Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Các trung tâm Phật giáo Việt Nam trong lịch sử trung và...

Các trung tâm Phật giáo Việt Nam trong lịch sử trung và cận đại

989

I. TRUNG TÂM LUY LÂU


1. Lịch sử: Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành đầu tiên ở Việt Nam, có thể sớm hơn cả 2 trung tâm Phật giáo Trung Hoa (Lạc Dương và Bành Thành), gắn liền với việc truyền bá đạo Phật vào Việt Nam, khoảng những năm đầu Công nguyên và phát triển rực rỡ nhiều thế kỷ, cho đến khoảng thế kỷ 13 cuối thời Lý, đầu thời Trần.


2. Vị trí địa lý: Luy Lâu hiện nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nằm ở khoảng giữa vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ, một vùng bình nguyên giữa hai con sông Hồng và sông Đuống.


Theo sử liệu và khảo sát điền dã còn chứng tích, Luy Lâu khoảng đầu thế kỷ thứ I đến thứ VII là một đô thị sầm uất, thủ phủ hành chính của cả Giao Châu (địa phận lãnh thổ Việt Nam thời đó).


Khu vực này, ngoài dấu tích thành cổ Luy Lâu, mộ Sĩ Nhiếp (viên thái thú có công truyền bá văn hoá Hán vào Việt Nam), hiện tại còn một số chùa cổ, tiêu biểu là chùa Dâu. Việc truyền bá và tiếp thu đạo Phật diễn ra sôi nổi bắt đầu từ chính Luy Lâu. Nhiều chuyên gia nghiên cứu Phật giáo cho rằng, nơi đây đã có một hệ thống chùa, tu viện phục vụ cho việc hành đạo, truyền bá đạo Phật.


3. Hoạt động học thuật: Luy Lâu được coi là nơi tu hành của nhiều cao tăng Trung Hoa, Việt Nam và các thiền sư đến từ chính quê hương Phật, trong đó tiêu biểu nhất là thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người đã lập nên một Thiền phái đầu tiên tại Việt Nam.


Ngoài ra, tuy không phải là nơi tu hành của thiền sư lập nên Thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng chắc chắn Luy Lâu cũng là nơi diễn ra các hoạt động hành đạo, nghiên cứu kinh Phật của các thiền sư dòng thiền này.


Theo các nhà nghiên cứu, Trung tâm Luy Lâu là Trung tâm có tổ chức tăng đoàn lớn nhất, sớm nhất, căn cứ vào những tài liệu của Mâu Thường “Lý hoặc luận”, là nơi giao lưu có nhiều thiền sư Ấn Độ, số lượng tăng sĩ theo Thiền Uyển tập anh, có ở Luy Lâu khoảng 500 vị; Luy Lâu cũng là nơi ngay từ đầu Công nguyên đã lưu hành khoảng 15 bộ kinh Phật; hoạt động học thuật, trước tác diễn ra rất sôi nổi.


Tác phẩm được coi là cổ nhất được xuất bản tại Việt Nam, chính là được viết tại Giao Châu thời kỳ Trung tâm Luy Lâu phồn thịnh nhất. Đó là tác phẩm “Lý hoặc luận” do Mâu Tử, một người Trung Hoa đến cư trú tại Giao Châu, diễn đạt việc bảo vệ tư tưởng Phật giáo trước sự bài bác của Nho gia và Đạo gia.


Thời kỳ Luy Lâu, Thiền học Việt Nam cũng bắt đầu phát triển với Khương Tăng Hội, người được coi là đã dịch Lục độ tập kinh, đặt nền móng cho Thiền đại thừa Việt Nam.


4. Hệ thống chùa tiêu biểu thuộc trung tâm Luy Lâu:


a. Chùa Dâu


Chùa Dâu, còn có tên là Diễn ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam, xây dựng năm 187  và hoàn thành năm 226, nằm trong khu vực đô thị cổ Luy Lâu, thủ đô Giao Châu cổ, trong đó chùa Dâu là một trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ Pháp Lội, Pháp Điện), nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt ở vùng Dâu.


Vào cuối thế kỷ 6, nhà sư Tì Ni Đa Lưu Chi từ Trung Quốc đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam.


Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần nay chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời Trần và thời Lê.


Một trong những ấn tượng khó có thể quên được ở nơi đây là những pho tượng thờ. Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2 mét.


Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gót liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Ở hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị Pháp phá hủy, nên tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu.


Tượng Pháp Vũ với những nét thuần Việt, đức độ, cao cả. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18. Bên trái của thượng điện có pho tượng Mặc Đĩnh Chi, tượng được đặt trên một bệ gỗ hình sư tử đội tòa sen, có thể có niên đại thế kỷ 14.


Giữa sân chùa trải rộng là cây tháp Hòa Phong xây bằng gạch cổ cỡ lớn, đã bị mất đi 6 tầng trên, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 mét. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và chiếc khánh đúc năm 1817.


Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán.


b. Chùa Đậu


Chùa Đậu còn có tên là Thành Đạo, Pháp Vũ, chùa Vua, chùa Bà, nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, được khởi dựng từ thế kỷ thứ 3, xây cất lớn vào đời Lý, trùng tu vào đời Lê (thế kỷ 17 -18).


Một số di tích quý còn lại như: khánh đồng to đời Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772), chuông đồng to thời Tây Sơn (1801), 2 tấm gỗ tứ thiết sơn son thếp vàng có chạm 2 bài thơ của vua Lê Hy Tông (1680 – 1705) và vua Lê Dụ Tông (1705 – 1719), một số bia đá cổ và đặc biệt là cuốn sách đồng thi lịch sử chùa có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200 – 210) hiện cất giữ tại chùa cho biết rõ sự tích Phật giáo là toàn Độ du nhập vào Việt Nam, tượng lưu cốt 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường từng trụ trì chùa vào đầu và giữa thế kỷ 17.


Hai tượng nhục thân thiền sư họ Vũ được phát hiện khi đã bị nguy cơ hư hại, năm 1983, Viện Khảo cổ và chuyên gia Nguyên Lân Cường đã tiến hành phục chế, bảo quản 2 pho tượng nhục thân này. Đây là một di vật quý, hiếm thấy, cho biết phương thức tượng táng trong tín ngưỡng thờ Phật ở Việt Nam.


Chùa Đậu nguyên bản thờ Pháp Vũ, một trong tứ pháp trong tín ngưỡng người Việt cổ, nằm trong hệ thống chùa cổ thờ tứ pháp, có mối liên hệ mật thiết với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, thủ đô chính trị của Giao Châu (miền đất Việt Nam thời đầu Công Nguyên).


c. Chùa Kiến Sơ


Chùa tọa lạc ở xã Phù Đồng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa do Thiền sư Cảm Thành dựng trước năm 820. Đến năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu, Trung Quốc sang Việt Nam, được Thiền sư Cảm Thành tôn làm thầy, mời ở lại trụ trì chùa Kiến Sơ. Từ đấy, chùa trở thành xuất phát của Thiền phái Vô Ngôn Thông.


Chùa hiện nay có thờ tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng Lý Công Uẩn và thân mẫu của ông…. Chính Lý Công Uẩn hay lui tới chùa nên khi lên làm vua là Lý Thái Tổ (1010 – 1028), nhà vua thường thỉnh Thiền sư Đa Bảo (đời thứ 5 dòng Vô Ngôn Thông) vào cung thưa hỏi yếu chỉ Thiền và vua đã xuống chiếu trùng tu chùa.


Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Di tích cổ còn rất ít. Chùa còn giữ chiếc khánh đá bề ngang 2,3m, cao 0,60m, dày 0,17m.


e. Chùa Tiêu Sơn


Tiêu Sơn tự (còn có các tên: chùa Thiên Tâm, Lục Tổ) tọa lạc trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.


Chùa Tiêu Sơn là nơi trụ trì của Thiền sư Vạn Hạnh, vị tổ thuộc phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, chính Vạn Hanh đã nuôi dưỡng và hun đúc tài năng Lý Công Uẩn tại đây. Dân gian coi chùa Tiêu là nơi.khởi phát của nhà Lý. Thiền sư Vạn Hạnh được phong Quốc sư, chùa Tiêu Sơn là một trung tâm Phật giáo hàng đầu thời Lý.


Vai trò Trung tâm Phật giáo của chùa Tiêu còn được tiếp nối truyền thống đến thời Lê Trung Hưng, với sự trụ trì của Thiền sư Như Trí. Đến nay nhục thân của Thiền sư Như Trí, một trong 4 pho tượng nhục thân còn phát hiện thấy tại Việt Nam đã được trùng tu và được coi là bảo vật vô giá.


Thời Thiền sư Như Trí, nhiều kinh Phật và tác phẩm Phật học đã được khắc in tại đây, trong đó có bản Thiền Uyển Tập Anh khắc in năm 1715.


f. Chùa Phật Tích


Chùa Phật Tích thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nằm trên sườn núi Lạn Kha, cách Hà Nội khoảng 20 km, xây khoảng thế kỷ thứ VII – X, được trùng tu nhiều lần ở thời Lê, Nguyễn.


Do chiến tranh, chùa bị phá huỷ, nay chỉ còn giếng rồng, 10 con thứ bằng đá có niên đất thời Lý, và 2 di vật thuộc loại “quốc bảo” tà pho tượng nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết trụ trì cách đây 300 – 400 năm và pho tượng Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m, là một kiệt tác điêu khắc bằng đá có niên đại cổ nhất Việt Nam.


Theo thư tịch cổ, chùa Phật tích là nơi được vua Lý Thái tông xây Thiền viện để lưu trữ kinh Phật, vua Lý Thánh tông cho dựng tháp cao trên núi (năm 1066) và viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (năm 1071).


Nơi đây có hệ thống chùa lộng lẫy nhất Việt Nam dưới thời Lý Trần, là trung tâm Phật giáo có sức sống lâu bền, còn sôi động đến thời Lê trung hưng.


Khoảng thế kỷ 17, sau khi Thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ từ Trung Hoa đến Đại Việt, trụ trì tại Phật Tích, đưa dòng Thiền Lâm Tế đến Việt Nam, hoạt động học thuật ở Phật Tích trở nên rất sôi nổi, trong đó có việc dịch kinh Phật do Thiền sư Chuyết Chuyết mang sang, có việc phục hồi, in ấn các bản kinh Phật, tác phẩm từ thời Lý Trần.


Sau Chuyết Chuyết, các thiền sư tại Trung tâm Phật tích đã có những cố gắng phục hưng Thiền phái Trúc Lâm.


II. TRUNG TÂM PHẬT GIÁO THĂNG LONG


1. Vị trí, vai trò của Trung tâm Phật giáo Thăng Long: Nhà Lý chú trong dùng đạo Phật phục vụ cho việc xây dựng vương triều gìn giữ độc lập, đưa Thăng Long thành một trung tâm văn hoá, chính trị lớn, cũng là một Trung tâm Phật giáo, nhất là sau khi hình thành Thiền phái Thảo Đường.


Thời Lý, do việc đặt ra các chức quan chuyên trách về tăng sĩ là Tăng thống, tăng lục, Quốc sư, nên kinh đô trở thành một trung tâm hoạt động Phật giáo lớn.


Nhà Lý xây dựng chùa quanh khu vực Thăng Long, hầu như các làng đều có chùa. Công trình kiến trúc Phật giáo lớn và đặc sắc cũng được xây dựng ở Thăng Long như Chùa Một Cột, Chùa tháp Báo Thiên, Chùa Quỳnh Lâm, Chùa Khai Quốc…


Vào năm 1069, sau cuộc chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, Lý Thánh Tông bắt được một nhà sư tù binh, sau phát hiện là một cao tăng bèn trọng dụng, cho làm Quốc sư trụ trì chùa Khai Quốc, lập nên Thiền phái Thảo Đường.


Thảo Đường đã đáp ứng nhu cầu đưa Phật giáo vốn phát triển sâu rộng trong dân gian đến với tầng lớp quan lại Nho học, kéo Phật giáo bản địa từ đại chúng trở nên trí thức hoá, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền độc lập và vương triều.


Trong số 19 người tổ của 7 thế hệ Thảo Đường, có đến 9 vị cư sĩ là vua hoặc quan lại cao cấp. Điều đó chứng tỏ kinh thành Thăng Long trở thành một Trung tâm Phật giáo quan trọng nhất thời Lý, bên cạnh Trung tâm Luy Lâu và Phật Tích vẫn đang phát triển sầm uất.


2. Một số ngôi chùa tiêu biểu:


a. Chùa Một Cột


Hiện nay, chùa lọt giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất (1409) đời Lý Thái Tông. Vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà nên xây dựng chùa cầu Phật được trường thọ, nên gọi là chùa Diên Hựu. Chùa xây trên một cột đá nên thường gọi là Nhất Trụ (Một Cột).


Theo văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh chùa Long Đọi (Nam Hà) dựng năm 1121, quy mô chùa Một Cột vào thế kỷ 12 to lớn lộng lẫy hơn như hiện nay rất nhiều. Hiện nay, toàn bộ ngôi chùa bằng gỗ, hình vuông, mỗi cạnh 3m, đặt trên một cột đá tròn cao 4m, đường kính 1,25m.


b. Chùa Trấn Quốc


Hiện nay, chùa nằm trên bán đảo nhỏ nhô ra Hồ Tây. Chùa nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý Nam Đế (541 -547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng, thuộc phường An Phụ, năm Lê Hoằng Định (1615) mới dời về vị trí hiện tại, là nền cũ cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Khoảng Chính hoà (1680 – 1704), vua đến chơi, đổi tên chùa là Trấn Quốc.


Chùa vốn là một trung tâm Phật giáo thời Lý, nơi trụ trì của nhà sư Thảo Đường, lập nên dòng Thiền Thảo Đường, tồn tại cùng với 2 dòng Thiền vốn đã có trong đời sống Phật giáo Việt Nam thời đó (Vô Ngôn Thông và Tỳ Ni Đa Lưu Chi).


Chùa còn có 14 tấm bia, trong đó có bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng năm 1639 và 1015…


c. Chùa Cổ Lễ


Chùa tên chữ là Thần Quang, thường gọi là chùa Cổ Lễ, tọa lạc ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà. Tương truyền, chùa do Thiền sư Minh Không thời Lý Thần tông (thế kỷ 11) sáng lập. Ngôi chùa hiện nay do Hòa thượng Quang Tuyên tạo dựng vào năm 1920 và được trùng tu nhiều lần.


Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng (đế tháp đặt trên lưng một con rùa lớn đầu quay vào chùa), cao 32m, có 8 mặt, dựng năm 1926. Giữa sân chùa có đại hồng chung nặng 9 tấn, cao 3,20m, đúc vào năm 1936.


Kiến trúc chùa mang tính độc đáo, là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố gô-tích của Châu Âu. Tòa thượng điện được bài trí đặc biệt, tượng đức Phật sơn son thếp vàng cao khoảng 4m được đặt ở tầng cao, gần mái vòm gô-tích. Mặt sau có thờ tượng Quốc sư Minh Không.


III. TRUNG TÂM YÊN TỬ VÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM


Yên Tử là một đỉnh núi nằm trong dãy núi thuộc Vòng cung Đông Triều, cách Thăng Long khoảng 70 cây số, có địa thế tốt theo quan niệm phong thuỷ, mạch núi châu về kinh đô, nhìn ra biển lớn.


Theo truyền thuyết, tại Yên Tử đã có nhà sư Ấn Độ đến tu tập từ thời đầu công nguyên (truyền thuyết về An Kỳ Sinh). Vào thời Trần, Yên Tử trở thành linh sơn của triều Trần, do nằm ở vùng dấy nghiệp của nhà Trần, án ngữ con đường thuỷ huyết mạch từ biển đến kinh thành.


Từ vị vua đầu triều Trần Thái Tông, tại Yên Tử đã có một hệ phái Thiền có khuynh hướng độc lập, dưới ảnh hưởng của Trúc Lâm thiền sư, hay sư Đạo Viên, còn gọi là Phù Vân quốc sư, được nhà Trần phong là Quốc sư.


Hoạt động Phật giáo mạnh mẽ ở Yên Tử, căn cứ vào sử thành văn, có thể hình dung được, vì Trần Thái Tông một lần bỏ ngôi vua định vào tu ở Yên Tử, Trần Nhân Tông cũng có 1 lần có ý định nhường ngôi cho em đi tu ở Yên Tử, cuối cùng chính nhà vua sau khi nhường ngôi cho vua Anh Tông, thành Thái thượng hoàng thì đã đến Hoa Yên trở thành Vua Phật, Điều Ngự Giác Hoàng.


Từ Trần Nhân Tông, Thiền phái Trúc Lâm chính thức trở thành một Thiền phái mang tính dân tộc sâu sắc. Là Thiền phái do chính cao tăng Việt Nam lập ra, hành đạo theo lối Việt, dành cho người Việt. Trúc Lâm Thiền phái dung hợp cả 3 dòng Thiền chính vốn đã có trước ở thời kỳ đó (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường), là dòng thiền nhập thế, phù hợp với tư duy của người Việt.


Tăng đoàn có tổ chức lần đầu tiên cũng hình thành ở chính Yên Tử với các vị tổ kế tiếp của phái Trúc Lâm là Pháp Loa và Huyền Quang. Hoạt động trước thuật chắc chắn là rất phát triển, những tác phẩm quan trọng nhất của Thiền Việt Nam xuất hiện ở giai đoạn Trúc Lâm hưng thịnh.


a. Chùa Hoa Yên núi Yên Tử


Khu vực núi Yên Tử có một hệ thống gần 10 chùa, trải dài khoảng 20 km, từ chùa Bí Thượng đến chùa Đồng (độ cao 1065 mét), thuộc xã Thượng Yên Công và Phương Đông thuộc thị xã Uống Bí – Quảng Ninh, trong đó trung tâm là chùa Hoa Yên ở lưng chừng núi Yên Tử (độ cao 516 mét).


Hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia Phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngôi thiền và viên tịnh ngày 1/1/1308. Yên Tử là linh địa nơi sinh ra đạo Phật Việt Nam.


Chùa này vốn được dựng từ đời Lý, tên là Phù Vân; tới đời Trần đổi tên là Vân Yên: vào đời Lê, vua Lê Thánh Tông ngự du thăm chùa, thấy hoa cỏ xanh tươi, mới đặt tên là Hoa Yên.


Chùa đã là nơi tu hành của nhiều cao tăng, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở đây những năm cuối đời, lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Đến Huyền Quang, tổ thứ ba của Trúc Lâm cũng trụ trì ở Hoa Yên.


Trong chùa Hoa Yên, ở chính điên, có bức hoành phi đề “Trúc Lâm Tam Tổ”: Có ba pho tương, ngự toà sen, pho ngự ở giữa, là vua Trần Nhân Tông, bên trái là ngài Pháp Loa đệ Nhị tổ, bên phải là Huyền Quang đệ Tam tổ. ….


Tại Hoa Yên, còn có một số tháp, thấp thoáng dưới bóng những cây đại cổ thụ, lưu giữ kỷ niệm về một thời huy hoàng của Phật giáo Việt Nam.


b. Chùa Quỳnh Lâm


Chùa Quỳnh Lâm xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được khởi dựng từ thời Lý. Chùa từng là nơi trụ trì của nhiều vị Thiền sư danh tiếng như Quốc sư Nguyễn Minh Không (đời Vua Lý Thần Tông), Thiền sư Pháp Loa (vị tổ thứ 2 của phái Thiền Trúc Lâm), Thiền sư Chân Nguyên (thời Hậu Lê)… và trở thành một trung tâm Phật giáo của cả nước từ lúc Thiền sư Pháp Loa lập Viện Quỳnh Lâm vào năm 1317 với kiến trúc đồ sộ và hoàn chỉnh vào năm 1329.


Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”. Đây là nơi trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật, nhiều hội lớn có tiếng trong sử sách được tổ chức tại đây như hội “Thiên Phật bảy ngày, bảy đêm” (1352)…


Hiện ở sân trước chùa có nhiều tháp cổ, trong đó có tháp Tuệ Quang là tháp mộ Thiền sư Chân Nguyên dựng năm 1726. Đặc biệt, chùa còn giữ một tấm bia thời Lý cao 2,43m, ngang 1,54m khắc chữ hai mặt và một số di vật bằng đá, đất nung cổ.


c. Chùa Vĩnh Nghiêm


Chùa ở thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Chùa này nằm ở cho hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn gọi là khu vực ngã ba Phượng Nhãn. Chùa nhìn ra ngã ba sông và nhìn về phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc.


Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ nổi tiếng có từ thời Lý, Trần (thế kỷ XII – XIII) thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm. Theo bi ký, chính tại nơi đây Pháp Loa tu hành, vua Trần Nhân Tông đến thăm và phát hiện Pháp Loa, truyền tâm ấn cho Pháp Loa thành tổ đệ nhị Thiền phái Trúc Lâm. Hiện nay, chùa thờ cả 3 vị tam tổ Trúc Lâm (Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).