Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Các đại hội Phật giáo toàn quốc kể từ khi thống nhất...

Các đại hội Phật giáo toàn quốc kể từ khi thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981

729

1. Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam (Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất)


Được tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Đại hội diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, với sự tham dự của 168 vị giáo phẩm Tăng Ni, Cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái tham dự: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội thiên thai giáo quán tông, Hội Phật học Nam Việt, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh, Hội đoàn kết sư sãi miền Tây Nam Bộ…


Đại hội lần thứ nhất đánh dấu sự thành lập GHPGVN – ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Sự ra đời của GHPGVN đã đánh dấu một mốc son lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam thực sự đã có một tổ chức chung, thống nhất, đáp ứng nguyện vọng theo mong mỏi từ rất lâu của các bậc tôn túc giáo phẩm, cao Tăng thạc đức và đông đảo Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam.


Nhiệm kỳ đầu của GHPGVN thành lập được Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội (nay là Học viện PGVN tại HN) và Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh (nay là HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh).


Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ, Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm đệ nhất Phó Pháp Chủ kiêm giám luật và suy cử Hòa thượng Thích Trí Thủ (nguyên Viện trưởng Viện hóa đạo GHPGVNTN) làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự.


Hội đồng Chứng minh gồm 50 thành viên và Hội đồng Trị sự gồm 49 thành viên.









Đại diện các Giáo hội, hệ phái ký văn bản gia nhập ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam


















Đại hội biểu quyết



Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam chụp hình trước chính điện chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương Giáo hội



Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng tiếp đón chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.



Đức Đệ Nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận phát biểu


2. Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II


Được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 29/10/1987 với hơn 200 đại biểu chính thức tham dự.


Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ, và suy cử Hòa thượng Thích Trí Tịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện hóa đạo GHPGVNTN) làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự.


Hội đồng Chứng minh gồm 37 thành viên và Hội đồng Trị sự gồm 60 thành viên. Đại hội thông qua danh sách tấn phong giáo phẩm gồm 40 vị lên giáo phẩm Hòa thượng, 22 vị lên giáo phẩm Thượng tọa, 12 vị lên giáo phẩm Ni trưởng, 28 vị lên giáo phẩm Ni sư.


3. Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III:


Được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 3/11 đến ngày 4/11/1992 với 227 đại biểu chính thức của 43 đoàn đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Đại hội.


Theo thống kê của Giáo hội thì cả nước có 15.777 Tăng Ni, 8.463 cơ sở thờ tự Phật giáo, thành lập được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, thành lập Hội đồng phiên dịch Đại tạng kinh… Cả nước có 39 ban trị sự, ban đại diện Phật giáo cấp tỉnh, tổ chức 17 trường cơ bản Phật học (nay đổi tên thành trường trung cấp Phật học).


Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ, và suy cử Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự.


Hội đồng Chứng minh gồm 33 thành viên và Hội đồng Trị sự gồm 70 vị.


Đại hội cũng thông qua danh sách tấn phong giáo phẩm gồm 72 vị lên giáo phẩm Hòa thượng, 130 vị lên giáo phẩm Thượng tọa, 32 vị lên giáo phẩm Ni trưởng, 103 vị lên giáo phẩm Ni sư.





4. Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV:


Đại hội diễn ra từ ngày 22/11 đến ngày 23/11/1997 với 320 đại biểu chính thức tham dự Đại hội.


Thời kỳ này, cả nước có 28.787 Tăng Ni, 14.048 ngôi chùa, 3 học viện Phật giáo, 3 trường cao đẳng. Ngoài ra còn có 25 trường cơ bản Phật học (nay là Trung cấp Phật học), 46 ban trị sự, ban đại diện Phật giáo cấp tỉnh.


Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Tâm Tịch làm Pháp chủ và suy cử Hòa thượng Thích  Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự.


Hội đồng Chứng minh gồm 67 thành viên và Hội đồng Trị sự gồm 94 thành viên.


Đại hội đang thông qua hiến chương sửa đổi.



5. Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V:


Đại hội chính thức diễn ra từ ngày 4/12 đến ngày 5/12/2002, với 527 đại biểu chính thức tham dự.


Cả nước có 36.512 Tăng Ni, 14.321 ngôi chùa, 3 học viện Phật giáo, 5 trường cao đẳng, ngoài ra còn có 30 trường trung cấp Phật học. Cả nước có 47 ban trị sự, ban đại diện Phật giáo cấp tỉnh.


Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Tâm Tịch là Pháp chủ và suy cử Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự.


Hội đồng Chứng minh gồm 85 thành viên và Hội đồng Trị sự gồm 95 thành viên chính thức và 24 thành viên dự khuyết.


Đại hội thông qua danh sách tấn phong giáo phẩm gồm 137 vị lên giáo phẩm Hòa thượng, 419 vị lên giáo phẩm Thượng tọa, 75 vị lên giáo phẩm Ni trưởng, 315 vị lên giáo phẩm Ni sư.


Theo nhiệm kỳ, năm 2007 là năm tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI. Đại hội dự kiến được tổ chức từ ngày 11 – 14/12/2007 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội với số lượng khoảng 850 đại biểu chính thức. Đại hội sẽ suy tôn Đệ tam Pháp chủ, suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự, thông qua Dự thảo tu sửa Hiến chương GHPGVN.





Hội đồng Chứng minh yết ma suy tôn Pháp chủ