗi khi Ajahn Chah nhận được tặng phẩm gì, ngài liền phân phối ngay sau đó, càng sớm càng tốt. Achan Chah không dính mắc vào bất cứ cái gì.

 
Một buổi lễ thiêng liêng, và một ngày nóng bức
 
Ngay thời kỳ Đức Phật, các nhà sư vẫn được mời đi làm lễ ban phước hay đem lại sự an lành cho tín đồ trong những lúc họ gặp khó khăn. Kinh điển có ghi chép chính Đức Phật đã theo tục lệ cổ truyền rảy nước thiêng và ban phúc cho thiện nam tín nữ.
 
Vì phần lớn các nhà sư hiện nay ở Thái Lan chỉ thích nghiên cứu học hỏi kinh điển và lễ lạc mà không chú trọng đến việc hành thiền nên ngài Ajahn Chah thường gọi đùa những nghi lễ này là "Đi ngược đường." Tuy thế, Ajahn Chah cũng dùng nghi lễ khi cần thiết. Một buổi chiều nóng nực, Ajahn Chah được mời xuống phố để thuyết pháp và làm lễ ban phước cho một số tín đồ và học sinh. Sau phần tụng kinh và thuyết pháp thường lệ, Ajahn Chah bưng một bát nước bằng đồng, nối liền với một sợi chỉ chuyền qua tay tám vị sư khác, dẫn đến bức tượng Phật lớn ở tư thế ngồi thiền. Sau phần tụng kinh và lễ dâng hương đèn, Ajahn Chah đứng dậy dùng một nhánh lá cọ rảy nước thiêng để chúc lành cho mọi người đến tham dự buổi thuyết pháp.
 
Môt nhà sư Tây phương trẻ trong phái đoàn chư tăng đến tham dự khởi tâm bất bình. Sau đó, không thể kiên nhẫn được với buổi lễ, than trách với Ajahn Chah:
 
— Tại sao Ngài lại làm những nghi lễ vô bổ và chán ngắt, chẳng phù hợp với việc hành đạo chút nào?
 
Ajahn Chah trách lại:
 
— Dĩ nhiên phải làm, vì một ngày nóng nực như thế này, mọi người đến tham dự đều muốn tắm mát.
 
Chân phép màu
 
Dân làng và Phật tử sống quanh tu viện Wat Pah Pong kể rất nhiều chuyện về phép mầu của ngài Ajahn Chah. Họ nói rằng Ajahn Chah có thể phân thân đến nhiều nơi trong cùng một lúc. Có người quả quyết đã thấy Ajahn Chah phân thân thành hai. Họ nói rằng Ajahn Chah đã dùng phép mầu để chữa bệnh; Ajahn Chah có nhãn thông đã thuần thục trong việc nhập định.
 
Ajahn Chah cười khi nghe được những chuyện này. Phép mầu là vấn đề mà những người chưa giác ngộ cũng như những người chưa thông hiểu sâu xa Phật pháp thường mong cầu và quan tâm. Ajahn Chah nói:
 
— Chỉ có một loại Chân Pháp Mầu. Đó là Giáo Pháp, những lời dạy có khả năng giải thoát tâm và chấm dứt khổ đau. Những pháp mầu khác chỉ là ảo tưởng, thuật tráo bài, mà mắt khiến ta đi trật đường. Đường chính của chúng ta liên quan đến con người, chết sống và tiến đến giải thoát. Ở Wat Pah Pong chỉ dạy có Chân Pháp Mầu mà thôi.
 
Một dịp khác Ajahn Chah nói với chư tăng:
 
— Dĩ nhiên, một khi thiền định thuần thục, có thể dùng thiền định vào những mục tiêu khác như luyện thần thông, làm nước thánh, phúc chúc, làm bùa, tiên đoán việc tương lai, v. v. Nếu đạt tâm định các sư có thể làm được điều đó. Nhưng hành thiền như thế chẳng khác nào uống thuốc độc, uống rượu. Thế thì còn đâu là chánh đạo, con đường Đức Phật đã đi? Ở đây, thiền định (thiền vắng lặng) chỉ dùng làm căn bản cho thiền minh sát, vì vậy không cần phải đạt đến mức thiền định thật cao. Chỉ cần quan sát những gì sinh ra, tiếp tục quan sát nhân và quả, cứ thế tiếp tục quan sát. Bằng cách này chúng ta dùng sự chú tâm để quan sát hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự xúc chạm và những hoạt động của tâm ý và cuối cùng sẽ tìm thấy Pháp Giải Thoát.
 
Theo: Mặt hồ tĩnh lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana