Người ta cho rằng: mỗi người vào mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên trở lại. Nếu gặp sao xấu thì phải cúng dâng sao giải hạn.
Tập tục cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ Lão giáo Trung Hoa. Tập tục này đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Có những tập tục có những tinh hoa và cũng có những hủ tục. Vấn đề là chúng ta biết vun trồng, nuôi dưỡng tinh hoa và cắt tỉa những cành nhánh, độc hại cho cây tập tục, truyền thống.
Tuy có nguồn gốc từ Lão giáo nhưng tập tục này ngày nay lại nghiễm nhiên và hầu như mọi người đều cho rằng nó là của Phật giáo.
Mong ước có một năm tốt đẹp, bình an là những điều ước nguyện đến với bản thân, đến với gia đình và những người thân thương là một nhu cầu, một mong ước tâm linh mà ai cũng mong muốn. Nhưng chúng ta cũng hiểu rất rõ là nếu không tự thân làm những điều lành, xa bỏ những điều mà Đức Phật đã dậy cho con người: Xa lìa sự giết hại con người và với cả loài vật; xa lìa sự không cho mà lấy; xa lìa ngoại tình; xa lìa nói dối; xa lìa với rượu bia và các chất kích thích. Những ai làm được như thế thì tự thân đã được bình an.
Tập tục cúng sao giải hạn, đầu năm cũng như là một phương tiện dẫn dụ con người đến với đạo Phật nhanh nhất, đông nhất, dễ nhất, nhưng khi họ đến với chánh pháp rồi thì cũng phải dần tháo bỏ, hay dẹp gọn phương tiện sang bên, nếu không sẽ gây cản trở cho chính chúng ta.
Có nhiều người đi cúng sao giải hạn đầu năm đã in trên tay hàng xấp giấy ghi rõ tên tuổi để đến mỗi chùa sẽ tìm cách dán trên chiếc chuông, chiếc trống. Nhà chùa không cho dán bên ngoài, thì dán bên trong chuông vậy. Thế là, ôi thôi chiếc chuông, chiếc Trống dầy đặc tên tuổi. Giấy dán lớp lớp, bóc không xuể, vậy đó là hủ tục hay là tinh hoa? Chắc chắn là một hủ tục rồi. Vì làm sao mà chiếc chuông có thể giải được cái hạn mà nó đã chín mùi, quả xấu nó đã trổ.
Ngày 8 tháng giêng âm lịch hàng vạn người đội sớ trên đầu để xin mong được bình an, mong những điều xấu không đến với bản thân và gia đình. Có chùa để gần 03 giờ ( từ 18h – 21h) chỉ để ngồi đọc các tên và tuổi những người có sao xấu mà cũng không hết, các Thầy phải thay nhau đọc, đọc đến khản cả cổ mà danh sách hãy còn hàng xấp.
Những người đến lễ mong được tụng một thời kinh cầu an đầu năm, chờ mãi không được, đành ngao ngán quay về.
Nếu không làm gì, không gieo nhân lành, không tích phước đức mà cứ xin Phật giải sao thì Đức Phật sẽ trở thành Vị gì đây? Trên thực tế, theo đức Phật lịch sử thì chính đức Phật cũng đã tuyên bố có ba điều mà đức Phật không thể độ được, đó là:
– Điều thứ nhất: Đức Phật có thể giúp chúng sinh chuyển các nghiệp khổ đau nhưng không thể chuyển nghiệp xấu của chúng sinh đã đến lúc chín mồi.
– Điều thứ hai: Đức Phật có thể biết nghiệp chung và riêng của chúng sinh song không thể độ được những chúng sinh không có duyên.
– Điều thứ ba: Đức Phật có thể độ vô lượng, vô số chúng sinh, nhưng không thể độ hết tất cả các chúng sinh.
Cốt lõi của đạo Phật là dứt trừ mọi khổ đau, an lạc trong thời hiện tại. Giải thoát khi hết nghiệp báo thân này để không bị đọa kiếp luân hồi. Có người thì lập luận cho rằng cúng sao giải hạn nó chẳng có gì xấu, cần phải cúng sao giải hạn mới thu hút được mọi người đến chùa, nếu không thì không có người tới.
Ý kiến này chỉ đúng khi mà ngôi chùa đó chẳng bao giờ thuyết pháp, hoặc có thì người thuyết giảng chưa truyền tải được tinh thần đạo Phật liên tưởng đến cuộc sống hiện tại, đến những gì thiết thực nhất liên quan đến lỗi khổ niềm đau của từng người. Chưa đủ sức làm nơi nương tựa hay tư vấn cho những người cần tìm được nhà tâm linh cho mình.
Vì vậy mà tại sao chúng ta thấy có nhiều chùa người đến cúng sao giải hạn nhiều hơn đi nghe thuyết pháp.
Muốn thuyết pháp có đông người nghe, thì trước hết người thuyết pháp phải có trình độ thế học, Phật học tinh thâm, uyên bác, mà muốn có được như thế thì các vi Tăng Ni phải không ngừng học, trau dồi kiến thức thì mới nói đúng lời Phật dậy được, chưa cần người đó có năng khiếu hùng biện hay không, nếu có thì càng tốt, còn không có thì cứ nói chân thật, giản đơn, nhưng phải đúng lời kinh kệ của Phật.
Trên thực tế nhiều nhà thuyết pháp đã mang từng chữ Phật dậy đem áp dụng cho cuộc sống thường nhật của những người đang sống tại gia ở mọi thành phần lứa tuổi đã có sức hút mạnh mẽ, hàng ngàn người nghe, số lượt người nghe cứ ngày một tăng, có chùa tới 4-5 giảng đường mà vẫn kín, không còn một chỗ trống. Có chùa, không bao giờ cúng sao giải hạn mà vẫn đông không còn chỗ đứng…
Cúng sao giải hạn là một tập tục tín ngưỡng bao đời nay, khó có thể một sớm, một chiều dứt bỏ được, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng nó biến cái xấu trở thành một cái tốt thì tại sao chúng ta không cố gắng, không làm mà lúc nào cũng vin vào một cái cớ đó là tập tục lâu đời để chúng ta buông mặc.
Giá như chùa Phúc Khánh (Phattuvietnam.net đăng ngày 18/2) có một bài pháp ngắn gọn lồng ghép thuyết giảng cho hàng vạn người đang tràn ngập cả một quãng đường đứng, ngồi chắp tay khấn xin giải sao xấu kia nghe về năm điều Phật dậy hay thuyết giảng 10 phương pháp làm phước báu lớn nhất trong đời người thì có phải là được lợi lạc biết bao nhiêu.
Tâm mọi người sẽ an khi năm nay sao mình xấu đã được xin giải, lại vừa được nghe một bài pháp có lợi lạc thiết thực để tâm mình an lạc, từ nay mình sẽ cố gắng làm những việc lành, tích góp phước đức để tâm an lạc, thảnh thơi …và không có sao nào là xấu nếu mình biết tích Phước, không có sao nào là tốt khi mà tự thân mình không tích Phước.
Người tại gia do chưa hiểu hết tập tục này thì rất cần những người xuất gia hướng dẫn để họ dần tháo bỏ để đi theo chánh pháp. Giống như người đi trên một chuyến đò, khi đến bến thì chiếc đò đó vẫn ở lại dòng sông để chuyên chở người khác qua, chứ không ai vác cả con thuyền đó theo lên bờ mà đi.
Muốn làm được như vậy thì phải có những nhà hoằng pháp có tài và có tâm, mới có cơ hội cắt tỉa những cành nhánh có hại cho Phật giáo lịch sử.
Sài Gòn, tháng 2 năm Quý tỵ
Giác Hạnh Hoa